Giải pháp nâng cao giá trị gia tăng ngành công nghiệp điện tử Việt Nam

26/10/2021 - 02:29 PM

Trong những năm qua, ngành công nghiệp điện tử (CNĐT) Việt Nam đã có những thay đổi rõ rệt, đưa Việt Nam nằm trong số các quốc gia xuất khẩu điện tử lớn, đứng thứ 3 trong khối ASEAN. Tuy nhiên, phát triển ngành CNĐT chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị gia tăng ngành CNĐT trong các doanh nghiệp nội chưa cao. Vì vậy thời gian tới ngành CNĐT cần có các giải pháp nâng cao năng lực sản xuất, chuyển đổi từ sản xuất lắp ráp đơn thuần sang sản xuất chế tạo và lắp ráp có giá trị gia tăng cao hơn.

Thực trạng ngành công nghiệp điện tử Việt Nam

Là ngành sản xuất vật chất mang tính cơ bản của nền kinh tế quốc dân, CNĐT có vị trí then chốt trong nền kinh tế hiện đại và có tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác.

Ngành CNĐT có nhiều thuận lợi để phát triển khi Việt Nam có vị trí địa lý nằm trong khu vực có nền công nghiệp phát triển nhanh và năng động. Có nguồn lao động dồi dào và được đánh giá là học hỏi nhanh trong khai thác, sử dụng và lắp ráp các thiết bị điện tử, kể cả các thiết bị điện tử hiện đại. Chi phí nhân công lao động tương đối thấp tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp so với các doanh nghiệp trong khu vực. Ngoài ra, Việt Nam cũng là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng cần thiết để phát triển công nghiệp vật liệu điện tử như: Quặng sắt, đất hiếm, titan, rutin, barit, ilmenit... Song điểm nhấn đặc biệt phải kể đến đó là Việt Nam là quốc gia có an ninh, chính trị ổn định và thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã và đang tạo lòng tin cho các nhà đầu tư về một môi trường đầu tư an toàn.

 Giải pháp nâng cao giá trị gia tăng ngành công nghiệp điện tử Việt Nam

Ảnh minh họa 

Từ những thuận lợi này đã tạo lợi thế cho các sản phẩm ngành CNĐT của Việt Nam phát triển với mức tăng trưởng liên tục trong những năm qua. Theo Tổng cục Thống kê, trong 10 năm (từ năm 2010-2020), nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, bình quân cả giai đoạn tăng 28,6%. Đến nay, sản phẩm của ngành CNĐT ngày càng phát triển đa dạng không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà còn vươn ra xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới với giá trị ngày càng gia tăng. Hiện, sản phẩm chính của ngành CNĐT có thể kể đến như: Linh kiện điện tử, điện thoại nguyên chiếc, linh kiện điện thoại, ti vi lắp ráp, máy tính bảng, ipad và máy vi tính…

Các nhà sản xuất, các doanh nghiệp trong ngành CNĐT của Việt Nam những năm qua cũng được ghi nhận với nhiều thay đổi đem lại hiệu quả và nâng giá trị thương hiệu cho ngành hàng CNĐT. Trong ngành CNĐT hiện nay đã xuất hiện những nhà sản xuất là ODM (sản xuất theo đơn đặt hàng) của các doanh nghiệp điện tử lớn. Hay doanh nghiệp có những nghiên cứu để có thể làm ra những sản phẩm điện tử mang thương hiệu Việt Nam trong đó có thể kể đến như Vinfast. Những thay đổi này đã giúp các doanh nghiệp CNĐT của Việt Nam dần làm chủ, sản xuất được những sản phẩm điện tử có giá trị cao và giá trị sản phẩm CNĐT xuất khẩu tăng cao. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2019, giá trị xuất khẩu nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 36,3 tỷ USD, chính thức vượt qua mặt hàng dệt may (giá trị xuất khẩu đạt 32,8 tỷ USD) để trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Đến năm 2020, mặc dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 nhưng giá trị xuất khẩu nhóm hàng này vẫn khá cao, đạt 44,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 15,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, vượt xa xuất khẩu hàng dệt may cả về giá trị, tốc độ tăng và tỷ trọng (hàng dệt may đạt 29,8 tỷ USD, tỷ trọng chiếm 10,5%). Tính riêng 4 tháng đầu năm 2021, trong 5 nhóm hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD chiếm 59,8% thì: Điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 18,4 tỷ USD; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 15,9 tỷ USD; lũy kế từ đầu năm đến hết tháng Tư, xuất khẩu nhóm điện tử, máy tính và linh kiện đạt kim ngạch gần 16 tỷ USD, tăng khoảng 3,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương tốc độ tăng trưởng 30,8%. Xuất khẩu hàng điện tử, máy tính và linh kiện đi các thị trường chủ yếu đều đạt tốc độ tăng cao. Xuất khẩu sang Hàn Quốc ước tính tăng 60,6%, đạt 850 triệu USD; xuất khẩu sang ASEAN tăng 55,5%, đạt 520 triệu USD; xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tăng 41,8%, đạt 2,6 tỷ USD; xuất khẩu sang EU tăng 39,2%, đạt 1,4 tỷ USD.

Trong 6 tháng đầu năm 2021 có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất tiếp tục có giá trị lớn nhất, đạt 25,1 tỷ USD, chiếm 15,9% tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng (157,63 tỷ USD,) tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 23,7 tỷ USD, tăng 22,1%;

Có thể thấy sau nhiều năm làm việc và hợp tác cùng các công ty, tập đoàn lớn hàng đầu thế giới đến từ Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc… đến nay, các doanh nghiệp CNĐT của Việt Nam đã có kinh nghiệm và hoàn toàn có đủ khả năng, tiềm năng để tham gia vào chuỗi cung ứng của các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích và hỗ trợ các công ty nước ngoài đầu tư và hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực CNĐT. Hiện, nhiều hãng điện tử lớn trên thế giới đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam như: Samsung, LG, Foxconn. Canon, Intel...  với tổng số vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD. Tính riêng quý I/2021, Việt Nam đã cấp chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh vốn cho nhiều dự án có quy mô vốn đầu tư lớn. Điển hình như dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD; Dự án Nhà máy Fukang Technology (Singapore) với vốn đầu tư đăng ký 293 triệu USD để thực hiện việc sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay tại Bắc Giang. Sự xuất hiện của các hãng điện tử công nghệ lớn trên thế giới cùng với những dự án đầu tư gia tăng đang tạo điều kiện thuận lợi cho ngành CNĐT của Việt Nam tiếp tục phát triển trong thời gian tới, các doanh nghiệp CNĐT có cơ hội được tiếp nhận những công nghệ hiện đại, tiên tiến từ các hãng điện tư lớn khi đầu tư vào Việt Nam, qua đó góp phần giúp các doanh nghiệp CNĐT của Việt Nam từng bước nâng cao năng lực sản xuất, chuyển đổi từ sản xuất lắp ráp đơn thuần sang sản xuất chế tạo và lắp ráp có giá trị gia tăng cao hơn.

Mặc dù đạt được một số thành tựu và được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn song ngành CNĐT Việt Nam vẫn còn những hạn chế như: Chất lượng, mẫu mã sản phẩm của các doanh nghiệp nội địa trong ngành chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường; các doanh nghiệp điện tử nội địa có tiếng trước đây đang phát triển chậm lại hoặc mất dần thương hiệu và chiếm thị phần nhỏ; doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngành điện tử chủ yếu cung cấp các sản phẩm đơn giản có giá trị, hàm lượng công nghệ thấp; giá trị xuất khẩu sản phẩm điện tử phần lớn vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; Tỉ lệ nội địa hóa ngành CNĐT rất thấp, chỉ khoảng 5-10%; mối liên kết giữa các doanh nghiệp cung ứng trong nước với các doanh nghiệp FDI và các tập đoàn đa quốc gia còn mờ nhạt; ngành CNĐT vẫn thiếu sản phẩm chủ lực mang tính chiến lược để dẫn dắt thị trường.

Theo nhận định của các chuyến gia, khi dịch Covid -19 được kiểm soát sẽ tạo ra sự dịch chuyển sản xuất cơ học của các doanh nghiệp FDI. Đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam trở thành vệ tinh, cung cấp linh kiện, phụ kiện cho các doanh nghiệp FDI. Để giúp các doanh nghiệp CNĐT của Việt Nam nắm bắt được cơ hội, tiếp tục đẩy mạnh năng lực sản xuất, Bộ Công thương đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác quốc tế trong đó có thể kể đến như: phối hợp với Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc xây dựng Trung tâm Tư vấn và Giải pháp công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VITASK); phối hợp Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Hàn Quốc (KOAMI) thành lập Trung tâm công nghệ máy móc Việt Nam - Hàn Quốc (VKMTC) tại TP. Hồ Chí Minh; liên kết với Bộ Năng lượng, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) để lên kế hoạch triển khai hoạt động hợp tác thuộc lĩnh vực công nghiệp điện tử trong những năm tới.

Các doanh nghiệp CNĐT cũng ý thức được vai trò của ngành thời gian qua đã có nhiều hoạt động tích cực, nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh để có thể tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu chuỗi đang hoạt động tại Việt Nam. Cụ thể, số lượng nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung đã tăng từ 4 nhà cung ứng năm 2014 lên 35 nhà cung ứng năm 2018. Panasonic Việt Nam có 4 doanh nghiệp Việt Nam cung ứng sản phẩm và giá trị cung ứng chiếm khoảng 10% giá trị linh kiện đầu vào sản xuất của Panasonic.

Giải pháp nâng cao giá trị gia tăng ngành công nghiệp điện tử Việt Nam

Nhận thấy tầm quan trọng phát triển CNĐT vào quá trình đổi mới kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 9/6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 879/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, đến năm 2025 nhóm ngành điện tử và viễn thông xác định lựa chọn ưu tiên phát triển sản phẩm thiết bị máy tính, điện thoại và linh kiện. Sau năm 2025, chọn ưu tiên phát triển phần mềm, nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin và điện tử y tế. Và để phát triển và nâng cao giá trị gia tăng ngành CNĐT Việt Nam trong thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp

Về phía cơ quan quản lý Nhà nước

Cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; thực hiện các giải pháp mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Xây dựng chính sách thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ cao, ngành CNĐT trên cơ sở liên kết giữa Nhà nước - doanh nghiệp - cơ sở đào tạo, khuyến khích thông qua hình thức hợp tác công - tư.

Chú trọng hơn trong xác định các sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá để thúc đẩy ngành CNĐT phát triển nhanh và hiệu quả hơn.

Tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, đặc biệt là các sản phẩm điện - điện tử gia dụng.

Xây dựng các biện pháp bảo vệ thị trường điện – điện tử tiêu dùng như: Thuế phòng vệ, hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại, hàng giả và hàng nhập lậu…

Về phía doanh nghiệp

Cần tham gia nhiều hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu trên cơ sở xây dựng những doanh nghiệp mạnh, có thể thiết lập được hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và đủ sức bắt tay với tập đoàn công nghệ quốc tế lớn.

Mỗi doanh nghiệp cần xác định rõ những phân khúc sản phẩm và khách hàng phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp, trong đó có tính đến khả năng đón đầu xu hướng tiêu dùng và phát triển công nghệ chung của thế giới trong thời đại hiện nay. Từ đó, giúp doanh nghiệp tập trung nguồn lực để phát triển sản phẩm có năng lực cạnh tranh tốt.

Đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp FDI qua đó giúp các doanh nghiệp CNĐT nâng cao được năng lực, ngày càng đáp ứng yêu cầu tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn có thương hiệu quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam và tiến tới tham gia chuỗi giá trị ngành điện tử toàn cầu.

Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất ngành điện tử, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử./.

TS. Đinh Thị Trâm

Đại học Lao động - Xã hội


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top