Động lực tăng trưởng của kinh tế Cần Thơ những tháng cuối năm

13/10/2022 - 10:37 AM
Năm 2022, việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 và hiệu quả của các chính sách phục hồi kinh tế được phát huy đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố Cần Thơ dần khôi phục và phát triển tốt. Những thành tựu kinh tế trong 9 tháng đầu năm 2022 đã cho thấy những tín hiệu tích cực và là động lực tăng trưởng bứt tốc cho kinh tế Thành phố trong những tháng cuối năm.

Trong quý III và 9 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội Cần Thơ tiếp tục phát triển bên cạnh một số khó khăn, hạn chế: Dịch bệnh Covid-19 còn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp và các dịch bệnh mới xuất hiện trở lại, tác động tiêu cực của cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia lớn, nhất là xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine, rủi ro lạm phát gia tăng, giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, không như kỳ vọng. Thu hút đầu tư trong và ngoài nước chưa có tiến triển mới, mặc dù có nhiều nhà đầu tư quan tâm …, đã tác động đến quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng.  

Trước tình hình đó, Thành phố quyết tâm khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, thích ứng với tình hình mới trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đẩy nhanh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng bị ảnh hưởng theo quy định, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế. Nhờ đó, kinh tế thành phố Cần Thơ tiếp tục duy trì được đà phục hồi, phát triển, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đều tăng so với cùng kỳ. Một số tín tiệu tăng trưởng đáng mừng của Cần Thơ trong 9 tháng đầu năm 2022 phải kể đến: Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ổn định và tăng trưởng, thị trường tiêu thụ sản phẩm được khơi thông, mở rộng; chỉ số sản xuất công nghiệp quý III tăng 92,82% và 9 tháng tăng 30,86% so với cùng kỳ; hoạt động thương mại và dịch vụ từng bước trở nên sôi động trở lại, phục vụ nhu cầu vui chơi, mua sắm của người dân, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý III tăng 98,20%, 9 tháng tăng 43,53% so với cùng kỳ; chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý III tăng 1,67%, bình quân 9 tháng tăng 2,64% so với bình quân cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 57,77% so với dự toán HĐND thành phố giao. Cụ thể:

Nguồn vốn huy động và dư nợ cho vay đều tăng khá cao so với đầu năm, hiệu quả dòng vốn tín dụng đã được nâng cao. Nguồn vốn huy động tăng 11,22%, dư nợ cho vay tăng 14,25%, đều tăng cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2021, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19. Vốn huy động ước đạt 103.400 tỷ đồng, tăng 11,22% so với đầu năm, trong đó vốn huy động VNĐ là 100.100 tỷ đồng, chiếm 96,81%, tăng 10,03%; ngoại tệ là 3.300 tỷ đồng, chiếm 3,19%, tăng 65,83% so với đầu năm. Chỉ số giá tiêu dùng quý III/2022, tăng 0,44% so với quý trước, tăng 1,67% so với quý cùng kỳ năm trước và tăng 8,36% so với kỳ gốc 2019.
 
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành từ đầu năm tháng 9/2022 ổn định, không có nhiều biến động. Hầu hết các công trình dự án đang được chủ đầu tư và đơn vị thi công tập trung thực hiện để đảm bảo tiến độ như kế hoạch đề ra. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý III/2022 theo giá hiện hành ước tính đạt 7,97 nghìn tỷ đồng, giảm 7,91% so với quý II và tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Ước tính 9 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 21,94 nghìn tỷ đồng, tăng 30,16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn nhà nước đạt 4,19 nghìn tỷ đồng, tăng 41,71%, vốn ngoài nhà nước đạt 16,52 nghìn tỷ đồng, tăng 29,87%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1,21 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ.

 
Động lực tăng trưởng của kinh tế Cần Thơ những tháng cuối năm
Ảnh Thành phố Cần Thơ, nguồn Internet

Hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố có phần sôi động hơn so với cùng kỳ, nhiều đơn vị thi công và chủ đầu tư tranh thủ thời cơ sau khi mọi quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây, một số công trình mới có vốn đầu tư lớn đã được khởi công, nhiều dự án xây dựng trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê đang trong giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị đưa vào sử dụng; nhiều công trình xây dựng đường giao thông nông thôn ở các huyện và công trình nâng cấp hẻm, đường nội ô ở các quận đã và đang hoàn thành. Ước 9 tháng/2022, giá trị sản xuất ngành xây dựng (theo giá hiện hành) đạt 13,28 nghìn tỷ đồng, tăng 23,69% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 5,20 nghìn tỷ đồng, tăng 3,23% so với cùng kỳ, khu vực loại hình khác đạt 7,93 nghìn tỷ đồng, tăng 39,40%. Ước thực hiện giá trị sản xuất ngành xây dựng (theo giá so sánh) đạt 8,05 nghìn tỷ đồng, tăng 11,43% so với cùng kỳ.

Tình hình phát triển doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ cũng có những dấu hiệu tích cực theo hướng nâng cao giá trị doanh nghiệp. Theo đó, lũy kế 9 tháng/2022, Thành phố đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 1.344 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 17,46 nghìn tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch về số lượng doanh nghiệp và tăng 9,17% kế hoạch về vốn đăng ký. So cùng kỳ năm 2021, số doanh nghiệp tăng 44,36% và số vốn tăng 33,96%; so với cùng kỳ năm 2020, số doanh nghiệp tăng 21,51% và số vốn tăng hơn 2 lần.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2022 so với quý trước cho thấy: Có 45,54% số doanh nghiệp đánh giá tốt lên và 33,66% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn; 20,8% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh không thay đổi. Dự kiến quý IV/2022 so với quý hiện tại, có 45,54% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 22,77% số doanh nghiệp đánh giá tình hình vẫn còn khó khăn và 31,68% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh vẫn không thay đổi.

Về khối lượng sản xuất, có 44,55% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất của doanh nghiệp quý III/2022 tăng so với quý trước; 32,67% số doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất giảm. Xu hướng quý IV/2022 so với quý III/2022, có 46,53% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất tăng; 19,8% số doanh nghiệp dự báo giảm. Về đơn đặt hàng mới, có 41% số doanh nghiệp đánh giá doanh nghiệp nhận được đơn đặt hàng mới quý III/2022 tăng so với quý trước; 32% số doanh nghiệp đánh giá đơn đặt hàng mới giảm. Xu hướng quý IV/2022 so với quý III/2022, có 47% số doanh nghiệp dự báo đơn đặt hàng mới sẽ tăng; 20% số doanh nghiệp dự báo giảm. Về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý III/2022 so với quý trước, có 35,56% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu cao hơn; 28,89% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu giảm. Xu hướng quý IV/2022 so với quý III/2022, có 44,68% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu; 19,15% số doanh nghiệp dự kiến giảm.

Qua kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2022 cho thấy một số doanh nghiệp có phần cẩn trọng hơn về thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và ngoài nước trong thời gian tới, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp đang kỳ vọng vào thị trường trong những tháng cuối năm. 

Song song với đó, hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2022 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, năng suất cây trồng và chăn nuôi đạt khá. Ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ, nông nghiệp ở trình độ cao, đưa công nghệ sạch vào sản xuất, đẩy mạnh xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, quy hoạch xây dựng vùng sản xuất giống cho các sản phẩm chủ lực của thành phố gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo thành chuỗi giá trị khép kín. Diện tích cây ăn trái ngày càng mở rộng, hình thành một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh với diện tích 10,39 nghìn ha, sản lượng trên 100 ngàn tấn như nhãn, mận, vú sữa,… góp phần nâng cao giá trị sản phẩm gắn kết tiêu thụ, tăng lợi thế cạnh tranh và có tiềm năng lớn phát triển du lịch sinh thái. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố không xảy ra dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản. Lũy kế 9 tháng/2022, sản lượng thịt heo xuất chuồng ước đạt 15,62 nghìn tấn, tăng 2,61% so cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt gia cầm ước đạt 5,51 nghìn tấn, tăng 10,19% so với cùng kỳ. Toàn thành phố đã trồng được 644 nghìn cây phân tán, tăng 37% so với cùng kỳ.

Một trong những thế mạnh về nông nghiệp của Cần Thơ là thủy sản cũng ghi nhận sự tăng trưởng tốt. Theo đó, diện tích nuôi trồng thủy sản 9 tháng/2022 (không bao gồm diện tích sản xuất giống) ước đạt 3.849 ha, tăng 14,52% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng cá nuôi nước ngọt tăng tập trung chủ yếu ở cá tra nuôi công nghiệp đạt 138.610 tấn, tăng 9,15% so với cùng kỳ năm 2021, cá khác còn lại nuôi ao mương vườn đạt 18.538 tấn, tăng 5,95% so với cùng kỳ do đã vào thời điểm thu hoạch. Ngoài ra, sản lượng cá nuôi trong lồng bè, vèo ước đạt 1.801 tấn, tăng 2,39% so với cùng kỳ. Sản lượng khai thác thủy sản nội địa ước 9 tháng/2022 đạt khoảng 4.508 tấn, tăng 14,94% so cùng kỳ năm 2021, trong đó cá đạt 3.572 tấn, tăng 15,82%; tôm 8 tấn, tăng 15,385; thủy sản nước ngọt khác ước 928 tấn, tăng 11,67% so với cùng kỳ.

Tình hình hoạt động của nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố đã đạt được kết quả khả quan. Hầu hết các doanh nghiệp đều xây dựng kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với tiềm lực của đơn vị, cũng không ngừng vượt qua thách thức khó khăn từ thị trường, tìm kiếm cơ hội từ những bất ổn của thị trường quốc tế để phát triển kinh doanh, tăng tiêu thụ, tăng sản xuất, mang về hiệu quả tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tính chung 9 tháng/2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 30,86% so với cùng kỳ năm trước. Riêng chỉ số sản xuất công nghiệp ước quý III/2022 tăng 92,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng hơn 2 lần; sản xuất và phân phối điện tăng 42,75%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 26,39% so với cùng kỳ.

Tính chung 9 tháng/2022, IIP của Cần Thơ tăng 30,86% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 37,10%; sản xuất và phân phối điện tăng 12,97%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,37%. Nhiều ngành có sản lượng sản phẩm công nghiệp tăng khá cao so với cùng kỳ, cụ thể: Phi lê đông lạnh ước tăng 42,35% so với cùng kỳ; tôm đông lạnh tăng 34,86%; xay xát gạo tăng 32,11%; sản phẩm thức ăn cho gia súc tăng 34,61%; nước ngọt (cocacola, 7 up,..) tăng 43,42%; bộ com-lê, quần áo đồng bộ cho người lớn dệt kim hoặc đan móc tăng 42,40%; thùng, hộp bằng bìa cứng (trừ bìa nhăn) tăng 59,45%; dược phẩm dạng viên tăng 71,39%; đinh mủ, đinh vít tăng 89,27%;…
Theo báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty sản xuất cá đóng hộp, từ đầu năm đến nay có nhiều thuận lợi hơn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, sản lượng sản phẩm sản xuất tháng 9/2022 thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, nguyên nhân là do thời điểm này năm trước, công ty được địa phương hỗ trợ mọi mặt để duy trì hoạt động sản xuất, để có đủ hàng hóa cung cấp cho thị trường, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu của người dân, nên sản lượng sản phẩm sản xuất tháng 9/2021 rất cao. Ở chiều ngược lại, có một số sản phẩm sản xuất giảm so với cùng kỳ, cụ thể như: Thuốc lá có đầu lọc giảm 5,43% so với cùng kỳ (tiêu thụ còn khó khăn nên sản lượng sản phẩm sản xuất giảm); phân khoáng và phân hóa học NPK giảm 21,85%; sản phẩm sắt thép giảm 0,65%; rác thải không độc hại đã thu gom không thể tái chế giảm 8,16%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tháng 9/2022 tăng hơn 4 lần so với tháng cùng kỳ. Tính chung 9 tháng/2022, chỉ số tiêu thụ ước tăng 90,02% so với cùng kỳ. Nhiều ngành có mức tiêu thụ tăng cao so với cùng kỳ, cụ thể: Chế biến, bảo quản thủy sản; xay xát và sản xuất bột thô; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản; sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng; sản xuất thuốc tây; sản xuất sản phẩm khác bằng kim loại chưa được phân vào đâu;… Mức tiêu thụ sản phẩm công nghiệp của một số ngành tăng cao, các biện pháp tăng cường quảng bá sản phẩm công nghiệp của các doanh nghiệp, cũng như các hình thức khuyến mãi, chiêu thị của các công ty đã phát huy tác dụng, thêm vào đó, tình hình xuất khẩu hàng hóa thuận lợi cũng nâng cao sản lượng tiêu thụ sản phẩm công nghiệp.

Trong khi đó, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/9/2022 giảm 70,84% so với tháng cùng kỳ và tăng 1,91% so với tháng trước. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm mạnh so với cùng kỳ như: Chế biến, bảo quản thủy sản; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản; sản xuất thuốc lá; sản xuất phân bón; sản xuất thuốc bảo vệ thực vật; sản xuất xi măng; sản xuất sắt thép;…

Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp ước tháng 9/2022 giảm 0,45% so với tháng trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước không thay đổi; doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 0,53% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 1,93%. Tình hình lao động tại các doanh nghiệp ước tháng 9/2022 không biến động nhiều so với tháng trước, hầu hết các doanh nghiệp đã tuyển dụng được lao động theo đúng yêu cầu sản xuất kinh doanh tại đơn vị.

Tình hình thương mại, dịch vụ 9 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố Cần Thơ có nhiều ngành và lĩnh vực phục hồi rất nhanh, hầu hết các cơ sở dịch vụ đã hoàn toàn phục hồi mạnh mẽ sau khi thành phố đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Nhờ đó, lưu trú ăn uống và du lịch lữ hành, một số dịch vụ vui chơi giải trí cũng tăng trưởng ấn tượng trong quý III năm 2022. Cùng với chính sách tiêm vắc xin, hỗ trợ khó khăn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh cá thể nên tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2022 của thành phố gặp nhiều thuận lợi. Tổng mức bán ra hàng hóa và dịch vụ tháng 9/2022 ước đạt 17,72 nghìn tỷ đồng, tăng 5,43% so với tháng trước và tăng 54,80% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, ước đạt 142,89 nghìn tỷ đồng, tăng 36,48% so với cùng kỳ.

Tính chung 9 tháng/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 86,16 nghìn tỷ đồng, tăng 43,53% so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 65,61 nghìn tỷ đồng, tăng 34,84% so với cùng kỳ năm trước; lưu trú, ăn uống ước đạt 9,38 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ; du lịch lữ hành ước đạt 322,63 tỷ đồng, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ, du lịch xanh, du lịch sinh thái là một trong những xu hướng được yêu thích hiện nay, nhất là sau đại dịch Covid-19, loại hình du lịch sinh thái là thế mạnh và đang thu hút lượng lớn du khách trong các ngày lễ, dịp hè; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 10,83 nghìn tỷ đồng, tăng 54,99% so với cùng kỳ năm 2021.  

Từ đầu năm đến nay ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động vận tải dần được phục hồi, các công ty vận tải đầu tư nhiều hơn cho hoạt động kinh doanh để khai thác có hiệu quả các tuyến vận tải trong nước. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát tại Cần Thơ ước đạt 2,44 nghìn tỷ đồng, tăng 30,81% so cùng kỳ năm trước, cụ thể doanh thu vận tải hành khách ước đạt 529,54 tỷ đồng, tăng 53,67% so với cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 1,40 nghìn tỷ đồng, tăng 24,53%; dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 463,03 tỷ đồng, tăng 30,94% và bưu chính chuyển phát ước đạt 49,18 tỷ đồng, tăng 11,91% so với cùng kỳ.
 
Ước tính quý III/2022, số lượt hành khách vận chuyển đạt 5,02 nghìn nghìn lượt hành khách, tăng 6,04% so với quý trước và tăng 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, số lượt hành khách vận chuyển ước đạt 13,76 triệu hành khách, tăng 28,10% so với cùng kỳ; số lượt hành khách luân chuyển đạt 704,04 triệu hành khách.km, tăng 56,72% so với cùng kỳ. Khối lượng hàng hóa vận chuyển trong 3 quý đầu năm 2022 ước đạt 7,79 triệu nghìn tấn, tăng 21,65% so với cùng kỳ; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước tính đạt 1,25 tỷ tấn.km, tăng 19,96% so với cùng kỳ.

Để tiếp tục đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng 3 tháng cuối năm 2022, hoàn thành và vượt các chỉ tiêu kinh tế năm 2022 Cục Thống kê thành phố Cần Thơ đã tham mưu, đề xuất Thành phố cần triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tăng cường triển khai nhanh, đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các nhiệm vụ, biện pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, nhất là việc thực hiện, giải ngân tiền thuê nhà cho người lao động đã được phê duyệt tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 23/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Hai là, quyết liệt triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, phát huy vai trò của các Tổ công tác thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố, nâng cao ý thức, năng lực cán bộ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công.

Ba là, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ theo Chỉ thị của Ban thường vụ Thành ủy, Kế hoạch của UBND thành phố, đặc biệt tiến độ hoàn thiện Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ và các dự án mang tính chất đòn bẩy như Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh, Cụm Năng lượng Nhiệt điện Ô Môn…

Bốn là, chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch Covid-19. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả vắc xin phòng Covid-19 và tăng cường truyền thông, vận động người dân tham gia tiêm chúng vắc xin phòng Covid-19. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ./.

 
Thu Hiền (Nguồn số liệu từ Cục Thống kê thành phố Cần Thơ)

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top