Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đồng thời xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết 29) được ban hành đã đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo. Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, giáo dục và đào tạo Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đóng góp vào kết quả này có sự nỗ lực, tâm huyết phấn đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của các thế hệ thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức và người lao động trong Ngành Giáo dục và Đào tạo.
Từ khóa: Giáo dục và Đào tạo, Nghị quyết 29, thầy giáo, cô giáo, đại học, phổ thông...
Giáo dục và đào tạo phát triển mạnh mẽ và đạt nhiều thành tựu quan trọng
Một trong những quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 29 cho thấy giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện... Với quan điểm này, Nghị quyết 29-NQ/TW đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
![Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024) Giáo dục Việt Nam nhìn từ Nghị quyết 29 của Trung ương](/pic/News/Nam_2024/ky-niem-42-nam-ngay-nha-giao-viet-nam-20-11-1982-20-11-2024-giao-duc-viet-nam-nhin-tu-nghi-quyet-29-cua-trung-uong.jpg)
Sau 10 năm, thực hiện hiện thực hóa Nghị quyết 29-NQ/TW, giáo dục và đào tạo Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; duy trì vững chắc, từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; giáo dục phổ thông chuyển hướng tích cực từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học; chất lượng giáo dục phổ thông đại trà và mũi nhọn ngày càng nâng cao.
Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức; các phong trào thi đua học tập, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được quan tâm thực hiện.
Giáo dục nghề nghiệp đã phát triển mạnh về số lượng và chú trọng nâng cao chất lượng từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động.
Giáo dục đại học tiếp tục đổi mới, gắn với tăng cường tự chủ đã tạo ra động lực mới, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng, hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học; số lượng chương trình đào tạo được kiểm định và công bố khoa học quốc tế tăng mạnh, một số cơ sở giáo dục đại học và nhóm ngành đào tạo được xếp hạng cao trong khu vực và thế giới.
Phương pháp dạy - học và công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục được đổi mới theo hướng hiện đại, ngày càng thực chất, hiệu quả hơn. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hóa, từng bước bảo đảm số lượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo.
Những kết quả toàn diện của Ngành Giáo dục và Đào tạo là minh chứng rõ nét, ghi nhận và khẳng định sự quyết tâm, nỗ lực, kiên trì phấn đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của các thế hệ thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức và người lao động trong Ngành Giáo dục và Đào tạo
Nghị quyết 29 đã đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo. Nghị quyết 29 thể hiện tầm nhìn, quyết tâm và định hướng chiến lược đổi với giáo dục, cùng như tầm nhìn để phát triển bền vững đất nước cả trước mắt cũng như lâu dài.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW còn một số hạn chế, bất cập như: Việc thể chế hóa một số nội dung của Nghị quyết thành chính sách, pháp luật phục vụ đổi mới giáo dục và đào tạo, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học chậm được ban hành; việc thực hiện tự chủ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới còn gặp nhiều khó khăn; liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở còn bất cập; giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học chưa thực sự gắn với thị trường lao động, chưa đáp ứng yêu cầu nhân lực cho các ngành kinh tế mới, công nghệ cao; trình độ ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh của lao động qua đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; tỉ lệ học sau đại học, nhất là các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật và công nghệ còn thấp; cơ cấu, số lượng đội ngũ nhà giáo ở nhiều địa phương chưa hợp lý, chất lượng chưa đồng đều; tỉ lệ phòng học chưa kiên cố hóa còn cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu, nhất là ở khu vực miền núi, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư...
![Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024) Giáo dục Việt Nam nhìn từ Nghị quyết 29 của Trung ương 1](/pic/News/Nam_2024/ky-niem-42-nam-ngay-nha-giao-viet-nam-20-11-1982-20-11-2024-giao-duc-viet-nam-nhin-tu-nghi-quyet-29-cua-trung-uong-1.jpg)
Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới
Sau 10 năm triển khai thực hiện, các quan điểm, định hướng lớn của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tại Nghị quyết 29 là đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển giáo dục của thế giới và thực tiễn phát triển của Việt Nam.
Để phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục hiệu quả những hạn chế, bất cập nhằm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực Châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045, ngày 12/8/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 91-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW, Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết khác của Đảng về giáo dục và đào tạo; đồng thời tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ:
Một là, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu địa phương, đơn vị tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thực hiện đầy đủ, sâu sắc quan điểm coi giáo dục và đào tạo là "quốc sách hàng đầu", là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; phát huy vai trò của các cấp ủy cơ sở giáo dục, đào tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo; tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu rộng và hiệu quả hơn về mục tiêu, yêu cầu, nội dung đổi mới giáo dục và đào tạo.
Hai là, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; tăng quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm giải trình, phát huy dân chủ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; đánh giá toàn diện việc thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên cả nước để có giải pháp phù hợp, tạo thuận lợi cho công tác quản lý và phát triển hệ thống này trong thời gian tới.
Ba là, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh, sinh viên. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, tập trung đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người dạy và người học; phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.
Bốn là, tập trung đầu tư hiện đại hóa giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Theo đó, tiếp tục phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập, gắn với thị trường lao động, chú trọng cả số lượng, cơ cấu, chất lượng đào tạo, quan tâm công tác đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động để thích ứng với sự thay đổi của nhu cầu thị trường và công nghệ sản xuất; tập trung đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học công lập ở một số ngành, nghề, lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế nhằm tạo đột phá, chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao gắn với nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chuyển đổi số quốc gia và hội nhập quốc tế.
Năm là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, thúc đẩy xã hội học tập và học tập suốt đời; đẩy mạnh chuyển đổi trong giáo dục và đào tạo; tăng cường rà soát, sắp xếp, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông bảo đảm đủ trường, lớp học, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư và miền núi, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục; thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với mục tiêu phát triển của các vùng kinh tế - xã hội và của cả nước.
Sáu là, phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo định mức quy định; nghiên cứu cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên giữa các địa phương để giải quyết căn bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và nâng cao chất lượng giáo dục cho các vùng khó khăn.
Bảy là, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo; bảo đảm ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách Nhà nước như Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đề ra.
Tám là, đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học./.
Trang Nguyễn
Tài liệu tham khảo:
Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.