Những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên được duy trì ổn định, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực, đóng góp vào tăng trưởng, khẳng định rõ là một trong những trụ đỡ trong kinh tế của Tỉnh. Tăng trưởng toàn Ngành giai đoạn 2021-2023 bình quân đạt 5,3%/năm; Giá trị sản xuất ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2023 đạt 4.366,2 tỷ đồng, tăng 538,9 tỷ đồng so với năm 2020.
Đặc biệt, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã và đang mang lại những kết quả tích cực khi các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Điện Biên ngày càng khẳng định được chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, nhiều sản phẩm nông nghiệp đã trở thành “thương hiệu” của Điện Biên. Với các chính sách khuyến khích, ưu đãi, Điện Biên đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; trong đó có nhiều doanh nghiệp đầu tư hệ thống sản xuất gắn với vùng nguyên liệu chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn Tỉnh đã thu hút được 16 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, với tổng mức đầu tư đăng ký là 11.981,29 tỷ đồng...
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu Quốc hội thưởng thức cà phê Arabica Mường Ảng
và tham quan góc trưng bày sản phẩm bên hành lang Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Trên cơ sở định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; tiềm năng, lợi thế của địa phương và dự báo nhu cầu thị trường, tỉnh Điện Biên đã tổ chức rà soát, phân loại để cơ cấu các nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương gồm 11 nhóm thuộc các lĩnh vực: Trồng trọt (7), chăn nuôi (1), lâm nghiệp (2), thủy sản (1). Trong 11 nhóm sản phẩm chủ lực của Tỉnh có 5 nhóm sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia.
Đồng thời, Điện Biên thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn; tăng cường phối hợp, liên hệ, kêu gọi thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp của Tỉnh theo hướng liên kết gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm bền vững. Đặc biệt, tư duy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi liên kết bền vững gắn với các sản phẩm chủ lực, lợi thế.
Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên chủ trì Hội nghị xét công nhận các xã
đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023
Trong ngành Nông nghiệp, lĩnh vực trồng trọt có kết quả đậm nét hơn cả. Trên cơ sở rà soát quy hoạch, đánh giá lợi thế và nhu cầu thị trường các địa phương, Tỉnh đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, nhằm nâng cao hiệu quả và thu nhập cho người sản xuất. Từ năm 2021 đến nay, toàn Tỉnh đã thực hiện chuyển đổi 2.769,04 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác; diện tích sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ là 21,5 ha (01 ha rau, 5,5 ha cây ăn quả, 02 ha chè và 10 ha lúa).
Xuất phát từ nhu cầu tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn, thuận lợi cho ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất; tạo ra ngày càng nhiều vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, chất lượng cao, bước đầu trên địa bàn tỉnh đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa như: Vùng sản xuất lúa tập trung với quy mô khoảng 4.000 ha tại các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng và thành phố Điện Biên Phủ; vùng chè Shan tuyết tại huyện Tủa Chùa sản xuất theo hướng hữu cơ quy mô 600 ha; vùng sản xuất Cà phê tại các huyện Mường Ảng, Tuần Giáo, quy mô khoảng 3.000 ha; vùng sản xuất rau tại huyện Điện Biên, Tuần Giáo và thành phố Điện Biên Phủ, quy mô 230 ha; vùng trồng cây ăn quả tập trung tại các huyện: Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo quy mô khoảng 3.000 ha.
Hội đồng cấp tỉnh bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2023
Về lĩnh vực chăn nuôi: Xác định đối tượng chủ lực để cơ cấu lại là trâu, bò, dê, Ngành đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển, giống vật nuôi được quan tâm, một số tiến bộ kỹ thuật được áp dụng như: Thụ tinh nhân tạo bò, lợn; sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất như các giống lợn đực: Yorkshire, Duroc, Landrace; các giống bò lai Sind... được ứng dụng trong sản xuất chăn nuôi tại các trang trại, gia đình. Chăn nuôi trang trại công nghiệp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, quy trình khép kín đã và đang thực hiện tốt tại các trang trại, chăn nuôi nông hộ áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học với các giống lợn cao sản, giống bò lai, gà lai được đưa vào nuôi theo hướng hàng hóa đã tác động làm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Tới thời điểm hiện tại, toàn Tỉnh có 03 trang trại chăn nuôi, 05 trang trại tổng hợp.
Trong lĩnh vực thuỷ sản: Việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất thủy sản được chú trọng, đã triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Lăng chấm, ương giống cá Hồi vân trong bể, nuôi cá diêu hồng, cá tầm trong lồng bè, nuôi cá rô phi đơn tính bằng công nghệ Biofloc nhằm tăng năng suất, hiệu quả trên một đơn vị diện tích. Thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thủy sản như: Dự án nuôi cá tầm, cá hồi nước lạnh tại xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo; nuôi cá lồng, cá bè tại hồ Pa Khoang, hồ Hồng Khếnh, hồ Pe Luông...
Huyện Điện Biên huy động, lồng ghép các nguồn vốn tập trung hoàn thiện tiêu chí giao thông trên địa bàn
Về lĩnh vực lâm nghiệp: Cơ cấu lại lĩnh vực lâm nghiệp được Điện Biên thực hiện thông qua 3 nhiệm vụ lớn: (1) Quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả tài nguyên rừng; (2) Nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp; (3) Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ môi trường rừng, quản lý rừng bền vững. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn Tỉnh đã đạt được một số thành tựu nhất định, hiện nay tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 44,01%, thuộc nhóm cao trong cả nước. Công tác giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tiếp tục được chỉ đạo thực hiện quyết liệt.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp, trong những năm qua, thực hiện chủ trương thu hút các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp, nông thôn, tỉnh Điện Biên đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 13 dự án trồng cây Mắc ca theo hướng tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tại một số địa phương, người dân đã bắt đầu quan tâm đến việc trồng những loài cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao, các loài cây có khả năng cho thu lâm sản phụ để tăng thu nhập như Giổi găng, Giổi xanh, Quế, Trám đen…
Diện tích trồng cây Mắc ca tại xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. (Ảnh: TTXVN)
Về thực hiện Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới: Tỉnh Điện Biên xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới với rất nhiều khó khăn, là một tỉnh miền núi, thuần nông nên các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, trình độ nhận thức của đồng bào còn hạn chế, phân bố dân cư không đồng đều... tình trạng buôn bán ma túy, dân di cư tự do còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở một số địa phương. Song được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ với khu vực miền núi nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng; sự giúp đỡ của các Bộ, ban ngành Trung ương cùng tinh thần đoàn kết quý báu và tính đồng thuận cao của cộng đồng dân cư, toàn Tỉnh triển khai thực hiện Chương trình với quyết tâm rất cao.
Xác định làm nông thôn mới có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, Điện Biên thực hiện xây dựng nông thôn mới với phương châm dễ làm trước, khó làm sau, cấp xã chưa thực hiện được thì tiến hành xây dựng thôn, bản đạt chuẩn. Đến nay, toàn tỉnh có 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 23/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 35/115 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 46/115 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 11 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, số tiêu chí bình quân đạt 14,3 tiêu chí/xã; Có 179 thôn, bản được công nhận thôn bản nông thôn mới và thôn bản nông thôn mới kiểu mẫu.
Cánh đồng Mường Thanh là vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo chất lượng cao của tỉnh Điện Biên
Nhằm tạo nền tảng vững chắc cho việc xây dựng nông thôn mới, tỉnh Điện Biên cũng chú trọng xây dựng các sản phẩm OCOP với 72 sản phẩm thuộc 34 xã trên toàn Tỉnh đã được chứng nhận (67 sản phẩm 3 sao, 05 sản phẩm OCOP 04 sao). Thực tế tại tỉnh Điện Biên cho thấy, muốn sản xuất nông nghiệp hiệu quả, phát triển nông thôn bền vững phải xây dựng những sản phẩm mang tính hàng hóa, có liên kết trong sản xuất và tiêu thụ để tạo nên giá trị gia tăng của sản phẩm. Tuy nhiên, đây cũng là khó khăn nhất hiện nay trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình OCOP, bởi đa số sản phẩm đặc sản được sản xuất thủ công, số lượng có hạn, khó mở rộng vùng nguyên liệu. Vấn đề liên kết sản xuất giữa các Doanh nghiệp, HTX, chủ cơ sở sản xuất với các hộ dân vẫn còn lỏng lẻo, dễ đứt gãy./.
Lò Văn Cương
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Điện Biên