Già hóa dân số ở một số nước châu Á

21/01/2022 - 10:17 AM
Không còn là thuật ngữ mới, già hóa dân số hiện đã trở thành một vấn đề được đặc biệt quan tâm tại nhiều nền kinh tế lớn của Châu Á. Với tỷ lệ sinh giảm kỷ lục, số người trong độ tuổi nghỉ hưu ngày càng tăng, các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đang đối mặ với bài toán khó này. Đây cũng là các quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số thuộc nhóm cao nhất trên thế giới.
 
Trung Quốc

Theo kết quả tổng điều tra dân số toàn quốc lần thứ 7 (hoàn thành vào tháng 12/2020), dân số của Trung Quốc là trên 1 tỷ 411 triệu người, tăng 72,06 triệu người (tăng 5,38%) so với tổng điều tra dân số toàn quốc năm 2010; tốc độ tăng trung bình hàng năm là 0,53% so với năm 2000. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ khi áp dụng chính sách 1 con cuối thập niên 1970.

Kết quả tổng điều tra cũng cho thấy, già hóa dân số hiện đã trở thành một trong những mối lo ngại lớn nhất đối với tương lai Trung Quốc. Quốc gia này đang đối mặt với thực tế “chưa giàu đã già”. Trong đó, số người từ 60 tuổi trở lên của Trung Quốc lên tới 264 triệu người, chiếm 18,7% dân số, trong đó số người từ 65 tuổi trở lên đạt 190 triệu người, chiếm 13,5% dân số.

Cùng với số người cao tuổi tăng, kết quả điều tra cũng cho thấy, số người trong độ tuổi lao động từ 15-59 của quốc gia này đã giảm 45 triệu người trong 10 năm qua; số trẻ sơ sinh đã giảm 6 năm liên tiếp và tỷ lệ sinh năm 2020 ở mức 1,2 con, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế 2,1 con.

Các nghiên cứu đánh giá cho biết, ở thời điểm có tỷ lệ người già như Trung Quốc hiện nay, thì thu nhập bình quân đầu người của Mỹ, Nhật Bản, hay Hàn Quốc đều cao gấp 2,5 đến 3 lần so với Trung Quốc. Mặt khác, dự kiến năm sau, Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số nghiêm trọng, khi tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm trên 14% dân số. Như vậy, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% dân số chỉ trong 21 năm, mức nhanh nhất trên thế giới từ trước tới nay. Nhiều tổ chức dự báo, số người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 30% dân số vào năm 2050, lên tới 380 triệu người và dân số Trung Quốc sẽ bắt đầu giảm từ năm 2030.

Các chuyên gia cho rằng, từ nay đến năm 2050 sẽ là thời kỳ cao điểm già hóa dân số ở Trung Quốc. Và đây cũng là thời kỳ then chốt của quá trình hiện đại hóa đất nước. Chính vì vậy, những lo ngại về mất cân đối cơ cấu dân số, sự già nhanh của xã hội, đang đặt áp lực lớn cho nước này. Mặc dù, đại dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng đến việc sinh con, nhưng các chuyên gia cho rằng nhìn chung tỷ lệ sinh của Trung Quốc khó có khả năng tăng trở lại, nhất là do số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm. Thực tế cho thấy, sau hơn 35 năm thực hiện chế độ sinh 1 con, năm 2016 Trung Quốc cho phép sinh 2 con. Nhưng liên tiếp 4 năm, nước này ghi nhận trẻ em ra đời giảm mạnh theo từng năm. Ở Thượng Hải, bình quân 31 tuổi phụ nữ mới sinh đứa con đầu, theo điều tra dân số chưa đầy 7% muốn sinh thêm đứa con thứ hai.

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy các yếu tố kinh tế chính là lực cản với tỷ lệ sinh. Người dân không dám sinh con vì áp lực kinh tế gia tăng. Các dịch vụ nuôi con và chăm sóc con tại Trung Quốc cũng thiếu nghiêm trọng. Nghiên cứu cho thấy ở Trung Quốc, cứ mỗi m2 đất tăng 1.000 nhân dân tệ thì tỷ lệ người dân sinh 1 con giảm 2%, sinh 2 con giảm 5%. Hiện nay, tỷ lệ sinh bình quân của 1 phụ nữ Trung Quốc là 1,3 con. Vài năm gần đây, nước này đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, giá nhân công tăng cao, nên giảm bớt sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Quỹ lương hưu cũng ngày càng đè nặng. Viễn cảnh dân số già hóa trước khi giàu đang ngày càng rõ ở đất nước trên 1 tỷ 400 triệu dân. Nhiều chuyên gia cho rằng, các chính sách khuyến khích sinh cần phải được hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa. Bởi ở các đô thị lớn hiện nay, sinh thêm 1 con là chuyện không dễ bởi áp lực giá nhà và sinh hoạt phí cao.

 
Già hóa dân số ở một số nước châu Á

Ảnh minh họa

 
Trước những thách thức của vấn đề về dân số, để giảm áp lực già hóa dân số nhanh, Trung Quốc đã chủ trương cho phép mỗi cặp vợ chồng có thể sinh 3 con, tăng dần tuổi nghỉ hưu và hoàn thiện hệ thống dưỡng lão. Đặc biệt, mới đây Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết sẽ ban hành một loạt các giải pháp hỗ trợ kinh tế - xã hội mạnh mẽ hơn để khuyến khích sinh 3 con. Các chính sách đưa ra sẽ hướng đến giảm chi tiêu trong thai sản, khám chữa bệnh, học hành. Ngoài ra, một dự án phát triển các trung tâm cộng đồng tại 150 thành phố để tạo ra 500 nghìn chỗ trông giữ trẻ cũng nằm trong kế hoạch 5 năm tới của quốc gia này.

Nhật Bản

Theo dữ liệu được Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản công bố ngày 20/9/2021, số người trên 65 tuổi tại nước này đã tăng thêm 220 nghìn người so với cùng kỳ, lên tới 36,4 triệu người. Nhật Bản hiện đã trở thành nước đứng đầu thế giới về tỉ lệ người cao tuổi trong tổng dân số với 29,1%, ở vị trí số 2 và số 3 lần lượt là Italy và Bồ Đào Nha.

Theo một ước tính, số người già từ 65 tuổi trở lên ở Nhật Bản có thể chiếm gần 40% tổng dân số vào năm 2060, tăng từ mức 23% vào năm 2010. Dân số già sẽ tạo ra những gánh nặng đối với nền kinh tế quốc gia. Lực lượng lao động sẽ phải gồng mình để gánh vác hệ thống thuế và an ninh xã hội. Do đó, hiện Nhật Bản đang phải đối diện với tình trạng lão hóa dân số ngày càng trầm trọng.

Cùng với tình trạng già hóa dân số, Nhật Bản còn phải đối mặt với tình trạng tỷ lệ sinh thấp. Theo số liệu của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản công bố tháng 5/2021, dân số trẻ em của quốc gia này đã giảm trong 40 năm liên tiếp kể từ năm 1982. Theo đó, số trẻ em từ 14 tuổi trở xuống ở nước này là 14,93 triệu người (tính đến 1/4/2021), trong đó bao gồm 7,65 triệu bé trai và 7,28 triệu bé gái. Con số này đã giảm 190 nghìn trẻ so với một năm trước đó.

Trong khi đó, số lượng trẻ trong độ tuổi từ 0 đến 2 tuổi chỉ là 2,65 triệu, tương đối thấp so với các nhóm tuổi khác. Điều này phản ánh sự sụt giảm trong tỷ lệ sinh ở Nhật Bản. Trẻ em hiện chiếm 11,9% tổng dân số Nhật Bản, giảm 0,1% so với năm 2020. Như vậy, Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ trẻ em trên tổng dân số thấp nhất trong số 33 quốc gia có dân số trên 40 triệu người (Tỷ lệ này ở Mỹ là 18,6%, ở Italy là 13,3%).

Bài toán về “tăng trưởng kinh tế” và “phúc lợi xã hội” của Nhật Bản đang được đặc biệt quan tâm và đây cũng chính là hai vấn đề lớn từ hiện tượng già hóa dân số của quốc gia này.

Tại Nhật Bản các chuyên gia cho biết, tăng trưởng kinh tế bị chi phối bởi lực lượng lao động, song nguồn dân số này lại đang giảm nhanh chóng do sự gia tăng của già hóa và giảm tỷ lệ sinh. Bên cạnh đó, lực lượng lao động giảm cũng khiến thị trường nội địa bị thu hẹp, sức hấp dẫn đầu tư giảm. Tiềm năng tăng trưởng trong nhiều lĩnh vực, tiêu biểu là kinh tế cũng giảm sút theo. Điều đó đã và đang đặt ra bài toán về “tăng trưởng kinh tế” của Nhật Bản trong những năm tiếp theo.

Đối với vấn đề “phúc lợi xã hội”, theo một báo cáo của Chính phủ Nhật Bản công bố vào tháng 6/2019 đã thừa nhận, hệ thống lương hưu công cộng của nước này sẽ quá tải và không thể đảm bảo mức sống ổn định cho người dân nếu số người già tiếp tục gia tăng. Chi phí an sinh xã hội, trong đó phần lớn dành cho người cao tuổi, chiếm tới 1/3 ngân sách đã chi của Chính phủ Nhật Bản trong năm tài khóa 2018.

Để thực hiện chính sách an sinh xã hội và đảm bảo nguồn lao động trong bối cảnh dân số giảm, Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực đảm bảo cơ hội việc làm cho những người cao tuổi có nguyện vọng. Chính phủ Nhật Bản đã thông qua dự luật kêu gọi các doanh nghiệp cho phép người lao động làm việc đến 70 tuổi. Dự luật này có hiệu lực từ tháng 4/2021. Trên thực tế, số người cao tuổi có việc làm tại Nhật Bản tiếp tục kéo dài mạch tăng liên tục từ năm 2004. Tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên có việc làm đạt 25,1%, cao thứ 2 trong số các nền kinh tế lớn. Các công ty Nhật Bản ngày càng phụ thuộc vào những người đến tuổi nghỉ hưu để lấp đầy vị trí tuyển dụng. Nhiều nhà bán lẻ tại Nhật Bản hiện đã loại bỏ giới hạn độ tuổi của nhân viên nhằm đảm bảo nhu cầu sử dụng lao động…

Ngoài ra, để ứng phó với thách thức thiếu hụt lao động, trước sức ép từ dân số già, Chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy tăng tỷ lệ sinh tại nước này thông qua chương trình trợ cấp để khuyến khích giới trẻ ở Nhật Bản kết hôn và sinh con. Theo khảo sát do Viện Nghiên cứu dân số và An sinh xã hội quốc gia Nhật Bản thực hiện, 17,8% phụ nữ và 29,1% nam giới Nhật Bản độc thân từ 25 đến 34 tuổi cho biết lý do họ chưa kết hôn là vì tài chính. Trong khi đó, tài chính cũng là trở ngại lớn nhất khiến các cặp vợ chồng ngại sinh con dù Chính phủ Nhật Bản đã miễn học phí đối với giáo dục mầm non từ năm 2019.

Bên cạnh đó, Nhật Bản hiện đang đẩy mạnh thu hút lao động nước ngoài nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm lao động ở một số ngành nghề cần nhiều sức khỏe mà người cao tuổi không đáp ứng được. Quốc gia này cũng đang khuyến khích lực lượng lao động nhập cư để giải quyết vấn đề về dân số, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng đây vẫn chỉ là giải pháp tình thế nếu tỷ lệ sinh tiếp tục không có dấu hiệu cải thiện, khi đó vấn đề về “tăng trưởng kinh tế” và “phúc lợi xã hội” của Nhật Bản tiếp tục sẽ là bài toán khó.

Hàn Quốc

Tại châu Á, nền kinh tế lớn thứ 4 châu lục, Hàn Quốc cũng đang đối mặt với tình trạng dân số già hóa và tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Theo đó, tháng 2/2021, Cơ quan Thống kê Hàn Quốc đã công bố dữ liệu cho thấy, nước này lần đầu tiên ghi nhận suy giảm dân số tự nhiên trong năm 2020 trong bối cảnh phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng và tỷ lệ sinh thấp kéo dài. (Suy giảm dân số tự nhiên là tình trạng số người chết nhiều hơn số trẻ được sinh ra trong cùng một thời điểm).

Theo số liệu sơ bộ, Hàn Quốc ghi nhận số trẻ chào đời trong năm 2020 ở mức thấp kỷ lục là 272.400 trẻ, giảm 10% so với năm 2019, trong khi số người tử vong lại ở mức cao kỷ lục là 305.100 người, tăng 3,4% so với năm 2019. Do vậy, dân số nước này giảm 33.000 người trong năm 2020, đánh dấu năm đầu tiên Hàn Quốc ghi nhận suy giảm dân số tự nhiên kể từ năm 1970 khi Cơ quan Thống kê nước này bắt đầu thu thập dữ liệu.

Ngoài ra, tổng tỷ suất sinh (TFR- tức là số con trung bình mà một phụ nữ sinh ra trong đời), tại Hàn Quốc trong năm 2020 ở mức thấp kỷ lục mới là 0,84 con/phụ nữ, giảm so với 0,92 con/phụ nữ trong năm 2019. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, tổng tỷ suất sinh ở Hàn Quốc giảm dưới 1%.

Hàn Quốc cũng là nước duy nhất trong số 37 nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) có tổng tỷ suất sinh dưới 1%. Kể từ năm 2018, tổng tỷ suất sinh trung bình ở các nước thành viên OECD là 1,63 con/phụ nữ. Tổng tỷ suất sinh thấp báo động nhiều vấn đề về nhân khẩu học, trong đó có sự sụt giảm lực lượng lao động do tỉ lệ sinh thấp.

Theo dự báo, với tỷ lệ sinh chỉ còn 0,84 trẻ năm 2020 từ mức 4,5 trẻ năm 1970, cùng với việc Hàn Quốc là quốc gia có tốc độ lão hóa nhanh nhất thế giới, với đà này Hàn Quốc sẽ vượt qua ngưỡng của một“xã hội siêu già hóa” vào năm 2025. Khi đó, số người già từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 20% dân số và theo dự báo nếu không có phản ứng phù hợp và triệt để, Hàn Quốc dự kiến sẽ trải qua một cơn địa chấn dân số từ năm 2030 – 2040.

Mặc dù, trong thập kỷ qua, Chính phủ Hàn Quốc đã dành 130.000 tỷ won (tương đương 116 tỷ USD) để ngăn chặn sự suy giảm tỷ lệ sinh song theo đánh giá, Hàn Quốc vẫn chưa thu được kết quả đáng kể. Quốc gia này hiện vẫn đang vật lộn với tỷ lệ sinh giảm do ngày càng có nhiều người trẻ kết hôn muộn, lựa chọn độc thân hoặc không muốn có con do kinh tế trì trệ kéo dài.

Để khắc phục tình trạng trên, Hàn Quốc cũng đã triển khai áp dụng những chính sách dài hạn và toàn diện để giải quyết các vấn đề xã hội đang cản trở phụ nữ mang thai, sinh đẻ và chăm sóc con cái. Theo đó, để thực hiện Kế hoạch cơ bản lần thứ 4 về mức sinh thấp và già hóa giai đoạn 2021 - 2025, chính phủ Hàn Quốc đã quyết định đầu tư khoảng 196.000 tỷ won (172,3 tỷ USD) từ nay cho đến năm 2025 và vấn đề này dự kiến sẽ được chính phủ tiếp tục thảo luận để tìm ra những giải pháp phù hợp nhằm giải quyết tình trạng già hóa ngày càng gia tăng./.
Gia Linh
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top