Hà Tĩnh đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

05/11/2024 - 04:13 PM

Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, tỉnh Hà Tĩnh có tổng diện tích đất tự nhiên là 5.990,67 km2 (trong đó 52,5% diện tích của tỉnh được bao phủ bởi rừng). Dân số 1,288 triệu người, trong đó 80,45% dân số sống ở khu vực nông thôn; có 13 đơn vị hành chính cấp huyện và 216 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 181 xã.

Trong những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) và đạt được những thành tựu có ý nghĩa lớn, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của Tỉnh. Để thúc đẩy chương trinh triển khai đạt hiệu quả, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó đã đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường (BVMT), an toàn thực phẩm (ATTP) và cấp nước sạch nông thôn, góp phần tạo cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng có nhiều khởi sắc, chuyển biến tích cực và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.

Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM đạt nhiều kết quả tích cực

 Hà Tĩnh với giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

Thực hiện Quyết định số 925/QĐ-TTg, ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình tăng cường BVMT, ATTP và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 07/QĐ-BCĐCTTW-VPĐP, ngày 17/10/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm thuộc Chương trình tăng cường BVMT, ATTP và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; và Hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển khai chương trình chuyên đề, tỉnh Hà Tĩnh đã xác định thực hiện Chương trình tăng cường BVMT, ATTP và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, với mục tiêu chung là: “Thực hiện hiệu quả nội dung vệ sinh môi trường, ATTP, cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM, góp phần tạo ra môi trường sống ở nông thôn an toàn và bền vững; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống”.

Để triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình, thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành đồng bộ các văn bản để chỉ đạo, điều hành, phân công cụ thể trách nhiệm của các sở, ngành địa phương trong tổ chức thực hiện. Cụ thể, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch số 15/KH-UBND, ngày 18/01/2023 để chỉ đạo và tổ chức thực hiện; Quyết định số 2770/QĐ-UBND ngày 26/10/2023 về phê duyệt Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn Tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; ban hành các quy định về quản lý CTRSH trên địa bàn Tỉnh; các Bộ tiêu chí xây dựng xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, huyện NTM, huyện NTM nâng cao và Bộ tiêu chí Khu dân cư NTM kiểu mẫu (quy mô thôn, bản), trong đó tiêu chí cảnh quan - môi trường được cụ thể hóa thành những chỉ tiêu, yêu cầu cụ thể rõ ràng trong Bộ tiêu chí...

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã kịp thời ban hành các cơ chế chính sách để hỗ trợ thực hiện Chương trình như: Nghị quyết số 97/2022/NQ - HĐND, ngày 16/12/2022 về một số chính sách hỗ trợ hoạt động BVMT giai đoạn 2023-2025; Nghị quyết số 44/2021/NQ-HĐND, ngày 16/12/2021 về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện các nội dung, tiêu chí xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2022 - 2025.

Ngoài ra, Hà Tĩnh đã phân bổ 50% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương để đầu tư xây dựng 20 công trình cấp nước sạch tập trung khu vực nông thôn, với tổng kinh phí 380.700 triệu đồng.

Với một hệ thống chính sách đã được ban hành kịp thời và việc phân bổ tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương để đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung cho khu vực nông thôn, đến nay, Chương trình tăng cường BVMT, ATTP và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được một số kết quả, cụ thể như:

Công tác phân loại CTRSH tại hộ gia đình được tập trung triển khai thực hiện phân loại chất thải tại nguồn, nhất là đối với CTRSH được chính quyền, đoàn thể các cấp triển khai tuyên truyền, phổ biến kiến thức về cách thức thực hiện phân loại; đồng thời, hỗ trợ thiết bị lưu chứa (thùng, giỏ đựng), xử lý 3 (xây hố ủ, thùng ủ kết hợp chế phẩm vi sinh tạo phân hữu cơ) chất thải thực phẩm tại hộ gia đình. Đến nay, trên địa bàn Tỉnh có khoảng 190.838 hộ thực hiện phân loại rác và 27 mô hình xử lý chất thải thực phẩm tập trung; theo đó, tổng số hộ thực hiện phân loại rác ở tại hộ và mô hình xử lý tập trung khoảng 191.878/306.501 hộ, đạt tỷ lệ khoảng 62,3%. Ước tính lượng chất thải thực phẩm sau phân loại và tự xử lý tại hộ gia đình khoảng 231,5 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 28% so với tổng lượng CTRSH phát sinh (829,8 tấn/ngày).

Hà Tĩnh với giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới 1 

Về công tác thu gom, xử lý CTRSH, đến nay, đã hình thành một mạng lưới HTX, tổ đội vệ sinh môi trường rộng khắp, hoạt động thu gom CTRSH tại 13/13 huyện, thành phố, thị xã. Toàn tỉnh hiện có 213 đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH (gồm: 05 Công ty môi truờng và 01 Trung tâm dịch vụ hạ tầng, 164 HTX môi trường, 43 tổ đội vệ sinh môi trường) với 2.187 lao động, 1.869 xe đẩy tay, 125 xe tải các loại, 45 xe chuyên dụng, 30 xe điện và một số phương tiện thu gom rác tự chế; tần suất thu gom trung bình 3-4 lần/tuần. Các địa phương đã thực hiện việc hỗ trợ người dân các thiết bị lưu giữ rác tại hộ bằng các thùng/giỏ đựng rác sau phân loại; các hộ dân đã thực hiện việc phân loại rác tại nguồn thành 03 loại rác thải (chất thải thực phẩm, chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng và chất thải khác) và lưu chứa tại 3 thùng/giỏ. Toàn tỉnh có 13 khu xử lý CTRSH đang hoạt động với 03 loại hình công nghệ (03 nhà máy, 04 bãi chôn lấp và 06 lò đốt độc lập) thực hiện xử lý CTRSH trên địa bàn Tỉnh. Năm 2023, lượng rác phát sinh khoảng 829,8 tấn/ngày; lượng rác được thu gom khoảng 778,9 tấn/ngày, đạt khoảng 93,9% lượng rác phát sinh, trong đó lượng rác được thu gom, xử lý đúng quy định khoảng 730,2 tấn/ngày (trong đó, số được phân loại và tự xử lý tại hộ gia đình là 231,5 tấn, đạt 28%; số được xử lý tại các khu xử lý là 498,7 tấn) đạt tỷ lệ 88% so với lượng rác phát sinh.

Về thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt, toàn Tỉnh đã thực hiện 07 mô hình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại 05/13 địa phương như: Xã Kỳ Châu, (quy mô 150 hộ), xã Kỳ Xuân (quy mô 250 hộ) của huyện Kỳ Anh; xã Cẩm Nhượng của huyện Cẩm Xuyên (với 02 mô hình tại thôn Liên Thành có quy mô 8 hộ và thôn Tân Định có quy mô 80 hộ); thôn Đông Hạ, xã Cẩm Vịnh của huyện Cẩm Xuyên (quy mô 50 hộ); thôn Kim Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn của huyện Thạch Hà (quy mô 50 hộ); xã Tùng Lộc của huyện Can Lộc (quy mô 150 hộ); xã Thanh Bình Thịnh của huyện Đức Thọ (quy mô 150 hộ). Đối với quy mô hộ gia đình, có 13/13 huyện, thị xã, thành phố đã triển khai với 2 hình thức bể composite và bể lắng lọc bê tông 3 ngăn/3 bi. Toàn tỉnh có khoảng 33.900 hộ/306.501 hộ dân cư nông thôn có công trình thu gom, xử lý nước thải (bao gồm số hộ thuộc mô hình tập trung) đạt 11,06%. Hiện nay, UBND tỉnh Hà Tĩnh đang đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ kinh phí xây dựng 07 mô hình xử lý nước thải tập trung tại 6 huyện là: Đức Thọ, Can Lộc, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và Nghi Xuân.

Về thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), hiện các địa phương trên địa bàn Tỉnh đã ban hành kế hoạch chỉ đạo, triển khai việc thu gom, xử lý bao gói vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Theo thống kê của các địa phương, toàn Tỉnh xây dựng được khoảng 4.661 bể chứa; trung bình mỗi năm lượng chất thải vỏ bao bì thuốc BVTV phát sinh khoảng 125 tấn, khoảng 95% lượng bao bì thuốc BVTV sau sử dụng được thu gom, xử lý đúng quy định.

Về cấp nước sạch nông thôn, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 25 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung với công suất thiết kế 25.480 m3/ngày đêm, công suất khai thác thực tế 19.669 m3/ngày đêm (đạt 77,19%) và 14 hệ thống đấu nối với công trình cấp nước sạch đô thị đang được quản lý và khai thác sử dụng. Tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh là 1.086.000/1.086.000 người, đạt 100,0%; số người dân sử dụng nước đạt quy chuẩn quốc gia là 705.900/1.086.000 người, đạt 65% (trong đó tỷ lệ sử dụng nước máy từ các công trình cấp nước tập trung đạt 26,25%). Hiện nay, trên địa bàn Tỉnh đang triển khai đầu tư xây dựng 20 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung từ nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng NTM, dự kiến đạt được khi các công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng đạt khoảng gần 50%.

Nhìn chung, công tác môi trường, ATTP và cấp nước sạch nông thôn được quan tâm, chỉ đạo thực hiện, nhất là việc phân loại rác tại hộ gia đình, xây dựng các điểm thu gom rác thải, mô hình xử lý nước thải sinh hoạt và đầu tư xây dựng công trình nước sạch tập trung. Nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đã xây dựng một số mô hình nổi bật về BVMT như: Các xã Cẩm Trung, Cẩm Vịnh của huyện Cẩm Xuyên thực hiện phân loại rác tại hộ gia đình và thu gom, giám sát, việc xử lý chất thải thực phẩm tập trung kết hợp với sử dụng chế phẩm sinh học tạo ra phân hữu cơ; các xã Xuân Phổ của huyện Nghi Xuân, xã Cẩm Vịnh và Cẩm Thành của huyện Cẩm Xuyên duy trì cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, đã hình thành các tiểu công viên tại các khu vực công cộng, chỉnh trang vườn hộ, chăm sóc, cắt tỉa hệ thống hàng rào xanh, vệ sinh môi trường sạch sẽ...

Ngoài ra, các tổ chức chính trị xã hội đã hình thành một số mô hình BVMT, tiêu biểu như: “Cụm dân cư sáng – xanh - sạch - đẹp do phụ nữ tự quản”, “Tổ nhà sạch, vườn đẹp”, “Chi hội, CLB gia đình 5 không 3 sạch”, “Tổ ươm mầm xanh, biến rác thành tiền”; mô hình “Ngôi nhà xanh” thu gom phế liệu, thành lập các CLB giảm rác thải nhựa... của Hội Phụ nữ; mô hình “Thu gom, phân loại, xử lý rác thải kết hợp ủ phân vi sinh tại hộ gia đình, cụm dân cư” của Hội Nông dân; mô hình “Câu lạc bộ, HTX BVMT” của Hội Cựu chiến binh; phong trào “Nói không với sản phẩm nhựa một lần”, Cuộc thi Thách thức để thay đổi “Challenge For Change”, “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh” của Tỉnh đoàn… thu hút được nhiều cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia chung tay BVMT, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của cộng đồng hướng đến lối sống xanh, thân thiện với môi trường.

 Hà Tĩnh với giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới 2

Tiếp tục các giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn 

Để hoàn thành các mục tiêu của Chương trình đề ra trong năm 2025, thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục bám sát Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ, các kế hoạch và hướng dẫn của Trung ương về thực hiện Chương trình để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Hà Tĩnh trong thời gian tới cũng sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như:

Một là, tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động của cán bộ và người dân trong thực hiện Chương trình, trọng tâm là làm chuyển biến mạnh nhận thức ý thức cho người dân.

Hai là, xác định công tác BVMT là hoạt động công ích, vì cộng đồng, vì vậy, cần rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, nhất là chính sách hỗ trợ cho các Tổ Hợp tác, Hợp tác xã môi trường; hỗ trợ chế phẩm sinh học xử lý rác thải hữu cơ, xử lý nước thải, di dời công trình phụ trợ, xây dựng công trình vệ sinh tự hoại,…

Ba là, tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống mạng lưới cấp nước sạch tập trung đảm bảo phù hợp với quy hoạch, thích ứng với biến đổi khí hậu, suy thoái nguồn nước. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành các dự án, công trình nước sạch đã được phân bổ vốn để đưa vào vận hành, khai thác, sử dụng đảm bảo cấp nước sinh hoạt nông thôn bền vững,…

Bốn là, tập trung xây dựng các mô hình, mẫu hình thuyết phục và phù hợp với các địa phương, thực hiện có hiệu quả các mô hình điểm của Trung ương hỗ trợ thực hiện trên địa bàn, tổ chức tham quan học tập để lan tỏa nhanh, nhân rộng.

Năm là, lồng ghép, gắn chặt chẽ các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của Chương trình vào thực hiện xây dựng NTM ở hộ gia đình, ở thôn để chỉ đạo và tổ chức thực hiện và thực hiện thưởng cho thôn (bản) theo kết quả đầu ra (thôn đạt chuẩn Khu dân cư NTM kiểu mẫu) để tạo được phong trào thi đua giữa các cộng đồng thôn xóm, góp phần quan trọng từng bước hoàn thành các mục tiêu cụ thể của Chương trình tăng cường BVMT.

Sáu là, phân công, giao trách nhiệm rõ, cụ thể cho các sở, ngành, tổ chức đoàn thể, địa phương trong tổ chức thực hiện, thường xuyên tham mưu UBND Tỉnh, Ban Chỉ đạo NTM Tỉnh đôn đốc, kiểm tra quá trình thực hiện Chương trình. Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu tại Quyết định số 925/QĐ-TTg, ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Trung ương: (1) Tiếp tục quan tâm tạo điều kiện, bố trí kinh phí và tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn chương trình xây dựng NTM, chương trình BVMT, giai đoạn 2022 - 2025, trong đó có nội dung nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng trong việc thu gom, xử lý CTRSH, phân loại chất thải tại nguồn; đầu tư xây dựng mô hình phân loại chất thải tại nguồn, hệ thống xử lý chất thải tập trung. (2) Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, hỗ trợ, hướng dẫn tỉnh Hà Tĩnh triển khai thực hiện mô hình xử lý nước thải sinh hoạt cụm dân cư theo Thông báo số 47/TB-BTNMT, ngày 04/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, góp phần thực hiện, đạt mục tiêu Chương trình tăng cường BVMT, ATTP và cấp nước sạch nông thôn theo Quyết định số 925/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; ban hành định mức kinh tế kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH và hướng dẫn phân loại CTRSH theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản pháp luật có liên quan để địa phương có căn cứ thực hiện./.

Lũy kế đến nay, toàn Tỉnh có 181/181 xã đạt chuẩn NTM (đạt 100%), 60 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 33,1%), 15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 8,3%), 1.181/1.626 thôn đạt chuẩn Khu dân cư NTM kiểu mẫu (đạt 72,6%); 9/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; huyện Kỳ Anh đang hoàn thiện hồ sơ trình đạt chuẩn NTM năm 2023, huyện Hương Khê, Thị xã Kỳ Anh, Thị xã Hồng Lĩnh phấn đấu đạt chuẩn/ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong năm 2024./.

Minh Thư

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top