Gia Lai: Những nét chính từ Kết quả Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020

13/12/2021 - 09:07 AM
Kết quả Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 đã mang lại cái nhìn tổng quan về tình hình nông thôn, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh Gia Lai.
 
Bộ mặt nông thôn chuyển biến cơ bản
 
Trong những năm qua, nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách phát huy hiệu quả đã thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống nông dân.
 
Theo kết quả điều tra, tại thời điểm 01/7/2020 khu vực nông thôn tỉnh Gia Lai có 182 xã với 1.240 thôn (làng). So với 01/7/2016, giảm 2 xã và 443 thôn. Khu vực nông thôn toàn tỉnh có 257,2 nghìn hộ dân cư với gần 1.093,9 nghìn nhân khẩu. Trong 5 năm (2016 - 2020), khu vực nông thôn tăng 10,78% về số hộ và tăng 10,22% về số nhân khẩu.
 
Kết cấu hạ tầng nông thôn được củng cố
 
Mạng lưới điện bao phủ rộng khắp các thôn, làng. Thời điểm 01/7/2020 có 100% số xã có điện; tỷ lệ thôn có điện đạt 100% (năm 2016 đạt 99,94%); tỷ lệ thôn sử dụng điện lưới Quốc gia đạt 100% (năm 2016 đạt 99,41%); tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,91% (năm 2016 đạt 99,32%).
 
Giao thông nông thôn được nâng cao về chất lượng. Đến năm 2020, cả tỉnh có 100% xã có đường ô tô từ UBND huyện đến UBND xã; có 181/182 xã có đường ô tô từ UBND huyện đến UBND xã, chiếm 99,45% tổng số xã.
 
Hệ thống trường học các cấp ở nông thôn tiếp tục được duy trì mở rộng về số lượng và không có trường lớp học tạm; hệ thống trường học được xây mới, nâng cấp và đạt được những kết quả cao và đã được phủ khắp trên 182 xã. Khu vực nông thôn toàn tỉnh có 181/182 xã có trường mầm non, đạt 99,45%; 165/182 xã có trường tiểu học, đạt 90,66%; 175/182 xã có trường trung học cơ sở, đạt 96,15%. 17 xã có trường trung học phổ thông, đạt 9,35%.
 
Hệ thống thiết chế văn hóa, thông tin, bưu chính viễn thông phát triển. So với năm 2016, hệ thống thiết chế, văn hóa thông tin khu vực nông thôn tăng khá cao, tại thời điểm 01/7/2020 có 156 xã có nhà văn hóa, tăng 65,96%; có 129 xã có sân thể thao, tăng 25,24%; có 16 xã có thư viện, tăng 128,57%; có 176 xã có loa truyền thanh, tăng 10%. Các điểm văn hóa, thể thao còn được xây dựng ở các thôn; có 1.153 thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng, 904 thôn có nơi sinh hoạt thể thao, tăng 55,86%.
 
Hệ thống y tế ở nông thôn được đặc biệt quan tâm, cơ sở hạ tầng ngày càng bổ sung, hoàn thiện hơn. Đến nay số xã có trạm y tế đạt 100%; số xã có trạm y tế được xây dựng kiên cố, bán kiên cố là 182 xã; số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế 165 xã đạt 90,66%, tăng 29,79% so với năm 2016. Bên cạnh đó, số xã có sở kinh doanh thuốc tây năm 2020 là 144 xã, đạt 79,12%, tăng 10,64%.
 
Cũng tại thời điểm điều tra, trên địa bàn nông thôn có 96 xã có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, chiếm 52,75% tổng số xã và tăng 29,73% so với năm 2016; trong tổng số 285 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung có 246 công trình đang hoạt động, chiếm 86,32% tổng số công trình. 14 xã có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt chung, đạt 7,69% trên tổng số xã và tăng 250% so với năm 2016 (tăng 10 xã); với 64 thôn, tăng 326,7% so với năm 2016 (tăng 49 thôn). 86 xã có hệ thống thu gom rác thải sinh hoạt trên các xã thuộc địa bàn nông thôn, đạt 47,25% và tăng 65% so với năm 2016; với 387 thôn, đạt 31,2% và tăng 50,58% so với năm 2016.
 
Hệ thống thủy lợi được xây dựng mới và từng bước hoàn thiện. Tính đến thời điểm 01/7/2020, trên địa bàn nông thôn có 67 trạm bơm nước phục vụ sản xuất nông, lâm, thủy sản, bình quân mỗi xã có 0,4 trạm bơm; số kênh mương do xã và hợp tác xã quản lý có 1,74 km, tăng 7,07% so với năm 2016; trong đó 967 km đã được xây dựng kiên cố hóa, tăng 54,22% so với năm 2016.
 
Các hình thức hỗ trợ sản xuất trong nông thôn phát triển theo hướng đa dạng các loại hình hoạt động. Tại thời điểm 01/7/2020, khu vực nông thôn có 5 xã có Quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động, so với năm 2016 không tăng, giảm. Vể hệ thống chợ, hiện có 62 xã có chợ, đạt 34,07% số xã nông thôn và tăng 19,23% so với năm 2016; số chợ được xây dựng kiên cố, bán kiên cố là 50, tăng 12%. Về dịch vụ hỗ trợ sản xuất, năm 2020, toàn tỉnh có 66 xã có cán bộ khuyến nông, chiếm 36,26%. Có 178 xã có cán bộ thú y, đạt 97,8% và tăng 1,71% so với năm 2016; có 50 xã có người hành nghề thú y tư nhân với 80 người; mạng lưới khuyến nông và thú y còn được mở rộng tới cấp thôn với 28 thôn có cộng tác viên khuyến nông và 18 thôn có cộng tác viên thú y. Các cơ sở chế biến NLTS hoạt động thương mại, dịch vụ hỗ trợ sản xuất và phục vụ dân sinh phát triển đa dạng. Trên địa bàn nông thôn cả tỉnh hiện có 85 xã có hộ/cơ sở chuyên chế biến nông, lâm, thủy sản, chiếm 46,70% tổng số xã với 90 hộ/cơ sở hoạt động. Năm 2020 toàn tỉnh còn có 25 xã có doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 13,74% tổng số xã khu vực nông thôn.
 
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), có 15/17 huyện tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP với 67 xã, đạt 36,81% (huyện Mang Yang và huyện Phú Thiện chưa tham gia).
 
Làng nghề nông thôn được rà soát và tổ chức lại sản xuất. Theo kết quả điều tra, tỉnh Gia Lai có 182 xã và 05 thôn có làng nghề, chiếm 2,75 tổng số xã, tăng 5 thôn so với 01/7/2016. Năm 2020, các làng nghề có 14 cơ sở sản xuất hoạt động, thu hút 539 lao động thường xuyên, bình quân mỗi làng nghề có 3 cơ sở sản xuất và 108 lao động thường xuyên.
 
Cơ cấu kinh tế - xã hội nông thôn có sự chuyển dịch tích cực theo hướng nâng cao dần tỷ trọng của khu vực phi nông nghiệp. Tại thời điểm 01/7/2020 tổng số hộ khu vực nông thôn là 257,2 nghìn hộ, tăng 10,78% so năm 2016; bình quân tăng 2,15 %/năm.
 
Kết quả điều tra chọn mẫu cho thấy, tỷ trọng số hộ có nguồn thu nhập lớn nhất từ hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 89,22%; tỷ trọng số hộ có nguồn thu nhập lớn nhất từ hoạt động thương nghiệp, vận tải và dịch vụ khác còn lại chiếm 6,80%; tỷ trọng hộ công nghiệp - xây dựng chia theo nguồn thu nhập lớn nhất là 2,58%; con số tương ứng của nhóm hộ từ nguồn thu nhập khác là 1,39%. Điều đó cho thấy thu nhập chính của các hộ ở nông thôn vẫn là từ nông nghiệp.
 
Điều kiện làm việc và bộ máy lãnh đạo cấp xã được củng cố, kiện toàn. Số lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã có đến 01/7/2020 là 750 người, giảm 2,34% so với năm 2016; trong đó: Nữ 107 người, chiếm 14,27% tổng số cán bộ hiện có. Chung cả tỉnh năm 2020, cán bộ chủ chốt cấp xã dưới 30 tuổi là 0,80% (năm 2016 là 1,43%), nhóm từ 30-40 tuổi chiếm 37,60% (năm 2016 là 42,32%), nhóm từ 40-50 tuổi chiếm 44,13% (năm 2016 là 34,77%) và nhóm từ 50 tuổi trở lên chiếm 17,47% (năm 2016 là 21,48%). Trình độ chuyên môn nghiệp vụ, hầu hết cán bộ chủ chốt cấp xã đều có trình độ đại học, chiếm 72% trong tổng số (năm 2016 là 41,93%), 3,07% cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ trên đại học (năm 2016 là 0,91%). Trình độ lý luận chính trị và trình độ quản lý nhà nước của cán bộ chủ chốt cũng được nâng lên. Cùng với đó, điều kiện làm việc cũng không ngừng cải thiện. Đến nay 100% số xã có trụ sở làm việc kiên cố; Số xã có máy photocopy, máy vi tính kết nối Internet, trang thông tin điện tử tăng đáng kể.
 
Đời sống của người dân được tăng cường. Tỷ lệ hộ sử dụng điện ở khu vực nông thôn đạt 99,91%. Hệ thống trạm y tế ở khu vực nông thôn được quan tâm, đầu tư, nâng cấp; đội ngũ y bác sỹ được tăng cường. Đến thời điểm 01/7/2020 số bác sỹ khu vực nông thôn là 153 bác sỹ; số trạm y tế có bác sỹ là 142/182 trạm, đạt 78,02%; số bác sỹ trên 10.000 dân là 1 bác sỹ. Vấn đề về chính sách an sinh xã hội cũng ngày càng được nâng cao, đến thời điểm 01/7/2020 có 53,6 nghìn hộ được vay vốn theo các chương trình, dự án, tăng 13,86% so với năm 2016, với tổng số vốn vay bình quân 1 hộ là 29 triệu đồng.
 
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục có bước phát triển khá toàn diện
 
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản được cơ cấu lại về hình thức và quy mô sản xuất. Trên toàn tỉnh hiện có 140 hợp tác xã, 12 doanh nghiệp và 148 trang trại đang hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản.
 
Sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang hình thành. Công tác dồn điền đổi thửa được tích cực thực hiện, nhờ đó tính đến 01/7/2020, diện tích bình quân 1 thửa tăng lên, số thửa bình quân một hộ có sử dụng đất sản xuất nông nghiệp cũng giảm xuống, bớt nhỏ lẻ, manh mún. Mô hình cánh đồng lớn xuất hiện và ngày càng được nhân rộng ở nhiều địa phương; toàn tỉnh đã có 26 xã của 9 huyện tham gia xây dựng cánh đồng lớn với 3.456 hộ.
 
Kinh tế trang trại tiếp tục phát triển. Theo Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT quy định tiêu chí kinh tế trang trại, tính đến 01/7/2020, toàn tỉnh có 148 trang trại, giảm 732 trang trại so với cách đây 5 năm. Trong đó, có 114 trang trại trồng trọt, chiếm 77,03%; 34 trang trại chăn nuôi, chiếm 22,97% trong tổng số trang trại. Doanh thu bình quân 1 trang trại đạt 3.651 triệu đồng; trong đó giá trị sản phẩm bán ra đạt 3.597 triệu đồng.
 
Hợp tác xã nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng. Tính đến thời điểm 01/7/2020 toàn tỉnh có 140 hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 258,97% so với năm 2016 (tăng 101 hợp tác xã). Sau 5 năm, hoạt động của các hợp tác xã trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có những chuyển biến tích cực.
 
Về kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Theo số liệu tổng hợp của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, năm 2020, UBND tỉnh đã công nhận thêm 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh là 87 xã. Trong năm 2021, toàn tỉnh có 20 xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, với tổng tiêu chí bình quân của các xã đạt 17 tiêu chí/ xã.  Bình quân số tiêu chí đạt trên 01 xã (phạm vi 182 xã) là: 15,65 tiêu chí, tăng 0,06 tiêu chí so với cuối năm 2020 (tăng thêm 11 tiêu chí).
 
Kết quả thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13/02/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào thiểu số trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 83/140 thôn làng đồng bào thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới (toàn tỉnh có 90 thôn, làng số đạt chuẩn nông thôn mới). Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh có 300 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới và năm 2021 có 86 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới.
 
Bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm; Quy mô sản xuất đã được nâng lên nhưng sản xuất nhỏ vẫn phổ biến; Đầu tư cho nông thôn, nông nghiệp đã được đẩy mạnh nhưng chưa nhân rộng được nhiều mô hình hiệu quả; Lực lượng lao động đông đảo nhưng trình độ chuyên môn, tay nghề thấp nên khó sắp xếp và tìm kiếm được việc làm; Hiệu quả sản xuất không cao, tuy đã có ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, áp dụng cánh đồng lớn, ứng dụng sản xuất theo mô hình mới song chưa được nhân rộng; Đời sống một bộ phận dân cư còn khó khăn, nhất là nhân dân vùng nông thôn.
 
Trong thời gian tới, Gia Lai sẽ khắc phục những tồn tại trên, tiếp tục thực hiện công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp hướng tới xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh; cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, sinh thái, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng./.
P.V
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top