Ấn phẩm “Đo lường mục tiêu phát triển bền vững chỉ tiêu 10.7.1 về chi phí tuyển dụng của lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài” được Tổng cục Thống kê chủ trì và phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện dựa trên việc xây dựng, sử dụng số liệu của Điều tra lao động việc làm năm 2021. Đây là lần đầu tiên TCTK công bố nghiên cứu về lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài. Ấn phẩm này đã đưa ra một số phát hiện chính về đặc điểm của lao động Việt Nam ở nước ngoài; Chi phí tuyển dụng; Tiền lương tháng đầu tiên; Chỉ số chi phí tuyển dụng của lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc…
Đặc điểm của người lao động Việt Nam ở nước ngoài
Điều tra Lao động việc làm ước tính có khoảng 250,3 nghìn lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trong vòng 3 năm gần đây (từ 2018 đến 2021). Phần lớn (68%) là nam giới và chủ yếu đến từ khu vực nông thôn (86%). Hầu hết lao động di cư có trình độ học vấn trung học phổ thông và trung học cơ sở (47% có trình độ trung học phổ thông và 23% có trình độ trung học cơ sở). Các trình độ học vấn này cũng phản ánh trình độ kỹ năng nghề và ngành nghề mà những người lao động Việt Nam di cư tham gia. Hơn 70% lao động Việt Nam ở nước ngoài làm những công việc đòi hỏi kỹ năng trung bình, với khoảng 20% là lao động kỹ năng thấp và 10% là lao động kỹ năng cao.
Trong số các nước hay vùng lãnh thổ gần nhất mà người lao động Việt Nam di cư làm việc thì có bốn nơi chiếm tới 86% lao động Việt Nam ở nước ngoài. Đó là Nhật Bản (40,6%), Đài Loan (31,9%), Hàn Quốc (10,9%) và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (2,8%).
Chi phí tuyển dụng lao động Việt Nam ở nước ngoài
Chi phí tuyển dụng bình quân của lao động Việt Nam ở nước ngoài để có được việc làm đầu tiên ở nước ngoài là vào khoảng 165 triệu đồng. Lao động Việt Nam ở nước ngoài có trình độ trung học phổ thông hoặc sơ cấp hay trung cấp nghề có chi phí tuyển dụng bình quân cao nhất, vào khoảng 176 triệu đồng. Số liệu này cũng tương tự với số liệu về trình độ kỹ năng nghề, trong đó lao động có kỹ năng trung bình, chiếm phần lớn lao động Việt Nam ở nước ngoài, có chi phí tuyển dụng bình quân vào khoảng 168 triệu đồng. Con số này cao hơn cả chi phí tuyển dụng của lao động Việt Nam ở nước ngoài có tay nghề thấp (151 triệu đồng) và tay nghề cao (167 triệu đồng).
Tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, chi phí tuyển dụng lao động Việt Nam thường cao hơn ở các nước khác. Chi phí tuyển dụng trung bình tại Hàn Quốc cao nhất vào khoảng 226 triệu đồng, tiếp theo là Nhật Bản 192 triệu đồng. Chi phí tuyển dụng trung bình ở Trung Quốc là thấp nhất, vào khoảng 45 triệu đồng. Mức trung bình cho tất cả các quốc gia khác là khoảng 128 triệu đồng.
Tháng lương đầu tiên của người lao động Việt Nam ở nước ngoài
Mức lương bình quân trong tháng đầu tiên của người lao động Việt Nam ở nước ngoài là 22,4 triệu đồng. Tổng tiền lương lao động Việt Nam ra nước ngoài nhận được trong vòng 3 năm khoảng 5552 tỷ đồng. Theo trình độ học vấn, lương tháng đầu tiên của người lao động tăng khi trình độ học vấn tăng lên, từ 19,2 triệu đồng đối với người có trình độ thấp hơn trung học cơ sở lên 27,0 triệu đồng với người có trình độ cao đẳng trở lên. Người lao động Việt Nam ở nước ngoài làm việc trong các ngành nghề có kỹ năng cao hơn có nhiều khả năng nhận được mức lương tháng đầu tiên cao hơn, ở mức 29,1 triệu đồng, so với mức 22,5 triệu đồng và 21,2 triệu đồng với nhóm nghề có kỹ năng trung bình và thấp.
Căn cứ vào quốc gia hay vùng lãnh thổ mà người lao động có việc làm gần nhất, mức lương tháng đầu tiên cao nhất của người lao động là ở Hàn Quốc, với 27,7 triệu đồng, tiếp theo là Nhật Bản với 26,0 triệu đồng. Đài Loan có mức lương tháng đầu tiên trung bình là 18,3 triệu đồng và Trung Quốc là 11 triệu đồng.
Chỉ tiêu chi phí tuyển dụng lao động Việt Nam ở nước ngoài
Điều tra Lao động Việc làm năm 2021 ước tính chỉ số chi phí tuyển dụng (RCI) chung của tất cả người lao động Việt Nam ở nước ngoài là 7,4. Điều này có nghĩa là, trung bình người lao động Việt Nam ở nước ngoài sẽ mất khoảng 7,4 tháng lương tháng đầu tiên để chi trả hoặc trang trải chi phí tuyển dụng để có được việc làm đầu tiên ở nước ngoài.
Theo quốc gia đến cuối cùng, Hàn Quốc có RCI cao nhất là 8,2, tiếp theo là Nhật Bản với 7,4 và Đài Loan là 7,3. Theo kênh di cư, RCI cao nhất đối với những người sử dụng các kênh nhập cư thông thường và có thị thực lao động (7,5), so với 4,5 đối với những người sử dụng các kênh nhập cư thông thường nhưng làm việc mà không có thị thực lao động.
Cùng với các phát hiện chính, Ấn phẩm cũng đưa ra các khuyến nghị chính sách như: Giảm chi phí tài chính của việc tuyển dụng lao động di cư; Triển khai chính sách tuyển dụng lao động công bằng và hiệu quả cho tất cả lao động di cư; Cải thiện tính sẵn có và tăng cường phổ biến thông tin về mức chi phí mà người lao động di cư phải trả./.
Thu Hường