E-logistics: Thị trường nhiều tiềm năng nhưng cũng là cuộc đua khốc liệt

09/02/2022 - 09:11 AM
Logistics điện tử (e-logistics) là toàn bộ các hoạt động nhằm hỗ trợ việc di chuyển hàng hóa từ nơi cung ứng đến nơi tiêu dùng thông qua các giao dịch mua bán điện tử. Trong sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay thì E-logistics không còn là khái niệm đối với người dân và doanh nghiệp. Điểm khác biệt lớn nhất của E-logistics so với logistics truyền thống là việc thực hiện logistics đầu vào (procurement) và logistics đầu ra (fulfillment) đều được xử lý bằng công nghệ thông tin, các quy trình được tự động hóa để đáp ứng số lượng đơn hàng lớn lên đến hàng triệu đơn mỗi ngày, hàng trăm nghìn chủng loại hàng hóa với tiến độ giao hàng nhanh chỉ trong 1-2 giờ và có độ chính xác cao.
 
Cùng với xu hướng chung của thế giới, thời gian qua, Việt Nam đã và đang chứng kiến sự chuyển đổi từ hoạt động logistics truyền thống sang hoạt động logistics thế hệ mới, ứng dụng công nghệ thông tin áp dụng công nghệ 4.0. Đặc biệt năm 2020, 2021 là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn của kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng do sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19 cùng những diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động logistics truyền thống. Song dịch Covid19 dường như lại là chất xúc tác, thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số ngành dịch vụ logistics Việt Nam trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ và làm khuấy động thị trường E-logistics nước ta.
 
E-logistics: Thị trường nhiều tiềm năng nhưng cũng  là cuộc đua khốc liệt
Ảnh minh họa

Theo báo cáo Logistics Việt Nam 2020 của Bộ Công thương, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics trên thị trường đang cung cấp đến 17 dịch vụ logistics khác nhau, chủ yếu là dịch vụ giao nhận, vận tải, kho hàng, chuyển phát nhanh và khai báo hải quan. Khoảng 50 - 60% doanh nghiệp đang ứng dụng các loại hình công nghệ khác nhau, tùy quy mô và tính chất dịch vụ của từng doanh nghiệp. Đặc biệt, trong năm 2020 thị trường logistics đã có sự tăng lên mạnh mẽ các loại hình dịch vụ phục vụ thương mại điện tử. Nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt xu thế, xây dựng và đầu tư hệ thống kho, trung tâm logistics với chức năng cung ứng dịch vụ vận tải, hoàn tất đơn hàng, phân phối… theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại với chất lượng cao.
 
Sự sôi động của thị trường E-logistics là kết quả của việc các doanh nghiệp logistics áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động và coi đây là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các công ty công nghệ đang có các chuyển biến tích cực nhằm vào hệ thống dịch vụ logistics trong nước, cả với tư cách nhà cung cấp giải pháp công nghệ hoặc thậm chí là nhà cung cấp dịch vụ.
 
Hiện thị trường logistics Việt Nam ứng dụng công nghệ vào bốn mảng chính. Thứ nhất là các ứng dụng công nghệ thông tin trong vận tải đường bộ với mục đích tối ưu hóa năng lực phương tiện, hoạch định và kiểm soát tuyến đường, lịch trình, thời gian, nâng cao tỷ lệ đầy xe hàng. Đây cũng chính là một hình thái của kinh tế chia sẻ và sự nổi lên mạnh mẽ của các công ty như Grab, Be, Gojek32 đã thể hiện rõ dấu hiệu của làn sóng mới này. Thứ hai là các giải pháp tự động hóa kho hàng thương mại điện tử, giao hàng chặng cuối và chuyển phát nhanh. Các ứng dụng của Lazada là một ví dụ cụ thể của xu hướng này và đang tiếp tục thu hút sự chú ý và tham gia của nhiều công ty lớn trong nước. Thứ ba, một số công ty ra mắt những hệ thống điều hành kết hợp tự động hóa sản xuất với các nguyên tắc sản xuất tinh gọn, hoạt động rất hiệu quả. Điển hình như nhà máy sản xuất của Samsung đưa robot vào quá trình đưa linh kiện, bán thành phẩm, thành phẩm trong sản xuất và kiểm kê hàng bằng drone (một loại phương tiện bay không người lái). Thứ tư, một số nhà bán lẻ trong nước triển khai ứng dụng kết hợp giữa hệ thống thông tin - tự động hóa - trí tuệ nhân tạo trong quản lý chuỗi cung ứng từ khâu thu mua tới khâu phân phối và đến người tiêu dùng cuối cùng.
 
Trong ngành Logistics Việt Nam có hai mô hình trung tâm điển hình về ứng dụng công nghệ là: Trung tâm Logistics và cảng cạn quốc tế ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và kết nối công nghệ 4.0 và Trung tâm logistics phục vụ nông nghiệp.
 
Vào cuối năm 2019, thị trường E-logistics ghi dấu ấn với sự kiện Tập đoàn T&T Group quyết định hợp tác với Tập đoàn YCH (Singapore) để đầu tư phát triển Trung tâm Logistics và cảng cạn quốc tế ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và kết nối công nghệ 4.0 tại Việt Nam. Sau khi hoàn thành, Trung tâm Logistics và cảng cạn quốc tế cung cấp toàn bộ giải pháp chuỗi cung ứng cho khách hàng, doanh nghiệp có nhà máy sản xuất tại Việt Nam, đồng thời sẽ có giải pháp toàn diện cho tất cả các khâu giúp cho các công việc tại cảng cạn trở nên hiệu quả hơn trong quá trình vận hành. Điểm đáng chú ý là tại Trung tâm này, công nghệ 4.0 được kết nối vào chuỗi cung ứng, bao gồm cả thiết bị bay không người lái để kiểm đếm hàng hoá và sử dụng AGV - xe tự động không người lái trong nhà kho để tự động hóa toàn bộ quy trình.
 
Cũng trong năm 2019, thực hiện chiến lược chuyển hướng phát triển sang lĩnh vực nông nghiệp, công ty ô tô Trường Hải (Thaco) đã đầu tư chuỗi giá trị xuyên suốt để phát triển vùng trồng nguyên liệu cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Lào và Campuchia. Để hoàn thiện chuỗi giá trị này, Chu Lai Logistics đã phát triển dịch vụ vận tải nông nghiệp và hàng lạnh, trước mắt là logistics chuyên dụng phục vụ xuất khẩu trái cây. Đến nay Chu Lai Logistics đang từng bước hoàn thiện toàn bộ hệ thống kinh doanh theo định hướng mô hình giao nhận - vận chuyển thông minh đảm bảo đồng bộ với hệ thống quản trị số hóa của sản xuất - kinh doanh ô tô, thương mại điện tử, phù hợp với xu thế công nghệ mới với tầm nhìn trở thành Trung tâm dịch vụ Logistics hàng đầu miền Trung và sứ mệnh cung cấp dịch vụ logistics trọn gói với giải pháp tối ưu, chi phí hợp lý cho khách hàng.
 
Ngoài ra, thị trường logistics Việt Nam còn nổi lên nhiều doanh nghiệp logistics có các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại. Điển hình như Công ty Cổ phần Abivin Việt Nam với giải pháp cung cấp giải quyết các vấn đề trong ngành logistics dựa trên nền tảng công nghệ phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo,... áp dụng thuật toán để tạo ra lộ trình nhanh nhất cho hàng trăm xe giao hàng, hàng nghìn đơn hàng trong vài giây. Phần mềm của Abivin có thể giúp tăng 30% khả năng giao hàng, tiết kiệm chi phí giao vận theo thời gian, cải thiện được tầm nhìn quản lý chuỗi cung ứng từ đầu đến cuối cho doanh nghiệp. Hiện Abivin đang hoạt động tại 4 quốc gia trên thế giới. Một trong những nền tảng do Abivin phát triển được đánh giá cao là Abivin vRoute. Đây là một nền tảng AI tối ưu hoá logistics, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tự động hoá các quy trình thủ công và quản lý chuỗi cung ứng từ khâu đầu đến khâu cuối: Tiết kiệm khoảng 35% thời gian điều phối và lên kế hoạch vận chuyển; tối ưu chi phí hoạt động vận hành; tăng 95% khả năng bao quát chuyến hàng và đội xe. Đối với doanh nghiệp phân phối, Abivin vRoute giúp giảm 85% thời gian lên kế hoạch và điều phối hàng ngày; tiết kiệm thời gian và chi phí cho hoạt động logistics; cải thiện lên tới 25% tỷ lệ đầy xe (Vehicle Fill Rate).
 
Tương tự, một doanh nghiệp khởi nghiệp chuyên về lĩnh vực vận tải là Công ty TNHH Công nghệ Logivan đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thuật toán so khớp xe tải và giá cả nhằm tối ưu hóa việc sử dụng các xe tải trống. Logivan được ví như “Uber của xe tải”, chuyên cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam. Chỉ tính riêng trong năm 2018, công ty này đã kết nối hơn 22.000 đối tác vận tải, 10.000 chủ hàng đăng ký trên hệ thống của mình.
 
Là đơn vị có 92% thị phần xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua vận chuyển container bằng đường biển tại khu vực phía Nam, Tổng công ty Tân Cảng Sài gòn cũng đã nghiên cứu và phát triển hệ thống cảng điện tử (e-Port) từ năm 2016, nhằm cung cấp công cụ cho khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến qua thẻ thanh toán nội địa (ATM) cá nhân và tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp (internet banking), phát hành hóa đơn điện tử, đồng thời triển khai lệnh giao hàng điện tử (eDO) với các hãng tàu. E-Port đã giúp khách hàng của công ty này chủ động khai báo thông tin giao nhận cho các lô hàng và đặc biệt kết nối thanh toán dịch vụ trực tuyến linh hoạt thông qua cổng Napas 24/24 với các hệ thống ngân hàng. E-Port đồng thời giúp khách hàng và hãng tàu giảm được các công đoạn di chuyển, nhận chứng từ, quản lý giấy tờ thủ công; điện tử hóa quy trình làm việc; giảm ách tắc giao thông khi sản lượng hàng hóa giao nhận tăng cao; tiết kiệm chi phí cho chủ hàng, hãng tàu và cảng. Tính đến ngày 25/6/2020, hầu hết các hãng tàu đã thực hiện lệnh giao hàng điện tử eDO với Cảng, loại bỏ lệnh giao hàng thủ công và thay đổi tập quán trong giao nhận hàng hóa, góp phần thực hiện thành công giao dịch điện tử trong hoạt động thương mại, giảm thiểu lượng giấy sử dụng trong giao nhận, góp phần đáng kể trong công cuộc bảo vệ môi trường.
 
Hiện ngành logistics Việt Nam cũng đã áp dụng blockchain trong hoạt động logistics và chuỗi cung ứng. Ví dụ như công ty FPT đưa ra giải pháp Akachain áp dụng blockchain, nhằm truy xuất nguồn gốc hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, Akachain cho phép quản lý hiệu quả logistics toàn chuỗi, từ xử lý đơn hàng, quản lý chất lượng, đóng gói, kho bãi đến phân phối, nhờ đó, thông tin về hàng hóa được truy xuất và theo dõi tại bất kỳ thời điểm nào. Lựa chọn công nghệ blockchain còn cho phép kết hợp dễ dàng với Big data và công nghệ AI; đảm bảo bảo mật thông tin cao; tăng tốc độ các giao dịch.
 
Trong năm 2020, Chính phủ Nhật Bản và 20 công ty lớn nhất của nước này đã công bố một nền tảng kỹ thuật số - công nghệ blockchain, để quản lý và tích hợp thông tin trong giao dịch thương mại, nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Nhật Bản và ASEAN cũng như thúc đẩy số hóa các thủ tục thương mại. Trong đó, Việt Nam là nước đầu tiên thực hiện việc chạy thử nghiệm hệ thống mới, để tiến tới triển khai cho 9 nước thành viên trong khối ASEAN. Hệ thống này sẽ xác định các điểm nghẽn tiềm ẩn trong chuỗi cung ứng bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu trong quá khứ liên quan đến các giao dịch. Nền tảng đồng thời sẽ giảm thiểu và loại bỏ nhu cầu trao đổi tài liệu bản cứng.
 
E-logistics: Thị trường nhiều tiềm năng nhưng cũng  là cuộc đua khốc liệt

Mặc dù xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin đang rất mạnh mẽ và hầu hết các doanh nghiệp logistics đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, song các chuyên gia đánh giá ngành E-logistics Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Điều này là do các doanh nghiệp logistics của Việt Nam ứng dụng công nghệ còn ở mức độ thấp, gặp nhiều rào cản trong chuyển đổi số do phần lớn doanh nghiệp logistics tại Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, hạn chế về khả năng tài chính. Sự hạn chế về tài chính đồng thời làm cho các doanh nghiệp logistics gặp nhiều khó khăn trong đầu tư hệ thống kho bãi để quản trị lưu kho và dự trữ hàng hóa bởi E-logistics đòi hỏi doanh nghiệp phải có hệ thống chi nhánh, đại lý, kho hàng phân bố rộng khắp trong nội thị cũng như các địa bàn cả nước để bảo đảm phủ sóng tất cả các đơn hàng với thời gian nhanh nhất. Hiệp Hội Doanh Nghiệp Dịch Vụ Logistics Việt Nam (VLA) ước tính chi phí để các doanh nghiệp logistics thực hiện quá trình chuyển đổi là con số khá lớn, khoảng từ 200 triệu tới hàng chục tỷ đồng.
 
Bên cạnh đó, mặc dù nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực logistics chủ yếu là trẻ, năng động, nhiệt tình, tuy nhiên vẫn thiếu về số lượng, yếu về trình độ chuyên môn sâu, thiếu kinh nghiệm, tính chuyên nghiệp và hạn chế về ngoại ngữ. Những vấn đề này đã và đang rào cản đối với các doanh nghiệp logistics Việt Nam trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của mình từ đó khó có thể vận hành một cách có hiệu quả, tối ưu chi phí và cải thiện chất lượng dịch vụ.
 
Nếu thương mại điện tử được đánh giá sẽ là ngành công nghiệp tương lai thì E-logistics được ví là "xương sống" cho ngành công nghiệp này. Trong Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2021 được công bố vào tháng 4/2021, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2020-2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử nước tai đặt 52 tỷ USD. Con số này cho thấy triển vọng phát triển của ngành dịch vụ hậu cần thương mại điện tử là E-logistics là rất lớn. Báo cáo "Chỉ số logistics thị trường mới nổi 2021" của Agility xếp hạng Việt Nam ở top 8 thị trường logistic tăng trưởng cao nhất toàn cầu. Với sức hấp dẫn này chắc chắn rằng cuộc đua E-logistics tại thị trường Việt Nam sẽ ngày càng sôi nổi, gay gắt và khốc liệt với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp năng động không chỉ trong nước mà còn là các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp nước ta hoạt động trong lĩnh vực E-logistics cần có nhiều đột phá và đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản trị, chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác, kết nối trong nước, khu vực và toàn cầu để nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá, phí các dịch vụ. Đồng thời Nhà nước cũng cần có các chính sách hỗ trợ giúp các doanh nghiệp E-Logistics trong nước có đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn lớn của nước ngoài./.
 
Quang Vinh

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top