Theo số liệu Tổng điều tra kinh tế 2017, tính đến 01/7/2017, Hà Nội có 378.489 cơ sở cá thể, tăng 7,6% so với Tổng điều tra năm 2012. Các cơ sở cá thể chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại với 167.868 cơ sở, chiếm tỷ trọng 44,4% trong tổng số cơ sở cá thể, chủ yếu là bán lẻ và phục vụ tiêu dùng tại chỗ. Đứng thứ hai là ngành dịch vụ với số cơ sở 111.760, chiếm 29,5%. Số cơ sở hoạt động trong ngành công nghiệp - xây dựng là 98.861 cơ sở, chiếm 26,1%.
Phân tích sâu vào các ngành cho thấy, số cơ sở cá thể có sự phát triển không đồng đều giữa các ngành kinh tế. Một số ngành dịch vụ có số lượng cơ sở tăng rất cao, như ngành kinh doanh bất động sản tăng 139,6%, chủ yếu tăng số lượng của các nhà trọ cho học sinh, sinh viên, công nhân làm việc trong các khu công nghiệp thuê; các quận, huyện có số lượng tăng cao về lĩnh vực này là Cầu Giấy, Thanh Xuân, Từ Liêm, Đông Anh. Ngành giáo dục và đào tạo tăng 49,8%, do có sự gia tăng đáng kể của các nhà trẻ, phân bố chủ yếu ở các quận, huyện có ít trường công lập hoặc tại các địa bàn có nhiều khu đô thị. Các hoạt động dịch vụ khác có tốc độ tăng khá cao là các ngành hoạt động vui chơi giải trí tăng 22,5%, ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 30,5% và các ngành dịch vụ khác như cắt tóc, gội đầu, hoạt động nhiếp ảnh tăng 29,1%. Ngành thương mại tăng 14,9% so với năm 2012, chủ yếu tăng về ngành thương nghiệp bán lẻ. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,9% so với Tổng điều tra 2012. Trong Tổng điều tra lần này có một số ngành giảm mạnh, cụ thể: Ngành khai khoáng giảm 90,7% so với Tổng điều tra 2012, nguyên nhân giảm mạnh là do ngành này chủ yếu là những hộ khai thác cát, hiện thành phố đang hạn chế khai thác cát nên các hộ cá thể dần chuyển sang ngành khác. Tiếp đến ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 31,4% (những cơ sở kinh doanh trong ngành này chủ yếu là các hộ thu gom rác và tái chế nhựa, đây là ngành mang lại thu nhập thấp nên các cơ sở cá thể ngày càng giảm về số lượng). Ngành tài chính ngân hàng và bảo hiểm cũng giảm mạnh, giảm 48,2%, ngành này tập trung ở các hộ cầm đồ. Một số ngành dịch vụ giảm, trong đó ngành vận tải kho bãi giảm 11,6%, ngành dịch vụ ăn uống và lưu trú giảm 23,1%.
Hình 1: Số cơ sở SXKD cá thể trong Tổng điều tra 2012 và 2017 (Cơ sở)
Trái với khối doanh nghiệp, các cơ sở cá thể tập trung đông tại khu vực ngoại thành với số cơ sở bình quân mỗi huyện trên 14.000 cơ sở, trong khi đó tại các khu vực nội thành, bình quân mỗi quận có trên 10.000 cơ sở. Một số huyện có số lượng cơ sở cá thể lớn như: Thường Tín 22.061 cơ sở, Thanh Oai 20.829 cơ sở, Phú Xuyên 19.148 cơ sở. Tại khu vực nội thành, sau 5 năm số cơ sở cá thể tăng 5,8%, cơ sở cá thể chủ yếu hoạt động trong ngành thương mại, dịch vụ. Các quận có số cơ sở lớn như: Hà Đông 15.053 cơ sở; Hai Bà Trưng 12.759 cơ sở; Hoàn Kiếm 11.869 cơ sở; Thanh Xuân 12.228 cơ sở, tăng 62,0% so với năm 2012, đây là quận tăng mạnh nhất số lượng cơ sở cá thể hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Các quận tăng mạnh về số cơ sở do đó là nơi tập trung đông dân cư, điều kiện giao thông đi lại thuận tiện, cơ sở hạ tầng thuận lợi cho việc giao lưu, buôn bán thương mại. Khu vực ngoại thành số cơ sở cá thể tăng 8,6% so với Tổng điều tra năm 2012. Các cơ sở hoạt động trong ngành công nghiệp tập trung nhiều tại khu vực ngoại thành, do ở đây có nhiều làng nghề truyền thống, diện tích sản xuất rộng. Một số huyện có số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp lớn như: Thanh Oai 11.337 cơ sở, Phú Xuyên 10.487 cơ sở, Thường Tín 9.038 cơ sở, đây là những huyện có nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp nhất của Hà Nội.
Về địa điểm sản xuất kinh doanh, những hộ kinh doanh có địa điểm cố định chiếm đa số, khoảng 89,1% tổng số cơ sở kinh doanh cá thể. Mật độ hộ kinh doanh cá thể có địa điểm cố định tập trung lớn ở các huyện, nơi có nhiều ngành công nghiệp nên yêu cầu phải có địa điểm cố định để sản xuất. Trong đó, Thạch Thất số cơ sở có địa điểm cố định chiếm 97,2%, Thanh Oai và Phú Xuyên đều là 96,6%. Nơi tập trung nhiều hộ cá thể không có địa điểm cố định là các quận, cao nhất là Đống Đa với 34,3% số hộ không có địa kinh doanh cố định, tiếp theo là Ba Đình là 28,6%, Nam Từ Liêm là 28,1%.
Phân theo quy mô lao động, số cơ sở có 1 lao động chiếm 51,5% trong tổng số, cho thấy sự manh mún nhỏ lẻ của khu vực này và tập trung ở ngành thương mại và dịch vụ, trong đó lớn nhất là Đông Anh có 11.297 hộ cá thể có 1 lao động. Số cơ sở cá thể có từ 2-4 lao động chiếm 44,1%, các huyện Thanh Oai có 11.876 cơ sở, Thường Tín có 11.456 cơ sở, Phú Xuyên có 10.565 cơ sở (đây là những huyện có nhiều làng nghề nên lao động chủ yếu là người trong gia đình làm việc); từ 5-9 lao động chiếm 3,6%, từ 10-19 lao động chiếm 0,7%; trên 20 lao động/cơ sở chỉ chiếm 0,1%, chủ yếu tập trung ở ngành công nghiệp và xây dựng./.
(Trích sách Kết quả điều tra cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể 2017của Ban Chỉ đạo TĐT KT 2017, TP. Hà Nội,
Nhà Xuất bản Thống kê)