Hà Tĩnh - Tín hiệu vui về chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm 2024

19/08/2024 - 04:21 AM
Hoạt động sản xuất chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh diễn ra ổn định và có bước phát triển hơn so với cùng kỳ năm trước. Dịch bệnh đối với chăn nuôi cơ bản được kiểm soát, việc tái đàn và phục hồi chăn nuôi đang tiếp tục được thực hiện, tổng đàn lợn và đàn gia cầm tăng nhẹ, sản lượng xuất chuồng các loại gia súc và gia cầm đều tăng...

Gia tăng đàn nuôi

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Hà Tĩnh, đàn lợn toàn tỉnh sơ bộ hiện có trên 401,5 nghìn con, tăng 1,59% so với cùng kỳ năm 2023; đàn gà sơ bộ hiện có xấp xỉ 8,4 triệu con, tăng 1,07% so với cùng kỳ năm 2023.

Với tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, công tác phòng, chống dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ; giá thịt hơi đang ở mức cao do sau đợt dịch tả lợn Châu Phi; giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi 6 tháng đầu năm giảm và ổn định đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động chăn nuôi lợn. Theo đó, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng sơ bộ đạt  trên 58,5 nghìn tấn, tăng 5,25% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó chăn nuôi lợn vẫn là hoạt động chủ lực, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng sơ bộ đạt 35 nghìn tấn, chiếm 59,52% tổng sản lượng các loại vật nuôi sản xuất ra, tăng 4,15% so với cùng kỳ năm trước - cơ bản đáp ứng việc cung cấp thực phẩm trong tỉnh và các vùng lân cận.

Do có lợi thế về kinh nghiệm chăn nuôi, quỹ đất dồi dào, có nhiều chính sách khuyến khích sản xuất, thị trường tiêu thụ thuận lợi... nên những năm gần đây, người chăn nuôi ở Hà Tĩnh đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gia cầm, nhất là gà. Sản lượng thịt gà xuất chuồng sơ bộ đạt 13 nghìn tấn, tăng 13,53%; sản lượng trứng gà sơ bộ đạt trên 93 triệu quả, tăng 4,62% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên bên cạnh đó, do khó khăn về thị trường, về điều kiện chăn thả nên đàn trâu, bò giảm về số lượng. Đàn trâu sơ bộ hiện có trên 66,8 nghìn con, giảm 0,24%; sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng sơ bộ đạt 1.910 tấn, giảm 1,29% so với cùng kỳ năm 2023. Đàn bò sơ bộ hiện có trên 164,1 nghìn con, giảm 2,06%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng sơ bộ đạt 5.241 tấn, bằng 0,36% so với cùng kỳ năm 2023.

Nửa năm nhìn lại, một trong những điểm sáng của ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh là không xuất hiện các ổ dịch bệnh nguy hiểm. Một số loại dịch bệnh truyền nhiễm như viêm da nổi cục trên trâu bò, dịch tả lợn Châu Phi, dịch lở mồm long móng gia súc phát sinh với mức độ cục bộ, nhỏ lẻ, được khoanh vùng và khống chế.

Tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực

Xác định rõ vai trò quan trọng của ngành chăn nuôi trong nền kinh tế, Tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn bám sát Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đã phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp; đồng thời, tổ chức chăn nuôi truyền thống theo hướng an toàn, hiệu quả; Phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, đảm bảo truy xuất thông tin, nguồn gốc, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đối với các sản phẩm chăn nuôi chủ lực để nâng cao giá trị gia tăng.

Nhờ vậy, những năm gần đây, chăn nuôi tỉnh Hà Tĩnh có sự chuyển dịch mạnh mẽ, chuyển dần từ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình sang chăn nuôi gia trại, trang trại theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp, có sự kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường. Phát triển các chuỗi liên kết, đảm bảo con giống, quy trình chăm sóc và đầu ra cho sản phẩm.

Theo số liệu báo cáo chính thức Trang trại của Cục Thống kê tỉnh Hà Tĩnh, năm 2023 toàn tỉnh có 213 trang trại, tăng 4,41% so với cùng kỳ năm 2022 (trong đó, có 175 trang trại chăn nuôi, chiếm 82,16% tổng số trang trại, tăng 5,42 so với năm 2022). Một số địa phương có số lượng trang trại chăn nuôi lớn như: Hương Sơn (38 trang trại); Cẩm Xuyên (26 trang trại); Thạch Hà (26 trang trại)... Đã tạo công ăn việc làm cho 1.356 lao động, tăng 7,19% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm đã ký kết hợp tác với UBND tỉnh Hà Tĩnh phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh từ năm 2022. Tính đến thời điểm hiện nay, có 18 mô hình chăn nuôi hữu cơ an toàn sinh học trên địa bàn tỉnh đang liên kết với Tập đoàn Quế Lâm gồm 16 mô hình chăn nuôi lợn với quy mô tổng đàn lợn nái là 120 con/năm, sản xuất hàng năm 2.400 con lợn thịt, ngoài ra còn liên kết nuôi Gà ri hữu cơ, bò vàng hữu cơ; 09 cơ sở dịch vụ, buôn bán thịt lợn...
 

Nguyễn Thị Thu Hằng
Thống kê viên chính, Phòng thống kê Kinh tế, Cục Thống kê Hà Tĩnh
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top