Giảm giá thuế xăng, dầu: Giải pháp cần thiết hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

24/05/2022 - 11:04 AM
Từ 1/4/2022, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ chính thức được điều chỉnh giảm, góp phần giúp hạ nhiệt giá xăng, dầu trong nước vốn đã tăng rất mạnh trong những tháng đầu năm. Theo đánh giá của các chuyên gia, giải pháp giảm giá thuế xăng dầu là phù hợp và cần thiết nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.
 

Giá xăng dầu liên tục tăng và tạo đỉnh
 
Là mặt hàng nhiên liệu đầu vào quan trọng của cả nền kinh tế nhưng trong các kỳ điều hành gần đây, giá xăng, dầu đã tăng liên tục làm gia tăng áp lực về các vấn đề lạm phát, ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp và đời sống người dân. Năm 2021, đã có 24 đợt điều chỉnh, trong đó, giá bán lẻ xăng đã có 16 lần tăng, 5 lần giảm và 3 lần giữ nguyên. Kết thúc năm 2021, giá bán lẻ xăng đã tăng hơn 41% so với cuối năm 2020.
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Bước sang năm 2022, với việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày/lần, tính từ đầu năm 2022 đến ngày 11/3/2022, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 6 lần và đều tăng liên tục, đạt mức tăng cao nhất trong 8 năm trở lại đây. Theo đó, xăng E5RON95 đã tăng hơn 5.800 đồng/ lít; xăng RON95 tăng gần 6.000 đồng/lít; dầu diesel tăng ở mức cao nhất, hơn 7.000 đồng/lít; dầu hỏa tăng gần 6.800 đồng/lít; dầu mazut tăng gần 4.700 đồng/kg. Hệ quả tất yếu là hầu hết các hàng hóa và dịch vụ đều tăng giá theo giá xăng. Điển hình, hàng hóa, thực phẩm tại các chợ dân sinh đã ngay lập tức tăng giá do chi phí vận chuyển tăng cao; nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải cũng đã tăng giá vận chuyển do xăng dầu chiếm đến 37% chi phí.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó nhóm giao thông có mức tăng cao nhất với 4,8%. Tính chung quý I/2022, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước. Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản quý I/2022 tăng 0,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,92%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Bộ Tài chính cũng nhận định, mặt bằng giá cả thị trường trong ba tháng đầu năm 2022 biến động tăng, trong đó ngoài những tác động theo quy luật hàng năm do trùng với thời điểm diễn ra Tết Nguyên đán, thị trường còn chịu áp lực bởi biến động tăng giá các mặt hàng năng lượng trên thị trường thế giới (trong đó có mặt hàng xăng dầu và gas). Nhóm mặt hàng năng lượng, nhiên liệu có mức tác động lớn nhất đến CPI những tháng đầu năm.
Giảm giá thuế xăng, dầu: Giải pháp cần thiết hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Trước tình hình giá xăng, dầu tăng cao, doanh nghiệp và người dân đều mong chờ những giải pháp điều hành từ cơ quan quản lý nhà nước. Ở tầm vĩ mô, giảm thuế đối với mặt hàng xăng, dầu được cho là một trong những giải pháp then chốt giúp giảm phần nào áp lực tăng giá nhiên liệu cũng như giảm hiệu ứng dây chuyền đến các mặt hàng khác.

Hiện nay, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế: Giá trị gia tăng (VAT 10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường (với xăng E5RON92 là 3.800 đồng, xăng RON95 là 4.000 đồng, dầu diesel là 2.000 đồng) Như vậy, ước tính, bình quân thuế, phí hiện chiếm khoảng từ 42-43% đối với xăng và 21-27% đối với dầu.

Theo tính toán, khi giá xăng dầu tăng 10%, chỉ số CPI tăng khoảng 0,36 điểm phần trăm và tăng trưởng sẽ bị ảnh hưởng giảm khoảng 0,5%. Tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% và gas khoảng 1,45%. Điều này phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới nền kinh tế.

Trong bối cảnh Quỹ bình ổn giá xăng, dầu đang trong trạng thái cạn kiệt, theo các chuyên gia, không thể trông chờ vào quỹ này để kìm đà tăng giá mặt hàng quan trọng này. Theo đó, để kìm đà tăng giá chỉ có thể trông chờ vào biện pháp từ giảm thuế, phí cấu thành giá. Vì vậy, việc cân nhắc giảm các loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu là rất cần thiết để bình ổn giá xăng dầu trong nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2022.

Với tình hình thực tế hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo Nghị quyết, từ 01/4/2022, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng giảm 2.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng/lít xuống 2.000 đồng/lít. Bên cạnh đó, thuế bảo vệ môi trường đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.000 đồng/kg; dầu hỏa giảm 700 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít. Mức giảm được áp dụng tới hết ngày 31/12/2022.

Bộ Tài chính cho biết, việc áp dụng giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu sẽ góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ của các mặt hàng này từ đó làm hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm. Cụ thể, với mức giảm thuế này, giá bán lẻ (bao gồm cả thuế giá trị gia tăng) sẽ được giảm 2.200 đồng/ lít đối với xăng; 1.100 đồng/lít đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn; 1.100 đồng/kg đối với mỡ nhờn; 770 đồng/lít đối với dầu hỏa.

Theo Bộ Tài chính, với Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/4 và giá bán lẻ xăng dầu trong nước trong 9 tháng còn lại của năm 2022 ổn định như giá tại kỳ điều chỉnh ngày 11/3, việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ giúp giảm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2022 ước khoảng 0,76%-0,85%. Bên cạnh đó, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 và phù hợp với bối cảnh chung của đất nước trong việc đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch. Đồng thời, góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và bình ổn thị trường xăng dầu trước bối cảnh giá dầu thô tăng cao.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần chia sẻ một phần lợi ích của nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp; góp phần giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tiết kiệm chi phí tiêu dùng cho người dân, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trước bối cảnh giá dầu thô thế giới và giá xăng dầu trong nước biến động tăng và có xu hướng tăng cao trong khi nền kinh tế - xã hội đang gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn dù sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng gần 24.000 tỷ đồng nhưng đây là giải pháp phù hợp và cần thiết để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch./.

 
ThS. Vũ Trọng Nghĩa - ThS. Nguyễn Việt Bình
Đại học Thương mại
 
 
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top