Giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường carbon tại Việt Nam

13/12/2022 - 03:10 PM

Lựa chọn công cụ định giá carbon để giảm phát thải khí nhà kính với hiệu quả chi phí thấp nhất đang là xu hướng được nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới lựa chọn và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Hiện, Việt Nam đang tăng cường năng lực xây dựng các công cụ thị trường, tạo điều kiện cho việc hình thành thị trường carbon.

Thị trường carbon - xu hướng không thể đảo ngược

Trong 3 thập kỷ qua, nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng tỷ lệ thuận với việc gia tăng phát thải khí nhà kính. Báo cáo kiểm kê khí nhà kính quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện năm 2016 cho thấy, tổng lượng khí thải cả nước là 316 triệu tấn CO2 tương đương, và dự kiến sẽ tăng lên 928 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030 và 1,5 tỷ tấn CO2 tương đương vào năm 2050 theo kịch bản phát triển thông thường. Kể từ năm 2000, lượng khí thải từ các hoạt động năng lượng (bao gồm giao thông vận tải, công nghiệp và dân cư) tăng nhanh, chiếm 65% tổng lượng khí thải vào năm 2016. So với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, cường độ phát thải trên một đơn vị GDP của Việt Nam khá cao, khoảng 0,35 kg CO2 /1USD.

 Giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường carbon tại Việt Nam

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP-26), Việt Nam đã cam kết giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Hiện, Việt Nam, đang nỗ lực thực hiện các biện pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính. Quá trình này không chỉ nhằm giảm thiểu tác hại tới môi trường và phát triển bền vững mà còn để đáp ứng tiêu chuẩn xanh của quốc gia nhập khẩu. Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo lần đầu tiên vào đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo, đã khẳng định việc thực hiện các cam kết tại COP-26 là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược.

Việt Nam hiện đã hoàn thành Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật và đã gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Theo đó, bằng nguồn lực trong nước đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, tương đương 83,9 triệu tấn CO2. Mức đóng góp giảm nhẹ sẽ tăng lên 27%, tương đương 250,8 triệu tấn CO2 khi nhận được hỗ trợ quốc tế. Trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của một nước đang phát triển, chịu nhiều tác động của BĐKH, NDC cập nhật của Việt Nam đã thể hiện nỗ lực cao nhất của quốc gia trong góp phần giảm nhẹ BĐKH toàn cầu, thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH và Thỏa thuận Paris.

Việc xây dựng và vận hành thị trường carbon trong nước sẽ giúp Việt Nam nắm bắt được những cơ hội trong việc giảm phát thải carbon một cách hiệu quả, tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá carbon quốc tế, tạo cơ hội liên kết với thị trường carbon trên thế giới và trong khu vực, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hơn nữa, thị trường carbon còn là một cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon.

Lần đầu tiên việc xây dựng thị trường carbon trong các nhiệm vụ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường đã được đề cập đến trong Quyết định số 1775/QĐ-TTg ngày 21/11/ 2012 của Thủ tương Chính phủ về “Phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới” và Nghị quyết 24-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương “Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”.

Đến nay, Việt Nam đã có Luật Bảo vệ môi trường 2020 và gần đây nhất là Nghị định 06/2022/NĐ-CP, ngày 7/1/ 2022 của Chính phủ về “Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn” đã cụ thể hóa lộ trình thiết lập hệ thống trao đổi hạn ngạch carbon trong nước và ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 01/2022 về Danh mục các ngành/phân ngành và cơ sở phải thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính.

Theo các chuyên gia, phát triển thị trường carbon tại Việt Nam có nhiều tiềm năng, cơ hội và thách thức việc xây dựng và vận hành thị trường carbon tại Việt Nam là cần thiết và phù hợp với xu thế của thế giới. Hiện, tiềm năng tạo tín chỉ carbon của Việt Nam ước tính 57 triệu tín chỉ. Nếu định giá 5 USD/tín chỉ có thể tạo thêm nguồn thu ngân sách mỗi năm hàng triệu USD. Việt Nam cũng đã gián tiếp đánh thuế carbon qua Thuế bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch.

Việt Nam từng bước xây dựng lộ trình cho thị trường carbon

Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các giải pháp trong dài hạn để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như cam kết tại COP-26. Để hiện thực hóa mục tiêu tham vọng này, Việt Nam phải hướng tới một nền kinh tế carbon thấp trong đó việc xây dựng và vận hành thị trường carbon trong nước được coi là công cụ hữu hiệu và khả thi.

Việt Nam đang chuẩn bị khá đầy đủ về cơ sở pháp lý, định hình rõ nét những nhiệm vụ chính cho việc hình thành và phát triển thị trường các-bon. Đồng thời, Việt Nam đã triển khai một số dự án tham gia thị trường các-bon tự nguyện, trao đổi theo nhu cầu các bên, phổ biến là Tiêu chuẩn các-bon chứng nhận (VCS), Tiêu chuẩn vàng (GS)...

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định về tổ chức và phát triển thị trường carbon trong nước, với lộ trình vận hành chính thức từ năm 2028. Đây là căn cứ pháp lý mới nhất quy định về tổ chức và phát triển thị trường carbon. Thị trường carbon trong nước bao gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon, bù trừ tín chỉ carbon

Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 quy định lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước và thực hiện các dự án trao đổi tín dụng trong nước và quốc tế. Theo đó, qui định cụ thể vể giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tổ chức và phát triển thị trường carbon. Giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030, thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo hạn ngạch do Bộ Tài nguyên và Môi trường phân bổ phù hợp với mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; được phép trao đổi, mua bán hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon trên sàn giao dịch tín chỉ carbon. Khuyến khích các dự án đầu tư mới áp dụng các công nghệ, quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ ít phát thải khí nhà kính hoặc tham gia vào các cơ chế, phương thức hợp tác về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đối với lộ trình phát triển thị trường carbon Việt Nam, giai đoạn đến hết năm 2027, xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon. Từ năm 2028, tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức, quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Một số gỉải pháp chủ yếu trong phát triển thị trường carbon ở Việt Nam thời gian tới gồm:

Một là, xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về thị trường carbon, bao gồm hệ thống quản lý hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; ban hành định mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị sản phẩm đối với các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Hai là, hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế; thiết lập cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở trong giai đoạn 2026 - 2030 và hằng năm.

Ba là, xây dựng hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính và hệ thống MRV (đo đạc, báo cáo, thẩm định) cấp quốc gia/ngành/tiểu ngành/cơ sở sản xuất một cách minh bạch, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế; xác định lộ trình giảm phát thải khí nhà kính cho từng ngành/tiểu ngành…

Bốn là, hỗ trợ DN và các bên liên quan tiếp cận và sẵn sàng tham gia thị trường carbon tại Việt Nam.

Năm là, tạo lập sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; Tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức, quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới./.

Nguyễn Trang

 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top