Hà Giang: Khai thác tiềm năng du lịch góp phần xây dựng nông thôn mới

04/06/2019 - 09:30 AM
Với định hướng của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tại Hội thảo toàn quốc “Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới” diễn ra vào cuối năm 2018 tỉnh Giang đã nhận thức được nội hàm của du lịch nông thôn - một xu hướng mới về phát triển du lịch nông  thôn của đất nước và ý nghĩa của phương thức kinh tế này đối với công tác xây dựng NTM. Thực tế những năm gần đây, Hà Giang đã chú trọng việc quy hoạch phát triển du lịch nông thôn luôn gắn với phát triển NTM, kết hợp với nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao và khai thác các giá trị của nông nghiệp truyền thống gắn với bảo tồn, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa bản địa góp phần đưa kinh tế địa phương phát triển bền vững...
 
Hà Giang: Khai thác tiềm năng du lịch góp phần xây dựng nông thôn mới
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Xác định được những khó khăn của Tỉnh về điều kiện kinh tế khi xây dựng các mục tiêu NTM, lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã vận dụng khéo léo và khiến những điểm yếu về địa hình, dân cư của Tỉnh trở  thành  lợi thế khai thác tiềm năng du lịch độc đáo mà không phải ở đâu cũng có. Điển hình như Cao nguyên đá Đồng Văn, với địa hình đá vôi hiểm trở nằm trải rộng trên bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc (được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu năm 2010). Đây là một trong những vùng đá vôi độc đáo, ẩn chứa những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ Trái đất với những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc, tính đa dạng sinh học… Tại đây còn có công trình kiến trúc độc đáo Dinh thự họ Vương (Khu dinh thự của Vua Mèo) mang vẻ đẹp uy nghi, bề thế, tọa lạc trên quả đồi hình mai rùa, được xếp hạng cấp quốc gia năm 1993 là một điển hình về sự hưng thịnh và quyền quý. Hà Giang được thiên nhiên ưu đãi có cảnh quan thiên nhiên kì vĩ với cánh đồng hoa tam giác mạch, ruộng bậc thang, thác suối, đồi chè shan tuyết cổ thụ, thung lũng dược liệu xanh… Có một số kiến trúc chùa cổ kính như: Chùa Sùng Khánh, Chùa Bình Lâm; có Chợ tình Khau Vai; các lễ hội và các sản phẩm văn hóa đặc sắc từ truyền thống lâu đời của hơn 20 dân tộc. Đây chính là nền tảng để du lịch nông thôn Hà Giang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy quá trình triển khai công tác xây dựng NTM của tỉnh. Theo thống kê, năm 2018, Hà Giang đã thu hút trên 1,1 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt gần 1.150 tỷ đồng. Một số địa phương tiêu biểu có lượng khách đến thăm quan, lưu trú năm sau cao hơn năm trước như: Thôn Lũng Cẩm, huyện Đồng Văn đón 50 nghìn lượt khách, doanh thu trên 1 tỷ đồng; thôn Nậm Đăm, huyện Quản Bạ đón trên 5,3 nghìn lượt khách, doanh thu đạt trên 1,5 tỷ đồng, thôn Hạ Thành và Lâm Đồng thành phố Hà Giang đón gần 12 nghìn lượt khách, doanh thu 3,45 tỷ đồng…
 
Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM Tỉnh trong công tác phát triển du lịch nông thôn, nhiều mô hình kinh doanh dịch vụ du lịch đã được nhân dân triển khai có quy mô và bài bản. Các xã, thôn, bản quyết tâm thực hiện đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), du lịch cộng đồng, các dịch vụ du lịch… nhằm giúp chất lượng cuộc sống được nâng cao. Bên cạnh đó, Hà Giang là tỉnh có nguồn tài nguyên cây thuốc phong phú với trên 1.000 loại cây dược liệu tự nhiên, vì vậy, đề án trồng cây dược liệu, với các loại dược liệu quý như: Xuyên khung, bạch chỉ, đương quy, cát cánh, hoàng cầm… cũng được nhân dân đầu tư phát triển. Trong đó, huyện Quản Bạ đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia trồng và chế biến dược liệu, với tổng diện tích cây dược liệu đạt gần 3.000 ha. Hiện nay, các thung lũng dược diệu xanh không chỉ đem lại giá trị kinh tế trực tiếp cho tỉnh mà còn tạo nên cảnh quan môi trường đẹp độc đáo, thu hút khách du lịch khắp nơi đến thăm quan và trải nghiệm, góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn liền với xây dựng NTM.
 
Hà Giang hiện có 12 làng văn hóa du lịch tiêu biểu, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, đem lại thu nhập bình quân mỗi năm từ 30-50 triệu đồng/hộ làm du lịch theo mô hình du lịch cộng đồng (homestay). Điển hình tại thôn Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn) nằm dưới chân Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, từ khi được xây dựng thành Làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn đối với du khách. Bà con nhân dân giờ đây không còn phải trông chờ chính vào cây lúa, cây ngô (mỗi năm chỉ cho một vụ). Không chỉ dừng lại ở việc thưởng ngoạn cảnh đẹp, từ các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, du khách còn có những trải nghiệm độc đáo khi hòa mình vào đời sống sinh hoạt dân dã của người dân bản địa. Việc cùng với người dân địa phương tham gia sinh hoạt, làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến và thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp của Hà Giang hiện đã và đang trở thành trào lưu hấp dẫn đối với du khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Đây là một loại hình du lịch được đánh giá là dễ khai thác nhưng mang lại hiệu quả cao tính độc đáo trong canh tác nông nghiệp của riêng đồng bào các dân tộc ở Hà Giang. Thêm vào đó, loại hình du lịch nông thôn còn giúp người nông dân mở rộng qui mô sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương. Điển hình như việc phát triển, khôi phục các nghề truyền thống được các địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm và đã thành lập các tổ nghề truyền thống như: May mặc, dệt lanh… với các mặt hàng truyền thống, như: Túi, ví, khăn thổ cẩm... phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân trong quá trình xây dựng NTM.
 
Hiệu quả từ chính sách khai thác tiềm năng du lịch gắn liền với xây dựng NTM ở Hà Giang không chỉ dừng lại các tiêu chí kinh tế và mô hình sản xuất mà nó còn kéo theo sự phát triển ở các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, văn hóa - xã hội - môi trường…  Đường làng, ngõ xóm được đầu tư cải tạo,  nhựa hóa, bê tông hóa các tuyến  đường liên xã, liên thôn nhằm thuận tiện cho phát triển du lịch đã giúp cho tiêu chí giao thông ở các xã được nâng cao. Mặt khác, hình thức nhà nghỉ homestay không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho nhân dân trong các vùng nông thôn của Tỉnhcòn giúp nâng cao dân trí, đời sống văn hóa và năng lực ngoại ngữ cho người dân nông thôn trong quá trình tiếp xúc với khách du lịch trong và ngoài nước. Thêm vào đó, các tiêu chí xây dựng NTM mới như: Vệ sinh môi trường; nhà ở kiên cố; thu gom, xử lý rác thải; các gia đình có nhà vệ sinh; dịch vụ y tế; giáo dục… cũng theo nhu cầu phát triển du lịch mà được nâng lên theo chuẩn của Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM.
 
Tuy nhiên, để tạo nguồn sinh kế ổn định, giúp người dân nâng cao nhận thức, đảm bảo cuộc sống và thúc đẩy quá trình xây dựng NTM sớm về đích thìGiang cần có các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch địa phương mạnh mẽ hơn nữa, đồng thời phải có chiến lược phát triển du lịch nông thôn một cách hiệu quả và bền vững. Theo đó, việc khai thác tiềm năng du lịch ở Giang cần có sự tham gia của các cấp, ngành liên quan bằng các giải pháp mang tính đồng bộ trong việc quy hoạch trồng các loại cây nông nghiệp phù hợp với địa hình đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, xây dựng thương hiệu nông sản; khôi phục các lễ hội có tục lệ truyền thống, giàu nhân văn và văn hóa; hướng tới loại hình du lịch xanh, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái; bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Song song với đó, Tỉnh cần có kế hoạch hướng dẫn nhân dân các làng văn hóa du lịch cộng đồng xúc tiến thêm các hoạt động để du khách có thêm các trải nghiệm trong đời sống sinh hoạt bản làng như: Cày trên nương đá, canh tác trên thửa ruộng bậc thang; thu hái, chế biến, thưởng thức chè cổ thụ hữu cơ Shan tuyết, trồng lanh dệt vải và thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp độc đáo của địa phương. Đồng thời tập huấn cho người dân kỹ năng chế biến thực phẩm an toàn, kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh, giữ gìn vệ sinh nhà ở, công trình phụ… để khai thác tối đa những lợi ích kinh tế từ du lịch.
 
Có thể thấy, chính sách xây dựng NTM gắn liền với phát triển du lịch của Hà Giang là cách làm mới mẻ đem lại những hiệu quả tích cực. Hà Giang xây dựng NTM không chỉ bằng những con đường, số trạm y tế hay số km kênh mương mà bằng việc phát huy thế mạnh của địa phương nhằm đem lại lợi ích kinh tế, phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản gắn với du lịch để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân, từ đó lấy làm động lực xây dựng NTM thành công và bền vững. Đây cũng chính là chính sách chiến lược giúp Hà Giang hoàn thành mục tiêu 38/177 xã về đích NTM trong năm 2020./.
 
Thu Hiền

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top