Rắn là một trong những loài động vật lâu đời nhất trên Trái Đất, có sự đa dạng về chủng loại, hình dạng và kích thước. Trong suốt chiều dài lịch sử, loài rắn đã trở thành biểu tượng quen thuộc của nhiều nền văn hóa trên thế giới, với những ý nghĩa vừa tích cực vừa tiêu cực.
Hình tượng rắn trong văn hóa bốn phương
Ở châu Úc, các thổ dân tôn sùng và thờ rắn khổng lồ, còn gọi là rắn cầu vồng. Sự đồng nhất hình tượng cầu vồng với rắn xuất phát từ quan niệm liên quan đến nước và đời sống nông nghiệp. Ở phía Bắc Australia, hình tượng rắn ngũ sắc được gắn với các nghi lễ trưởng thành. Tại đây, người ta dựng lại hình thức chị em Vauvaluk (tổ tiên của bộ tộc Dua) với một người bị rắn ngũ sắc nuốt, sau đó rắn khạc ra đứa trẻ - tượng trưng cho cái chết tạm thời của người lên bậc trưởng thành.
Rắn cũng luôn là một biểu tượng mạnh mẽ trong văn hóa châu Âu. Tại Hy Lạp, thần Apollo lần đầu tiên được thờ ở Delphi dưới biểu tượng rắn. Trong tôn giáo của người Hy Lạp, rắn luôn được xem là một biểu tượng thiêng liêng, không chỉ tượng trưng cho sự khôn ngoan mà còn là biểu hiện về khả năng sinh sản trong tín ngưỡng phồn thực.
Theo truyền thuyết cổ Hy Lạp, vị thần Esculape, con trai của thần Apollo được xem là ông tổ của ngành y dược. Một ngày nọ, Esculape trên đường đi thăm bạn gặp một con rắn, ông đã lấy cây gậy để gạt con rắn ra nhưng nó lại bám lấy rồi bò lên quấn quanh cây gậy. Thấy vậy, Esculape đập cây gậy xuống đất để giết chết con rắn. Ngay sau đó, một con rắn khác bò tới, miệng ngậm một loại thảo dược để cứu con rắn đã chết sống lại. Từ đó, ông để tâm tìm kiếm các loại cây cỏ trong núi để chữa bệnh cho con người. Vì vậy, để khắc họa thần Esculape, người ta thường để thần cầm một chiếc gậy làm bằng gỗ cây nguyệt quế và một con rắn quấn xung quanh.

Ảnh minh họa
Dựa vào truyền thuyết trên, sau này hình ảnh con rắn quấn quanh cây gậy được dùng làm biểu tượng trong y học. Rắn cũng được dùng làm biểu tượng của ngành dược, song thay vì quấn quanh cây gậy, rắn sẽ quấn quanh chén Hygie ( chiếc chén được cho là vật dụng pha chế thuốc của nữ thần Hygie, con gái của thần Esculape).
Ngoài ra, rắn thường lột da để lớn và để loại bỏ các ký sinh trùng trên da nên rắn cũng là biểu trưng của sự tái sinh, hồi phục, tuần hoàn luân hồi và bất tử.
Trong khi đó, tại Pháp, khi mô tả ai với cái lưỡi chẻ đôi tức là muốn nói người ấy mồm miệng toàn nói điều độc địa như loài rắn độc. Cũng với ý nghĩa đó, kẻ tiểu nhân bị ví là ở dưới thấp hơn cả bụng rắn.
Tại châu Mỹ, một số bộ lạc thổ dân tôn kính loài rắn chuông như ông vua của loài rắn, là vị thần có khả năng cung cấp nguồn năng lượng gió hoặc gây ra cơn bão lớn. Rắn chuông được thờ trong đền Natchez thờ thần mặt trời và các vị thần của Aztec.
Con rắn thần Quetzalcoátl (hay rắn lông chim) chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng trong các thần điện của người Aztec. Thần rắn lông chim xuất hiện trên các cấu trúc trong thành phố cổ Teotihuacan tại Mexico. Rắn trở thành biểu tượng thờ cúng và biểu trưng ý niệm về thời gian của người Mexico cổ. Ở Mexico cũng có một ngôi đền dành riêng cho thần của không khí và cửa đền giống như miệng một con rắn. Người ta tìm thấy rất nhiều hình rắn lớn được trang trí trong các đền thờ, trong đó tiêu biểu là rắn chuông.
Ở châu Phi, hình tượng rắn được thờ phụng ở rất nhiều quốc gia, dưới nhiều hình thức biểu hiện khác nhau. Tại Congo, uy lực tối cao của trời là con rắn Điămbô. Người ta tin rắn là con vật lâu đời nhất, là tổ tiên sáng tạo. Họ thờ rắn như thờ vị thần tối cao của dân tộc.
Ở miền Nam Nigeria, mãng xà là đối tượng đứng đầu của niềm tin về tiên tổ. Được biết đến dưới cái tên Ogidia, nó đại diện cho cuộc chiến tranh bộ lạc. Người dân quan niệm, mỗi con mãng xà có một linh hồn con người bên trong. Linh hồn được giải phóng bằng nghi lễ sau cái chết của những loài bò sát. Bất cứ hành vi nào chống lại rắn là một tội phạm đối với tổ tiên.
Thời cổ xưa, trên các vương miện của các Pharaoh Ai Cập đều có chạm trổ hình rắn Naja bằng vàng hoặc ngọc vì rắn tượng trưng cho nữ thần hiền lành, có khả năng phù hộ cho nhà vua. Trước công nguyên, các sứ giả của các quốc gia ở châu Âu đều tay cầm cây trượng, trên đầu trượng có khắc hình rắn, với hàm ý là dấu ấn trong quốc thư của các sứ giả ngoại quốc.
Ở châu Á, tại Iran, người ta đã tìm thấy dấu vết của của tín ngưỡng thờ rắn thiêng qua các hình vẽ, vòng tròn được chạm khắc trên vách các hang động. Người Ba Tư cổ thờ rắn rất thành tâm ở các đền, nơi diễn ra các lễ hiến tế và lễ hội bằng sự kính trọng đối với những vị thần vĩ đại nhất của họ. Trong thần thoại của người Ba Tư, sự đấu tranh giữa hai vị thần thiện - ác, Ormuzd và Ahriman, được hình dung là hai con rắn đang tranh nhau quả trứng vũ trụ.
Đối với người Hindustan, rắn như một biểu tượng của thần thánh và đi sâu vào tôn giáo của người Balamon với lễ hội của rắn. Trong lễ hội, người ta chia phần gạo của mình cho các con rắn với hy vọng điều này sẽ giảm bớt những rủi ro và mang lại những điều tốt đẹp.
Biểu tượng rắn trong nền văn hóa Ấn độ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây. Hình ảnh rắn, đặc biệt là Naga, xuất hiện ở nhiều tôn giáo lớn như Hindu giáo, Phật giáo và Kỳ Na giáo. Naga được miêu tả là một vị thần nửa người nửa rắn, đại diện cho sức mạnh bảo vệ và sự sinh sôi. Trong các ngôi đền Hindu, hình ảnh của rắn thường khắc họa cùng với những vị thần như Shiva, Vishnu.
Còn tại Trung Quốc, rắn được xem là một con giáp, đại diện cho sự khôn khéo, bí ẩn và sở hữu sức mạnh nội tại. Ngoài ra, biểu tượng rắn còn liên quan mật thiết đến rồng - một hình ảnh quyền uy và thần thánh trong văn hóa Trung Hoa. Với lễ hội truyền thống, rắn thường xuất hiện ở những màn múa lân, tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng, mang lại niềm tin, hy vọng.
Hình tượng rắn trong văn hóa Việt Nam
Trong dòng chảy văn hóa Việt Nam, rắn là một hình tượng khá phổ biến và có sức ảnh hưởng lớn. Hình ảnh rắn xuất hiện khá nhiều trong chuyện dân gian, trò chơi của con trẻ và trong tín ngưỡng dân gian của người Việt.
Với kho tàng văn học dân gian, hình tượng rắn thường xuyên xuất hiện với nhiều biến thể khác nhau, lúc là rắn, giao long, khi là thuồng luồng, rồng. Có thể kể đến những câu chuyện huyền thoại của người Việt như: Sự tích thánh Linh Lang, Sự tích Hồ Ba Bể, Thạch Sanh, Rắn báo oán, Ông Dài, ông Cộc hay Lấy chồng rắn trong truyện cổ Chăm… Đặc biệt, không thể bỏ qua truyện Con rồng cháu tiên, đây là huyền thoại chim tổ và huyền thoại rắn bố để trở thành mẹ tiên Âu, bố rồng Lạc sinh ra bọc trứng, nở trăm con - cội nguồn của người Việt ngày nay.
Trong đời sống hàng ngày, nhân dân đã sử dụng rất nhiều hình ảnh của rắn để ví von, so sánh. Trước hết, rắn tượng trưng cho sự sống lâu, trường thọ và sự tái sinh. Trong quan niệm dân gian thì rắn là con vật bất tử, trẻ mãi không già, vì cứ già là nó lại lột xác thành trẻ, cuộc đời nó cứ tuần hoàn như vậy và không bao giờ chết.
Đôi khi người ta lại lấy rắn để tượng trưng cho sự may rủi. Theo quan niệm dân gian, nếu đi đâu lo giải quyết công chuyện mà gặp được rắn là rất may mắn, thế nào công việc cũng được thành công toại nguyện. Dân gian cho rằng “Rắn đi, Quy (rùa) về”, nghĩa là ra ngõ mà gặp rắn thì tiếp tục đi còn gặp rùa thì nên quay về, vì có đi tiếp công việc cũng không thành, hoặc là “Khi đi gặp rắn thì may/ Khi về gặp rắn thì hay ăn đòn”.
Theo kinh nghiệm dân gian, rắn cũng là loài động vật biết “dự báo thời tiết”. Ở một số vùng của châu thổ Bắc Bộ, căn cứ vào sự quan sát của người dân, mùa hè khoảng tháng Bốn, tháng Năm, nếu trời đang nóng bức, oi nồng mà thấy rắn ráo bò ra thì hôm sau nhất định sẽ có mưa, và ngược lại, nếu trời đang mưa thì sẽ tạnh ráo.
Trong tín ngưỡng dân gian của người Việt, rắn được coi là loài vật linh thiêng và có nhiều sức mạnh kỳ diệu. Tục lệ thờ rắn là một tín ngưỡng nguyên thủy mang hai ý nghĩa: Thủy thần và vật tổ. Việc xem rắn là thủy thần gắn với những ý niệm về sông nước của cư dân nông nghiệp phổ biến ở nhiều vùng. Ngày nay, chúng ta vẫn bắt gặp những đền thờ rắn xuất hiện dọc theo các con sông như sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống…
Trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, trên thần điện, bên cạnh các tượng thờ như Tam tòa thánh mẫu, Ngũ vị vương quan, Tứ vị chầu bà… bao giờ cũng có một đôi thanh xà và bạch xà nằm vắt ngang phía trên điện thờ chính, người ta gọi là ông lốt. Nếu tìm hiểu thần tích của các thần trong đạo Mẫu có thuyết cho rằng, Quan lớn đệ ngũ, tức quan lớn Tuần Tranh có gốc tích là một con rắn: “Quan Tuần gốc tích là con rắn thần ở sông Đò Tranh (Hải Hưng) thường gây ra những trận sóng lớn ở khúc sông đó”.
Có thể nói, biểu tượng rắn không chỉ đơn thuần là hình ảnh một loài động vật, mà còn trở thành biểu tượng của nhiều yếu tố khác nhau như: Sức mạnh, quyền lực, sự đổi mới, trí tuệ, sự hủy diệt... Mỗi nền văn hóa sẽ có cách nhìn và ý nghĩa riêng về loài rắn, từ đó tạo nên những câu chuyện, truyền thuyết phong phú./.
Tiến Long