Với quyết tâm và sự chung tay của cả hệ thống chính trị, cùng sự đồng thuận của nhân dân, Hà Giang đang trên hành trình hoàn thành mục tiêu đưa các huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, hướng đến xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại trong Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng NTM.
Tích cực đẩy mạnh, đạt hiệu quả trong chương trình xây dựng NTM
Ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh Hà Giang đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt chương trình MTQG về xây dựng NTM đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn NTM, xã NTM nâng cao trong năm 2024 về cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra. Toàn tỉnh có 01 đơn vị (thành phố Hà Giang) được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 51/175 xã (29%) đạt chuẩn NTM, 01 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 126 thôn đã được công nhận thôn NTM, trong đó có 45 thôn đặc biệt khó khăn.
Thực hiện tiêu chí xã NTM, lũy kế đến nay, toàn Tỉnh tăng 45/207 tiêu chí xã NTM, đạt 22% kế hoạch Tỉnh giao năm 2024. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí tại các xã đã đạt chuẩn NTM; phấn đấu 05 xã đạt chuẩn NTM nâng cao: 05 xã đạt từ 6 -18 tiêu chí.
Thực hiện tiêu chí thôn NTM, toàn Tỉnh tăng 248/960 tiêu chí thôn, đạt 26% so với kế hoạch năm.
Thực hiện tiêu chí huyện NTM, huyện Bắc Quang đạt 4/9 tiêu chí gồm: Tiêu chí 1 quy hoạch; Tiêu chí 3 Thủy lợi và phòng, chống thiên tai; Tiêu chí 8 Chất lượng môi trường sống; Tiêu chí 9 Hệ thống chính trị - An ninh trật tự - Hành chính công.
Qua thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Hà Giang cho thấy, công tác xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 của Hà Giang ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Bộ mặt nông thôn của Tỉnh ngày càng đổi thay, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước nâng lên. Tiếp nối những kết quả đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Giang tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cho giai đoạn tiếp theo với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 3 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM chiếm 46,9% (tương đương 82 xã đạt chuẩn NTM); tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM nâng cao là 8,5% (7 xã); tỷ lệ xã đạt NTM kiểu mẫu là 2,4% (2 xã).
Sôi nổi phong trào làm đường giao thông nông thôn
Tiêu chí về đường giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, qua đó tạo thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện tiêu chí về đường giao thông nông thôn, Hà Giang đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo giúp nhiều con đường liên xã, liên thôn, ngõ xóm của nông thôn Hà Giang được sửa chữa, xây dựng tạo cho diện mạo nông thôn thay đổi tích cực hơn, từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn.
Tại huyện Vị Xuyên điểm sáng về làm đường giao thông nông thôn của tỉnh Hà Giang, thời gian qua để huy động nguồn lực bê tông hóa các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn, huyện Vị Xuyên tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương huy động, lồng ghép các nguồn lực, triển khai có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả. Theo đó, trong giai đoạn năm 2024 - 2025, huyện tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo 130km đường giao thông nông thôn các loại tại các xã. Đồng thời, cứng hóa hệ thống đường giao thông đến 11 thôn thuộc các xã Bạch Ngọc, Minh Tân, Thanh Thủy, Ngọc Linh, Cao Bồ, Kim Linh, Ngọc Minh, Xín Chải; cứng hóa đường giao thông tại các thôn biên giới Nặm Ngặt (Thanh Thủy), Hoàng Lỳ Pả (Minh Tân), Nhìu Sang, Nậm Lầu (Xín Chải), Bản Phùng (Lao Chải).
Sau 2 tháng triển khai kế hoạch đột phá kết cấu hạ tầng giao thông năm 2024 - 2025, phong trào xây dựng đường giao thông phát triển rộng khắp, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân. Toàn huyện xây dựng trên 4,2km đường giao thông tại các xã, dự kiến hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM gồm: Thanh Thủy, Ngọc Linh, Thuận Hòa, Quảng Ngần. Xây dựng gần 8km đường giao thông tại các xã đã đạt chuẩn NTM; khởi công xây dựng cầu Lũng Cáng (Thuận Hòa), cầu Trung Sơn (Thượng Sơn), cầu thôn Phai (Bạch Ngọc) từ nguồn xã hội hóa và đối ứng của huyện.
Tiếp nối thành công trong thực hiện đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn trong xây dựng NTM, trong thời gian tới, huyện Vị Xuyên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận, ủng hộ tham gia tích cực của người dân; đôn đốc các xã, thị trấn làm tốt các tuyến đường bê tông từ nguồn hỗ trợ xi măng của Tỉnh; các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình đảm bảo chất lượng, hiệu quả; tăng cường kết nối, kêu gọi đầu từ nguồn xã hội hóa.
Huyện Vị Xuyên đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn; 100% thôn có đường đến trung tâm thôn được cứng hóa; 100% thôn biên giới có đường giao thông đạt tiêu chí NTM; tăng cường duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông sau đầu tư tại các xã NTM. Nghị quyết số 17 của BCH Đảng bộ huyện Vị Xuyên (khóa XXIV) về đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, giai đoạn 2021 - 2025 xác định mục tiêu 100% thôn biên giới có đường giao thông đến trung tâm thôn đạt chuẩn NTM, hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM tại 8 xã.
Tại huyện Mèo Vạc giúp nhân dân làm đường giao thông nông thôn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Mèo Vạc phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Niêm Sơn triển khai thực hiện phong trào “Ngày thứ 7 chung sức xây dựng nông thôn mới”. Tuyến đường dân sinh được đổ bê tông rộng hơn 1m, dài khoảng 200 mét. Toàn bộ xi măng để đổ đường, các vật liệu khác như cát, đá được nhân dân trong thôn tự nguyện đóng góp; lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức huyện, xã; lực lượng vũ trang huyện và bà con trong thôn tham gia hỗ trợ ngày công. Tuyến đường dân sinh hoàn thành tạo thuận lợi cho việc đi lại của bà con, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân ở thôn bản vùng cao còn nhiều khó khăn, trong đó có thôn Bản Tồng. Hưởng lợi từ phong trào làm đường giao thông trong xây dựng nông thôn mới, thôn Bản Tồng với 125 hộ, 554 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Điều kiện đi lại của bà con trong thôn khá khó khăn, đặc biệt vào những ngày trời mưa con đường đất nhỏ, hẹp rất nguy hiểm. Tuy nhiên, thông qua phòng trào làm đường giao thông nông thôn, việc bê tông hóa đường đã giúp việc đi lại của bà con trong thôn thuận tiện hơn.
Tại Bắc Mê, phong trào làm đường giao thông nông thôn được các cấp chính quyền và người dân Bắc Mê chung sức, đồng lòng tập trung thực hiện. Nhờ đó, nhiều con đường đã được bê tông góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Đường giao thông mở đến đâu, bộ mặt nông thôn vùng sâu đổi thay đến đó. Thông qua tuyên truyền, vận động các hộ dân có tuyến đường đi qua hiến đất, đóng góp tiền, công lao động. Đến nay, Bắc Mễ đã đầu tư làm mới được trên 33,6 km đường giao thông nông thôn; nhiều tập thể, cá nhân điển hình tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí, vật liệu và gương mẫu đi đầu vận động người dân khắc phục khó khăn, thực hiện bê tông hóa nhiều tuyến đường giao thông nông thôn. Riêng hai xã Yên Định và Yên Phong đã hiến hàng nghìn m2 đất, đóng góp hàng trăm triệu đồng để hoàn thành các tuyến đường giao thông và một số công trình công cộng khác. Đến nay, hai xã Yên Định và Yên Phong có kết cấu hạ tầng ngày càng được hoàn thiện. Hệ thống điện, nước sinh hoạt, đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa…, bước đầu đáp ứng được nhu cầu người dân.
Có thể thấy, thực hện phong trào làm đường giao thông nông thôn, Hà Giang đã thực hiện được 214.449 m đường bê tông các loại; Nhân dân hiến 262.702m2 đất để làm đường bê tông và các công trình; đóng góp 112.304 ngày công lao động; mở mới 90.224m đường đất, đá; duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa 140.702 m đường giao thông nông thôn.
Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chương trình xây dựng NTM trong thời gian tới
Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 đã đi được gần hết chặng đường, để đảm bảo đúng tiến độ và đạt kết quả theo kế hoạch trong thời gian tới tỉnh Hà Giang tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ giải pháp như:
Một là, tăng cường công tác Iãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, vai trò quản lý của chính quyền, sự tham gia vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong xây dựng NTM.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt triển khai các chủ trương, chính sách về xây dựng NTM. Theo đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng NTM; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, các tổ chức kinh tế và toàn xã hội với nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng, điều kiện từng địa phương. Tập trung công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng NTM từ cấp tỉnh đến cơ sở, nhất là cán bộ xã và thôn; đồng thời, tăng cường trao đổi và học tập, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương có mô hình, cách làm hay để nhân rộng triển khai áp dụng có hiệu quả trên địa bàn Tỉnh.
Ba là, tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn trong xây dựng NTM. Theo đó, bố trí hợp lý các nguồn lực của Nhà nước và xã hội hóa xây dựng NTM theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào khu vực nông thôn; các huyện, xã thực hiện tốt việc huy động nội lực tại địa phương và sự đóng góp của nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài Tỉnh để xây dựng các công trình hạ tầng ở nông thôn...
Bốn là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 11 nội dung thành phần của Chương trình MTQG xây dựng NTM theo Quyết định số 263/QĐTTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát; kịp thời sơ kết, tổng kết đánh giá việc tổ chức thực hiện chương trình xây dựng NTM để đánh giá tình hình triển khai, kết quả thực hiện; biểu dương, khen thưởng, động viên cá nhân, tập thể điển hình, gương mẫu trong thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM./.
Minh Thư