Tại kỳ họp lần thứ 54, Ủy ban Thống kê Liên Hợp Quốc đã giao nhiệm vụ cho Nhóm chuyên gia về Khung đảm bảo chất lượng quốc gia (EG-NQAF) hỗ trợ các quốc gia thực hiện khung đảm bảo chất lượng quốc gia (NQAF) của mỗi nước. Để thực hiện nhiệm vụ này, EG-NQAF đã xây dựng hai tài liệu hướng dẫn: (1) Đảm bảo chất lượng thống kê chính thức được sản xuất từ nguồn dữ liệu hành chính và các nguồn dữ liệu khác; (2) Đánh giá mức độ trưởng thành về văn hóa chất lượng đối với thống kê chính thức. Sau khi lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan thống kê quốc gia, các tổ chức quốc tế cũng như các chuyên gia về lĩnh vực liên quan trên phạm vi toàn cầu và hoàn thiện, hai tài liệu này được kì vọng sẽ là công cụ hỗ trợ hữu ích đối với các cơ quan thống kê đã, đang và sẽ xây dựng và thực hiện khung đảm bảo chất lượng thống kê quốc gia.
Tổng cục Thống kê Việt Nam là một trong những cơ quan thống kê quốc gia xây dựng Khung đảm bảo chất lượng thống kê dựa trên Khung chung đảm bảo chất lượng thống kê của UNSD. Theo đó, 19 tiêu chí đảm bảo chất lượng và 198 yêu cầu chất lượng đã được quy định trong Quyết định số 01/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 05 tháng 01 năm 2019. Để cụ thể hóa các tiêu chí quy định trong Quyết định 01 cũng như hướng dẫn các đơn vị liên quan áp dụng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 22/2022/TT-BKHĐT. Trong thời gian tới, Sổ tay hướng dẫn áp dụng các tiêu chí đảm bảo chất lượng thống kê sẽ được phát hành nhằm giúp các đơn vị có cái nhìn sâu và rộng hơn về công tác đảm bảo chất lượng.
Trong xu hướng phát triển mạnh mẽ của công nghệ toàn cầu, công tác thống kê đã nắm bắt lợi thế của công nghệ nhằm giảm chi phí đồng thời tăng hiệu quả, hiệu suất công việc, giảm gánh nặng cho người trả lời. Thay vì sử dụng dữ liệu thu thập qua điều tra trực tiếp, cơ quan thống kê tăng cường sử dụng các nguồn dữ liệu khác để sản xuất số liệu thống kê như: Dữ liệu lớn, dữ liệu không gian, dữ liệu web và đặc biệt là dữ liệu hành chính.
Tuy nhiên, yếu tố nào cần xem xét, quy trình nào cần tiến hành để đảm bảo chất lượng số liệu thống kê chính thức được sản xuất từ dữ liệu hành chính và các nguồn dữ liệu khác là vấn đề rất đáng quan tâm. Mới đây, Cơ quan thống kê Liên Hợp Quốc (UNSD) đã dự thảo Tài liệu hướng dẫn về đảm bảo chất lượng khi sử dụng nguồn dữ liệu hành chính và nguồn dữ liệu khác để sản xuất số liệu thống kê chính thức. Tài liệu kết cấu 2 phần. Phần 1 đưa ra cấu trúc tổng thể bao gồm các yếu tố tiên quyết cần xem xét khi sử dụng dữ liệu hành chính và các nguồn dữ liệu khác. Phần 2 là danh sách các yêu cầu quan trọng đi kèm với các thực hành tốt, giúp hướng dẫn cụ thể và chi tiết hơn khi sử dụng dữ liệu hành chính để sản xuất thông tin thống kê.
UNSD sử dụng cách tiếp cận ý tưởng để xác định các hành động và khía cạnh liên quan cần xem xét. Theo cách tiếp cận này, có 4 hành động cần tiến hành khi dự kiến sử dụng dữ liệu hành chính và nguồn dữ liệu khác để sản xuất số liệu thống kê chính thức:
Hành động 1: Xác định nhu cầu thống kê và lựa chọn nguồn dữ liệu thích hợp
Công tác nghiệp vụ đầu tiên khi sử dụng dữ liệu hành chính hoặc dữ liệu khác là lựa chọn nguồn dữ liệu dựa trên nhu cầu của người dùng đối với số liệu thống kê liên quan. Việc lựa chọn nguồn dữ liệu cũng yêu cầu đánh giá ban đầu dữ liệu đặc tả và dữ liệu đầu vào của nguồn dữ liệu dự định sử dụng. Các yếu tố liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, yêu cầu lựa chọn nguồn dữ liệu trên cơ sở khách quan và đáp ứng yêu cầu hiệu quả chi phí cũng là các xem xét quan trọng khi lựa chọn nguồn dữ liệu.
Hành động 2: Hợp tác với nhà cung cấp dữ liệu
Đối với nguồn dữ liệu được lựa chọn, nên ký kết thỏa thuận hợp tác (MoU) với đơn vị cung cấp dữ liệu nhằm tạo điều kiện cho việc truy cập và sử dụng nguồn dữ liệu ở nhiều cấp độ. Thỏa thuận này nên đề cập nội dung về truyền tải dữ liệu, như cơ chế truyền tải, các vấn đề kỹ thuật, xác định các bộ dữ liệu, thời gian truyền dữ liệu, các yêu cầu về chất lượng. Kinh nghiệm cho thấy, nên đi kèm với báo cáo/thông cáo chất lượng giữa nhà cung cấp dữ liệu và cơ quan thống kê. Cơ quan thống kê nhà nước cũng đưa ra các chỉ dẫn về tiêu chuẩn thống kê cho nhà cung cấp dữ liệu.
Hành động 3: Thu thập và xử lý dữ liệu
Các cơ quan thống kê cần phải có quy trình thích hợp để thu thập và xử lý dữ liệu hành chính và nguồn dữ liệu khác. Cần xem xét thêm yếu tố đảm bảo tính đúng đắn về phương pháp luận, đảm bảo các quy trình thống kê thích hợp và quản lý gánh nặng người trả lời thông qua chia sẻ dữ liệu, kết nối và sử dụng dữ liệu. Việc sử dụng dữ liệu đầu vào cũng đòi hỏi việc đánh giá xuyên suốt dữ liệu đặc tả chất lượng và dữ liệu đặc tả toàn bộ. Hành động 3 liên kết chặt chẽ với GSBPM.
Hành động 4: Phổ biến số liệu
Xác định người dùng và nhu cầu người dùng. Số liệu thống kê dựa trên nguồn dữ liệu mới hoặc dữ liệu hiện có được phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu mới về thông tin thống kê. Phổ biến thông tin thống kê cần tính đến đặc trưng đặc biệt của dữ liệu hành chính và dữ liệu khác.
* Các số trong ngoặc đơn là các yêu cầu hoặc tiêu chí liên quan trong UNNQAF.
Phần 2 của tài liệu chi tiết hóa khung ý tưởng ở phần 1 bằng 10 yêu cầu quan trọng cần tuân thủ khi sử dụng dữ liệu hành chính và nguồn dữ liệu khác sản xuất thống kê chính thức. Nội dung của 10 yêu cầu quan trọng như sau:
1. Việc sử dụng dữ liệu hành chính và dữ liệu khác phải đáp ứng các điều kiện tiên quyết như đề cập tại khung tiếp cận ý tưởng ở phần 1 và phải xem xét đến nhu cầu người dùng tin.
2. Các nguồn dữ liệu mới, người cung cấp dữ liệu mới và việc sử dụng nguồn đa dữ liệu cần được nghiên cứu, khám phá.
3. Có các thông tin cơ bản về người cung cấp dữ liệu và các thông tin chung về nguồn dữ liệu (tên, địa chỉ của đơn vị cung cấp dữ liệu, tình trạng pháp lý, loại hình của đơn vị, thông tin chung về nguồn dữ liệu như mục đích thu thập dữ liệu, phương pháp, trách nhiệm quản lý dữ liệu, tần suất thu thập, đánh giá ban đầu về hiệu quả chi phí khi sử dụng nguồn dữ liệu hành chính và dữ liệu khác sản xuất thông tin thống kê).
4. Đánh giá rủi ro đối với người cung cấp dữ liệu và nguồn dữ liệu.
5. Có thỏa thuận hợp tác với người cung cấp dữ liệu.
6. Người cung cấp dữ liệu đảm bảo chất lượng của dữ liệu và có xây dựng báo cáo chất lượng trong thỏa thuận hợp tác với cơ quan thống kê.
7. Chất lượng của dữ liệu đầu vào được cơ quan thống kê đánh giá một cách hệ thống.
8. Có dữ liệu đặc tả tổng hợp của dữ liệu đầu vào.
9. Xử lý dữ liệu đầu vào tại cơ quan thống kê tuân thủ các tiêu chuẩn, hướng dẫn và thực hành tốt.
10. Số liệu đầu ra được phổ biến đáp ứng nhu cầu người dùng tin.
Tài liệu thứ 2 được Cơ quan thống kê Liên Hợp Quốc đưa ra lấy ý kiến toàn cầu là Tài liệu hướng dẫn đánh giá mức độ trưởng thành về văn hóa chất lượng đối với thống kê chính thức.
Khái niệm văn hóa chất lượng của thống kê chính thức theo Tài liệu này là các giá trị chia sẻ, các hành xử, niềm tin và thực hành liên quan đến đảm bảo chất lượng trong phạm vi cơ quan thống kê của hệ thống thống kê quốc gia giúp định hình và làm nên đặc trưng của môi trường làm việc và nơi làm việc của mỗi cá nhân. Đó là một cam kết chung hướng tới nhu cầu người dùng tin đồng thời nỗ lực không ngừng để cải tiến và đổi mới, theo đó củng cố lòng tin của người dùng đối với thống kê chính thức.
Mô hình trưởng thành là khung các cơ quan/tổ chức sử dụng để đánh giá và cải thiện các quy trình và hiệu suất công việc trong một lĩnh vực cụ thể. Khung giúp các đơn vị/tổ chức nắm được tình hình hiện tại để từ đó đưa ra các mục tiêu cải tiến.
Tài liệu giới thiệu mô hình trưởng thành về văn hóa chất lượng trong các cơ quan thống kê quốc gia và các nhà sản xuất thống kê chính thức khác. Khung trưởng thành giới thiệu một lộ trình chung cho cải thiện văn hóa chất lượng. Các cơ quan thống kê có thể tập trung ưu tiên cho các khía cạnh cấp thiết nhất tùy vào hoàn cảnh cụ thể của mình. Khung cũng đưa ra một ngôn ngữ giao tiếp chung trong phạm vi hệ thống cơ quan thống kê, từ đó củng cố sự hợp tác giữa các cơ quan trong hệ thống.
Văn hóa chất lượng của một cơ quan thống kê sẽ được đánh giá theo 6 đặc trưng sau:
(1) Sự nhận thức và cải tiến
(2) Quản lý giao tiếp và các kênh giao tiếp
(3) Quản trị dữ liệu
(4) Giám sát đảm bảo chất lượng và xử lý lỗi
(5) Cam kết của lãnh đạo cấp cao
(6) Cam kết của nhân viên
Mỗi đặc trưng được đánh giá riêng rẽ dựa theo các điều kiện được đưa ra ở 4 cấp độ trưởng thành. Cơ quan thống kê có thể tập trung ưu tiên cho đặc trưng mà mình cho là quan trọng nhất tùy theo hoàn cảnh, điều kiện thực tế. Mức độ trưởng thành chung sẽ được tính theo trung bình giản đơn của các cấp độ ở cả 6 đặc trưng.
Mức độ trưởng thành về văn hóa chất lượng của cơ quan thống kê được phân làm 4 mức như sau:
-
Mức 1 (Mới nổi): Mức này biểu thị giai đoạn nền tảng khi trong cơ quan thống kê đã hình thành văn hóa đảm bảo chất lượng thống kê sơ khai. Nhân viên cơ quan đã có nhận thức ban đầu về tầm quan trọng của chất lượng và có những nỗ lực cơ bản để hình thành văn hóa chất lượng.
-
Mức 2 (Hợp nhất): Ở mức này, cơ quan thống kê chuyển từ hiểu biết căn bản về chất lượng sang quan điểm tổng hợp và có cấu trúc hơn đối với việc hình thành khung đảm bảo chất lượng. Các quy trình thu thập, xử lý và phổ biến số liệu chuẩn hóa được áp dụng để đảm bảo tính nhất quán. Chính sách và mục tiêu chất lượng được xác định và truyền tải rõ ràng. Các chương trình đào tạo tổng quát hơn, nhân viên cơ quan hiểu được vai trò và trách nhiệm của họ trong việc đảm bảo chất lượng. Các công cụ và kỹ thuật đảm bảo chất lượng cơ bản được áp dụng nhằm đảm bảo tính chính xác và tin cậy của số liệu.
-
Mức 3 (Tổng hòa): Mức này thể hiện việc cải tiến chất lượng liên tục và chủ động, giới thiệu các thực hành tốt về sản xuất thống kê chính thức cho các bên liên quan. Hoạt động quản lý chất lượng được thực hiện một cách có hệ thống. Công tác đảm bảo chất lượng gắn liền với luồng công việc thường ngày của đơn vị. Một hệ thống quản trị và chuyển giao kiến thức hỗ trợ môi trường mà ở đó chất lượng được coi trọng. Tất cả các nhà sản xuất thống kê chính thức đã đạt được mức 1 và mức 2.
-
Mức 4 (Tổng lực): Ở mức này, cơ quan thống kê đã tích hợp hoàn toàn văn hóa chất lượng vào công tác nghiệp vụ của mình (theo hướng tổng lực toàn bộ). Cam kết này được thể hiện ở cả cấp lãnh đạo và nhân viên. Các quy trình được xây dựng chặt chẽ, nguồn lực tài chính và nhân lực, cơ sở hạ tầng được đầu tư nhằm hỗ trợ việc phát triển liên tục của văn hóa chất lượng. Có hệ thống kiểm soát và cải tiến chất lượng hoàn hảo và toàn diện. Nhờ vậy, tạo sự tin tưởng rất cao ở người dùng tin.
Đây là hai tài liệu có ý tưởng rất mới về thực hành quản lý chất lượng thống kê. Việc nghiên cứu và áp dụng chúng sẽ giúp hoạt động đảm báo chất lượng thống kê được nâng cao hiệu quả. Tuy nhiên, đây mới là bản dự thảo và hiện đang được Cơ quan thống kê Liên Hợp Quốc xin ý kiến toàn cầu để hoàn thiện và dự kiến cuối năm 2024 sẽ ra mắt và áp dụng rộng rãi. Nếu các bạn quan tâm và có kinh nghiệm liên quan tới lĩnh vực trên có thể gửi ý kiến góp ý về Vụ Phương pháp chế độ và Quản lý chất lượng thống kê (email: [email protected]ov.vn) – đơn vị được Lãnh đạo Tổng cục phân công góp ý các văn bản này, để chúng tôi tổng hợp ý kiến và gửi UNSD trong đầu tháng 6 năm 2024.
Lê Thủy Tiên
Vụ Phương pháp chế độ và Quản lý chất lượng thống kê - TCTK