Đo lường bạo lực, đo đếm những ai?!

23/11/2020 - 09:54 AM

Là người làm thống kê, đã bao giờ bạn nghĩ mình đang đi nhầm nghề chưa? Năm xưa, khi khảo sát hỏi các câu hỏi về nghèo đói, chi tiêu của hộ, chủ hộ nói nửa đùa nửa thật với tôi: “Cô còn trẻ, chuyển nghề đi, cứ đi hỏi khắp thiên hạ thế này không chán à?”.

Khi đi đo đếm về giới và bạo lực thì tôi tự kiểm điểm thấy mình yếu bóng vía, tôi nhát, tôi hèn ghê gớm, gặp những bi kịch ngoài đời, tôi bị ám ảnh; lướt trên cõi mạng có những kiểu con bạo hành chính cha mẹ ruột, ngoại tình đánh vợ để bảo vệ nhân tình, mẹ đẻ đánh con đến chết... làm tôi tức điên lên nhưng pha lẫn khiếp hãi, không dám nhòm vào. Cái tội hay liên tưởng, lắp ghép những số phận, những cuộc đời với nhau sau mỗi câu chuyện hay hình ảnh nhìn được và rồi tự ám ảnh bản thân với những câu hỏi “tại sao???”. Khi lướt qua các sự vụ gặp phải tôi luôn lắp ghép và hình dung ra lý do, đằng sau những hành vi bạo lực là cả câu chuyện dài về định kiến giới, về lịch sử văn hóa Việt Nam và các quan niệm áp đặt lên vai trò người phụ nữ trong mỗi gia đình.

Việc đo đếm, lượng hóa bạo lực đối với phụ nữ được khởi nguồn từ Tổ chức Y tế Thế giới từ những năm 90 của thế kỷ trước, bắt đầu từ các bác sĩ khi khám bệnh cho các bệnh nhân nữ, có lẽ họ cũng có câu hỏi, những liên tưởng như tôi khi cố gắng giải đáp những câu hỏi “tại sao” hay “cái gì” đằng sau những vết thương trên thân thể nữ bệnh nhân, tại sao họ bị rạn/gãy chân tay, thậm chí sảy thai? Và có nhiều trường hợp phải quay lại bệnh viện với những thương tích lần sau nặng hơn lần trước; và công việc của họ (những người bác sĩ) không còn đơn giản là cấp cứu, cầm máu, chữa bệnh nữa… các phương pháp để lượng hóa, đo đếm bạo lực sau này được thử nghiệm và phổ biến rộng rãi tới các cơ quan Thống kê quốc gia trên thế giới. Sau hai cuộc điều tra quốc gia tại Việt Nam, tỷ lệ gần như không suy chuyển khi mà gần 60% phụ nữ từng bị bạo lực thể xác, tình dục và tinh thần do chồng/ bạn tình gây ra trong cuộc đời, tính riêng bạo lực thể xác và tình dục thì cũng có đến 1/3 phụ nữ từng bị bạo lực thể xác, trong đó có đến 1/4 số nạn nhân từng bị thương, 1/3 nạn nhân từng có ý định tự tử và gần 3% đã thực hiện hành vi tự tử.

Nhân dịp sửa đổi bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia, chỉ tiêu “tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên bị bạo lực” được đề xuất đưa vào danh sách các chỉ tiêu được thu thập, theo dõi của Tổng cục Thống kê, có nhiều ý kiến tranh luận về các ưu tiên cho đối tượng khi đo lường về bạo lực. Với nguồn lực tài chính và kỹ thuật có hạn, các cơ quan thống kê quốc gia mới chỉ ưu tiên các nguồn lực trong đo lường bạo lực đối với phụ nữ, là đối tượng chịu bạo lực do chồng/ bạn tình và những người khác gây ra. Tuy nhiên, có nhiều tranh cãi về việc cần thêm ưu tiên đo lường bạo lực với trẻ em, người già là những đối tượng yếu thế không thể tự bảo vệ mình, bạo lực gây hậu quả nặng nề và lâu dài với họ.

Với nam giới trưởng thành thì các yếu tố nguy cơ cao thường đến từ bên ngoài gia đình như tai nạn lao động, tai nạn giao thông, đánh nhau ngoài cộng đồng… việc hỏi chung về bạo lực trong cùng 1 phiếu hỏi cho cả nam và nữ là không thể, nên nếu cần đo đếm bạo lực cho cả hai nhóm dân số nam và nữ thì có thể coi như thực hiện 2 cuộc điều tra riêng biệt với các bảng hỏi và công cụ phỏng vấn khác nhau. Với trẻ em, việc đo lường bạo lực sẽ phức tạp hơn, vì khi phỏng vấn cần có sự đồng ý của cha/mẹ hoặc người chăm sóc chính - có thể là nguồn gây bạo lực chính đối với trẻ.

Từ việc bình thường hóa với bạo lực trong xã hội trước những năm 90, đến nay có thể thấy sự biến chuyển lớn trong nhận thức của xã hội, cộng đồng khi các vấn đề về phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ, bạo lực gia đình được luật hóa, trong cuộc sống thường ngày ta dễ nhận thấy bắt đầu có những tiếng nói lên tiếng quyết liệt phản đối những hành vi bạo lực. Với những cam kết “không để ai bị bỏ lại phía sau” từ Chính phủ Việt Nam vào chương trình nghị sự các Mục tiêu Phát triển bền Vững, việc cần thiết phải xem xét và thêm ưu tiên nguồn lực để thống kê đúng, đủ các vấn đề về mức độ phổ biến về bạo lực trong xã hội ngày nay với tất cả các nhóm đối tượng. Tôi lại mơ có đủ sức, đủ lực và nhiệt huyết với nghề để đo đếm hết được bạo lực với các nhóm đối tượng còn yếu thế như trẻ em, người cao tuổi và khi đó, mỗi khi nghe văng vẳng đâu đó “Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê...”, tôi vẫn thấy công việc mình và đồng nghiệp đang làm vẫn có chút ý nghĩa cho đời mà không phải hối hận khi vẫn gắn bó với công việc mình đang theo./.
 
Nguyễn Thị Việt Nga
 Vụ Thống kê Xã hội và Môi trường - Tổng cục Thống kê

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top