Hoạt động du lịch là hoạt động tổng hợp, liên quan đến nhiều ngành kinh tế như: Lưu trú, ăn uống, vận tải hành khách, du lịch lữ hành, mua sắm (ngành bán lẻ hàng hóa), thuê phương tiện đi lại hoặc đồ dùng cho du lịch, vui chơi giải trí, bảo hiểm... Tại Quảng Ninh, hoạt động du lịch đã đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế tại địa phương, tuy nhiên, còn tồn tại có một số vấn đề phức tạp, yêu cầu quy trình tính toán khoa học, đầy đủ.
Từ khóa: Du lịch, GRDP, Quảng Ninh, tỷ trọng đóng góp hoạt động du lịch
Tỉnh Quảng Ninh được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam thắng cảnh đậm bản sắc văn hóa, lịch sử, kiến trúc…, đặc biệt, có Vịnh Hạ Long là một trong 7 Kỳ quan Thiên nhiên mới của thế giới và được UNESCO hai lần công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Trong hơn 10 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư cơ sở hạ tầng mạnh mẽ để thúc đẩy cho các hoạt động kinh tế phát triển, trong đó hoạt động du lịch đã và đang chuyển mình vượt bậc. Thông qua lăng kính thống kê, nhóm tác giả đưa ra các luận cứ nhằm đo lường những đóng góp của hoạt động du lịch trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ninh.
Hoạt động du lịch theo quan điểm của thống kê
Năm 2009, Ủy ban Thống kê Liên Hợp Quốc đã chính thức phát hành ấn phẩm TSA: RMF 2008 là tài liệu chuẩn mực, đã hoàn thiện phương pháp luận, hướng dẫn biên soạn Tài khoản vệ tinh du lịch (TSA) được các nước trên thế giới thống nhất sử dụng. Trong đó, khái niệm du lịch được đưa ra như sau: “Du lịch là các hoạt động của du khách ở nơi ngoài môi trường sinh hoạt hàng ngày trong thời gian không quá một năm liên tục với mục đích chính không liên quan tới hoạt động kiếm tiền ở nơi họ đến”.
Tại Khoản 1, Điều 3, Luật Du lịch 2017 quy định “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên trong thời gian không quá 01 năm liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí, tìm hiểu, khám phá tài nguyên du lịch hoặc kết hợp với mục đích hợp pháp khác”.
Hai khái niệm trên khá tương đồng và bảo đảm theo đúng nguyên tắc của thống kê là “Đối tượng nghiên cứu của thống kê học là mặt lượng trong mối liên hệ mật thiết với mặt chất của các hiện tượng số lớn, trong điều kiện thời gian và không gian cụ thể”. Vì vậy, du lịch theo quan điểm của thống kê được hiểu như trên, đảm bảo cả căn cứ pháp lý, căn cứ khoa học và thực tiễn.
Phương pháp đo lường đóng góp của hoạt động du lịch trong tăng trưởng kinh tế địa phương
Đo lường đóng góp của hoạt động du lịch trong tăng trưởng kinh tế của địa phương sẽ được lượng hóa qua chỉ tiêu thống kê “Tỷ trọng đóng góp của hoạt động du lịch trong tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”. Công thức tính là:
Trong đó:
- VA (gồm thuế) của hoạt động du lịch: Là giá trị tăng thêm (gồm thuế) do các hoạt động du lịch tạo ra.
- GRDP: Là giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ cuối cùng được tạo ra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong một khoảng thời gian nhất định (thường là 01 năm).
Đối với chỉ tiêu GRDP, Tổng cục Thống kê sử dụng góc độ tiếp cận sản xuất để biên soạn, công bố GRDP theo giá hiện hành và so sánh. Tính tỷ trọng của bất kỳ thành tố nào trong GRDP sẽ sử dụng GRDP theo giá hiện hành. Chỉ tiêu GRDP được Tổng cục Thống kê công bố hằng quý, hằng năm, do đó số liệu này sẵn có.
Phương pháp tính giá trị tăng thêm hoạt động du lịch
Đối với giá trị tăng thêm (VA) hoạt động du lịch, để thu thập và tính toán đầy đủ, chính xác rất phức tạp. Hiện nay, có hai phương pháp tính chỉ tiêu này là tiếp cận từ phía cung và tiếp cận từ phía cầu.
Phương pháp tính giá trị tăng thêm hoạt động du lịch từ phía cung
Để tính được VA hoạt động du lịch theo phương pháp này cần xem xét thu thập, tính toán từ các ngành kinh tế liên quan đến hoạt động du lịch. Thông tin để tính toán các ngành trên được thu thập trực tiếp từ kết quả kinh doanh của cơ sở (doanh nghiệp, cá thể, đơn vị sự nghiệp) cung cấp dịch vụ. Tổng cục Thống kê có hệ thống các cuộc điều tra thống kê đa dạng, xuyên suốt bảo đảm thu được khối lượng thông tin lớn, tin cậy, phân tổ chi tiết đến các ngành kinh tế, địa phương. Tuy nhiên, đối tượng sử dụng dịch vụ của các cơ sở này không chỉ là khách du lịch, mà còn là dân cư thường trú tại nơi đó. Do đó, kết quả hoạt động du lịch sẽ nằm lẫn trong kết quả kinh doanh chung của cơ sở và chưa có một tỷ lệ phù hợp để tách bạch. Ngoài ra, tính toán theo phương pháp này còn một số hạn chế như: Không phân tổ được khách du lịch tự sắp xếp; khách đi trong ngày, hoặc lưu trú tại nhà người thân…
Phương pháp tính giá trị tăng thêm hoạt động du lịch từ phía cầu
Để tính được VA hoạt động du lịch theo phương pháp này cần xem xét từ chỉ tiêu số lượt khách và chi tiêu của khách du lịch tại địa phương đó theo từng khoản mục (chi tiêu thuê phòng, ăn uống, đi lại, thăm quan, mua sắm, y tế, vui chơi giải trí, chi khác). Thông tin để tính các chỉ tiêu này được thu thập trực tiếp từ việc chọn mẫu khách du lịch tại mỗi địa phương. Cách tiếp cận này sẽ giúp tính toán trực tiếp ra được kết quả các hoạt động du lịch tương ứng với các khoản chi tiêu cụ thể của khách du lịch, không cần tìm ra tỷ lệ để tách bạch như theo cách tiếp cận theo phía cung. Tuy nhiên, một số hạn chế khi tiếp cận theo phía cầu như: Thiếu thông tin để xác định khoản chi cho đi lại của khách du lịch là do cơ sở cung cấp dịch vụ thuộc địa phương nào; Thiếu thông tin chi tiết các khoản chi tiêu của khách du lịch theo tour (vì hầu hết các khoản chi sẽ do cơ sở lữ hành thực hiện hộ khách hàng); Không có thông tin để tính chính xác ngành du lịch lữ hành…
Quy trình tính toán tỷ trọng đóng góp của hoạt động du lịch trong tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Để giảm thiểu các hạn chế từ hai phương pháp tính trên, nhóm tác giả đã nghiên cứu và chuẩn hóa thành quy trình tính toán tỷ trọng đóng góp của hoạt động du lịch trong tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bằng cách kết hợp hài hòa các ưu điểm từ tiếp cận theo cả phía cung và phía cầu. Quy trình gồm 10 bước như sau:
Bước 1: Tính toán số lượt khách du lịch theo từng loại khách: Khách quốc tế, khách nội địa, ngoài ra còn phân tổ khách theo các hình thức tổ chức theo tour hoặc tự sắp xếp.
Dựa trên tỷ lệ khách đi trong ngày so với tổng khách lưu trú, khi biết được số khách lưu trú sẽ tính được số khách du lịch tại địa phương theo từng loại khách.
Bước 2: Tính toán chi tiêu bình quân của khách du lịch theo từng loại khách: Chi tiêu khách du lịch quốc tế, chi tiêu khách du lịch nội địa chi tại tỉnh theo loại khách và theo hình thức tổ chức khách nghỉ qua đêm, khách đi trong ngày.
Bước 3: Tính toán tổng chi tiêu của từng loại khách bằng số lượt khách du lịch nội địa và khách du lịch quốc tế theo từng loại khách nhân với chi tiêu bình quân một loại khách tại tỉnh.
Bước 4: Tính toán tỷ lệ các khoản chi tiêu của từng loại khách theo khoản mục chính gồm: Thuê phòng, ăn uống, đi lại, thăm quan, mua hàng, vui chơi, y tế, chi khác.
Bước 5: Tính giá trị sản xuất của hoạt động du lịch theo phía cầu (phía sử dụng) theo một số khoản chi chính: Thuê phòng, ăn uống, đi lại, thăm quan, mua hàng sắm, vui chơi, y tế, chi khác. Tất cả các khoản mục chi tiêu được quy về ngành cấp 2.
Bước 6: Tính giá trị sản xuất, chi phí trung gian, giá trị tăng thêm, thuế và trợ cấp của các ngành dịch vụ liên quan đến hoạt động du lịch theo phía cung, bao gồm: Lưu trú, nhà tự có tự ở, ăn uống, vận tải hành khách, ngành bán lẻ, viễn thông, lữ hành, thăm quan, vui chơi giải trí, y tế, giáo dục, bảo hiểm chuyến đi (phi nhân thọ), thuê máy móc thiết bị, dịch vụ cá nhân,… Phân bổ lại giá trị tăng thêm của hoạt động du lịch theo các khoản chi tương ứng.
Bước 7: Rà soát cân đối lại các khoản mục chi tiêu phía cầu và các ngành phía cung của hoạt động du lịch.
Bước 8: Biên soạn giá trị sản xuất cuối cùng của hoạt động du lịch.
Bước 9: Biên soạn chi phí trung gian, giá trị tăng thêm theo ngành cấp 2 của các hoạt động du lịch.
Bước 10: Tính tỷ trọng đóng góp hoạt động du lịch trong GRDP.
Đóng góp của hoạt động du lịch trong tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Ninh
Đại dịch COVID-19 bùng phát trong giai đoạn từ năm 2020-2022 đã gây tổn thất nghiêm trọng tới kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung. Đặc biệt, hoạt động du lịch trong thời gian đó hoàn toàn đóng băng do các hạn chế về đi lại để bảo đảm chống dịch. Vì thế, nhóm tác giả đã cân nhắc sử dụng dữ liệu năm 2019 (trước đại dịch) và năm 2023 (sau đại dịch) để tính toán thử nghiệm, chứng minh tính khả thi của quy trình tính toán trên.
Dữ liệu tính toán thử nghiệm được thu thập từ điều tra khách du lịch tại Quảng Ninh năm 2019, năm 2023 về tổng mức chi tiêu và các khoản chi tiêu chủ yếu của khách du lịch đến Quảng Ninh, bao gồm: Khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa đến từ các tỉnh, thành phố và khách du lịch trong tỉnh. Thêm nữa, sử dụng dữ liệu từ điều tra doanh nghiệp; điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; điều tra mẫu hàng tháng doanh nghiệp ngoài Nhà nước, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh cá thể hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch; dữ liệu liên quan từ Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh.
Theo quy trình 10 bước trên, nhóm tác giả đã thực hiện và đưa ra kết quả đóng góp của hoạt động du lịch trong tăng trưởng kinh tế tỉnh Quảng Ninh như sau:
Về Số lượt khách du lịch, năm 2019, Quảng Ninh đón hơn 14 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 5,7 triệu lượt khách (chiếm 41,1%), khách nội địa là 8,3 triệu lượt khách (chiếm 58,9%). Năm 2023, tổng lượt khách đạt 15,6 triệu lượt, tăng 11,14% so với năm 2019. Trong đó: Khách du lịch nội địa giữ đà tăng ổn định đạt 13,41 triệu lượt, tăng 62,4% so với năm 2019; khách quốc tế đạt 2,15 triệu lượt, chỉ bằng 37,4% so với năm 2019. Nguyên nhân do khách quốc tế chưa quay trở lại nhiều, đặc biệt là khách đến từ thị trường khách lớn, quan trọng của Quảng Ninh là Trung Quốc.
Về Chi tiêu của khách du lịch, tổng chi tiêu của khách du lịch năm 2023 đạt 33,4 tỷ đồng, tăng 13,3% so với 2019 (29,5 tỷ đồng), trong đó chi tiêu của khách quốc tế là 5,5 tỷ đồng, giảm 60,6% so với năm 2019; chi tiêu khách nội địa là 27,9 tỷ đồng, tăng 80,9% so với năm 2019. Chi tiêu bình quân một lượt khách năm 2023 đạt 2.147,1 nghìn đồng, tăng 1,98% so năm 2019.
Về Tỷ trọng giá trị tăng thêm của hoạt động du lịch trong GRDP, giá trị tăng thêm của hoạt động du lịch chưa gồm thuế năm 2023 đạt khoảng 16 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với năm 2019; giá trị tăng thêm hoạt động du lịch gồm thuế đạt 16,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2019.
Năm 2023, tỷ trọng đóng góp giá trị tăng thêm gồm thuế của hoạt động du lịch trong GRDP tỉnh Quảng Ninh đạt 10,31%, giảm 2,04 điểm% so với năm 2019. Nguyên nhân do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 làm giảm tốc độ phát triển hoạt động du lịch, trong khi đó các hoạt động kinh tế khác, đặc biệt là khu vực công nghiệp vẫn duy trì và phát triển cả về quy mô và tốc độ tăng trưởng.
Một số kiến nghị
Ngày 01/11/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 10/2023/TT-BKHĐT quy định Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh, trong đó có chỉ tiêu Tỷ lệ đóng góp của hoạt động du lịch trong GDP có mã số 2.22, phân tổ theo tỉnh, thành phố. Vì vậy, công việc đo lường đóng góp của hoạt động du lịch trong tăng trưởng kinh tế là cấp thiết và quan trọng. Nhóm tác giả có một số kiến nghị với Tổng cục Thống kê như sau:
Một là, đo lường hoạt động du lịch là công việc đòi hỏi chuyên môn cao nên cần bố trí nguồn lực phù hợp để chuyên trách nhiệm này.
Hai là, hoàn thiện phương pháp luận về hoạt động du lịch căn cứ theo hướng dẫn quốc tế và thực tiễn trong nước; xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê về hoạt động du lịch để đảm bảo nguồn thu thập thông tin nhất quán, chính xác, đầy đủ.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện phương pháp tính đầy đủ, chính xác để có kết quả thống nhất, có tính so sánh.
Bốn là, nâng cao trình độ thu thập thông tin về hoạt động du lịch của điều tra viên thống kê; kiểm tra, giám sát các cuộc điều tra thống kê nhằm đảm bảo thông tin thu thập tin cậy, đúng đắn; truyền thông phù hợp để toàn xã hội hiểu đầy đủ sự quan trọng của thông tin thống kê về hoạt động du lịch./.
Nhóm tác giả: ThS Nguyễn Thị Huyền, ThS Đặng Thị Bích Hồng,
ThS Vũ Trọng Nghĩa, CN Ngụy Thị Thu Hường
Vụ Hệ Thống Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD) (2001), Tourism Satellite Account - TSA: Recommended Methodological Framework.
2. Liên hợp quốc, Ủy ban Châu Âu, Tổ chức Hợp tác Kinh tế và evelopment, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Nhóm Ngân hàng Thế giới (2008), Hệ thống Tài khoản quốc gia.
3. Eurostat (2001), European Implementation Manual on Tourism Satellite Accounts.
4. Eurostat (2008), Domestic Tourism Manual.
5. Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2010), Triển khai áp dụng tài khoản vệ tinh du lịch tại Việt Nam.
6. Trần Thị Kim Thu (2006), Nghiên cứu thống kê kết quả hoạt động kinh doanh du lịch.
7. Nguyễn Thị Tuyết Nhung (2010), Nghiên cứu thống kê Tài khoản vệ tinh du lịch ở Việt Nam.
8. Trần Thị Nga (2019), Phương pháp thống kê nghiên cứu khách du lịch nội địa ở Việt Nam.
9. Nguyễn Lê Anh (2012), Phương pháp thống kê kết quả hoạt động kinh doanh du lịch ở Viêt Nam.