Sau 4 năm Hiệp định thương mại tự do EVFTA được thực thi, quan hệ kinh tế của Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU) liên tục đạt được những cột mốc mới. Đặc biệt, tăng trưởng vượt bậc của kim ngạch thương mại hai bên được nâng lên tầm cao mới. Qua đó, chứng minh sức mạnh to lớn của các Hiệp định thương mại (FTA) đối với sự phát triển của thương mại thế giới nói chung và với các quốc gia tham gia FTA nói riêng trên tinh thần hợp tác cùng phát triển.
Từ khóa: EVFTA, Việt Nam, EU, thương mại, hiệp định, kim ngạch, xuất khẩu, nhập khẩu, hợp tác, thúc đẩy…
Abstract
After 4 years of implementing the EVFTA Free Trade Agreement, the economic relationship between Vietnam and the European Union (EU) has reached many new milestones. In particular, the outstanding growth of trade between the two sides has elevated the trade turnover to a new high. This demonstrates the significant impact of Free Trade Agreements (FTAs) on the development of global trade in general and of the participating countries in FTAs in particular, based on cooperation and common development.
Keywords: EVFTA, Vietnam, EU, trade, agreement, turnover, export, import, cooperation, promotion
Đạt thành tựu tăng trưởng thương mại vượt bậc
Ngày 30/6/2019, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (IPA) đã được chính thức ký kết. Bắt đầu có hiệu lực từ 01/8/2020, EVFTA là một trong nhưng FTA thế hệ mới đầu tiên của Việt Nam, đồng thời là FTA thế hệ mới đầu tiên EU ký với một nước đang phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiệp định EVFTA với cam kết loại bỏ hoặc giảm thuế quan cho hầu hết hàng hóa và dịch vụ giữa Việt Nam và EU, tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường EU và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. EVFTA cũng có quy định rõ ràng về xuất xứ hàng hóa, đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong thương mại, mở ra cơ hội để Việt Nam tiếp cận công nghệ và kiến thức tiên tiến từ EU...
Sau 4 năm đi vào thực thi, mặc dù trải qua giai đoạn đại dịch Covid tác động nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, song những thành tựu thương mại đạt được trong thời gian qua đã trở thành điểm nhấn quan trọng trong quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và EU. Đến nay, Hiệp định EVFTA cơ bản đạt được mục tiêu đề ra trong việc thúc đẩy quan hệ tổng thể giữa hai bên. EU đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam tiếp nối Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Ngoài ra, Việt Nam trở thành quốc gia có thị phần lớn nhất so với các nước trong khu vực ASEAN xuất khẩu vào EU.
Sau 4 năm thực thi, kim ngạch thương mại Việt Nam - EU đạt tăng trưởng vượt bậc
Năm 2023, mặc dù hoạt động thương mại giữa Việt Nam và EU giảm trong bối cảnh kinh tế châu Âu mất đà tăng trưởng, lạm phát cao và chính sách tiền tệ thắt chặt. Tuy nhiên, nhờ sự cải thiện trong những tháng cuối năm, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên EU đạt 72,3 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 34,3 tỷ USD. Nông sản là một trong những mặt hàng được hưởng nhiều lợi ích nhất kể từ khi EVFTA có hiệu lực thực thi, nhờ đó kim ngạch thương mại ngành hàng nông sản tăng trưởng mạnh, đóng góp lớn vào tổng kim ngạch thương mại cả nước. Nhiều mặt hàng quan trọng của Việt Nam xuất khẩu sang EU tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2023, như: Thủy sản tăng 29,5%, rau quả tăng 34,2%, giày dép tăng 49,7%, dệt may tăng 43,4%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 85,2%... Các thị trường xuất khẩu chính là Hà Lan, Đức, Italia, Bỉ, Pháp…
Đáng chú ý, những tháng đầu năm 2024, nhu cầu tiêu dùng chưa phục hồi rõ nét khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của EU từ thị trường ngoại khối tiếp đà giảm mạnh. Mặc dù vậy, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU cho thấy những khởi đầu khả quan khi tiếp tục phục hồi tích cực, bất chấp kinh tế khu vực vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này vẫn tiếp tục tăng trưởng. Qua đó cho thấy vai trò tích cực của EVFTA trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị phần đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Nửa đầu năm 2024, xuất khẩu sang đa số các thị trường chủ lực trong khối EU đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, Hà Lan là thị trường Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cao nhất trong khối, đạt trên 6,14 tỷ USD, chiếm 24,88% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU, tăng 27,12% so với cùng kỳ năm 2023; riêng tháng 6/2024 kim ngạch đạt gần 1,15 tỷ USD, tăng 13,59% so với tháng 5/2024 và tăng 35,46% so với tháng 6/2023. Đứng thứ hai là Đức đạt gần 3,82 tỷ USD, chiếm 15,46%, tăng 3,27%; ở vị trí thứ 3 là Italia đạt gần 2,53 tỷ USD, chiếm 10,23%, tăng 9,23%. Ngoài ra, xuất khẩu sang thị trường Tây Ban Nha đạt gần 1,97 tỷ USD, chiếm 7,96%, tăng 20,68%.
Riêng trong tháng 7/2024, Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt 20,1 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ EU cũng tăng 8,7% so với cùng kỳ. EU nằm trong Top 6 thị trường xuất khẩu lớn nhất và Top 6 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng của năm 2024. Dự báo, với những tín hiệu lạc quan kể trên, với sự phục hồi của kinh tế EU trong thời gian tơi, nhiều khả năng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số.
Ở chiều ngược lại, nhờ Hiệp định EVFTA, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận với sản phẩm hàng hóa đa dạng và chất lượng cao từ châu Âu với giá thành hợp lý hơn nhờ biểu thuế nhập khẩu cho nhiều sản phẩm từ châu Âu vào Việt Nam đang giảm theo lộ trình đến 0% theo cam kết của Hiệp định.
EVFTA đem lại nhiều cơ hội và lợi ích cho quan hệ kinh tế Việt Nam - EU
Với EVFTA, uy tín và thương hiệu hàng hóa Việt Nam cũng ngày càng được nâng cao. Việc hàng hóa Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn cao và khắt khe về chất lượng, nguồn gốc như EU đồng thời cũng tạo thuận lợi để có thể thâm nhập vào các thị trường lớn khác có chung quan điểm tiêu chuẩn như EU. Chỉ số Niềm tin Kinh doanh của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) cho thấy, 1/4 thành viên của Hiệp hội tại Việt Nam cho biết đang được hưởng lợi từ EVFTA thông qua việc giảm thuế, tiếp cận thị trường tốt hơn và tăng khả năng cạnh tranh. Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ doanh nghiệp hiểu về EVFTA cao hơn so với các FTA khác, gần 50% doanh nghiệp từng hưởng những lợi ích cụ thể từ EVFTA.
Để tận dụng được EVFTA, đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước cần nâng cao quá trình sản xuất và tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao; đồng thời, người lao động có thêm nhiều cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng các yêu cầu mới từ EVFTA. Với yêu cầu đó, việc chứng minh xuất xứ hàng hoá ngày càng được doanh nghiệp Việt Nam quan tâm. Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) giữ vai trò quan trọng, giúp doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu, đặc biệt là giúp hàng hóa tận dụng được các ưu đãi thuế quan theo các thoả thuận thương mại từ EVFTA.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng mạnh dạn và quyết tâm hơn trong việc đầu tư thúc đẩy và nâng cao thương hiệu Việt Nam. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2023, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 là 35,2% kim ngạch xuất khẩu, tương đương kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O là 15,4 tỷ USD, tăng 26,1% so với năm 2022. Một số nhóm hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi C/O mẫu EUR.1 tốt như thủy sản (89,2%), rau, quả (88,3%), gạo (tận dụng hết hạn ngạch 80.000 tấn gạo EU dành cho Việt Nam hàng năm). Giày dép - một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU với kim ngạch xuất khẩu 4,8 tỷ USD có tỷ lệ cấp C/O ưu đãi EUR.1 lên tới gần 100%. Quý I/2024, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 là 34,3%.
Hơn cả lợi ích thương mại, với EVFTA, Việt Nam trở thành một trong hai nước ASEAN duy nhất (cùng với Singapore) có hiệp định thương mại tự do với EU. Đồng thời, EVFTA đã và đang góp phần củng cố vị thế của Việt Nam với vai trò là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư từ các nước châu Âu, góp phần tạo đột phá trong đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Mặc dù, Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) được ký kết cùng lúc với EVFTA vẫn đang trong quá trình phê chuẩn, chưa được thực thi, tuy nhiên, dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam đã có sự bứt tốc đáng kể trong những năm qua.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/8/2021, EU có 2.240 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 22,25 tỷ USD, chiếm 5,55% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam. Quy mô dự án bình quân của EU tại Việt Nam là 9,9 triệu USD/dự án, thấp hơn quy mô dự án bình quân chung là 11,7 triệu USD/dự án. Trước những với chính sách kinh doanh cởi mở và ngày càng toàn diện hơn của Chính phủ Việt Nam, Hội đồng kinh doanh EU-ASEAN và EuroCham thể hiện niềm tin ngày càng tăng của các doanh nghiệp EU vào nền kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam.
Đến nay, EVFTA đã góp phần đưa EU lên vị trí thứ 6 trong số các nhà đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam với 28 tỷ Euro vào 2.450 dự án. Đáng chú ý, Việt Nam đã chiếm lĩnh được niềm tin của doanh nghiệp EU vào nền kinh tế và thu hút được hơn 800 triệu Euro đầu tư trong 9 tháng đầu năm 2023 trong bối cảnh xu thế FDI toàn cầu suy giảm. Lũy kế đến hết nửa đầu năm 2024, Hà Lan là quốc gia có số vốn đầu tư lớn nhất trong số các quốc gia thuộc EU vào Việt Nam với 14,56 tỷ USD cho 441 dự án.
Mặc dù ghi nhận tăng trưởng thương mại vượt bậc kể từ khi EVFTA có hiệu lực, tuy nhiên, dự địa hợp tác thương mại giữa Việt Nam và EU hiện vẫn còn rất lớn, nhất là khi tỷ lệ xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn thấp, mới chỉ chiếm trên 2% quy mô dung lượng thị trường của EU. Kỳ vọng rằng, EVFTA sẽ tiếp tục mang đến tác động tích cực, sâu rộng hơn nữa đến thương mại, thúc đẩy môi trường kinh doanh minh bạch, qua đó, tạo điều kiện phát triển quan hệ giữa Việt Nam và EU trên mọi lĩnh vực./.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo tình kinh kinh tế - xã hội, Tổng cục Thống kê;
2. Tình hình hợp tác đầu tư của EU tại Việt Nam (2021); Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Duy Hưng