Năm 2024, cùng với các địa phương trên cả nước, tỉnh An Giang phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục phấn đấu với quyết tâm cao thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Những nỗ lực của toàn thể chính quyền và Nhân dân trong Tỉnh đã đem lại thành quả tích cực, là động lực để An Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024 cũng như cả giai đoạn 2021-2025.
Một số kết quả tích cực
Ngày 25/3/2024, UBND tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh năm 2024, nhằm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trong năm 2024. Trong 6 tháng đầu năm 2024, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh và sự hỗ trợ tích cực từ các Sở, ban ngành tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỉnh tăng cường tuyên truyền về thực hiện xây dựng nông thôn mới theo hướng “Toàn diện, nâng cao và bền vững”, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Tính đến nửa đầu năm 2024, toàn tỉnh có 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, gồm: Thành phố Châu Đốc, thành phố Long Xuyên và huyện Thoại Sơn. Cùng với đó, 76/110 xã của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 69,09; 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt tỷ lệ 44,74%; 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 14 ấp tại các xã biên giới, xã khó khăn đạt chuẩn “Ấp nông thôn mới”.
Diện mạo nông thôn tỉnh An Giang đổi thay từng ngày với sự góp sức của Chương trình MTQG
xây dựng nông thôn mới
Về thực hiện Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, toàn tỉnh An Giang có 82/110 xã đạt tiêu chí quy hoạch; 91/110 xã đạt tiêu chí giao thông; 110/110 xã đạt tiêu chí thủy lợi và phòng, chống thiên tai; 102/110 xã đạt tiêu chí điện; 76/110 xã đạt tiêu chí trường học; 97/110 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa; 102/110 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 109/110 xã đạt chuẩn tiêu chí về thông tin và truyền thông; 98/110 xã đạt tiêu chí về nhà ở dân cư; 75/110 xã có thu nhập từ 59 triệu đồng trở lên; 76/110 xã đạt chuẩn tiêu chí nghèo đa chiều; 76/110 xã đạt tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; 105/110 xã đạt tiêu chí giáo dục; 84/110 xã đạt tiêu chí về y tế; 110/110 xã đạt tiêu chí về văn hóa; 76/110 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm; 92/110 xã đạt tiêu chí hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; 101/110 xã đạt tiêu chí quốc phòng và an ninh.
Kết quả thực hiện bộ tiêu chí huyện nông thôn mới cho thấy, huyện Thoại Sơn duy trì, nâng chất đạt 9/9 tiêu chí, 36/36 chỉ tiêu; huyện Chợ Mới thực hiện đạt 7/9 tiêu chí, 28/36 chỉ tiêu; huyện Châu Thành đạt 4/9 tiêu chí, 27/36 chỉ tiêu.
Có thể nói, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã góp phần tích cực làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới ở An Giang. Đến nay, vùng đất quê hương của “Sơn Kỳ Thủy Tú” đã có những khởi sắc rõ rệt, hạ tầng kinh tế xã hội được cải thiện theo hướng đồng bộ; diện mạo nông thôn ngày càng khang trang; lĩnh vực giáo dục, văn hóa, y tế, thương mại nông thôn được tập trung đầu tư nâng cao chất lượng. Qua đó, vùng nông thôn An Giang từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, đồng thời, đang dần bắt kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực hành thị, thu hẹp dần khoảng cách với khu vực đô thị.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Qua hết nửa đầu năm 2024, Tỉnh đã đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP được 135 sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” từ 3 sao trở lên, có 02 sản phẩm 5 sao, 16 sản phẩm 4 sao (3 sản phẩm tiềm năng 5 sao), 117 sản phẩm 3 sao của 96 chủ thể kinh tế. Trong đó có 108 sản phẩm còn thời hạn chứng nhận “Sản phẩm OCOP” từ 3 sao trở lên, gồm có: 02 sản phẩm 5 sao, 10 sản phẩm 4 sao (3 sản phẩm tiềm năng 5 sao), 96 sản phẩm 3 sao của 80 chủ thể kinh tế. Bên cạnh đó, Tỉnh còn tập trung triển khai thực hiện mô hình thí điểm “Phát triển sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch cộng đồng tại 03 xã Cù Lao Giêng thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang” tại các xã Bình Phước Xuân, Tấn Mỹ và Mỹ Hiệp thuộc huyện Chợ Mới.
Phát triển du lịch nông thôn được chú trọng và tích cực đẩy mạnh bằng nhiều chính sách và mô hình hiệu quả với chủ trương xây dựng kế hoạch thực hiện hỗ trợ phát triển mô hình và sản phẩm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Trong 06 tháng đầu năm 2024, Tỉnh đã tổ chức triển khai 65 mô hình sản xuất phục vụ xây dựng nông thôn mới (10 mô hình cấp tỉnh và 55 mô hình cấp huyện). Điển hình như: Ứng dụng các khoa học và công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp góp phần giảm sử dụng phân bón, giảm công lao động, hạn chế tối thiểu ô nhiễm môi trường, giảm phát thải nhà kính, gắn liên kết tiêu thụ góp phần năng tăng suất, tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập và tạo việc làm ổn định cho người dân nông thôn. Ngoài ra, Tỉnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng hoa phục vụ du lịch tại tỉnh An Giang” và 03 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở nhằm hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ góp phần nâng cao thu nhập của người dân nông thôn.
Ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ số vào xây dựng nông thôn mới được An Giang tích cực triển khai
Ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới cũng được quan tâm đẩy mạnh nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh. Trong đó, mô hình xã nông thôn mới thông minh Thoại Giang là một trong chín mô hình được lựa chọn thí điểm trên toàn quốc.
Quyết tâm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Tại Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh năm 2024, An Giang đặt mục tiêu có thêm 05 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới gồm: Xã Tân Thạnh, xã Lê Chánh (Tân Châu); xã Vĩnh Lợi, xã Tân Phú (Châu Thành); xã Bình Phú (Châu Phú); 05 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao gồm: Xã An Thạnh Trung (Chợ Mới), xã Tân An (Tân Châu), xã Mỹ Đức (Châu Phú) xã An Hòa (Châu Thành) và xã Lương Phi (Tri Tôn); 01 xã đạt chuẩn xã nông thôn thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, phấn đấu có 20 ấp tại các xã biên giới, xã khó khăn trên địa bàn tỉnh được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện công nhận đạt chuẩn “Ấp nông thôn mới”. Toàn tỉnh vẫn duy trì, nâng chất 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, bao gồm: Thành phố Châu Đốc, thành phố Long Xuyên và huyện Thoại Sơn. Trong đó, huyện Thoại Sơn duy trì các tiêu chí, chỉ tiêu xét đạt huyện nông thôn mới nâng cao. Đối với tiêu chí xã nông thôn mới về Thông tin và Truyền thông (Tiêu chí 8), phấn đấu có 110/110 xã đạt tiêu chí này, chiếm tỷ lệ 100%.
Trong quá trình thực hiện các mục tiêu đặt ra, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả xây dựng nông thôn mới tại An Giang. Điển hình là nguồn lực triển khai Chương trình còn hạn chế, chưa có những chính sách riêng và cụ thể để thực hiện chương trình OCOP; huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn xã hội hóa; tiến độ thực hiện giải ngân thanh quyết toán các nguồn vốn được phân bổ còn rất chậm; doanh nghiệp chế biến trên địa bàn chưa phát triển; chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã nông nghiệp còn hạn chế, một số Hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả chưa cao...
Nông thôn mới An Giang khang trang, sạch đẹp
Tuy nhiên, với sự quyết tâm đồng lòng của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, những tháng cuối năm, An Giang đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khắc phục khó khăn, hạn chế nhằm bứt phá, hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới cả năm. Các giải pháp cụ thể gồm:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM, tạo sự lan tỏa rộng lớn trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân.
Thứ hai, chú trọng công tác bảo vệ môi trường, đẩy mạnh thực hiện các mô hình cảnh quan không gian sáng xanh sạch đẹp, mô hình thu gom rác thải bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với phát triển công nghiệp chế biến.
Thứ ba, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa các Sở, ngành tỉnh và các địa phương trong công tác tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG trong trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện Chương trình.
Thứ tư, triển khai hiệu quả 11 nội dung của Chương trình; 06 chương trình chuyên đề trọng tâm, nhất là các mô hình chỉ đạo điểm của trung ương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng NTM, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM được Quốc hội, Chính phủ giao.
Thứ năm, tiếp tục triển khai các giải pháp huy động tối đa các nguồn lực thực hiện chương trình. Quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được giao đảm bảo hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật. Quyết tâm giải ngân 100% vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia theo Kế hoạch được giao của năm 2022 và 2023. Tăng cường các hoạt động vận động xã hội hóa các nguồn lực từ Mạnh Thường Quân, nông dân, Doanh nghiệp để hỗ trợ thực hiện Chương trình.
Thứ sáu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội các cấp trong công tác giám sát, phản biện xã hội, lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân đối với kết quả thực hiện Chương trình. Kịp thời khen thưởng những tổ chức, cá nhân làm tốt, đồng thời có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình./.
Thu Hiền