Hà Giang: Quan điểm chỉ đạo là không sử dụng phiếu giấy

13/06/2019 - 10:13 AM
Phóng viên: Hà Giang là một tỉnh có địa bàn hiểm trở, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống,… Xin Bà cho biết những thuận lợi và khó khăn trong công tác chuẩn bị và tiến hành Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (TĐT 2019), đặc biệt là với việc sử dụng CAPI và Webform?
 
Bà Hà Thị Minh Hạnh: Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới ở cực Bắc của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên 7,9 nghìn km2 và 277 km đường biên giới giáp với tỉnh Vân Nam và Quảng Tây - Trung Quốc. Hà Giang có 10 huyện và 01 thành phố với 195 xã, phường, thị trấn, 18 dân tộc có tên gọi riêng, ngoài ra còn một số ít người dân tộc khác, chiếm trên 87% tổng dân số toàn tỉnh.
 
Triển khai thực hiện Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 và các văn bản hướng dẫn của BCĐ Tổng điều tra Trung ương (BCĐTW), công tác chuẩn bị cho Tổng điều tra đã được Tỉnh triển khai bài bản và đúng trình tự, từ việc ban hành các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) cấp huyện, cấp xã, ban hành quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ của BCĐ các cấp, kế hoạch tuyên truyền đến công tác vẽ sơ đồ và lập bảng kê hộ tại địa bàn điều tra…
 
Việc ứng dụng công nghệ thông tin ở tất cả các khâu công việc trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 lần đầu tiên được thực hiện nên BCĐ Tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt trong điều kiện của tỉnh miền núi như Hà Giang với trình độ dân trí và hạ tầng thông tin còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, thông qua việc tỉnh Hà Giang được lựa chọn tổ chức điều tra thí điểm tại huyện Hoàng Su Phì cho thấy, việc áp dụng thiết bị điện tử cầm tay trong điều tra đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đội ngũ tham gia trực tiếp điều tra và cho thấy tính khả thi khi triển khai Tổng điều tra trên địa bàn toàn Tỉnh.
 
Quan điểm chỉ đạo của tỉnh Hà Giang là không sử dụng phiếu giấy, khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hình thức tự khai (Webfrom) và còn lại là sử dụng phiếu tra điện tử (CAPI).Tuy nhiên chúng tôi cũng xác định trình độ điều tra viên không đồng đều, có sự chênh lệch giữa các vùng, do đó khả năng tiếp cận nghiệp vụ điều tra và ứng dụng thu thập thông tin trên phiếu điện tử (CAPI) cũng gặp không ít khó khăn. Đặc biệt hộ tự khai Webform còn nhiều lung túng, do trang thiết bị về máy tính chưa nhiều, mặt khác trình độ am hiểu về nội dung thông tin yêu cầu trong phiếu hạn chế, việc tiếp cận với công nghệ thông tin để tự khai của hộ chưa phổ biến.

 
Hà Giang: Quan điểm chỉ đạo là không sử dụng phiếu giấy
 
Bà Hà Thị Minh Hạnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang
Trưởng Ban Chỉ đạoTổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 tỉnh Hà Giang
 
Phóng viên: Xin Bà cho biết rõ hơn về khó khăn trong các khâu tuyên truyền; Tuyển chọn điều tra viên; Khắc phục rào cản ngôn ngữ, công tác tập huấn, lập bảng kê…
 
Bà Hà Thị Minh Hạnh: Do trình độ dân trí của người dân, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa còn hạn chế nên khả năng tiếp cận với thông tin cũng bị ảnh hưởng. Để tạo sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân đối với cuộc Tổng điều tra, BCĐ Tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho công tác tuyên truyền. Ngoài việc tuyên truyền trên đài phát thanh, truyền hình, báo địa phương, treo băng rôn, khẩu hiệu tại những điểm công cộng, tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo tuyên truyền thông qua các cuộc họp thôn, tổ dân phố, sinh hoạt chi bộ và tuyên truyền tại các phiên chợ bằng tiếng địa phương để mọi người dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Một số địa bàn người dân tộc thiểu số hạn chế về tiếng phổ thông, Tỉnh sẽ huy động và sử dụng người địa phương để phiên dịch kiêm dẫn đường giúp điều tra viên khai thác thông tin.
 
Trong cuộc Tổng điều tra này, tỉnh Hà Giang phải huy động khoảng gần 1.100 điều tra viên, do đó để thực hiện được mục tiêu 100% sử dụng phiếu điện tử cần phải đặc biệt quan tâm đến việc tuyển chọn lực lượng tham gia điều tra, trong đó hướng vào lực lượng trẻ tuổi, có trình độ, tinh thần trách nhiệm và phải có phương tiện thông minh (điện thoại và các thiết bị cầm tay) đáp ứng yêu cầu trong Tổng điều tra.
 
Công tác lập bảng kê đã được BCĐ triển khai theo đúng phương án và kế hoạch. BCĐ Tỉnh đã tổ chức hội nghị tập huấn cho cấp huyện, BCĐ cấp huyện tập huấn cho BCĐ cấp xã và người lập bảng kê. Sau khi điều tra viên hoàn thành việc lập bảng kê tại địa bàn, BCĐ cấp huyện/TP kiểm tra, nghiệm thu và nhập bảng kê, hiện dữ liệu của Tỉnh đã được gửi lên trang thông tin điều hành tác nghiệp Tổng điều tra.
 
Phóng viên: Bà có thể cho biết BCĐ Tỉnh đã có giải pháp khắc phục khó khăn như thế nào để tiến tới thực hiện thành công TĐT 2019?
 
Bà Hà Thị Minh Hạnh: Để cuộc Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019 triển khai thành công, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó Ban Chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cấp xã đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt, kịp thời tháo gỡ các khó khăn phát sinh, thực hiện đúng phương án điều tra của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương và kế hoạch của BCĐ Tỉnh đã đề ra, trong đó tập trung vào một số giải pháp nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ tổ trưởng, giám sát viên các cấp và sự hưởng ứng tích cực trong quần chúng nhân dân.
 
Trước tiên, chúng tôi xác định phải làm tốt công tác tuyên truyền về cuộc Tổng điều tra; Quan tâm sát sao đến việc tuyển chọn, tập huấn điều tra viên vì đây là lực lượng quyết định đến chất lượng thông tin điều tra và đảm bảo thành công trong việc ứng dụng điện thoại thông minh trong điều tra.
 
Đồng thời, để tạo điều kiện thuận lợi khi triển khai điều tra, đề nghị BCĐTW đảm bảo an toàn dữ liệu đến kết thúc cuộc điều tra, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các điều kiện công nghệ thông tin phục vụ cho cuộc Tổng điều tra.
 
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Bà!

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top