Giảm thuế giá trị gia tăng: Liều thuốc kích cầu hỗ trợ kinh tế phục hồi

09/05/2022 - 03:40 PM

Ngày 01/02/2022, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP được triển khai áp dụng và đã nhận được sự phản hồi tích cực của người dân và xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, việc giảm thuế giá trị gia tăng góp phần giảm giá thành sản phẩm, từ đó kích thích sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Tác động lan tỏa lớn, hỗ trợ kinh tế phục hồi
 
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, từ ngày 01/02/2022, các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng  (GTGT) 10% được giảm xuống còn 8%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
 
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Các chuyên gia nhìn nhận, đây là một trong những chính sách có tác động rộng và có sức lan tỏa mạnh đến thị trường trong năm 2022. Thuế giá trị gia tăng phổ thông hiện nay là 10%, dù chỉ giảm 2% nhưng cũng có tác động đến toàn bộ giao dịch trên thị trường. Trước hết, thuế GTGT là thuế đánh vào hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng cuối cùng phải trả khoản thuế này nên họ sẽ được hưởng lợi lớn nhất và trực tiếp nhất sau khi áp dụng mức thuế giảm 2%. Mặt khác, việc giảm thuế GTGT áp dụng đối với hầu hết các hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống con người nên tất cả người dân đều được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế GTGT này. Bên cạnh đó, tác động của đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến thu nhập, việc làm của một bộ phận người tiêu dùng. Việc giảm thuế GTGT sẽ giúp họ tiết kiệm được 2% chi tiêu bình quân, nhất là chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng có thu nhập thấp.

Đây cũng là điều kiện để khuyến khích người tiêu dùng tiếp tục tiêu thụ nhiều hàng hóa, dịch vụ hơn, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi sản xuất, mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, để người tiêu dùng thực sự được hưởng lợi từ việc giảm thuế GTGT thì cần phải có giải pháp đảm bảo hàng hóa, dịch vụ có mức giảm bằng với mức giảm thuế GTGT.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thì việc giảm thuế giá trị gia tăng cũng sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào; nhờ đó, có thể giảm bớt giá thành sản phẩm. Nhưng quan trọng hơn nhiều là nhờ việc giảm thuế, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ có thêm cơ hội mở rộng quy mô, doanh thu, thị trường và khả năng tiêu thụ... Trong bối cảnh dịch bệnh liên tục và kéo dài suốt 2 năm qua, dù đã có không ít chính sách hỗ trợ, an sinh xã hội, bổ sung thu nhập cho người lao động... nhưng thực tế cho thấy, vẫn có hàng chục triệu người lao động bị giảm thời gian làm việc, giảm thu nhập; hàng triệu người mất việc làm. Vì thế, trong xu hướng này, nếu giá cả hàng hóa không tăng, mà còn giảm nhờ vào ưu đãi của chính sách thuế gia tăng sẽ tạo nên sức ảnh hưởng lớn và tác động tới đời sống của toàn xã hội.

Trong suốt hai năm qua, dưới tác động của dịch bệnh, tổng cầu tiêu dùng trong nước được thể hiện bằng chỉ số tổng mức bán lẻ và doanh thu hàng hóa dịch vụ tiêu dùng toàn xã hội. Nếu trước dịch bệnh, mỗi năm tăng trưởng tổng cầu tiêu dùng cả nước trên dưới 10%, có những năm cao lên tới từ 12-13%, nhưng từ năm 2021, chỉ số này giảm tới gần 10%. Do đó, việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ giúp nền kinh tế có điều kiện và cơ hội để phục hồi lại tổng tiêu dùng trong nước nhờ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng khác hoàn toàn so với những chính sách miễn, giảm, thuế phí trước đây. Nếu như việc miễn, giảm thuế, phí chỉ tập trung vào các loại thuế trực thu như thuế thu nhập doanh nghiệp, áp dụng đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch Covid-19 thì chính sách mới giảm thẳng vào thuế gián thu là thuế giá trị gia tăng. Theo tính toán của các chuyên gia tài chính, mức giảm tới 2% tức là thu 5 đồng thuế giá trị gia tăng thì sẽ miễn 1 đồng, là con số không nhỏ và chắc chắn mọi đối tượng của nền kinh tế sẽ đều được hưởng lợi.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, khi tiến hành giảm thuế giá trị gia tăng, ngân sách Nhà nước sẽ hụt thu khoảng 49.000 tỷ đồng. Số tiền này sẽ“nằm lại” trong túi của các hộ gia đình, các cá nhân và cả doanh nghiệp. Song lượng tiền ấy sẽ tiếp tục tiêu dùng và lưu thông ra ngoài thị trường lên cấp số nhân, thậm chí có thể nhiều hơn. Việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ giúp kiềm chế, kiểm soát việc tăng chỉ số giá tiêu dùng khi tiêu dùng trong nước có triển vọng tốt hơn và phục hồi. Như vậy, việc giảm thuế 2% sẽ giúp đạt hai mục tiêu là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ phía sản xuất kinh doanh, từ phía tiêu dùng và ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Để chính sách đi vào cuộc sống nhanh và hiệu quả

Không thể phủ nhận rằng chính sách giảm thuế GTGT sẽ giúp đỡ các doanh nghiệp, người dân giảm bớt một phần khó khăn về kinh tế và đồng thời cũng tạo đà phục hồi trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, qua khảo sát còn rất nhiều người dân, doanh nghiệp chưa nắm được quy định này. Trong khi người dân mong mỏi được giảm thuế thì một số doanh nghiệp cho rằng, không phải họ không muốn làm mà vì họ không thể nắm rõ mặt hàng nào thuộc danh mục được giảm thuế, mặt hàng nào không; hoặc gặp khó trong khâu tra cứu, đối chiếu mã hàng hóa, dịch vụ để áp thuế giá trị gia tăng 8%. Doanh nghiệp cũng mong Bộ Tài chính sớm có thông tư hướng dẫn chi tiết để Nghị định đi vào cuộc sống.

Để đưa chính sách giảm thuế GTGT đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân được thụ hưởng chính sách miễn, giảm thuế và mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế cần sự nỗ lực của các bộ, ngành, chính quyền các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan thuế và các doanh nghiệp.

Theo đó, các bộ, ngành, UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan thuế phải tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, thực hiện các giải pháp ổn định cung cầu hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế theo quy định để giữ bình ổn giá cả thị trường. Các cơ quan chức năng đẩy mạnh quán triệt, chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc chủ động tuyên tuyền, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ, kịp thời nội dung của chính sách giảm thuế GTGT.

Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, tại các cửa hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ có xuất hóa đơn phải giảm thuế trực tiếp trên hóa đơn, tránh tình trạng mập mờ khiến người tiêu dùng không biết giá sản phẩm đã được giảm thuế GTGT hay chưa. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải chấp hành việc giảm giá sản phẩm tương ứng với mức giảm thuế GTGT. Có như thế chính sách mới thực sự mang lại hiệu quả cao.
Thực tế cho thấy, ngay khi Nghị định số 15/2022/NĐ-CP được ban hành, ngày 28/1/2022, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã có Công điện số 01/CĐ-TCT yêu cầu các Cục Thuế chủ động tuyên truyền, phổ biến cho người nộp thuế trên địa bàn để kịp thời thực hiện Nghị định 15 quy định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/NQ-QH15 của Quốc hội nhằm tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế trong giai đoạn hiện nay.

Sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Tổng cục Thuế đã ban hành Công điện số 02/CĐ- TCT ngày 09/02/2022 yêu cầu các đồng chí Cục trưởng Cục Thuế chỉ đạo các phòng, các chi cục thuế cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn quản lý. Đồng thời, Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế, Chi cục Thuế bám sát địa bàn, người nộp thuế để hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Quốc hội, Chính phủ. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh các nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc diện giảm thuế GTGT trên địa bàn, cơ quan thuế theo sát để hỗ trợ thực hiện đúng quy định về giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Bộ Tài chính cũng thường xuyên tuyên truyền, giải thích Nghị định số 15/2022/NĐ-CP cho người nộp thuế qua website cũng như các kênh hỗ trợ khác nhau.

Có thể nói, với việc đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức, có thư ngỏ hướng dẫn cụ thể đến từng doanh nghiệp, người nộp thuế, chính sách giảm thuế GTGT đã và đang đi vào cuộc sống. Đến nay, nhiều cơ sở kinh doanh đã nắm được và thực hiện nghiêm việc giảm thuế GTGT theo quy định; tình trạng lúng túng, hoặc vướng mắc khiến người nộp thuế phản ánh đến cơ quan thuế cũng đã giảm đáng kể.../.
 

ThS. Vũ Thị Khánh Minh

Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên
 
 
 
 
 
 
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top