Doanh nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế trên "bản đồ" thị phần bán lẻ

27/06/2022 - 02:56 PM

Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến các nhà bán lẻ nội địa nỗ lực chiếm ưu thế làm chủ "sân nhà". Nếu thời điểm năm 2016, hơn 50% thị phần bán lẻ của Việt Nam thuộc về doanh nghiệp nước ngoài, thì đến nay doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang chiếm khoảng 70-80% số điểm bán trên cả nước. Đây là thời điểm và là cơ hội để các doanh nghiệp Việt cùng nhau hành động, xây dựng vững chắc hệ thống phân phối, nguồn cung, khẳng định vị thế trên "bản đồ" thị phần bán lẻ.

Doanh nghiệp Việt Nam vươn lên mạnh mẽ khẳng định vị thế trên "bản đồ" thị phần bán lẻ

Thị trường bán lẻ tại Việt Nam đã có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhưng doanh nghiệp nắm giữ thị trường chủ yếu vẫn là những thương hiệu nội địa nhờ am hiểu khách hàng, xây dựng thương hiệu, đổi mới, sáng tạo, phát triển trên nền tảng đa kênh nổi bật có thể kể đến các thương hiệu như: Vingroup, Masan, MWG...

 Doanh nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế trên

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), tính đến tháng 3/2021, Việt Nam có khoảng 1.085 siêu thị, 240 trung tâm thương mại và gần 2.000 cửa hàng tiện lợi. Trong đó, các nhà bán lẻ nội địa chiếm khoảng 70% đến 80% số điểm bán trên cả nước. Con số này cho thấy, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang đảo ngược tình thế, làm chủ "sân nhà".

Thời gian qua, ngành bán lẻ dưới tác động của dịch bệnh Covid - 19 làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã chứng kiến nhiều cửa hàng và không ít ông lớn ngoại quốc chật vật vượt qua khó khăn. Một số thương hiệu bán lẻ do không thể thay đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với tình hình mới đã buộc phải rời khỏi thị trường. Ngược lại, những nhà bán lẻ nội địa với những cái tên như WinMart/WinMart+, Co.op Mart... đang không ngừng gia tăng phát triển thêm nhiều điểm bán mới lấp vào khoảng trống của các đại siêu thị để lại, đồng thời tích cực thay đổi mô hình để ngày càng hoàn thiện phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường trong nước trong trạng thái bình thường mới.

Một trong những mô hình đang được các doanh nghiệp bán lẻ Việt áp dụng đó là liên kết các doanh nghiệp bán lẻ Việt với nhau và tìm những điểm mạnh của nhau để phát triển. Sự kết hợp này đã giúp các doanh nghiệp bán lẻ Việt tạo dựng và khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Nổi bật nhất phải kể đến thương vụ giữa hai tập đoàn Masan Group và Vingroup để trở thành 1 chuỗi sản xuất và bán lẻ lớn nhất Việt Nam.

Sự hợp tác, liên kết của các doanh nghiệp bán lẻ Việt đã giúp chính các doanh nghiệp này có thêm sức mạnh, năng lực thực hiện kế hoạch mở rộng thị phần, chiếm lĩnh thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh đối chọi với các công ty nước ngoài. Đồng thời giúp làm giảm bớt các chi phí sản xuất, bán hàng, đem lại giá bán có lợi nhất cho người tiêu dùng.

Đặc biệt, các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam hiện nay đều chú trọng đến việc phát triển bán hàng đa kênh, đồng thời tự phát triển sản xuất để đưa hàng hóa thực phẩm, tiêu dùng đi thẳng từ sản xuất tới bán lẻ hoặc liên kết cùng nhau đến tận tay người tiêu dùng, giúp giá thành thấp hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh tốt hơn. Đơn cử, Tập đoàn Masan thực hiện chiến lược chuyển đổi WinCommerce (WCM) thành nền tảng bán lẻ đa tiện ích, tập trung vào khai trương các cửa hàng mini-mall tích hợp WinMart+, Techcombank, Kiosk Phúc Long, dược phẩm và mạng di động Reddi. Đây chính là chương đầu tiên trong chiến lược thiết lập nền tảng "point-of-life" là “Mô hình một điểm đến đa tiện ích”, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng trên một nền tảng xuyên suốt từ trực tiếp đến trực tuyến. Còn WinMart/WinMart+ (trước đây là VinMart/VinMart+) tập trung tái cấu trúc hệ thống, không ngừng thử nghiệm các mô hình mới, hướng tới cung cấp các sản phẩm độc đáo, mới lạ, tiện dụng và những trải nghiệm tiêu dùng phù hợp với sở thích cá nhân. Khách hàng tới các điểm WinMart+ theo mô hình mini-mall đa trải nghiệm giờ đây không còn chỉ là các bà nội trợ, khách hàng mua sắm tiêu dùng thiết yếu mà còn có cả giới trẻ ưa thích thức uống thời thượng trà, café Phúc Long. Theo đó, Masan cũng dự kiến chuyển đổi ít nhất 50% điểm bán WinMart+ thành các cửa hàng theo mô hình mini-mall với việc tích hợp phục vụ nhu yếu phẩm (WinMart+), trà và café (kiosk Phúc Long), dược phẩm, dịch vụ tài chính (Techcombank) và viễn thông (Reddi) trong năm 2022. Ngoài ra, Tập đoàn Masan cũng đang tập trung thay đổi các mặt hàng. Thay vì chủ yếu bán đồ khô, thì đến nay, Masan đã tối ưu hóa danh mục sản phẩm của chuỗi cửa hàng, tăng tỉ lệ hàng tươi sống. Chiến lược này giúp khách hàng chỉ cần đến WinMart+ là có thể mua đủ hàng hóa thiết yếu cho gia đình. Phát triển mạnh mẽ cả về chiều sâu lẫn chiều rộng, Tập đoàn Masan hiện là doanh nghiệp bán lẻ có mạng lưới lớn nhất với gần 2.800 siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+. Cuối năm 2021, Masan chính thức thí điểm mô hình nhượng quyền. Nhờ mô hình nhượng quyền, Masan hướng tới mục tiêu nắm trong tay 10.000 điểm sở hữu và 20.000 cửa hàng nhượng quyền vào năm 2025.

Trong khi đó, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) với chiến lược chuyển đổi số trong lĩnh vực bán lẻ, tập trung vào khách hàng theo mô hình chuỗi giá trị dựa trên dữ liệu, Saigon Co.op không ngừng nâng cấp công nghệ cho các giải pháp thu thập, lưu trữ, quản lý và phân tích dữ liệu một cách toàn diện, dựa trên nền tảng hạ tầng điện toán đám mây vững chắc, an toàn, có tính linh hoạt và khả năng tự vận hành cao. Saigon Co.op đã đặt ra chiến lược phát huy vai trò dẫn đầu thị trường về chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh phát triển nhãn hàng riêng để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, đến năm 2025, Saigon Co.op sẽ mở rộng mạng lưới đạt tối thiểu 2.000 điểm bán, đảm bảo phát triển mạng lưới nhanh, mạnh để phủ kín hệ thống phân phối trên toàn quốc. Riêng năm 2021, Saigon Co.op đã tăng tốc phát triển đa kênh bán hàng, phủ sóng thương hiệu khắp địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.

Để chuyển mình với xu hướng số hoá, hệ thống Mega Market Việt Nam (MM) đã bắt đầu triển khai chiến lược phát triển bán hàng đa kênh, cùng với đó là hoàn thiện giải pháp bán hàng trực tuyến với 3 hình thức là website MM Click & Get; Zalo và Telesales. Hệ thống này còn chuẩn bị ra mắt MMPro - website mua sắm trực tuyến dành cho khách hàng chuyên nghiệp với giá sản phẩm và giải pháp được thiết kế cho từng khách hàng chuyên biệt. Mục tiêu của MM từ nay đến năm 2025 trở thành nhà cung cấp thực phẩm hàng đầu trong ngành bán lẻ và dự kiến mở thêm trung tâm có qui mô nhỏ hơn tại nội thành với mô hình Food service (siêu thị cung cấp thực phẩm).

Không chỉ thay đổi các mô hình sản xuất kinh doanh để thích ứng với đại dịch Covid-19 và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam còn tạo ra sự hấp dẫn và liên tiếp thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Trong những năm qua, thị trường bán lẻ cũng đã chứng kiến nhiều sự thay đổi về thị phần, thương hiệu thông qua các thương vụ chuyển nhượng, mua bán và sáp nhập trong đó điển hình là Tập đoàn Masan dẫn đầu về thu hút nguồn vốn trong những năm gần đây, khi liên tiếp được các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn trong khoảng thời gian ngắn. Cụ thể, nổi bật là các nhà đầu tư: Tập đoàn SK Group (Hàn Quốc), Alibaba, Baring Private Equity Asia. Hay chuỗi siêu thị Auchan từ Pháp cũng được chuyển nhượng cho nhà bán lẻ nội là Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op).

Theo các chuyên gia kinh tế, đã đến lúc các doanh nghiệp Việt cùng nhau tự tin vẽ lại “bản đồ” bán lẻ Việt Nam, cùng nhau hành động, làm chủ vững chắc hệ thống phân phối và sẵn sàng mở rộng cửa để thuận tiện đón hàng Việt vào phục vụ người tiêu dùng.

Tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam

Với 100 triệu dân và cơ cấu dân số trẻ, thị trường bán lẻ trong nước luôn được đánh giá có nhiều tiềm năng và được kỳ vọng tăng trưởng vượt bậc cũng nhiều thay đổi bứt phá trong thời gian tới.

Cụ thể, với việc Việt Nam tham gia và ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang tạo độ mở cho thị trường lớn hơn, giúp Việt Nam vừa được coi là nơi sản xuất, vừa là thị trường tiêu thụ.

Hơn nữa, tầng lớp tiêu dùng người dân Việt Nam cùng đang trở nên giàu có hơn. Báo cáo gần đây của McKinsey cho thấy, người tiêu dùng Việt đang mua sắm ngày càng nhiều ở các cửa hàng hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện ích, đại siêu thị… cũng như qua kênh trực tuyến. Hiện người tiêu dùng dành nhiều sự ưu ái hơn cho các thương hiệu bản địa và nhiều doanh nghiệp đã thành công với mô hình bán lẻ hiện đại.

Về xu hướng thị trường, trong năm 2022, xu hướng hiện đại hóa kênh bán hàng truyền thống, thay đổi mô hình mua nhanh, bán gọn sẽ ngày càng phát triển. Một xu hướng nữa là chiến lược bán lẻ đặt khách hàng cá nhân lên hàng đầu. Do đó để duy trì và tiếp tục tăng trưởng, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần phải nắm bắt được các xu hướng bán lẻ mới, thay đổi chiến lược kinh doanh theo tín hiệu thị trường. Cụ thể, các nhà bán lẻ tối ưu hóa trải nghiệm để giữ chân khách hàng và áp dụng nhiều chỉ số đánh giá quá trình bán hàng sẽ có được lợi thế tốt hơn để chiếm lĩnh thị trường. Đồng thời mở thêm điểm bán rộng khắp, các doanh nghiệp bán lẻ cần tiếp tục đầu tư vào thương mại điện tử, kỹ thuật số hướng tới nâng cao trải nghiệm mua sắm cho khách hàng.

Theo Tổng cục thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 năm 2022 ước đạt 477,3 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.257,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,3% (cùng kỳ năm 2021 giảm 1%).

Dự báo trong 5-10 năm tới, kinh tế Việt Nam nói chung và ngành bán lẻ nói riêng đều rất tiềm năng với nhiều điều kiện phát triển thuận lợi, khi Việt Nam là một trong những nước đứng đầu về tỷ lệ tăng trưởng tầng lớp trung lưu trong khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, kênh thương mại điện tử sẽ phát triển mạnh mẽ với tỷ lệ tăng trưởng đạt khoảng 24%/năm. Sự tăng trưởng nhanh chóng của kinh tế và sự thay đổi mạnh mẽ về cấu trúc của ngành bán lẻ trong thời gian tới, doanh thu của các nhà bán lẻ hàng đầu dự đoán sẽ gấp 3 lần so với thời điểm hiện tại.

Dữ liệu từ Savills cho thấy, thị trường bán lẻ ở phân khúc trung tâm thương mại tiếp tục chào đón hơn 300.000 m2 tại Hà Nội trong vòng 3 năm tới và 500.000 m2 tại TP.HCM trong 5 năm tới. Tỷ lệ lấp đầy, giá cho thuê sẽ dần hồi phục theo đà của nền kinh tế

Như vậy với tiềm năng của thị trường và những bước đi vững chắc của các doanh nghiệp bán lẻ nội cùng với nguồn vốn FDI liên tục đổ vào ngành bán lẻ Việt Nam, “bản đồ” thị phần bán lẻ Việt Nam hứa hẹn được vẽ lại với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước khẳng định vị thế làm chủ thị trường./.

ThS. Lương Thị Thu Hằng - ThS. Nguyễn Thu Hiền

Đại học Công nghiệp Hà Nội

 

 

 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top