Làng quê văn minh, không gian, cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo… đó là thành quả của quá trình nhiều năm liền tập trung xây dựng nông thôn mới (NTM) và nông thôn mới nâng cao của xã Phong An, huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, xã Phong An với cơ sở hạ tầng được đầu tư hiện đại, đồng bộ, đảm bảo tiêu chí của đô thị, đang từng bước hình thành không gian đô thị, tạo tiền đề để nâng cấp lên thành phường (tương ứng quá trình nâng cấp huyện Phong Điền trở thành thị xã trong tương lai)
Nông thôn đổi mới, chất lượng đời sống nâng lên rõ rệt
Phong An là xã đầu tiên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Phong Điền (vào năm 2015). Sau khi được công nhận, Phong An lại tiếp tục huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các phong trào tại địa phương nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí làm bước đệm để thực hiện xây dựng xã NTM nâng cao. Quá trình thực hiện, xã Phong An đã chú trọng phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống cho Nhân dân; đồng thời huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn. Tính đến năm 2024, tổng nguồn vốn huy động để xây dựng NTM nâng cao tại xã Phong An đạt trên 219 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách Huyện là hơn 45,3 tỷ đồng; nguồn ngân sách Xã là 63,8 tỷ đồng và nguồn từ Nhân dân đóng góp đạt 265 triệu đồng. Từ các nguồn vốn này, Phong An tập trung đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân.

Hạ tầng giao thông ở xã Phong An được đầu tư khang trang, sạch đẹp
Ông Trần Công Phước, Chủ tịch UBND xã Phong An cho biết: Trong quá trình xây dựng, để đảm bảo công khai minh bạch, tất cả các gói thầu đều được đấu thầu qua mạng, thực hiện đúng quy trình, trình tự các bước từ mời thầu, dự thầu, mở thầu, chấm thầu đến ký kết hợp đồng… Trong quá trình thi công xây dựng đều có sự giám sát chặt chẽ của đơn vị tư vấn giám sát và Ban giám sát đầu tư cộng đồng. Công trình ở khu vực nào thì Ban giám sát mời đại diện hộ dân ở khu vực đó cùng tham gia giám sát thực tế thi công. Nhờ vậy, các công trình đảm bảo chất lượng, đúng thiết kế, kỹ thuật, góp phần làm diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại hơn, tạo cơ sở phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương. Đến nay, tỷ lệ đường trục chính nội đồng được cứng hóa 100% (32,45/32,45km), đáp ứng yêu cầu sản xuất và vận chuyển hàng hóa; 100% số công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng được bảo trì hàng năm; 100% tuyến đường trục xã có hệ thống điện chiếu sáng bằng đèn cao áp led. Các tuyến đường ngõ xóm được cứng hóa đạt 100% (28,5/28,5 km); cơ bản có hệ thống điện chiếu sáng, trồng cây xanh, hoa ven đường, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp. Các tuyến đường liên thôn, xóm đã có biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, cây xanh, gờ giảm tốc.. . Cùng với đó, các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… cũng được đầu tư xây dựng, cải tạo kiên cố, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập của người dân. Hiện xã Phong An có 8/8 thôn được công nhận đạt chuẩn văn hoá, 5 trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 và 1 trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2.

Người dân Phong An ngày càng quan tâm tới bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan xanh sạch đẹp
Để nâng cao thu nhập cho người dân, Phong An đang tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - thương mại; phát triển nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao; tăng số lượng và giá trị các sản phẩm. Đến tháng 10/2024, Xã có 694 cơ sở kinh doanh cá thể hoạt động ổn định. Đặc biệt, trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, các cơ sở sản xuất đã mạnh dạn đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị hiện đại để sản xuất, nhờ đó chất lượng sản phẩm ngày càng đảm bảo và mang tính cạnh tranh cao. Các nghề cơ khí, nghề nhôm kính, mộc gia dụng, ép dầu lạc, sản xuất sợi bột mì, sợi bún, bánh ướt phát triển tốt, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động với thu nhập ổn định. Ngoài ra, lĩnh vực thương mại và dịch vụ cũng có bước phát triển khá, các hộ kinh doanh đã mạnh dạn đầu tư nguồn vốn và quy mô hoạt động để tăng doanh thu, tiết giảm chi phí nhằm tạo ra lợi nhuận cao. Các lĩnh vực kinh tế phát triển tốt góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 60 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,47%.
Song song với những đổi thay về cơ sở hạ tầng và thu nhập, thì ý thức người dân cũng được nâng cao, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Phong An là đơn vị đầu tiên được Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Phong Điền triển khai mô hình xây dựng “Gia đình 5 có, 3 sạch” với mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ, văn minh, cải thiện môi trường sống ngày càng xanh - sạch - đẹp, nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao của địa phương.

Mô hình "Gia đình 5 có, 3 sạch" góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc,
tiến bộ, văn minh, cải thiện môi trường sống ngày càng xanh - sạch - đẹp
Bên cạnh đó, Nhân dân trong các thôn của xã Phong An đang thi đua xây dựng xây dựng những tuyến đường kiểu mẫu với sự chung tay với sự đóng góp, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, tạo nên bức tranh nông thôn tươi mới, đầy sức sống. Hiện, Phong An đã triển khai xây dựng tuyến hành lang xanh dọc Quốc lộ 1A đi qua địa bàn xã. Nhân dân đã tham gia phát quang, dọn dẹp, san lấp đất đá, cây cối để trồng hơn 1.000 cây hoa giấy, dâm bụt, mười giờ, sam, cọ... dọc hai bên tuyến đường từ khu vực An Lỗ ra đến Bệnh viện Trung ương Huế (cơ sở 2) với chiều dài khoảng 2km. Ngoài việc tạo cảnh quan môi trường, tuyến đường hoa còn góp phần nâng cao nhận thức người dân không xả rác bừa bãi và chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường.
Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân, xã Phương An đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2023 và đón nhận bằng công nhận vào tháng 10/2024.
Trở thành xã mẫu về chuyển đổi số
Để thực hiện các tiêu chí của xã nông thôn mới nâng cao, năm 2023, xã Phong An được Sở Thông tin truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế chọn làm xã xây dựng mô hình mẫu về chuyển đổi số trong toàn tỉnh với mục tiêu thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số trong chính quyền xã để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị.

Lễ khai trương địa chỉ số tại di tích lịch sử cấp tỉnh: Nhà lưu niệm đồng chí Hoàng Anh
Việc chuyển đổi số ở xã Phong An tập trung vào các hoạt động chính gồm: Xây dựng hạ tầng số, triển khai dữ liệu số (báo cáo số, bản đồ địa chỉ số), hành chính công, cấp phát cài tài khoản số (tài khoản định danh điện tử, tài khoản thanh toán điện tử, chữ ký số), thí điểm khu vực wifi công cộng, triển khai phòng họp trực tuyến và điều hành thông minh, hỗ trợ điện thoại cho người dân hộ nghèo và cận nghèo, hỗ trợ người dân, hộ kinh doanh, chính quyền quảng bá hình ảnh, thông tin, sản phẩm, dịch vụ, nét văn hóa đặc trưng của địa phương lên môi trường mạng và các sàn thương mại điện tử.
Sau một năm triển khai, hiện nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin trên địa bàn xã Phong An cơ bản đáp ứng được nhu cầu làm việc của các bộ, công chức, đã thực hiện các phần mềm dung chung của tỉnh bao gồm trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; văn bản ban hành đều được cập nhật và ký số trên môi trường mạng theo quy định; cán bộ, công chức được đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, an toàn thông tin. Trong quá trình nộp hồ sơ, người dân được đánh giá mức độ hài lòng qua phiếu đánh giá. Công tác điều hành của chính quyền đang thực hiện thông qua hệ thống chính quyền điện tử Huế, người dân làm chủ được Hue-S và thụ hưởng được các dịch vụ trên Hue-S.

Lãnh đạo UBND xã Phong An nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Với quan điểm chuyển đổi số phải người dân làm trung tâm, Phong An đẩy mạnh triển khai các tổ công nghệ số cộng đồng, hỗ trợ cập nhật 3.357 địa chỉ số trên địa bàn. Tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 85%, 55% người 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch ngân hàng; lắp đặt 12 điểm Wifi miễn phí tại các điểm công cộng, 18 điểm camera giám sát công cộng. Tỷ lệ người dân được cấp định danh điện tử đạt 82,89%....
Việc triển khai thực hiện mô hình mẫu về xã chuyển đổi số tại Phong An tiếp tục nhận được quan tâm của Sở Thông tin truyền thông tỉnh và những ý kiến đóng góp của các đơn vị, các ngành trong huyện để người dân để kịp thời điều chỉnh mô hình cho phù hợp, phấn đấu đưa xã Phong An trở thành xã đầu tiên hoàn thành mô hình chuyển đổi số cấp xã trên toàn tỉnh. /.
Trịnh Long