Giải pháp phát triển ngành Mía đường trong tình hình mới

23/03/2021 - 02:49 PM
Từ 01/01/2020 ngành mía đường Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN. Cùng với đó, tình hình khí hậu, thời tiết phức tạp, diễn biến của dịch Covid-19, tình trạng đường nhập lậu khó kiểm soát... đã đẩy ngành mía đường đứng trước nhiều thách thức. Chính vì vậy, việc tìm ra giải pháp hiệu quả cho ngành mía đường trong tình hình mới là việc làm cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, tạo lập thị trường cạnh tranh công bằng, nâng cao năng lực sản xuất mía đường trong nước cũng như lợi ích bền vững cho người nông dân trồng mía.
 
Mía đường đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

Tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về khó khăn của ngành mía đường đã nêu rõ, qua 25 năm xây dựng, phát triển đến nay, ngành mía đường Việt Nam đã tạo việc làm cho hơn 35 vạn hộ nông dân, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, sẵn sàng tháo gỡ các rào cản, tạo điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế để ngành mía đường phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành mía đường hiện đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, những năm gần đây sản lượng và diện tích trồng mía đã giảm mạnh. Năm 2020 diện tích trồng mía cả nước đã giảm đáng kể, nếu năm 2019 cả nước có 232,4 nghìn ha thì đến năm 2020 chỉ còn 187,1 nghìn ha. Diện tích trồng mía giảm, thời tiết diễn biến phức tạp đã khiến cho năng suất và sản lượng mía giảm. Năm 2020 sản lượng mía đạt 11,88 triệu tấn, giảm 3,44 triệu tấn so với năm 2019. Năng suất năm 2020 đạt 634,8 tạ/ha; năm 2019 đạt 659,5 tạ/ha.

Đặc biệt, từ đầu năm 2020, mặt hàng đường của Việt Nam đã thực hiện cam kết theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), theo đó không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN và áp dụng mức thuế nhập khẩu 5%. Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan cho biết, kể từ khi bỏ hạn ngạch thuế quan đối với đường nhập khẩu từ các nước ASEAN, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng nhanh. Trong 11 tháng đầu năm 2020, sau khi trừ đi lượng đường đã xuất, số lượng đường nhập khẩu tại thị trường trong nước lên đến trên 900 nghìn tấn. Số liệu này còn lớn hơn cả lượng đường sản xuất từ mía trong nước. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu trên 87%. Lượng đường nhập khẩu từ các nước Malaysia, Campuchia, Indonesia, Myanma cũng gia tăng.

 
Giải pháp phát triển ngành Mía đường trong tình hình mới

Ảnh minh họa: Nguồn internet
 
Ngoài ra, giá đường nhập khẩu cũng rất thấp, gây nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất đường cũng như các hộ nông dân trồng mía trên cả nước. Giá đường thị trường nội địa của Việt Nam đã giảm xuống mức rất thấp, từ đó dẫn đến giá mía cũng giảm theo. Giá đường trong nước giảm sâu từ mốc trên 14.000 đồng/kg niên vụ 2017-2018 xuống còn 10.500-11.000 đồng/kg trong niên vụ 2018-2019. Niên vụ 2019-2020 là năm thứ tư liên tiếp ngành mía đường của Việt Nam gặp khó. Tổng diện tích mía nguyên liệu hiện đã giảm khoảng 30-60%. Thậm chí tại nhiều địa phương giá thành sản xuất mía khoảng 800 đồng/kg nhưng nhà máy chỉ mua với giá 700 - 750 đồng/kg. Giá mía thấp, nhiều nông dân trồng mía lâm vào cảnh nợ nần, phải bỏ ruộng mía vì càng đầu tư càng lỗ. Cả nhà máy và nông dân đều thua lỗ nặng nề, diện tích trồng mía ngày càng thu hẹp.

Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết, trước khi hội nhập ATIGA, Việt Nam có 41 nhà máy, tiêu thụ bình quân 140.000 tấn mía/ngày, niên vụ 2016-2017 sản xuất hơn 1,2 triệu tấn đường, mang lại nguồn thu nhập từ mía cho hàng chục ngàn hộ nông dân. Tuy nhiên, sau khi ATIGA có hiệu lực, đến nay chỉ còn 30 nhà máy hoạt động, 11 nhà máy buộc phải đóng cửa do chi phí sản xuất và giá thành quá cao so với đường nhập khẩu. Trong 30 nhà máy đang hoạt động cũng chỉ có 13 nhà máy có hiệu quả, 17 nhà đang hoạt động trong tình trạng thua lỗ. Theo dự báo, niên vụ 2020-2021 sẽ tiếp tục là một năm có nhiều khó khăn với ngành mía đường Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. So với niên vụ 2019-2020, dự kiến sẽ có thêm 4 nhà máy đường: Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong tiếp tục đóng cửa do không đảm bảo nguồn nguyên liệu, hoạt động không hiệu quả.

Theo đánh giá, mía đường Việt Nam đang phải chịu nhiều thiệt hại nặng nề bởi chính sách trợ giá của Thái Lan. Theo đó, trong khi các nước sản xuất mía đường khác trong ASEAN bao gồm Thái Lan, Philippines và Indonesia dù đã hoàn thành việc thực thi cam kết ATIGA từ năm 2010 và 2015 nhưng thực tế vẫn áp dụng các biện pháp quản lý để bảo vệ ngành mía đường trong nước. Mặc dù đã thực hiện dỡ bỏ hàng rào thuế quan và hạn ngạch như cam kết, cho phép cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp được nhập khẩu đường, nhưng chính phủ Thái Lan không cho phép nhập khẩu đường, còn Indonesia và Philippines chỉ cho phép nhập đường tương ứng với sản lượng thiếu hụt trong nước và chỉ cho phép đường nhập khẩu được đưa vào thị trường sau khi đã kết thúc vụ ép mía.

Không những vậy, tại 3 nước này, nông dân trồng mía được hỗ trợ thông qua các khoản trợ cấp trực tiếp, gián tiếp và hệ thống chia sẻ lợi nhuận (profit sharing) với nhà máy nhằm bảo đảm thu nhập ổn định từ cây mía. Điều đó có nghĩa giá đường cao thì người nông dân sẽ được hưởng lợi lớn nhất. Đó là chưa kể đến việc các nhà sản xuất mía đường trong nước được hưởng lợi đầy đủ từ các khoản vay có lãi suất thấp và các khoản trợ cấp đầu vào như tất cả các ngành khác trong lĩnh vực nông nghiệp… Những yếu tố đó cũng phần nào tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất của ngành mía đường Việt Nam.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho biết ngoài vấn nạn đường lậu, khó khăn của ngành mía đường còn xuất phát từ những vấn đề nội tại như: Trên 90% giống mía trồng tại Việt Nam đều nhập từ nước ngoài, các khâu chăm sóc, làm cỏ, bón phân, thu hoạch được đánh giá còn rất hạn chế, gây ảnh hưởng đến năng suất mía... Công tác quản lý và kiểm soát xuất, nhập khẩu còn nhiều khoảng trống...
 
Giải pháp phát triển bền vững ngành mía đường trong tình hình mới

Trước những khó khăn của ngành mía đường, tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 28/ CT-TTg về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới. Theo đó, trong thời gian tới, quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với ngành mía đường là chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập kinh tế quốc tế một cách bình đẳng với tinh thần độc lập, tự cường; chấp nhận chuyển đổi một số vùng sản xuất mía không hiệu quả và cơ cấu lại các nhà máy đường thua lỗ, yếu kém theo quy luật kinh tế thị trường; hình thành vùng nguyên liệu mía gắn với nhà máy sản xuất đường đảm bảo hoạt động hiệu quả, đủ sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Với quan điểm chỉ đạo trên, một số giải pháp cấp thiết cần triển khai đó là:

Ưu tiên bố trí kinh phí hàng năm cho công tác nghiên cứu giống mía mới và hỗ trợ triển khai dự án giống mía ba cấp ở vùng sản xuất mía trọng điểm.

Khuyến khích áp dụng cơ giới hóa, cải thiện giống mía: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, xây dựng vùng sản xuất mía đường tập trung, có chính sách khuyến khích áp dụng cơ giới hóa, cải thiện giống mía và quy trình canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành mía ở những vùng có lợi thế; hướng dẫn hỗ trợ nông dân trồng mía chuyển đổi sang cây trồng khác tại những vùng trồng mía không đạt hiệu quả.

Nghiên cứu sản xuất, chế biến để đa dạng hóa các sản phẩm từ cây mía và từ phế phụ phẩm trong sản xuất đường. Phối hợp giữa các cơ quan quản lý, chuyên môn với các địa phương và nhà máy đường xây dựng các mô hình cánh đồng mía lớn được cơ giới hóa đồng bộ tại các vùng trồng mía tập trung gắn với phát triển hợp tác xã nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể để phát triển mạnh các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất mía liên kết với nhà máy đường; có biện pháp hiệu quả ngăn chặn tình trạng tranh mua, tranh bán, vi phạm hợp đồng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ mía.

Ưu tiên nguồn vốn của địa phương để hỗ trợ phát triển cơ giới hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hoàn thiện tổ chức sản xuất mía và chuỗi sản xuất đường.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam và các doanh nghiệp mía đường chủ động xây dựng Đề án Cơ cấu lại các doanh nghiệp mía đường theo hướng đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ và tập trung đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và tính cạnh tranh, phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong việc hỗ trợ liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp; xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác mía phù hợp tới hộ nông dân, hợp tác xã nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành mía nguyên liệu.

Bên cạnh đó, rà soát, bổ sung các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng mía nguyên liệu nhằm đảm bảo tính minh bạch về trữ đường, giá mía trong quan hệ mua bán mía nguyên liệu giữa doanh nghiệp và nông dân. Quy định trong sử dụng các chất bảo vệ thực vật trong sản xuất mía; chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm trong sản xuất mía, đường và quản lý đường nhập khẩu.

Cần tạo một sân chơi công bằng cho doanh nghiệp trong nước khi tham gia hội nhập. Bởi với ngành mía đường, nhiều nước trên thế giới vẫn có những chính sách “bảo hộ” ngầm nhằm để duy trì giá mía hợp lý. Do đó, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với luật pháp quốc tế và các quy tắc giao thương của WTO đối với ngành đường… sẽ đảm bảo đời sống cho bà con nông dân trồng mía, bảo vệ vùng nguyên liệu, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mía đường trong nước được cạnh tranh công bằng với các nước trong khu vực.

Ngoài ra, để đảm bảo ngành mía đường phát triển bền vững cần xử lý nghiêm hành vi buôn lậu mặt hàng đường. Áp dụng các biện pháp quản lý liên quan đến hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu sản phẩm đường phù hợp với tình hình mới; tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi tiếp tay buôn lậu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh đường và chất tạo ngọt. Theo đó, các ban, ngành liên quan cần chủ động theo dõi, kịp thời đề xuất việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường nhập khẩu phù hợp với các cam kết quốc tế; hình thành cơ sở dữ liệu đồng bộ, chính xác về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất trên cơ sở thông tin do các cơ quan chức năng cung cấp để sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tư vấn, chuẩn bị hồ sơ phòng vệ thương mại. /.

 
 
Thu Hòa 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top