Điều tra thí điểm thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành (I/O) và tính hệ số chi phí trung gian năm 2020

31/07/2020 - 10:52 AM
Bảng cân đối liên ngành (bảng I/O) được phát triển bởi Wassily Leontief là mô hình phản ánh kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn bộ nền kinh tế; Đồng thời phản ánh mối quan hệ liên ngành/liên vùng trong quá trình sản xuất và sử dụng sản phẩm cho tiêu dùng cuối cùng, tích lũy tài sản, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Bảng I/O còn cho biết để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm cuối cùng của một ngành/vùng thì cần bao nhiêu sản phẩm của ngành/ vùng khác và ngược lại, ngành/vùng đó cung cấp bao nhiêu sản phẩm để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm của ngành/vùng khác. Từ đó cho phép phân tích các mối quan hệ, đánh giá hiệu quả sản xuất, tính toán các chỉ tiêu tổng hợp khác phục vụ công tác quản lý kinh tế vĩ mô, phân tích và dự báo kinh tế.
 
Tính đến năm 2020, Việt Nam đã 4 lần biên soạn bảng cân đối liên ngành - IO (năm 1989, 1996, 2007, 2012). Thực hiện Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia, điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành và tính hệ số chi phí trung gian được tiến hành theo chu kỳ 5 năm (năm có tận cùng là 3 và 8). Tuy nhiên, theo kế hoạch công tác về chuyển đổi năm gốc theo giá so sánh là năm 2020, điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành và tính hệ số chi phí trung gian năm 2020 sẽ được tiến hành vào năm 2021, do vậy năm 2020 Tổng cục Thống kê tiến hành điều tra thí điểm thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành và tính hệ số chi phí trung gian (sau đây gọi tắt là điều tra lập bảng I/O).
 
Đối tượng điều tra
 
Đối tượng điều tra được xác định là đơn vị cơ sở thỏa mãn các điều kiện: thứ nhất, có địa điểm xác định trên lãnh thổ Việt Nam để trực tiếp thực hiện hoặc quản lý, điều hành các hoạt động thuộc các ngành kinh tế; thứ hai, có chủ thể sở hữu và người đứng đầu chịu trách nhiệm quản lý, điều hành hoạt động, có lao động chuyên nghiệp; thứ ba, có thời gian hoạt động liên tục hoặc định kỳ theo mùa vụ hoặc theo tập quán kinh doanh; thứ tư, mỗi đơn vị cơ sở chỉ đóng tại 1 địa bàn là xã và chỉ tiến hành 1 hoạt động sản xuất kinh doanh trong phạm vi 1 ngành kinh tế cấp 3. Bao gồm các đơn vị cơ sở: (1) Cơ sở sản xuất, kinh doanh là đơn vị cơ sở của Doanh nghiệp, hợp tác xã; (2) Cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể; (3) Cơ sở hành chính, sự nghiệp; (4) Cơ sở vô vị lợi phục vụ hộ gia đình; (5) Hộ tiêu dùng;
 
Nội dung điều tra
 
Điều tra thí điểm lập bảng I/O được thực hiện theo phương pháp điều tra chọn mẫu. Thời gian tiến hành điều tra bắt đầu từ tháng 7/2020 đến tháng 8/2020 tại 02 tỉnh là Thanh Hóa và Bình Dương. Mỗi tỉnh điều tra 90 đơn vị gồm: 30 đơn vị cơ sở là doanh nghiệp phi tài chính; 15 đơn vị cơ sở là cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan của Đảng, an ninh, quốc phòng, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vô vị lợi phục vụ hộ gia đình và doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, tổ chức tín dụng; 30 đơn vị cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và 15 đơn vị là hộ dân cư tiêu dùng.
 
Phiếu thu thập thông tin bao gồm 05 loại phiếu, tập trung chủ yếu vào các nội dung chỉ tiêu như: 
  • Những chỉ tiêu nhận dạng đơn vị điều tra như: Tên, địa chỉ liên hệ, loại hình tổ chức, ngành sản phẩm sản xuất kinh doanh chính…
  • Những chỉ tiêu về lao động, kết quả sản xuất kinh doanh và chi phí: Lao động bình quân năm; Tổng thu, chi phí sản xuất phân theo từng loại vật tư, dịch vụ... có nguồn gốc sản xuất ở trong nước hoặc ở nước ngoài dùng cho chi phí sản xuất chính và sản xuất phụ; Trị giá vốn hàng bán ra, phí vận tải thuê ngoài trong hàng bán ra (áp dụng với cơ sở cá thể hoạt động thương nghiệp, khách sạn nhà hàng, điện thương phẩm, kinh doanh bất động sản); Thu nhập và phân phối thu nhập của người lao động, đơn vị sản xuất và của Nhà nước...; Thuế, trợ cấp sản xuất (Thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế sản phẩm khác…, trợ cấp sản xuất); Chi cho hoạt động thường xuyên của các cơ quan Đảng, quản lý nhà nước, đoàn thể; an ninh quốc phòng; hoạt động sự nghiệp (văn hoá, y tế, giáo dục, khoa học, dịch vụ công cộng)… từ nguồn ngân sách nhà nước cấp. Chi cho hoạt động thường xuyên của các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.
 - Những chỉ tiêu về Tài sản, khấu hao TSCĐ của đơn vị: Chi đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm và sửa chữa lớn tài sản cố định; các khoản chi khác; Trong đó: Chi từ nguồn ngân sách nhà nước; Tài sản cố định: Nguyên giá tài sản cố định; Giá trị hao mòn trong năm; Giá trị hao mòn lũy kế.
  • Những chỉ tiêu về tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư, tiêu dùng cuối cùng của Chính phủ phân theo sản phẩm, nhóm sản phẩm.
  • Những chỉ tiêu về tích lũy tài sản cố định, tích lũy tài sản lưu động theo sản phẩm, nhóm sản phẩm.
  •  Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ theo sản phẩm, nhóm sản phẩm.
  •  Thu nhập của người lao động theo ngành kinh tế.
  •  Khấu hao TSCĐ theo ngành kinh tế.
 Giá trị thặng theo ngành kinh tế.
 
Một số điểm mới trong điều tra thí điểm
  1. Đổi mới việc thu thập thông tin trong điều tra thí điểm bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin
 Điều tra thí điểm lập bảng cân đối liên ngành (I/O) tập trung vào việc tăng cường tối đa ứng dụng công nghệ thông tin (thiết kế bảng hỏi điện tử) trong điều tra thu thập thông tin, hạn chế sử dụng phiếu giấy. Việc thiết kế các bảng hỏi điện tử được áp dụng cho các đơn vị cơ sở là doanh nghiệp có điều kiện về trang thiết bị như máy vi tính, sử dụng đường truyền internet… 
  1. Thực hiện một số thay đổi theo hệ thống tài khoản quốc gia năm 2008 (SNA 2008)
 Để phù hợp với thực tế công tác thống kê, chế độ kế toán ở Việt Nam, chuẩn mực, thông lệ quốc tế, kế hoạch và lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030; những thay đổi của SNA 2008 sẽ được cập nhật như: (i) tính tài sản cố định bao gồm hoạt động nghiên cứu và phát triển; các phần mềm máy tính; các sản phẩm sở hữu trí tuệ; tài sản là hệ thống vũ khí quân sự...; (ii) hạch toán chỉ tiêu thuế trong SNA 2008 là những giao dịch thực tế phát sinh trên cơ sở dồn tích; (iii) hàng hóa chuyển ra nước ngoài và ngược lại để chế biến được hạch toán trên cơ sở thay đổi quyền sở hữu, (iv) hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được thu thập .... 
  1. Thực hiện biên soạn bảng nguồn và sử dụng trước, sau đó sẽ sử dụng giả thuyết về kỹ thuật công nghệ sản phẩm đchuyển từ bảng nguồn và sử dụng về bảng cân đối liên ngành
Có 2 giả thiết được áp dụng để chuyển đổi ma trận nguồn và ma trận sử dụng thành bảng cân đối liên ngành, đó là giả thiết về công nghệ sản phẩm và giả thiết về ngành kinh tế. Theo giả thiết công nghệ sản phẩm thì một sản phẩm sản xuất ở đâu cũng có công nghệ như nhau; theo giả thiết về ngành kinh tế thì trong một ngành kinh tế các sản phẩm sản xuất ra có cùng công nghệ như nhau. Việc sử dụng phương pháp này phù hợp với thông lệ quốc tế và khuyến nghị của hệ thống tài khoản quốc gia năm 2008.
 
Lập theo khu vực thể chế: Bảng Nguồn được lập theo khu vực thể chế nhà nước, tài chính, phi tài chính, hộ gia đình, vô vị lợi phục vụ hộ gia đình. 
  1. Kết hợp với điều tra Tổng điều tra Kinh tế
 Năm 2021, Tổng cục Thống kê tiến hành Tổng điều tra Kinh tế và điều tra I/O đồng thời sẽ cho biết tổng quy mô của nền kinh tế theo ngành chi tiết, điều tra Bảng nguồn và sử dụng (SUT) sẽ chi tiết đầu vào của các ngành sản xuất, đồng thời năm 2020 sẽ được chọn làm năm gốc so sánh cho giai đoạn 2020-2030./.
 
ThS. Dương Mạnh Hùng
Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia - TCTK

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top