Đóng góp của 4 ngành công nghiệp và 9 ngành dịch vụ trọng yếu trong phát triển kinh tế thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2012 -2017

03/09/2019 - 09:30 AM
Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế năng động nhất của cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo và xây dựng các chính sách. Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 7 (tháng 12/2000) lần đầu tiên đã định hướng việc “mở rộng thị phần xuất khẩu đối với 4 nhóm sản phẩm chủ lực, đang còn lợi thế cạnh tranh, chiếm tỷ trọng lớn” để vừa ổn định phát triển kinh tế, vừa giải quyết việc làm. Trong quá trình thực hiện, Thành phố đã chủ động bổ sung, xây dựng đề án phát triển 9 ngành dịch vụ trọng yếu và được Đảng bộ Thành phố nhất trí thông qua tại Đại hội lần thứ 8 (tháng 12/2005). Kể từ đó đến nay, mục tiêu chủ đạo xuyên suốt qua các giai đoạn phát triển kinh tế của Thành phố là gắn việc chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng hiện đại với việc tạo động lực, thúc đẩy phát triển 4 ngành công nghiệp và 9 ngành dịch vụ trọng yếu.

Trong 3 năm gần đây (2015-2017), khu vực công nghiệp của Thành phố chiếm 23,5-24%, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu chiếm khoảng 10%; khu vực dịch vụ chiếm 59-60% trong tổng GRDP- bằng 1,64 lần khu vực dịch vụ của Hà Nội và bằng 1/3 của cả nước, trong đó 9 ngành dịch vụ trọng yếu chiếm khoảng 55%.

Dựa vào kết quả của 2 cuộc Tổng điều tra kinh tế, hành chính sự nghiệp 2012, 2017, Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh đã biên soạn Ấn phầm “Tổng điều tra kinh tế 2017 - Thực trạng của 4 ngành công nghiệp và 9 ngành dịch vụ trọng yếu trong phát triển kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2012-2017”. Dưới đây là một số nội dung của ấn phẩm này:

Đóng góp của 4 ngành công nghiệp trọng yếu

Giai đoạn 2011-2016, với xu thế chuyển dịch định hướng cơ cấu kinh tế là dịch vụ - công nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm phát triển các ngành dịch vụ có hàm lượng chất xám, mang lại giá trị gia tăng cao; chú trọng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghệ cao; di dời các ngành sản xuất ô nhiễm ra khu dân cư, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp đã có sự chuyển dịch tương đối rõ nét.

Năm 2011, 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu chiếm 10,2% trong tổng GRDP và khoảng 51% trong toàn ngành công nghiệp. Nhóm ngành đóng góp nhiều nhất trong cơ cấu GRDP là hoá dược, cao su plastic 3,4%; kế đến là thực phẩm - đồ uống 3%, cơ khí 2,9% và điện tử 0,9%.

Năm 2016, 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu chiếm 9,8% trong tổng GRDP và 50,7% trong toàn ngành công nghiệp. Nhóm ngành đóng góp nhiều nhất trong cơ cấu GRDP là thực phẩm - đồ uống, chiếm 3%; kế đến là cơ khí 2,5%, hoá dược cao su 2,4% và điện tử 1,9%.


 
Bảng 1: Tỷ trọng 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu
 
Đóng góp của 4 ngành công nghiệp và 9 ngành dịch vụ trọng yếu trong phát triển kinh tế thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2012 -2017

Qua 5 năm, khu vực công nghiệp - xây dựng đã có sự thay đổi cơ cấu trong GRDP theo xu hướng giảm dần tỷ trọng, từ 24,2% năm 2011 giảm còn 23,7% năm 2016, tương đương giảm 0,5%, trong đó 4 ngành công nghiệp chủ yếu có tỷ trọng giảm 0,4%. Nhóm ngành điện tử có sự thay đổi tỷ trọng đáng kể, tăng 1%, trong khi các nhóm khác đều không đổi hoặc giảm nhẹ. Nguyên nhân chính do các tập đoàn điện tử nước ngoài, thời gian qua đầu tư vào Thành phố, nổi bật là Intel Samsung. Hai nhóm ngành ngành có tỷ trọng đóng góp vào GRDP giảm là hoá dược (-1%) và cơ khí (-0,4%).

Đóng góp của 9 ngành dịch vụ

Qua 5 năm, các ngành dịch vụ luôn có nhiều thay đổi biến động, đặc biệt sau khi gia nhập WTO, Việt Nam phải mở của cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia các lĩnh vực dịch vụ: bán lẻ, khách sạn, viễn thông, bất động 21 sản… Nhiều mô hình dịch vụ, kinh doanh mới xuất hiện làm thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng (để cạnh tranh, mang lại lợi nhuận và phục vụ người tiêu dùng tốt hơn) như: Thương mại điện tử, mua bán hàng hoá qua mạng; dịch vụ vận tải Grab, Uber; du lịch kết hợp khám chữa bệnh, giáo dục trực tuyến (online), đào tạo từ xa, chữa bệnh từ xa; dịch vụ thuê ngoài (outsourcing)…

Nếu như năm 2011, 9 ngành dịch vụ chiếm 54% trong GRDP và chiếm 91,7% trong khu vực dịch vụ (trong đó, 4 ngành chiếm tỷ trọng cao trong GRDP là thương nghiệp (16,6%), vận tải kho bãi (7,4%), kinh doanh bất động sản (10,7%), tài chính ngân hàng (5,4%)). Thì tới năm 2016, tỷ trọng nội bộ trong 9 ngành có sự thay đổi, 9 ngành dịch vụ vẫn chiếm 55,6% trong GRDP và chiếm 91,2% trong khu vực dịch vụ. Trong đó, 4 ngành vẫn chiếm tỷ trọng cao là thương nghiệp (17,2%), vận tải kho bãi (8,4%), kinh doanh bất động sản (7,9%), tài chính ngân hàng (9,4%).

 
Bảng 2: Tỷ trọng 9 nhóm ngành dịch vụ
 
Đóng góp của 4 ngành công nghiệp và 9 ngành dịch vụ trọng yếu trong phát triển kinh tế thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2012 -2017 1
 
So sánh với 2011, tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong GRDP đã tăng thêm 2,1%, trong đó 9 ngành dịch vụ tăng 1,6 điểm %. Ngành vận tải, giáo dục có sự chuyển dịch mạnh nhất, lần lượt tăng 1 điểm % và 1,2 điểm % trong tỷ trọng với GRDP.

Xét trong nội bộ ngành, có 4 ngành: Thương nghiệp, vận tải kho bãi, kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng là những ngành chủ đạo trong 9 ngành, luôn chiếm trên 64% nội bộ khu vực dịch vụ. Do đó, trong điều kiện nguồn lực có hạn thì cần có cơ chế tác động 4 ngành này để tạo hiệu ứng lan toả cho toàn bộ khu vực dịch vụ phát triển.

Xét riêng vai trò đóng góp của từng ngành, ngành thương nghiệp bán buôn, bán lẻ là ngành có số lượng cơ sở hoạt động nhiều nhất, tạo ra giá trị tăng thêm cao nhất, chiếm tỷ trọng 17,2% trong tổng GRDP năm 2016 (tăng 0,6% so với 2011) và chiếm 28,3% trong khu vực dịch vụ. So sánh tỷ trọng của các ngành khác trong tổng GRDP của Thành phố thì ngành thương mại chỉ đứng thứ 2 sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Ngành vận tải kho bãi: chiếm 8,4% trong tổng GRDP (tăng 1 điểm % so với 2011) và chiếm 13,8% trong khu vực dịch vụ. Đây là ngành có vị trí quan trọng thứ 2 trong 9 ngành dịch vụ. Do có vị trí địa lý đặc thù là trung tâm kinh tế, thu hút nhiều khách du lịch, có hệ thống cảng biển và các kho chứa hàng nên Thành phố Hồ Chí Minh có vai trò đầu mối trong hoạt động vận chuyển hàng hóa của cả khu vực Đông Nam Bộ.

Ngành khách sạn, nhà hàng (lưu trú và ăn uống): Chiếm 2,9% trong tổng GRDP (tăng 0,1 điểm % so với 2011) chiếm 4,8% trong khu vực dịch vụ; Ngành thông tin truyền thông: Chiếm 3,9% trong tổng GRDP (giảm 0,2 điểm % so với 2011) và chiếm 6,4% trong khu vực dịch vụ; Ngành tài chính, ngân hàng: Chiếm 5,7% trong tổng GRDP (tăng 0,2 điểm % so với 2011) và chiếm 9,4% trong khu vực dịch vụ; Ngành bất động sản: Chiếm 7,9% trong tổng GRDP (giảm 2,8 điểm % so với 2011) và chiếm 12,9% trong khu vực dịch vụ. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2011-2016, Thành phố đã chứng kiến nhiều bước thăng trầm, phát triển nóng dẫn đến lạm phát cao hoặc đóng băng của thị trường bất động sản.

 
Ngành hoạt động chuyên môn, KH&CN: Chiếm 4,1% trong tổng GRDP (tăng 0,5 điểm % so với 2011) và chiếm 6,7% trong khu vực dịch vụ. Dịch vụ ngành này tuy có tỷ trọng cao hơn các ngành giáo dục, y tế nhưng chưa thật sự khai thác hết lợi thế chất xám của con người Việt Nam, cũng như chưa mang tính ứng dụng, lan toả, “là động lực phát triển” cho các ngành dịch vụ khác.

Ngành giáo dục và đào tạo: Chiếm 3,2% trong tổng GRDP (tăng 1,2 điểm % so với 2011) và chiếm 5,2% trong khu vực dịch vụ; Ngành Y tế: Chiếm 2,3% trong tổng GRDP (tăng 0,8 điểm % so với 2011) và chiếm 3,7% trong khu vực dịch vụ. Như vậy sau 5 năm: Tỷ trọng khu vực dịch vụ đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần từ 58,9% lên 61%, tăng 2,1 điểm % thì 9 ngành dịch vụ đã tăng 1,6 điểm %, nghĩa là đã đóng góp 76,2 điểm % vào chuyển dịch của khu vực dịch vụ. Trong thay đổi cơ cấu của nội bộ 9 ngành, có 2 ngành giảm là kinh doanh bất động sản và thông tin truyền thông, 7 ngành còn lại đều chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng; có 2 ngành tăng tỷ trọng từ 1 điểm % trở lên là vận tải và giáo dục đào tạo. Có 4/9 ngành được xem là thế mạnh phát triển dịch vụ của Thành phố, có hiệu ứng lan toả nhanh đến các vùng kinh tế xung quanh, là “đầu tàu” để kéo các ngành dịch vụ khác phát triển. Các ngành dịch vụ y tế, giáo dục tuy có tỷ trọng đóng góp ít hơn so với các ngành khác nhưng vẫn là ngành đi đầu trong áp dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng đời sống người dân, tạo môi trường thu hút đầu tư bền vững./.

 
Nguồn: Trích từ ấn phẩm “Tổng điều tra kinh tế 2017 thực trạng của 4 ngành công nghiệp
và 9 ngành dịch vụ trọng yếu 
trong phát triển kinh tế thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2012-2017
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top