Doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực giáo dục và truyền thông gia tăng trong 2 tháng đầu năm 2025

13/03/2025 - 01:44 PM
Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính) trong khi  các ngành, lĩnh vực kinh tế đều có sự sụt giảm về số lượng doanh nghiệp đăng ký mới thì giáo dục và truyền thông có sự gia tăng đáng kể trong 2 tháng đầu năm. Đáng chú ý, số vốn đăng ký mới của doanh nghiệp trong lĩnh vực truyền thông tăng đột biến...

Những điểm sáng tích cực

Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 2/2025 có nhiều khởi sắc. Cụ thể, cả nước có hơn 10,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký gần 136,4 nghìn tỷ đồng, tăng 34,4% về số doanh nghiệp và gấp 2,1 lần về số vốn đăng ký. Điều này cho thấy tinh thần khởi nghiệp của người dân và doanh nghiệp gia tăng trước niềm tin vào triển vọng phát triển kinh tế của đất nước trong thời gian tới.

Cũng theo Cục Thống kê, mặc dù tăng mạnh trong tháng 2/2025 nhưng do tháng 1/2025 doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2024 nên tổng số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 2 tháng đầu năm 2025 chỉ đạt 20,78 nghìn doanh nghiệp, giảm 8,92% so với cùng kỳ năm 2024.

 
Ảnh minh họa

Đáng chú ý, trong khi các ngành, lĩnh vực kinh tế đều có sự sụt giảm về số doanh nghiệp đăng ký mới thì sự gia tăng lại tập trung ở những ngành như: Giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội. Cụ thể, số doanh nghiệp thành lập mới trong ngành giáo dục và đào tạo tăng tới 2,75 lần, số doanh nghiệp trong ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng hơn 10%. Về số vốn đăng ký mới, ngành thông tin và truyền thông có sự gia tăng đột biến với mức tăng hơn 6,14 lần, tiếp đến là lĩnh vực xây dựng với mức tăng 171%, giáo dục và đào tạo tăng 88,8% và y tế tăng 7,4%. Những con số này cho thấy sự thích ứng nhanh chóng của người dân và doanh nghiệp trước những chuyển động của chính sách trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, theo Cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2025 đã có gần 29,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 53,2% so với cùng kỳ năm 2024. Chỉ số này cho thấy các doanh nghiệp đã tìm thấy những cơ hội kinh doanh mới sau giai đoạn “ngủ đông” để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ bối cảnh quốc tế cũng như nội tại nền kinh tế.

Số vốn đăng ký mới được bổ sung vào nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2025 cũng là một chỉ số quan trọng, cho thấy tiềm năng tăng trưởng và mở rộng hoạt động của các doanh nghiệp mới.

Số liệu thống kê ghi nhận vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong hai tháng đầu năm 2025 đạt 11,1 tỷ đồng, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2024; tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong hai tháng đầu năm là 709,4 nghìn tỷ đồng, tăng 66,1% so với cùng kỳ năm 2024.

Những tín hiệu về vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động tăng cao so với cùng kỳ cũng cho thấy sự tự tin và kỳ vọng của các nhà đầu tư khi mở rộng sản xuất kinh doanh bởi đây là những doanh nghiệp đã có sự trải nghiệm thực tế trong môi trường kinh doanh.

Những khó khăn, thách thức

Bên cạnh tín hiệu tích cực từ số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng là một vấn đề đáng lưu ý trong bức tranh đăng ký doanh nghiệp 2 tháng đầu năm 2025. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2025, có 67,03 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn với 56,9 nghìn doanh nghiệp, chiếm 84,9%, tăng 15,5% so với cùng kỳ. Ngoài ra, 6,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 36,3% và gần 3,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 10,3%.

Như vậy, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường (doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 67,03 nghìn doanh nghiệp, cao hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường là 49,8 nghìn doanh nghiệp). Trong đó, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 3,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2024 và là mức cao nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2021-2025. Điều này cho thấy khu vực doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có những giải pháp hỗ trợ kịp thời để thúc đẩy sự bền vững của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt lao động những tháng đầu năm 2025 vẫn xuất hiện trong một bộ phận doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Theo Cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2025, tổng số lao động đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là gần 140,7 nghìn người, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm 2024 (cùng kỳ năm 2024 có 154,3 nghìn người, tăng 29,0%). Mặc dù đây có thể là do ảnh hưởng có yếu tố mùa vụ, song cũng có thể do các doanh nghiệp chủ động thu hẹp nhân lực để tiết giảm chi phí và tăng cường ứng dụng công nghệ trong một số công đoạn của quá trình sản xuất - kinh doanh.

Giải pháp đề xuất

Trước những kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế trên, Cục Thống kê cho rằng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tháo gỡ vướng mắc liên quan tới thủ tục hành chính, tiếp cận vốn, đất đai… cần được triển khai đồng bộ nhằm tạo đà cho tăng trưởng những tháng tới.

Không chỉ số lượng mà chất lượng của các doanh nghiệp mới thành lập cũng cần được chú trọng, đặc biệt là về năng lực quản lý, công nghệ và khả năng cạnh tranh.

Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động như hiện nay, Cục Thống kê cho rằng, các cơ quan chức năng cần theo dõi sát sao tình hình đăng ký kinh doanh để kịp thời đưa ra các điều chỉnh và hỗ trợ cần thiết.

Trước tình hình doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thị trường đang có xu hướng giảm, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa mới đây đã đề xuất một số chính sách đột phá để khu vực này tăng trưởng bền vững ở mức hai chữ số trong những năm tới. Theo đó, ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia trong các dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia như: Dự án đường sắt, đường bộ cao tốc và cảng hàng không…; đồng thời, áp dụng chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp lớn và FDI dựa trên tỷ lệ nội địa hóa với tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 30%.

Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với mức thuế thu nhập doanh nghiệp từ 15-17%; mở rộng hình thức cho vay thế chấp dựa trên tài sản hình thành trong tương lai cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn.

Đặc biệt, cải cách thủ tục hành chính và môi trường kinh doanh, phấn đấu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; ít nhất 30% chi phí kinh doanh, đặc biệt là hải quan, chi phí tuân thủ quy định, chi phí không chính thức và bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết mà hiện nay vẫn tồn tại khoảng 16.000 giấy phép con...

 
PV
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top