Gỡ khó về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh

17/05/2019 - 03:04 PM
Trước khi Luật Giáo dục nghề nghiệp được ban hành năm 2015, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam gồm hai hệ thống riêng rẽ, biệt lập, hoạt động khép kín gồm: (1) Hệ thống giáo dục chuyên nghiệp có hai trình độ đào tạo: Trung học chuyên nghiệp và cao đẳng, thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong đó, bậc trung học chuyên nghiệp được điều chỉnh bởi Luật Giáo dục và các văn bản dưới luật, còn cao đẳng là một trình độ đào tạo của giáo dục đại học, được điều chỉnh đồng thời bởi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học; (2) Hệ thống dạy nghề gồm ba trình độ đào tạo: Sơ cấp, trung cấp nghề và cao đẳng nghề, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước và được điều chỉnh bởi Luật Giáo dục và Luật dạy nghề.

Năm 2015, trên cơ sở hợp nhất hai hệ thống giáo dục chuyên nghiệpdạy nghề, Luật Giáo dục nghề nghiệp được ban hành, đã thống nhất giáo dục nghề nghiệp thành một hệ thống thống nhất gồm ba trình độ đào tạo:cấp; Trung cấp (hợp nhất bậc trung học chuyên nghiệp và bậc trung cấp nghề); Cao đẳng (hợp nhất bậc cao đẳng tách ra từ giáo dục đại học và bậc cao đẳng nghề).
Với sự thống nhất hệ thống Giáo dục nghề nghiệp, sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, đã tạo hai “ngã rẽ” cho học sinh lựa chọn: Học tiếp trung học phổ thông và cao hơn, hoặc gia nhập thị trường lao động. Theo đó, giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh là một trong những nội dung quan trọng, nhằm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Công tác này đồng thời tác động lớn đến sự lựa chọn nghề nghiệp của thanh niên, phù hợp với khả năng cũng như đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.

 
GỠ KHÓ VỀ GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP VÀ PHÂN LUỒNG HỌC SINH 1
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Đánh giá thực trạng công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong thời gian qua cho thấy, hệ thống các văn bản về vấn đề này ngày càng được hoàn thiện. Để cụ thể hóa các văn bản, Bộ Giáo  dục và Đạo tạo hướng dẫn các trường trung học chuyển dần từ hoạt động ngoài giờ lên lớp sang hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, nhiều địa phương đã chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh; tích hợp các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông gắn với hoạt động dã ngoại, tham quan thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Một  số trường trung học đã triển khai thí điểm các mô hình nhà trường gắn với các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề truyền thống tại địa phương như: Mô hình trường học - nông trường chè, mía, cam tại tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hòa Bình; Mô hình trường học - vườn đào, trường học - du lịch ở tỉnh Lào Cai và Hà Giang; Mô hình trường học - trải nghiệm ở các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Cần Thơ,... Đồng thời, nhiều trường phổ thông chủ động phối hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên trên địa bàn trong công tác giáo dục hướng nghiệp; lồng ghép thực hiện các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông với các hoạt động tư vấn tuyển sinh. Sự gắn kết các hoạt động giáo dục với thực tiễn đã thực sự mở ra một phương thức giáo dục hướng nghiệp mới ở nước ta.

Nhằm định hướng cho việc lựa chọn ngành nghề của học sinh, sinh viên, thanh niên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã chủ động, tích cực thực hiện nhiều giải pháp như: Hoàn thiện hệ thống phổ biến thông tin thị trường lao động; Tổ chức điều tra nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp; thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động hàng năm; Thành lập bộ phận phân tích, dự báo thị trường lao động; Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của xã hội, thanh niên về học nghề, lập nghiệp qua các phương tiện thông tin đại chúng, các ấn phẩm truyền thông, các trang mạng; Xây dựng ứng dụng Chọn nghề - Chọn trường trên thiết bị di động …

Giáo dục nghề nghiệp cũng có hướng đi mới, đóng góp cho công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh. Trong 2 năm qua, Bộ LĐ,TB&XH đã rà soát, sắp xếp và quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Kết quả, đã giảm được 35 trường cao đẳng, 328 cơ sở nghề nghiệp ở các huyện theo phương châm tích hợp lại 3 trong 1 và 2 trong 1. Cụ thể, cứ 3 trung tâm giáo dục dạy nghề, giáo dục thường xuyên và giáo dục tổng hợp sẽ sáp nhập làm 1 hoặc 2. Sau quy hoạch lại, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến nay cả nước có 1.954 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 394 trường cao đẳng, 515 trường trung cấp và 1.045 trung tâm giáo dục thường xuyên. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển theo hướng đa dạng về loại hình đào tạo và mô hình hoạt động, chuyển hướng đào tạo theo định hướng, theo địa chỉ và theo đặt hàng trên cơ sở dự báo cung cầu thị trường lao động. Nhiều trường nghề hoạt động hiệu quả và có chất lượng. Kết quả tuyển sinh trung cấp, nhất là học sinh tốt nghiệp THCS trong những năm gần đây có xu hướng tăng.

Nhờ những đổi mới trên, công tác giáo dục hướng nghiệp và phần luồng học sinh đã chuyển dần theo hướng phù hợp với phát triển kỹ năng phục vụ nhu cầu lao động của xã hội, tác động tích cực đến việc lựa chọn học nghề của học sinh. Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS nói chung được định hướng vào 4 luồng chính gồm: Học tiếp lên THPT; Học lên trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề; Vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên; Trực tiếp đi làm kiếm sống. Do đó, tỷ lệ học sinh cấp THCS và THPT đăng ký học nghề thay vì tiếp tục học lên THPT (đối với học sinh tốt nghiệp THCS) hoặc đăng ký tuyển sinh đại học (đối với học sinh tốt nghiệp THPT) có xu hướng tăng trong thời gian qua cho thấy mục tiêu giáo dục đào tạo đã sát với thực tế, có sự phân luồng rõ nét và đúng hướng.

Mặc dù vậy, công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh hiện nay còn gặp khá nhiều khó khăn và xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết là do giới trẻ cũng như phụ huynh chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề hướng nghiệp, việc lựa chọn ngành nghề của học sinh còn theo tâm lý đám đông, chạy theo bằng cấp.

Cùng với đó, các trường trung học trong nước vẫn còn xu hướng chạy theo thành tích tốt nghiệp và đại học. Việc dạy thêm, học thêm các môn thi đại học được chú trọng ngay từ cấp THCS, trong khi lại coi nhẹ giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh. Hiện nay việc học sinh học nghề phổ thông chủ yếu với mục đích được cộng điểm cho thi tốt nghiệp và tuyển sinh THPT.
Hơn nữa, theo đánh giá của các chuyên gia, cơ chế, chính sách giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng học sinh sau trung học ở nước ta còn chậm đổi mới; hệ thống thông tin thị trường lao động thiếu cập nhật; công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, chất lượng đào tạo nghề và giải quyết việc làm đối với thanh niên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; thị trường lao động chưa phát triển lành mạnh, gây khó khăn cho việc lựa chọn ngành nghề của học sinh; cơ sở vật chất, trang thiết bị, số lượng và kỹ năng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp ở trường trung học còn hạn chế.

Những nguyên nhân trên đã dẫn tới tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm trong thanh niên vẫn  ở mức cao. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước năm 2018 ước tính là 2,0%, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi lao động là 2,19%, và tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 1,46%. Một con số thống kê khác của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ngay cả đối với những sinh viên đã tốt nghiệp đại học, tỷ lệ sinh viên ra trường làm trái ngành lên đến 60% hoặc làm công việc có trình độ thấp hơn (CĐ, trung cấp) trong khi nhu cầu về lao động có tay nghề lại thiếu.

Trước tình trạng trên, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đang tích cực xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, theo đó giáo dục hướng nghiệp được thực hiện thường xuyên và liên tục, thông qua tất cả các môn học, các hoạt động giáo dục, đồng thời có các hoạt động giáo dục hướng nghiệp riêng. Qua đó, góp phần phân luồng đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Để góp phần mang lại hiệu quả cho công tác phân luồng học sinh sau THCS và hướng nghiệp, theo sự hướng dẫn của Bộ lao động, Thương binh và Xã hội, thời gian qua một số trường trong nước đã triển khai mở rộng mô hình đào tạo 9+ nhằm thu hút học sinh hết lớp 9 vào học nghề. Đây là một mô hình được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng như Đức, Nhật Bản, Hàn quốc. Theo mô hình này, học sinh tốt nghiệp THCS được đào tạo nghề liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, giúp các em học sinh chọn nghề sớm, phù hợp năng lực bản thân, rút ngắn thời gian đào tạo, tiết kiệm chi phí và sớm gia nhập thị trường lao động trong khi vẫn có cơ hội liên thông lên các trình độ cao hơn. Ðồng thời, để giải quyết “nút thắt” v phân luồng học sinh, Bộ LĐTB&XH ng những giải pháp và cách làm bằng chính sách hấp dẫn như: Miễn học phí 100% cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp; miễn học phí trình độ trung cấp, cao đẳng cho các đối tượng chính sách xã hội; học theo chế độ cử tuyển; người học học các nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu, nghề đặc thù; chính sách nội trú cho người học là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, học sinh phổ thông dân tộc nội trú; hỗ trợ chi phí và vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài,... đã và đang thu hút sự quan tâm lớn của học sinh và phụ huynh nhờ tiết kiệm chi phí, thời gian học và học sinh sớm gia nhập thị trường lao động, có công việc ổn định với mức thu nhập khá.

Những bước đi trên sẽ giúp công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đến năm 2025, 100% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng… như Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông (GDPT) giai đoạn 2018-2025” đặt ra thì rất cần sự góp sức của toàn xã hội, từ phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp… Làm được điều đó, công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sẽ giúp đào tạo nguồn nhân lực mới đáp ứng được những yêu cầu từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa mạnh mẽ trên toàn thế giới./.
Bích Ngọc
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top