Giới và thị trường lao động tại Việt Nam

24/01/2022 - 12:10 PM
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quy mô dân số liên tục tăng trong các năm qua cùng với lợi thế cơ cấu dân số vàng đã cung cấp nguồn nhân lực vô cùng lớn cho thị trường lao động tại Việt Nam. Năm 2019, có 54,6 triệu lao động có việc làm, trong đó, lao động nam đạt gần 28,8 triệu người và lao động nữ là 25,9 triệu người. Tuy nhiên, có sự chênh lệch giới đáng kể trong tỷ lệ tham gia lực lượng lao động (LLLĐ) tại Việt Nam.
 
Việt Nam đã trải qua một quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhanh, kéo theo sự chuyển dịch đáng kể trên thị trường lao động (TTLĐ).
 
Nông nghiệp là ngành sử dụng lao động lớn nhất khi đất nước bắt đầu công cuộc Đổi mới. Với sự tự do hóa và đa dạng hóa kinh tế, tỷ trọng việc làm trong nông nghiệp nhanh chóng bắt đầu giảm. Trong vòng 10 năm trước khi bùng phát COVID-19, tổng số việc làm trong nông nghiệp giảm 14 điểm phần trăm, cùng với đó là sự gia tăng tương ứng về việc làm trong ngành công nghiệp và dịch vụ.

Sự chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, bắt đầu từ những năm 1980 đã tác động đáng kể vào TTLĐ trong suốt thập kỷ qua. Sự thay đổi trong lực lượng lao động nữ diễn ra rõ hơn đôi chút so với nam giới trong giai đoạn này, với việc giảm tỷ trọng việc làm nông nghiệp 15,3 điểm phần trăm và tăng tỷ trọng việc làm trong ngành công nghiệp và dịch vụ ở mức độ tương đương (lần lượt là 8,2 và 7,1 điểm phần trăm). Ngoài ra, việc làm của phụ nữ trong ngành dịch vụ phi thị trường tăng 2,3 điểm phần trăm, trong khi thay đổi về việc làm của nam giới trong ngành này không đáng kể.

Hiện nay, phụ nữ có tỷ lệ làm việc trong nông nghiệp tự sản tự tiêu cao hơn so với nam giới. Chỉ 10 năm trước, việc làm nông nghiệp chiếm đến hơn nửa số lao động nữ ở Việt Nam, nhưng giờ đây, điều này không còn đúng nữa. Năm 2019, nông nghiệp chiếm 36,1% việc làm của nữ giới; dịch vụ (cả thị trường và phi thị trường gộp lại) là ngành có tỷ trọng việc làm của nữ giới lớn nhất so với các ngành khác (36,8%), trong khi khoảng 1/4 (25,4%) nữ giới làm việc trong ngành công nghiệp, mà hầu hết là trong lĩnh vực sản xuất. Mặt khác, việc làm của nam giới được phân bổ đồng đều hơn, với mỗi lĩnh vực sử dụng gần 1/3 LLLĐ nam. Điều này có nghĩa là phụ nữ có việc làm có xu hướng làm trong ngành nông nghiệp cao hơn nam giới, cho dù chỉ là chênh lệch chút ít. Tuy nhiên, có sự khác biệt quan trọng về tình hình việc làm giữa nam và nữ trong ngành này. Phần lớn (85,9%) phụ nữ làm việc trong ngành nông nghiệp trên thực tế tham gia vào các hoạt động nông nghiệp tự sản tự tiêu. Tỷ trọng tương ứng trong việc làm nông nghiệp của nam giới là 59,2%.
Phụ nữ Việt Nam tham gia LLLĐ với tỷ lệ cao hơn mức trung bình của toàn cầu và khu vực.

Năm 2019, có 70,9% phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi lao động tham gia LLLĐ. Tỷ lệ tương ứng ở cấp độ toàn cầu là 47,2%, và tỷ lệ ở Châu Á - Thái Bình Dương thậm chí còn thấp hơn, ở mức 43,9%. Ngoài ra, tỷ lệ tham gia LLLĐ của phụ nữ Việt Nam không chỉ cao theo nghĩa tuyệt đối mà còn cao khi tương quan với tỷ lệ tham gia của nam giới. Chênh lệch về tỷ lệ tham gia giữa nam và nữ ở Việt Nam đạt trung bình 9,5 điểm phần trăm trong thập kỷ qua. Trong toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, mức trung bình trong cùng thời kỳ là trên 32 điểm phần trăm.

Tỷ lệ phụ nữ tham gia LLLĐ thấp hơn nam giới và lý do đằng sau sự chênh lệch này có thể là do sự phân bổ trách nhiệm gia đình không đồng đều trong xã hội Việt Nam. Điều tra Lao động - Việc làm năm 2018 cho thấy 47,5% phụ nữ lựa chọn không hoạt động kinh tế là vì "Lý do cá nhân hoặc liên quan đến gia đình". Trong khi đó, chỉ có 18,9% nam giới không tham gia hoạt động kinh tế viện dẫn lý do này. Mặc dù có tỷ lệ tham gia TTLĐ nói chung cao nhưng phụ nữ Việt Nam vẫn phải đối mặt với sự bất bình đẳng về cơ hội tham gia vào hoạt động kinh tế so với nam giới.

Nguồn lao động dồi dào và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao nhưng chỉ hơn 1/5 số lao động có việc làm đã được qua đào tạo (22,6% năm 2019), cứ 4 lao động nam có việc làm thì có 1 người đã qua đào tạo, ở nữ giới thì cứ 5 lao động có việc làm thì 1 người đã qua đào tạo. Tỷ lệ này đặc biệt thấp với lao động nữ thuộc khu vực nông thôn (chỉ đạt 12,3% năm 2019). Vì vậy, nhằm thúc đẩy việc thực hiện được chỉ tiêu 2, mục tiêu 2 của Chiến lược bình đẳng giới quốc gia đề ra“Giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030”, các nguồn lực dành cho đào tạo, dạy nghề vẫn cần được ưu tiên nhiều hơn cho khu vực nông thôn, đặc biệt là nữ tại khu vực nông thôn.
Tỷ lệ tham gia LLLĐ cao và tỷ lệ thất nghiệp thấp đã che lấp chất lượng việc làm tương đối kém hơn ở phụ nữ.

Nền kinh tế phi chính thức với quy mô tương đối lớn của Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo khả năng tiếp cận các cơ hội tạo thu nhập cho phụ nữ và nam giới, góp phần vào mức độ hoạt động kinh tế cao và tỷ lệ thất nghiệp thấp. Tuy nhiên, việc làm trong khu vực kinh tế phi chính thức không được bảo vệ và lao động phi chính thức phải đối mặt với tình trạng nghèo đói và rủi ro nghề nghiệp lớn. Ở Việt Nam, nam giới có xu hướng làm việc phi chính thức nhiều hơn nữ giới (tỷ lệ làm việc phi chính thức năm 2019 là 78,9% ở nam và 67,2% ở nữ). Tuy nhiên, phụ nữ lại chiếm đa số trong nhóm lao động phi chính thức đặc biệt thiệt thòi, đó chính là lao động gia đình.

Số liệu về cơ cấu lao động trong nền kinh tế theo vị thế việc làm cho thấy, phụ nữ đang gặp nhiều bất lợi đáng kể. Lao động làm công ăn lương thường được liên hệ với mức độ ổn định của công việc do sự gắn bó với người sử dụng lao động, tuy nhiên, chỉ có 43% phụ nữ có việc làm là lao động làm công ăn lương, so với 51.5% nam giới có việc làm. Bên cạnh đó, phụ nữ có nguy cơ trở thành lao động gia đình cao hơn gấp đôi so với nam giới. Năm 2019, 65,8% lao động gia đình ở Việt Nam là phụ nữ, chiếm gần 1/4 (24,1%) việc làm của phụ nữ nông thôn, so với chỉ 1/10 (10,7%) việc làm của nam giới ở nông thôn. Phụ nữ cũng chiếm đa số trong nhóm lao động gia đình không được trả công, đặc biệt phụ nữ tại khu vực nông thôn chịu nhiều rủi ro, không được tiếp cận nhiều với các dịch vụ bảo trợ xã hội, thu nhập bấp bênh và dễ bị tổn thương. Điều này cũng phần nào lý giải lý do tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực nông thôn thấp hơn đáng kể so với khu vực thành thị.

Nguyên tắc trả lương bình đẳng cho công việc có giá trị như nhau là một khía cạnh quan trọng của bình đẳng trong vấn đề việc làm, như chỉ tiêu SDG 8.5 đã đề ra. Việt Nam cũng đã cam kết theo đuổi nguyên tắc này khi phê chuẩn Công ước số 100 về trả lương bình đẳng. Tuy nhiên, thu nhập bình quân của phụ nữ luôn thấp hơn nam giới. Mức thu nhập bình quân của một lao động có việc làm năm 2019 là 5,6 triệu đồng; trong đó, lao động nam là 6,5 triệu và lao động nữ là 4,6 triệu. Thu nhập bình quân của lao động nữ tại khu vực nông thôn đặc biệt thấp, chỉ 3,7 triệu đồng.

Khoảng cách giới về tiền lương theo tháng cũng cho thấy thu nhập về lương của lao động nữ bình quân thấp hơn lao động nam gần 30% tính trung bình toàn quốc năm 2019, khoảng cách này đặc biệt cao ở nhóm lao động lớn tuổi hoặc khu vực kinh tế nông nghiệp. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang có tuổi nghỉ hưu tương đối thấp trong khi lại có mức tuổi thọ khá cao. Ngoài ra, tỷ lệ lao động tự làm và lao động gia đình tương đối lớn nên dễ nhận thấy tỷ lệ dân số trong độ tuổi nghỉ hưu tham gia lực lượng lao động tương đối cao, đặc biệt là tại khu vực nông thôn. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi nghỉ hưu tham gia lực lượng lao động năm 2019 là 42,7% chung cả nước; trong đó, nam giới là 44% và nữ giới là 42,1%. Tỷ lệ này ở nông thôn cao gấp 1,5 lần ở thành thị ở cả 2 giới.

Phụ nữ Việt Nam phải mang gánh nặng kép với số giờ làm việc tương đương với nam giới và số giờ làm việc gia đình gấp đôi so với nam giới. Công việc gia đình này bao gồm các hoạt động như: dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, nấu ăn và đi chợ, chăm sóc gia đình và con cái. Hơn nữa, hầu hết phụ nữ đều dành một quỹ thời gian nhất định cho các hoạt động này hàng tuần, trong khi tỷ trọng này ở nam giới là thấp hơn và có đến gần 20% nam giới cho biết họ không hề dành bất kỳ chút thời gian nào phụ giúp việc nhà. Trong số những người tham gia làm việc nhà, phụ nữ dành trung bình 20,2 giờ một tuần và nam giới dành trung bình 10,7 giờ.

Có thể nói, sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Việt Nam đã kéo theo sự thay đổi đáng kể trên thị trường lao động Việt Nam. Lao động nữ ngày càng tham gia nhiều hơn và bình đẳng hơn trên TTLĐ, tuy nhiên, vẫn còn sự chênh lệch giữa lao động nam và nữ bởi nhiều yếu tố truyền thống trong xã hội mà người phụ nữ được kỳ vọng phải đảm nhận. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc của các nhà quản lý, lãnh đạo nhằm tiến tới thu hẹp khoảng cách chênh lệch, tạo sự bình đẳng cho tất cả người lao động./.

 

Tiến Long

 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top