Tháng 01 năm 2025, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi. Ngành Nông nghiệp và chính quyền các cấp đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân bám sát lịch thời vụ, tuân thủ quy trình sản xuất, gấp rút đẩy nhanh tốc độ xuống giống. Nhờ vậy, toàn Tỉnh có hơn 90% diện tích lúa vụ Xuân được gieo cấy và các cây trồng cạn cũng đang gấp rút xuống giống đảm bảo đúng tiến độ. Tính đến ngày 20/01/2025, tiến độ gieo cấy lúa vụ Xuân đạt 53.060 ha, đạt 89,8% kế hoạch.

Trong hoạt động chăn nuôi, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ và thực hiện tốt quy trình giết mổ bảo đảm vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.
Công tác trồng rừng, khai thác và bảo vệ rừng luôn được quan tâm nhằm phát triển rừng trồng gắn với khai thác hiệu quả rừng nguyên liệu để ổn định sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Diện tích rừng trồng mới ước đạt 484 ha, bằng 103,64% và trồng được 265 nghìn cây phân tán, bằng 101,92% so với cùng kỳ năm 2024. Sản xuất lâm nghiệp chủ yếu tập trung ở các huyện Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê, Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh,...

Hoạt động sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong tháng 01/2025 nhìn chung ổn định không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm 2024. Kết quả, sản lượng khai thác thủy sản biển ước đạt 3.737 tấn, bằng 104,36%, tăng 156 tấn so với cùng kỳ năm 2024. Sản lượng nuôi trồng ước đạt 932 tấn, bằng 101,97%, tăng 18 tấn so với cùng kỳ năm 2024.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 01/2025 của một số ngành tăng so với cùng kỳ tác động đến ngành công nghiệp Tỉnh như: Ngành dệt (tăng 33,33%) và ngành sản xuất trang phục (tăng 57,49%), in ấn (tăng 64,96%),... Các doanh nghiệp dệt may tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời đẩy mạnh thị trường nội địa.
Trong 22 nhóm ngành công nghiệp cấp 2 có 13 nhóm ngành có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, một số nhóm ngành có mức tăng cao, đóng góp chủ yếu vào mức tăng chung toàn ngành công nghiệp như: Khai khoáng khác tăng 66,06%; sản xuất trang phục tăng 65,83%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 64,96%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 36,01%; dệt tăng 33,33%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 25%; sản xuất đồ uống tăng 11,88%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 6,38%,...
Trong tháng, thị trường tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ Tết trên địa bàn Tỉnh diễn ra khá sôi động với lượng hàng hóa phong phú, đa dạng về mẫu mã, chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 01/2025 ước đạt 6.840,85 tỷ đồng, tăng 15,73% so với tháng trước và tăng 11,54% so với cùng kỳ năm 2024. Hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch và ăn uống tháng 01/2025 dự tính đạt 757,35 tỷ đồng, tăng 3,83% so với tháng trước và tăng 13,05% so với cùng kỳ năm 2024.

Đời sống dân cư trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh ổn định. Công tác đảm bảo an sinh xã hội luôn được quan tâm, thực hiện đầy đủ và triển khai kịp thời. Tính đến ngày 22/01/2025, tỉnh Hà Tĩnh đã trao tặng 175.859 suất quà tới người có công, người cao tuổi, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em, người lao động, với tổng kinh phí hơn 68 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện Hương Khê đã hỗ trợ 125 triệu đồng mua 7,15 tấn gạo cho các hộ dân tộc Chứt thuộc bản Rào Tre xã Hương Liên và bản Giàng II, xã Hương Vĩnh trong dịp Tết Nguyên Đán và thời gian giáp hạt đầu năm 2025./.
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Hà Tĩnh