Doanh nhân văn hóa tuổi Tý

12/02/2020 - 02:45 PM
Người sinh năm (tuổi Chuột) thường được biết đến là những người có tư tưởng lập trường kiên định, có nhân sinh quan rõ ràng, thông minh, hoạt bát như linh vật đại diện đứng đầu 12 con giáp trong văn hóa Việt Nam. Tự cổ chí kim, Việt Nam có rất nhiều danh sĩ tuổi tài trí nổi trội, có những đóng góp to lớn vào các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa trong suốt tiến trình lịch sử hình thành, bảo vệ và phát triển đất nước.
 
Nguyễn Xí (Bính Tý, 1396-1464)

Nguyễn Xí là danh tướng đời Lê Thái Tổ, gốc quê làng Thượng Phúc, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Sau khi lên đất Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa, ông tham gia nghĩa quân Lam Sơn làm gia thần Lê Lợi và là một trong những vị tướng có công lao lớn, góp phần quyết định chiến thắng Lam Sơn. Khi Lê Lợi lên ngôi vua, ông được ban họ Lê (Lê Xí) vì có công lớn trong cuộc kháng Minh, từng được giữ các chức vị: Tham chính sự, Nhập nội đô đốc, được tặng thưởng biểu ngạch công thần, tước huyện hầu. Đến đời vua Lê Thánh Tông, ông được phong chức Thái úy vì có công phế truất Nghi Dân để đưa Lê Thành lên ngôi (Lê Thánh Tông).

Ông không chỉ là một vị tướng, mà còn là nhà chính trị, công thần khai quốc thời Hậu Lê và được mệnh danh là thiên tài quân sự trong lịch sử Việt Nam.

Phùng Khắc Khoan (Mậu Tý, 1528-1613)

Phùng Khắc Khoan là danh sĩ đời Lê Thế Tông, hiệu Nghi Trai, tự Hoằng Phu, quê ở làng Phùng Xá (còn gọi là làng Bùng), huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây; ông là anh em cùng mẹ khác cha với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.Mặc dù thi đỗ Hoàng giáp chứ không đỗ Trạng nguyên nhưng dân gian bái phục tài nghệ của Phùng Khắc Khoan nên gọi ông là Trạng Bùng, với hàm ý coi ông là Trạng nguyên của làng Bùng.

Doanh nhân văn hóa tuổi Tý


Vốn là người nổi tiếng thơ văn, chí khí khảng khái, hào hùng, năm 1550, đang lúc nhà Mạc áp đảo nhà Lê, ông theo Lê Bá Li vào Thanh Hóa phò tá Lê Trung Tông. Phùng Khắc Khoan đỗ đầu khoa thi Hương, được bổ làm Ngự doanh ký lục, coi sóc quân Tứ vệ góp sức chiêu dân vào Thanh Hóa lập nghiệp, được thăng chức Lễ khoa cấp sự trung.

Năm Canh Thìn 1580, ông đỗ Nhị giáp tiến sĩ, làm Đô cấp sự trung, một thời gian bị bãi chức, sau lại được triệu dụng phong Hồng lô tự khanh, rồi giữ chức Thị lang bộ Công. Năm 1579, ông đi sứ nhà Minh. Với khí phách hào hùng, ý chí bảo tồn quốc thể, tài hùng biện áp đảo quan lại cao cấp triều Minh, khiến vua Minh cũng phải chấp nhận những lý lẽ ông bênh vực cho nhà Lê. Vì thế ông được phong làm Thượng thư bộ Hộ, bộ Công, tước Mai Lĩnh Hầu, rồi thăng tước Mai Quận Công. Ông là người nhiệt tình xây dựng quê hương, quan tâm đến đời sống dân làng. Tương truyền ông là người đem nghề dệt lụa về cho dân Phùng Xá và đem giống ngô về vùng sông Đáy, tạo nên một nông sản mới tại đây.

Phạm Công Trứ (Canh Tý, 1600-1675)

Phạm Công Trứ là danh sỹ đời Lê Thần Tông, quê làng Liêm Xuyên, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương.

Phạm Công Trứ được biết đến là người mưu lược, luôn chăm lo việc nước, tài năng xuất chúng trên mọi lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, xã hội. Trong gần 50 năm kể từ khi đỗ đồng tiến sĩ năm Mậu Thìn 1628, Phạm Công Trứ đã phò tá 5 đời vua Lê, 2 đời chúa Trịnh; từng giữ nhiều chức vụ quan trọng và cương vị khác nhau như: Hàn lâm viện Hiệu Thảo, Hiến sát sứ xứ Thanh Hoa, Đô ngự sử, Lễ bộ Thượng thư, Lại bộ Thượng thư, Thái bảo Quốc lão tham dự triều chính, Chưởng Lục bộ sự - Thượng thư của sáu bộ…Sử gia Phan Huy Chú nhận định: “Ông là người thâm trầm giản dị, chắc chắn... đặt ra phép tắc, sửa soạn kỷ cương, đè nén những kẻ cậy thế nhũng lạm, yêu chuộng những người có phong cách tiết tháo, được đời khen là bậc tể tướng tốt. Ông lại ham đọc sách, đến già vẫn không mỏi; có đức tốt, có danh vọng, công lao sự nghiệp là bậc hiền tể thứ nhất sau đời Trung hưng”.

Nguyễn Nghiễm (Mậu Tý, 1708-1775)

Nguyễn Nghiễm là danh thần đời vua Lê Thuần Tông, tự là Hi Tự, hiệu là Nghị Hiên, biệt hiệu Hồng Ngự sĩ, quê làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Nguyễn Nghiễm là người danh cao đức trọng, không chỉ được triều đình sủng ái, có cuộc sống vinh hoa bậc nhất chốn kinh kỳ, mà còn được các nhân sĩ thời đó ngưỡng vọng như sao Khuê, sao Đẩu. Ngay từ nhỏ, ông đã là người thông minh, hiếu học, các lần khảo thí ở huyện, phủ ông đều đỗ đầu, thi Hội xếp thứ 8, thi Đình đỗ Hoàng giáp. Nguyễn Nghiễm có tài thao lược nên được triều đình giao cho nhiều chức vụ trọng yếu như: Thượng thư, Thái tể... Dù ở cương vị nào ông cũng đặt vận mệnh quốc gia, dân tộc lên trên hết.

Gia đình Nguyễn Nghiễm có nhiều đóng góp cho truyền thống khoa bảng của đất Nghi Xuân; các con ông cũng tiếp nối truyền thống thi thư của gia đình, làm rạng danh dòng họ; đặc biệt phải kể đến con thứ 7 là nhà thơ Nguyễn Du - người được tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới, nổi tiếng cả trong và ngoài nước với tác phẩm Truyền Kiều.

Tôn Đức Thắng (Mậu Tý, 1888-1980)

Tôn Đức Thắng là nhà cách mạng, chính khách, quê ở xã Mỹ Hòa Hưng, Tổng Dinh Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang).

Năm 1906, ông lên Sài Gòn học nghề tại trường Bách Công rồi làm việc ở sở Ba Son, năm 1913 theo tàu biển sang Pháp làm công nhân ở thành phố Toulouse. Cuối năm 1919, ông bị trục xuất khỏi đất Pháp vì ủng hộ cách mạng Nga. Năm 1917, ông trở về sống và làm công nhân ở Sài Gòn. Những năm 1920-1925, ông tham gia lập công hội bí mật ở xưởng đóng tàu Ba Son. Năm 1927, tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Cuối năm 1928, ông bị Pháp bắt nhân vụ án ở đường Barbier Sài Gòn, bị kết án 20 năm khổ sai lưu đày Côn Đảo. Đến ngày 23/9/1945, mới được trả tự do. Về đất liền, ông tiếp tục hoạt động đến tháng 10 năm 1945, tham gia Xứ ủy Nam bộ rồi năm 1946 đắc cử vào Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Năm 1951, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Tháng 7 năm 1960, ông giữ chức Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời ngày 2/9/1969, đến ngày 23/9/1969, ông được giữ chức Chủ tịch nước cho đến khi từ trần.

Nguyễn Văn Cừ (Nhâm Tý, 1912-1941)

Nguyễn Văn Cừ sinh năm 1912, quê ở thôn Cẩm Giàng, xã Đồng Nguyên, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, ông là liệt sĩ cách mạng, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1927, lúc đang đi học tại trường Bưởi, Hà Nội, ông tham gia vào tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Do hoạt động bí mật, ông bị thực dân Pháp đuổi học. Tháng 6/1929, ông được kết nạp vào chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Hà Nội. Sau khi thành lập Đảng (3/2/1930), ông làm bí thư đầu tiên Đặc khu Hồng Gai, Uông Bí. Hoạt động ở đây được một thời gian, ông bị Pháp bắt, kết án khổ sai rồi đày ra Côn Đảo. Năm 1936, ông được trả tự do về sống ở Hà Nội tiếp tục hoạt động bí mật. Tháng 9/1937, ông được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Năm 1938, ông được bầu làm Tổng Bí thư đảng Cộng sản Đông Dương. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, ngày 28/8/1941, Ông bị thực dân Pháp xử bắn tại Bà Điểm, huyện Hóc Môn (nay là thành phố Hồ Chí Minh). Tại pháp trường, ông đã kiên quyết xé tấm băng đen bịt mắt và hô lớn: “Cách mạng Đông Dương thành công muôn năm” rồi gục ngã xuống trước làn đạn địch. Ông hi sinh lúc mới 29 tuổi.

Phạm Hùng (Nhâm Tý, 1912-1988)

Phạm Hùng tên thật là Phạm Văn Thiện, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sinh năm 1912 tại xã Long Hồ, huyện Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long. Từ năm 1928-1929, ông là thành viên trong tổ chức “Nam kỳ học sinh Liên hiệp hội” và “Thanh niên cộng sản Đoàn”. Năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1931, ông bị bắt và bị kết án tử hình, sau hạ thành án chung thân, khổ sai, đày đi Côn Đảo. Năm 1946, Ông làm Bí thư xứ ủy lâm thời Nam bộ. Năm 1951, Ông được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, sau đó được chỉ định làm ủy viên Trung ương cục miền Nam với chức vụ Phó bí thư, rồi làm Chủ tịch ủy ban kháng chiến hành chính, phân liên khu miền Đông Nam bộ năm 1952. Năm 1956, ông được bầu vào ủy viên Bộ chính trị.

Năm 1975, ông làm Chính ủy bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau, ông làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1980). Từ tháng 6/1987, ông làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Ông được Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý trong đó có Huân chương Sao Vàng./.


 
Duy Hưng tổng hợp
(Nguồn: Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam, nxb Văn Hóa)

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top