Phát triển đường sắt đô thị là hướng đi tất yếu, đúng đắn và cần quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị. Sau nhiều năm chậm trễ do vướng mắc về cơ chế, chính sách, thiếu vốn và công nghệ, đường sắt đô thị (ĐSĐT) Hà Nội đang đứng trước cơ hội rất lớn để bứt tốc.
Đường sắt đô thị sẽ là “xương sống” giao thông đô thị Thủ đô
Tại Hội thảo khoa học "Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh", Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhận định, giao thông công cộng ngày càng có vai trò quan trọng, trong đó hệ thống ĐSĐT được coi là trục "xương sống" của mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông. Việc đầu tư, vận hành hiệu quả hệ thống ĐSĐT sẽ nâng cao tỷ trọng vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, từ đó đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông...
Ngày 28/6/2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô sửa đổi, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 điều chỉnh và bổ sung thêm nhiều chính sách đột phá mạnh mẽ cho TP. Hà Nội ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô tạo đột phá trong phát triển đường sắt đô thị.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang phát huy hiệu quả tích cực
Đặc biệt, Luật Thủ đô cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội theo mô hình định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị (TOD). Đây là mô hình phổ biến ở các nước trong khu vực và các nước phát triển, bảo đảm hiện đại, đồng bộ bền vững, không chỉ giúp giảm tải cho hệ thống giao thông mặt đất mà còn góp phần bảo vệ môi trường, thông qua việc giảm lượng khí thải từ các phương tiện cá nhân.
Hiện nay, đường sắt đô thị tại Hà Nội tuy mới đưa vào hoạt động, nhưng đã từng bước thể hiện tính ưu việt và chắc chắn sẽ là xu thế tất yếu giao thông công cộng ở Việt Nam trong tương lai.
Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, sau gần ba năm vận hành, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang phát huy hiệu quả tích cực, thu hút đông đảo người dân sử dụng. Hiện tại, mỗi ngày có trên 35 ngàn hành khách sử dụng phương tiện đường sắt đô thị này để di chuyển. Trong đó có 47% là người đi làm, 45% là người đi học và 8% là đi lại với các mục đích khác. Qua đánh giá, theo dõi quá trình vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cho thấy, người dân đánh giá rất cao và hài lòng về loại hình vận tải hành khách công cộng bằng đường sắt đô thị. Giới chuyên gia cho rằng, đây là giải pháp hữu hiệu góp phần chữa trị “căn bệnh” ùn tắc giao thông đô thị hiện nay.
Đối với dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, tiến độ tổng thể hiện đang đạt 78,52%. Dự kiến quý III/2024 sẽ vận hành thương mại 8,5 km đi trên cao của tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội.
Theo các chuyên gia giao thông, hệ thống đường sắt đô thị, khi hoàn thành và kết nối với các phương tiện công cộng khác, không chỉ giúp giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các khu vực dọc tuyến. Theo tính toán của các chuyên gia, khi mạng lưới đường sắt đô thị TP. Hà Nội hoàn thiện sẽ gia tăng tỉ lệ người dân sử dụng phương tiện hành khách công cộng tới 35-45%, giảm thị phần người sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông xuống 30%; đóng góp vào sự phát triển kinh tế của khu vực và cải thiện môi trường đô thị nhờ giảm thiểu tắc nghẽn giao thông và tình trạng ô nhiễm.
Rộng mở lối đi cho đường sắt đô thị Hà Nội
Theo Dự thảo Đề án tổng thể Đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô, UBND TP. Hà Nội thống nhất nhận thức về vai trò của đường sắt đô thị, là trục “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, góp phần tái cơ cấu các phương thức vận tải của Thành phố theo hướng bền vững, hài hòa, hợp lý; phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt 50-55%, sau năm 2035 đạt 65-70%.
Thành phố đã đưa ra kịch bản đầu tư hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô, được nghiên cứu trên cơ sở 5 nguyên tắc:
Một là, xây dựng kịch bản đầu tư hệ thống đường sắt đô thị trên cơ sở Quy hoạch số 519 và các tuyến đường sắt đô thị dự kiến điều chỉnh, bổ sung trong các đồ án Quy hoạch chung Thủ đô và Quy hoạch Thủ đô.
Hai là, hoàn chỉnh hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội đảm bảo mục tiêu đặt ra trong Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo lộ trình phù hợp với khả năng bố trí nguồn vốn của Thành phố, nhưng phải đảm bảo hình thành mạng lưới nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.
Ba là, tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại khu vực đô thị trung tâm nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng.
Bốn là, ưu tiên đầu tư các tuyến đường sắt đô thị kết nối các đầu mối giao thông của Thành phố như sân bay, ga đường sắt quốc gia đầu mối, các khu đô thị tập trung dân cư.
Năm là, đầu tư hệ thống đường sắt đô thị gắn liền với quá trình tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tính kế thừa và hiệu quả đầu tư.
Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho biết, thứ tự đầu tư sẽ được nghiên cứu, điều chỉnh trong quá trình hoàn thiện Đề án và chuẩn bị đầu tư từng dự án, bảo đảm an toàn, hiệu quả khai thác và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Trên cơ sở nguyên tắc, quan điểm, mục tiêu đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô, UBND TP. Hà Nội đề xuất “1 kế hoạch, 3 phân kỳ” để đầu tư hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị. Theo đó, UBND TP. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành toàn bộ các tuyến đường sắt đô thị còn lại đến thời điểm hiện tại của mạng thống đường sắt đô thị, với tổng chiều dài khoảng 397,8 km.
Trong đó, 3 phân kỳ đầu tư gồm các giai đoạn với các chỉ tiêu kỳ vọng hoàn thành được xác lập tương đối cụ thể. Theo đó, đến năm 2030, UBND TP. Hà Nội phấn đấu hoàn thành thi công xây dựng 96,8 km đường sắt đô thị khổ đường đôi 1.435 mm và thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 301 km, với sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 14,602 tỷ USD. Nếu hoàn thành mục tiêu này, đường sắt đô thị sẽ đảm nhận 7-8% lượng hành khách công cộng và có thể vận chuyển được 2,2-2,6 triệu chuyến đi/ngày đêm.
Đến năm 2035, UBND TP. Hà Nội hoàn thành đầu tư xây dựng 301 km đường sắt đô thị, khổ đường đôi 1.435 mm, với sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 22,572 tỷ USD. Nếu hoàn thành mục tiêu này, đến sau năm 2035, đường sắt đô thị sẽ đảm nhận từ 35-40% lượng hành khách công cộng và có thể vận chuyển được 9,7 triệu - 11,8 triệu chuyến đi/ngày đêm.
Đến năm 2045, UBND TP. Hà Nội phấn đấu hoàn thành đầu tư xây dựng 206,1 km đường sắt đô thị khổ đường đôi 1.435 mm được điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh được phê duyệt.
Theo đánh giá của Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, phương án “1 kế hoạch, 3 phân kỳ” có ưu điểm là đáp ứng được mục tiêu hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị vào năm 2035 theo Kết luận số 49-KL/TW; có thể đáp ứng được mục tiêu về thị phần vận tải hành khách công cộng 50-55%..., nhưng có nhược điểm là khối lượng công việc phải thực hiện rất lớn, đòi hỏi Thành phố phải ưu tiên tập trung nguồn lực rất cao.
Bên cạnh đó, phương án này có nhu cầu vốn lớn, thời gian thu xếp ngắn, nên sẽ gặp khó khăn trong việc huy động, bố trí nguồn vốn đầu tư; chi phí vận hành, bảo dưỡng sẽ gây áp lực lên ngân sách sau khi đưa toàn bộ mạng lưới vào khai thác.
Theo Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, việc hoàn thành các mục tiêu xây dựng hạ tầng đường sắt đô thị được đề cập trong Dự thảo Đề án tổng thể Đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô là một thách thức rất lớn, đòi hỏi một cách làm mang tính đột phá trong việc huy động nguồn vốn và tổ chức triển khai. Hà Nội đang từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến trình xây dựng, mở rộng mạng lưới ĐSĐT và đây là thời điểm Thành phố cần sự ủng hộ tuyệt đối, thiết thực từ Chính phủ, Quốc hội và Nhân dân. Những kết quả đột phá của Hà Nội cũng sẽ là bài học kinh nghiệm chuẩn chỉ để áp dụng cho các đô thị trên cả nước một cách hiệu quả, phù hợp nhất./.
Tiến Long