Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 đang đến gần, các cấp Ủy đảng, chính quyền, các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể… cùng nỗ lực triển khai tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa để chăm lo cho người dân mọi miền Tổ quốc. Những hoạt động đó luôn được thắp lên bởi ngọn lửa nhiệt huyết cùng trái tim ấm, lan tỏa tình yêu thương đến những người lao động, những mảnh đời còn khó khăn, kém may mắn trong cuộc sống, để Tết đến Xuân về người dân trên mọi miền của Tổ quốc thêm đầm ấm, an vui.
Tết đến, Xuân về, với tinh thần “Tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống và thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”… Đảng, Nhà nước ta có nhiều kế hoạch, chương trình nhằm tạo nền tảng vững chắc cũng như làm cầu nối, động lực cho những hoạt động đảm bảo an sinh xã hội, nhân đạo, từ thiện và chăm lo cho những người có hoàn cảnh khó khăn, gặp rủi ro, kém may mắn trong cuộc sống. Năm nay, để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ nhân dân đón mừng năm mới 2023 và vui xuân, đón Tết Nguyên đán Quý Mão lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tạo khí thế phấn khởi, quyết tâm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội, ngày 18/11/2022, Ban Bí thư đã ký Chỉ thị số 19-CT/TW, về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023. Trong đó Chỉ thị đặc biệt yêu cầu cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phát huy truyền thống đại đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái” của dân tộc, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui xuân, đón Tết. Quan tâm chăm lo cho các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, các hộ nghèo, đồng bào các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; công nhân, người lao động làm việc tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, nhất là người bị mất việc làm…; Tổ chức tốt việc thăm hỏi, chúc Tết thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo tiêu biểu, các đơn vị lực lượng vũ trang, lực lượng thường trực làm nhiệm vụ trong những ngày Tết, nhất là ở biên giới, hải đảo, vùng khó khăn, địa bàn phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội…
Trên tinh thần và sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp trong cả nước đang ra sức tích cực vận động các nguồn lực chăm lo Tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo Tết đến với mọi người, mọi nhà để cùng chào đón Tết cổ truyền của dân tộc trong niềm hân hoan và phấn khởi. Thông qua Quỹ vì người nghèo và an sinh xã hội năm 2022, trên địa bàn cả nước đã nhận được sự ủng hộ của nhiều cơ quan, đơn vị, tập đoàn, doanh nghiệp, nhà hảo tâm… Tính đến trung tuần tháng 10/2022, tổng số tiền ủng hộ hơn 1.400 tỷ đồng. Kết quả này là sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội trong công cuộc giảm nghèo bền vững, đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau”, đó cũng là thành tựu to lớn để mọi người dân trong cả nước hòa chung niềm vui bước vào một mùa Xuân mới mang niềm tin thắng lợi.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Song song với việc triển khai các hoạt động chăm lo Tết của Mặt trận Tổ quốc tại các tỉnh thành trong cả nước, ngày 23/11/2022, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tổ chức Chương trình “Sức mạnh Nhân đạo”. Đây là chương trình thường niên nhằm tôn vinh những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác nhân đạo, lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp, hành động tử tế trong cộng đồng và vận động nguồn lực để chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương có điều kiện vui Xuân, đón Tết.
Trong dịp này, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã phát động phong trào “Tết Nhân ái”. Đây là chương trình được kế thừa từ phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động từ năm 1999, phong trào nhằm tiếp tục huy động và kết nối rộng rãi sự tham gia, đóng góp của cộng đồng để tổ chức các mô hình “Tặng quà - Vui Tết” trợ giúp về vật chất, tinh thần để người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương được vui xuân, đón Tết trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc theo điều kiện của mỗi địa phương, góp phần xây dựng cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái.
Nét mới của phong trào “Tết Nhân ái” của Hội Chữ thập đỏ phát động năm nay là sự đa dạng trong cách thức tổ chức các hoạt động, bao gồm: Tặng quà và chúc Tết, chuỗi “Chợ Tết Nhân ái”, “Cửa hàng dịch vụ đón Tết”, cỗ Tết, hoạt động vui Tết. Tết nguyên đán Quý Mão 2023, toàn Hội phấn đấu chăm lo, hỗ trợ 1 triệu người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương với tổng giá trị hoạt động đạt 600 tỷ đồng. Thời gian triển khai các hoạt động của phong trào “Tết nhân ái” 2023 bắt đầu từ ngày 01/01/2023 đến ngày 16/01/2023 (tức từ ngày 10/12 đến ngày 25/12 âm lịch), trong đó cao điểm từ ngày 06/01/2023 đến ngày 15/01/2023 (tức từ ngày 15/12 đến ngày 24/12 âm lịch).
Trung ương Hội cũng đã chỉ đạo điểm tổ chức Chương trình “Tết Nhân ái” 2023 với chuỗi hoạt động hội chợ - tặng quà - vui Tết tại 10 tỉnh, thành đại diện 8 Cụm thi đua, hỗ trợ kinh phí tổ chức phong trào cho 6 tỉnh, thành từ nguồn các Chương trình, Dự án và 14 tỉnh có nhiều nạn nhân chất độc da cam cần được trợ giúp, tiếp tục vận động nguồn lực hỗ trợ các tỉnh khó khăn; đồng thời chỉ đạo các tỉnh, thành Hội triển khai đợt cao điểm vận động nguồn lực để tổ chức tết cho người nghèo, khó khăn, yếu thế, để không có người nghèo nào không nhận được quà Tết.
Tại thời điểm diễn ra chương trình, thông qua Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam, phong trào “Tết Nhân ái” năm 2023 đã nhận được sự ủng hộ và cam kết ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước với số tiền gần 40 tỷ đồng, tương đương 80.000 suất quà Tết tặng cho 80.000 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh các hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đơn vị luôn phát huy vai trò chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động trong cả nước cũng đã ban hành Kế hoạch 266/KH-TLĐ ngày 26/10/2022, về việc tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Trong đó, theo kế hoạch dịp Tết 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự kiến tổ chức 15-25 chương trình “Chợ Tết Công đoàn” tại khoảng 21 địa phương. Đây là các địa phương có đông đoàn viên, người lao động, đông người dân tộc thiểu số, khu vực trung du, miền núi, biên giới, nhằm cung cấp các mặt hàng thiết yếu với giá ưu đãi, tổ chức các hoạt động vui xuân; tư vấn, khám sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí; tư vấn pháp luật; tặng quà cho người lao động khó khăn...
Tại Hà Nội, theo kế hoạch Liên đoàn Lao động Thành phố sẽ tổ chức chùm hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 để chăm lo, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động đón Tết an toàn, vui tươi, no ấm. Công tác chăm lo Tết Quý Mão 2023 tại Hà Nội sẽ được tổ chức thực hiện ở 3 cấp: Công đoàn cơ sở, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội. Các hoạt động tập trung chăm lo, hỗ trợ đoàn viên và người lao động tại Công đoàn cơ sở các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, khu chế xuất; lao động khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo, công nhân thiếu, mất việc làm, lao động không có điều kiện về quê đón Tết hoặc phải ở lại Hà Nội để lao động, sản xuất…
Hội thi Gói bánh chưng xanh chào Xuân Quý mão 2023 của Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Dự kiến, chùm hoạt động chăm lo Tết Quý Mão 2023 do các cấp Công đoàn Thủ đô triển khai gồm: Tổ chức thăm hỏi, tặng quà đối với đoàn viên và người lao động; tổ chức chương trình “Chợ Tết Công đoàn” năm 2023; chương trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết”; hoạt động “Hỗ trợ phương tiện đối với đoàn viên và người lao động có hoàn cảnh khó khăn”; tổ chức hoạt động vui xuân, đón Tết, thăm hỏi, động viên đoàn viên và người lao động không có điều kiện về quê đón Tết; chăm lo về chế độ phúc lợi, tiền lương, tiền thưởng trong dịp Tết…
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, dự trù kinh phí chăm lo Tết Quý Mão năm 2023 cho đoàn viên, lao động khó khăn khoảng 140 tỉ đồng. Theo đó, dự kiến sẽ có 1 triệu đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được chăm lo, thăm hỏi từ nguồn tài chính công đoàn với mức thấp nhất là 500.000 đồng/người.
Với phương châm “Tết đến với mọi đoàn viên, người lao động”, tổ chức Công đoàn Thành phố tham gia với người sử dụng lao động xây dựng phương án chi trả lương, thưởng Tết cho người lao động, các khoản phúc lợi khác cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thống được các cấp Công đoàn Thành phố tổ chức, như: Chương trình “Tết sum vầy - Xuân tri ân” cho khoảng 10 nghìn gia đình đoàn viên người lao động tại các doanh nghiệp có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê đón Tết; Chương trình “Gia đình công nhân vui Tết cùng Thành phố” cho 5.000 gia đình đoàn viên-lao động tiêu biểu ở lại đón Xuân Quý Mão năm 2023 tại Công viên Văn hóa Đầm Sen; tổ chức “Phiên chợ công nhân” trực tiếp hoặc trực tuyến tại các doanh nghiệp hoặc khu vực nhà trọ có đông công nhân lao động. Chương trình “Tấm vé nghĩa tình” dự kiến vận động trao khoảng 30.000 vé xe, vé tàu hoả, vé máy bay cho đoàn viên, người lao động. Chương trình “Chuyến tàu mùa Xuân” hỗ trợ cho các gia đình đoàn viên về quê đón Tết…
Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành kế hoạch chăm lo, hỗ trợ đoàn viên - lao động dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, với phương châm “Tất cả đoàn viên - lao động đều có Tết”. Theo đó, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam phối hợp với Sở Công Thương tổ chức chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2023”, diễn ra từ ngày 23 đến 25-12 tại Quảng trường 24/3 (Thành phố Tam Kỳ), với khoảng gần 100 gian hàng, dịch vụ thiết yếu với mức giá ưu đãi, bảo đảm chất lượng… Đây là hoạt động có ý nghĩa giúp cho mọi đoàn viên công đoàn cũng như người lao động có thể mua sắm các sản phẩm thiết yếu để chuẩn bị cho Tết cổ truyền dân tộc thêm đầy đủ, vẹn tròn với mức giá hợp lý và đảm bảo chất lượng.
Tại Bình Dương, các cấp, các ngành trong tỉnh cũng đã tập trung quan tâm, chăm lo, bảo đảm đời sống cho người dân được vui xuân, đón Tết an toàn, đầy đủ, đầm ấm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, trong đó Tỉnh đặc biệt chú trọng đến trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Theo kế hoạch, năm nay chuỗi các hoạt động “Xuân với trẻ em khó khăn” sẽ được diễn ra vào tháng 1/2023 với nhiều hình thức, chương trình trong đó tích cực vận động xã hội hóa, tăng cường nguồn lực để tặng quà, trao học bổng, đỡ đầu cho trẻ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Nhà Thiếu nhi tỉnh cũng triển khai tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ hấp dẫn, qua đó vận động các nguồn lực ủng hộ quỹ “Cây mùa xuân” nhằm chăm lo tết cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Cũng nằm trong chuỗi các hoạt động đảm bảo công tác an sinh xã hội, chăm lo Tết Quý Mão 2023 cho mọi người dân trong của nước, ngày 23/11/2022, BHXH Việt Nam đã tổ chức Tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn năm 2022 tại nhiều địa phương trong cả nước; tổ chức tặng quà cho bệnh nhân BHYT có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão; thông tin tới doanh nghiệp, nhà hảo tâm để đăng ký tham gia Chương trình tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn…
Chương trình tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn năm 2022 với sự đóng góp của cán bộ viên chức, người lao động toàn ngành BHXH Việt Nam; sự đồng hành tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, dự kiến trao 10.000 sổ BHXH, 120.000 thẻ BHYT có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước; trao tặng 200 suất quà, trị giá 1 triệu đồng/suất đến 200 bệnh nhân thuộc 10 bệnh viện tuyến Trung ương tại Hà Nội góp phần mang Tết ấm đến với người nghèo nhân dịp Xuân Quý Mão...
Có thể thấy, chung tay vì một mùa xuân thêm ấm no, hạnh phúc thực sự là nghĩa cử cao đẹp, đó cũng chính là bản chất nhân văn, giàu lòng nhân ái, luôn yêu thương đùm bọc lẫn nhau của dân tộc ta. Điều này đã trở thành truyền thống tốt đẹp, được lưu truyền, bồi đắp trong suốt chiều dài lịch sử, tạo nên nguồn sức mạnh to lớn, gắn bó các thế hệ người dân Việt Nam. Cùng với thời gian, những giá trị nhân ái, nhân đạo tiếp tục được phát huy và nhân lên mạnh mẽ. Mùa xuân Quý Mão 2023 đang tới gần, với sự quan tâm, hỗ trợ về tinh thần và vật chất cùng những nghĩa cử cao đẹp đã góp phần quan trọng giúp những hoàn cảnh gặp khó khăn vơi đi nỗi nhọc nhằn, động viên họ vươn lên trong cuộc sống và cùng đón một mùa xuân Quý Mão 2023 với nhiều niềm vui, hạnh phúc và đầm ấm, an vui./.
Thu Hòa