Đông Hưng: Tập trung phát triển công nghiệp đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế

29/11/2022 - 06:22 AM

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đông Hưng lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định phát triển công nghiệp là trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội của huyện. Cụ thể hóa mục tiêu này của Nghị quyết, những năm qua, huyện Đông Hưng đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm khai thác lợi thế nằm trên tuyến quốc lộ huyết mạch để phát triển cả công nghiệp tập trung và các làng nghề.

Hai năm vừa qua, trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của  đại dịch Covid-19, giá nguyên, nhiên liệu, chi phí vận tải, logistics tăng cao, song sản xuất công nghiệp của huyện Đông Hưng vẫn đạt kết quả khả quan. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 tăng 17,2% so với cùng kỳ, trong đó một số ngành hàng đạt mức tăng trưởng khá như: dệt may, gia công cơ khí, hàng điện tử, đồ gỗ, chế biến lương thực…

Để sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng ổn định, các cấp. ngành liên quan của huyện Đông Hưng đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về nguồn vốn; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm và tăng cường thu hút đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp.

Cụm công nghiệp Đô Lương - Niềm tự hào của công nghiệp Đông Hưng
 

Trong đó, để xây dựng được hạ tầng công nghiệp, Huyện tập trung vào nhiệm vụ hàng đầu là tuyên truyền, vận động người dân chấp thuận việc giải phóng mặt bằng để giao đất cho nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Sau đó kêu gọi đầu tư giai đoạn tiếp theo từng bước lựa chọn các nhà đầu tư thứ cấp để phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại tạo ra giá trị sản xuất cạnh tranh lớn.

Do làm tốt công tác giải phóng mặt bằng nên các nhà đầu tư hạ tầng đã triển khai thi công đúng tiến độ, hoàn thành hạ tầng CCN Đô Lương và CCN Đông La; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại CCN Đông Phong, CCN Nguyên Xá, CCN Mê Linh, CCN Hồng Việt, CCN Phong Châu. Về cơ bản, các công trình xây dựng đang được thực hiện theo đúng kế hoạch. Đến nay trên địa bàn huyện đã có 7 cụm công nghiệp đi vào hoạt động và tiếp tục quy hoạch bổ sung CCN Đô Lương 2 và CCN Đông Phương.

 Các lĩnh vực khuyến khích phát triển tại các CCN tập trung, Đông Hưng tập trung vào ngành chủ lực có lợi thế cạnh tranh như: chế biến lương thực thực phẩm gắn với vùng nguyên liệu, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, điện tử, công nghiệp phụ trợ; ưu tiên lựa chọn các dự án công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, thân thiện với môi trường, công nghiệp sạch, công nghệ sinh học.

Song song với thu hút đầu tư các cụm công nghiệp tập trung, Đông Hưng còn khuyến khích phát triển làng nghề có thế mạnh của địa phương; đồng thời chú trọng công tác đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho công nhân và người lao động; xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư vào các làng nghề, trong đó ưu tiên cho các ngành như chế biến nông sản thực phẩm và ngành nghề có hiệu quả kinh tế cao, không gây ô nhiễm môi trường.

Những khu làm việc "xanh" trong các nhà máy
sản xuất tại các CCN của huyện Đông Hưng

 

Để tạo niềm tin đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư, UBND huyện đã tập trung kiểm soát chặt chẽ việc cập nhật công khai các thủ tục hành chính trên Cổng trang thông tin điện tử của huyện https://donghung.thaibinh.gov.vn và tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả huyện nhằm kịp thời phục vụ nhu cầu tra cứu của các cá nhân, tổ chức, nhà đầu tư trước khi thực hiện công việc.

Cùng với đó, huyện chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ứng dụng mạnh mẽ, có hiệu quả công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước và phục vụ người dân, tổ chức; chú trọng xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, đưa chữ ký số vào triển khai trên phần mềm quản lý văn bản; tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ trong xử lý công việc; thực hiện trao đổi các văn bản, tài liệu qua mạng với 100% cán bộ, viên chức thường xuyên sử dụng thư điện tử.

Chính điều này đã tạo ra những thay đổi lớn trong phương thức giải quyết TTHC, tác động tích cực trong việc đơn giản hóa TTHC, góp phần hiện đại hóa nền hành chính công; giảm văn bản, giấy tờ, bảo đảm gởi nhận an toàn, nhanh chóng, thuận lợi và tăng cường công tác an toàn thông tin.

Hoạt động của các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp và khu vực làng nghề đã ổn định, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn người lao động nông thôn. Các dự án đầu tư triển khai đạt tiến độ và đi vào hoạt động sản xuất ổn định như: Công ty TNHH MTV G8 khu công nghiệp Nguyên Xá, dự án mở rộng sản xuất sản phẩm thạch cao của Công ty cổ phần sông Diêm…

Thanh Hà


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top