Giải quyết, xử lý dứt điểm các điểm nghẽn gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực của nền kinh tế

26/02/2025 - 06:41 PM
Công tác phòng, chống lãng phí dược xem là một trong những yếu tố then chốt để gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp.
 
Tại phiên họp thứ nhất của Ban chỉ đạo Phòng, chống lãng phí vào sáng ngày 25/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, phiên họp diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt là tổ chức bộ máy mới tinh gọn hơn của Chính phủ đã được thành lập và chuẩn bị chính thức đi vào hoạt động. Thủ tướng nhấn mạnh, công tác phòng, chống lãng phí luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang đứng trước cơ hội lịch sử "bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", công tác này càng được coi trọng và đẩy mạnh.
 
Ngày 25/12/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Sau Hội nghị Trung ương 10, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng đã được kiện toàn, bổ sung thêm chức năng về "phòng, chống lãng phí" và đổi tên thành Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Điều đó một lần nữa khẳng định Trung ương đang rất coi trọng và quan tâm đối với công tác này.
 
Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thời gian qua Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo, hành động quyết liệt để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn đang gây lãng phí nguồn lực của nền kinh tế như thành lập Ban chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án theo Quyết định số 1568/QĐ-TTg; thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về chỉ đạo, đôn đốc việc rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách đặc thù và các văn bản có liên quan để thực hiện Kết luận số 77-KL/TW Bộ Chính trị về Đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố" theo Quyết định số 963/QĐ-TTg.
 
Với phương thức, cách làm quyết liệt, công cuộc phòng, chống lãng phí bước đầu đạt được một số kết quả nhất định, phần nào giải quyết được một số tồn tại hạn chế, điểm nghẽn về lãng phí trong một số lĩnh vực.
 
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy lãng phí vẫn còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển, nhất là trong các lĩnh vực như quản lý tài chính, tín dụng, tài sản công, đầu tư công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động... Những hạn chế trên đây là một trong những nguyên nhân gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo.
 
Giải quyết, xử lý dứt điểm các điểm nghẽn gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực của nền kinh tế
Thủ tướng nhấn mạnh, công tác phòng, chống lãng phí luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm
và đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang đứng trước cơ hội lịch sử "bước vào kỷ nguyên vươn mình
của dân tộc"

Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
 
Để giải quyết, xử lý dứt điểm các điểm nghẽn gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực của nền kinh tế, tạo chuyển biến mới, có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với công tác này, Thủ tướng đề nghị đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, rà soát lại và trực tiếp chỉ đạo việc này. "Chúng ta sẽ có các cuộc họp thường xuyên hơn và sẽ có kiểm điểm rà soát tích cực hơn để giải quyết, nhất là các dự án lớn, không còn cách nào khác cả, càng để càng kéo dài, càng lãng phí", Thủ tướng nói.
 
Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo cần có tinh thần nhìn thẳng vào sự thật; nói đúng, nói trúng, nói thật những tồn tại, yếu kém, những cái đang gây ra lãng phí nguồn lực của đất nước từ Trung ương cho đến địa phương, cơ sở.
 
Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo đề xuất dự kiến nội dung hoạt động năm 2025 của bộ, ngành mình phụ trách, các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện và trao đổi, thảo luận phương thức để tiếp tục phát huy vai trò của các Ban chỉ đạo đã thành lập song hành với hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí./.
 P.V
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top