Kể từ khi thành lập vào năm 2011, Hệ thống Thống kê Cộng đồng ASEAN (ACSS) luôn cam kết tiếp tục nỗ lực cung cấp số liệu thống kê ASEAN có liên quan, kịp thời và có thể so sánh được để hỗ trợ giám sát hội nhập ASEAN và ra quyết định và chính sách dựa trên bằng chứng. ACSS cũng liên tục tăng cường hợp tác để nâng cao năng lực thống kê của các quốc gia thành viên ASEAN (AMS) và Ban thư ký ASEAN.
Với sự hỗ trợ của Tiểu ban Kế hoạch và Điều phối (SCPC) và các nhóm công tác kỹ thuật, ACSS đã liên tục cải thiện việc cung cấp dữ liệu thống kê kinh tế và xã hội cũng như các chỉ tiêu Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Dữ liệu thống kê và các sản phẩm được phổ biến qua trang web Thống kê ASEAN (ASEANstats) cũng đã liên tục được cải thiện.
Mặc dù đạt được những cải thiện đáng kể ở cấp quốc gia và khu vực, song tại Kỳ họp lần thứ 14 của Ủy ban Hệ thống Thống kê Cộng đồng ASEAN (ACSS14), do Cơ quan Thống kê Lào tổ chức trong các ngày 26-28/11/2024, Cơ quan thống kê các quốc gia thành viên ASEAN cùng thống nhất ACSS cần tăng cường các nỗ lực hợp tác của các nước trong khối để đối mặt với những thách thức hiện tại bao gồm: Khoảng cách năng lực thống kê giữa các quốc gia thành viên ASEAN và hạn chế về nguồn lực; Đồng thời cải thiện sự phối hợp giữa các cơ quan và khai thác các nguồn dữ liệu thay thế cũng rất quan trọng để đáp ứng các nhu cầu dữ liệu mới nổi.
Kỳ họp ACSS14 với chủ đề “Tăng cường tích hợp dữ liệu để thúc đẩy kết nối và khả năng phục hồi của khu vực” thể hiện cam kết liên tục của các cơ quan thống kê quốc gia thành viên ASEAN nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác thống kê khu vực và chủ động ứng phó với các yêu cầu thống kê mới nổi.
Kỳ họp ACSS14 với chủ đề “Tăng cường tích hợp dữ liệu để thúc đẩy kết nối và khả năng phục hồi
của khu vực” thể hiện cam kết liên tục của các Cơ quan Thống kê quốc gia thành viên ASEAN
Trong năm 2024, các cơ quan thống kê quốc gia ASEAN đã tiếp tục cung cấp số liệu thống kê có liên quan, kịp thời và có thể so sánh được về các chỉ tiêu SDG, tài khoản quốc gia, đầu tư trực tiếp nước ngoài, thương mại hàng hóa quốc tế và thương mại dịch vụ quốc tế cũng như các chỉ tiêu kinh tế và xã hội khác trong nỗ lực thực hiện cam kết đáp ứng các yêu cầu về dữ liệu để hỗ trợ giám sát quá trình hội nhập ASEAN. Tăng cường cung cấp dữ liệu cho người dùng tin để làm phong phú thêm phân tích của họ, dữ liệu về GDP theo chi tiêu trên trang web ASEANstats. Nỗ lực cải thiện chất lượng dữ liệu của số liệu thống kê thương mại hàng hóa nội khối ASEAN thông qua việc xây dựng Sổ tay phân tích đối sánh số liệu thống kê thương mại ASEAN.
Bên cạnh đó, ACSS đã khởi xướng việc sử dụng Giao diện lập trình ứng dụng (API) để thu thập Biểu Mẫu thống nhất các chỉ tiêu thống kê ASEAN (ASI-CT) từ các nước thành viên ASEAN đến Ban Thống kê của ASEAN (ASEANstats). ASEANstats đã hoàn tất việc triển khai với Singapore và đang mở rộng sáng kiến này sang các quốc gia thành viên khác.
ACSS đã xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động ACSS 2026-2030 cùng với các Chỉ tiêu thực hiện chính (KPI) tương ứng. Kế hoạch này được xây dựng phù hợp với sự phát triển gần đây của các sáng kiến ASEAN cũng như sự phát triển thống kê ở cấp khu vực và toàn cầu. Dự thảo sẽ kết hợp các cập nhật và diễn biến có liên quan ở cấp khu vực và toàn cầu, bao gồm việc xác nhận và thông qua các Kế hoạch chiến lược sau năm 2025 của Cộng đồng kinh tế ASEAN, Cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN và Cộng đồng chính trị và an ninh ASEAN cũng như các cập nhật về các tiêu chuẩn và hướng dẫn thống kê quốc tế.
ACSS cũng đã thông qua Tài liệu khái niệm về Học viện trực tuyến ACSS và nhất trí bắt đầu phát triển nền tảng này vào đầu năm 2025. Học viện trực tuyến ACSS hướng đến mục tiêu nâng cao tính bền vững, hiệu quả và hiệu suất của các chương trình xây dựng năng lực của ACSS, đồng thời giải quyết các thách thức về quản lý kiến thức và khả năng chuyển giao kiến thức.
Kể từ năm 2021, ACSS đã triển khai 62 hoạt động xây dựng năng lực theo Khung ASEAN-Trợ giúp-ASEAN (AHAF) thông qua các hội thảo và đào tạo khu vực và tiểu khu vực và hỗ trợ kỹ thuật song phương, bao gồm tất cả các lĩnh vực thống kê chính của ASEAN, với hơn 90% người tham gia. Các hoạt động đã mang lại hiệu quả và hữu ích trong việc cải thiện kỹ năng và công việc hàng ngày. ACSS cam kết sẽ tiếp tục và tăng cường triển khai AHAF. Với chuyên môn và nguồn lực hiện tại cho một số chủ đề chính còn hạn chế, ACSS mong đợi sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tài trợ từ các đối tác phát triển và các tổ chức quốc tế.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thống kê và nhu cầu đảm bảo quy trình biên soạn dữ liệu hiệu quả, ACSS đánh giá cao các chiến lược và ứng phó của các quốc gia trong khu vực ASEAN đối với các vấn đề mới nổi trong phát triển khu vực và những nỗ lực của các nước trong việc tăng cường quản trị, tích hợp và giám hộ dữ liệu. Cụ thể:
Bruney đã tăng cường dữ liệu hành chính thông qua các chương trình truyền thông bao gồm Ngày Thống kê Quốc gia gần đây với chủ đề tăng cường dữ liệu hành chính trong xây dựng chính sách vững chắc và thống kê quốc gia đáng tin cậy; thành lập Ủy ban Chỉ đạo Thống kê Quốc gia để giải quyết các khoảng cách dữ liệu và phối hợp thống kê; phát triển một hệ thống thống kê tích hợp nhằm tăng cường hệ sinh thái dữ liệu và phù hợp với kế hoạch Chuyển đổi số Quốc gia; áp dụng các tiêu chuẩn và phân loại quốc tế ở cấp quốc gia.
Cơ quan thống kê Campuchia cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong năm 2024, đó là: (1) Thực hiện các cuộc điều tra: Điều tra dân số giữa các cuộc điều tra dân số. Điều tra nông nghiệp. Điều tra giới và môi trường. (2) Biên soạn các Báo cáo cuối cùng của: Điều tra kinh tế - xã hội năm 2023; Điều tra nông nghiệp năm 2023; Tổng điều tra nông nghiệp năm 2023. (3) Thực hiện cập nhật bảng câu hỏi của Khảo sát kinh tế - xã hội năm 2025; bảng câu hỏi của Khảo sát lực lượng lao động năm 2025. (4) Phát triển NSDS 2024-2028; (5) Công bố Năm cơ sở Tài khoản quốc gia được điều chỉnh lại 2014; (6) Nâng cấp trên Nền tảng dữ liệu CAMSTAT.
Đối với Cơ quan Thống kê Indonesia đã xây dựng năng lực thống kê quốc gia thông qua các cơ quan chính phủ, trường đại học và làng xã; đánh giá chất lượng Thống kê ngành đối với 625 cơ quan chính phủ theo Chỉ số phát triển thống kê; xây dựng Điều tra toàn nền kinh tế như một trong những triển khai tích hợp điều tra áp dụng cho tất cả các ngành; và thực hiện Điều tra kinh tế nông nghiệp kết hợp với Tổng điều tra nông nghiệp.
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào cũng đã có những tiến bộ đáng kể trong việc củng cố hệ thống thống kê của mình thông qua: (i) Tăng cường tích hợp dữ liệu thông qua Luật Thống kê, chiến lược mới 2025-2035 và nghị định về phân loại thống kê; (ii) Hiện đại hóa việc thu thập dữ liệu bằng các công cụ như CAPI cho các cuộc điều tra dân số và khảo sát; (iii) Tham gia các chương trình trao đổi khu vực, quốc tế và ASEAN để nâng cao năng lực và khả năng thống kê; (iv) Cải thiện khả năng tiếp cận thông tin thống kê đáng tin cậy cho những người ra quyết định và công chúng.
Năng lực thống kê của Malaysia cũng được tăng cường với những kết quả khích lệ. Trong cuộc Tổng điều tra nông nghiệp năm 2024 của đã thúc đẩy tích hợp dữ liệu nông nghiệp. Trung tâm PADU đã xây dựng cơ sở dữ liệu kinh tế - xã hội quốc gia với thông tin chi tiết về hộ gia đình theo thời gian thực. Nâng cao khả năng tiếp cận và hiểu biết về dữ liệu trong cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2023 và Bảng thông tin Myageing. Tổ chức kỷ niệm 75 năm thành lập Cơ quan Thống kê quốc gia Malaysia do Thủ tướng chính phủ chủ trì nhằm tôn vinh dữ liệu đáng tin cậy. Tiến hành thu thập các số liệu mới như: Chi tiêu cơ bản cho cuộc sống đàng hoàng, Chỉ số chi phí sinh hoạt và GDP theo Quận hành chính, nhằm cung cấp thông tin chi tiết sâu sắc về Chi phí sinh hoạt của Malaysia.
Tại Myanmar, đã cung cấp đào tạo cho nhân viên của các văn phòng khu vực cũng như các bộ ngành để phát triển năng lực thống kê; chuẩn bị báo cáo tiến độ Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs); cung cấp thông tin đầu vào về chính sách từ việc tiến hành điều tra thiên tai và điều tra lao động trẻ em; và tiến hành Điều tra dân số và Khảo sát doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) để cung cấp dữ liệu và số liệu thống kê về nhân khẩu học và hộ gia đình cho sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong năm 2024, chất lượng hoạt động công tác thống kê tại Philippines được nâng lên đáng kể với những kết quả: Tiến hành Điều tra dân số và Hệ thống giám sát dựa vào cộng đồng năm 2024; Công bố Tài khoản sản phẩm cấp tỉnh về hiệu quả kinh tế năm 2023 của tất cả các tỉnh và thành phố có tỷ lệ đô thị hóa cao của đất nước; Ban hành luật quốc gia thể chế hóa Hệ thống hạch toán vốn tự nhiên và hệ sinh thái của Philippines; Phê duyệt Chương trình phát triển thống kê của Philippines 2023-2029; Sửa đổi toàn diện Hệ thống thống kê được chỉ định.
![Hệ thống Thống kê Cộng đồng ASEAN tăng cường tích hợp dữ liệu để thúc đẩy kết nối và khả năng phục hồi của khu vực 1](/pic/News/Nam_2024/he-thong-thong-ke-cong-dong-asean-tang-cuong-tich-hop-du-lieu-de-thuc-day-ket-noi-va-kha-nang-phuc-hoi-cua-khu-vuc-1.JPG)
Các đại biểu tham dự ACSS14 chụp ảnh lưu niệm
Chất lượng công tác thống kê của Singapore ngày càng được cải thiện với việc cơ quan thống kê quốc gia đảm nhận vai trò quản lý dữ liệu của Singapore và là trung tâm đáng tin cậy về dữ liệu cá nhân và doanh nghiệp; công bố điều tra chi tiêu hộ gia đình năm 2023 và Phân loại nghề nghiệp chuẩn Singapore năm 2024; mở rộng dữ liệu và dịch vụ dữ liệu cho các nhóm người dùng mục tiêu; mở rộng các tập dữ liệu trong Chương trình truy cập dữ liệu vi mô ẩn danh, cho phép các nhà nghiên cứu thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu; và tăng cường sự đóng góp tại các diễn đàn thống kê quốc tế và được đánh giá cao trong việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số.
Năm 2024, công tác thống kê tại Thái Lan được tập trung nâng cao chất lượng với hàng loạt những nỗ lực: Thông qua Kế hoạch tổng thể hệ thống thống kê lần thứ ba (giai đoạn 2023 - 2027), nhằm củng cố cam kết của mình đối với dữ liệu chính xác và dễ tiếp cận thông qua sự hợp tác giữa các cơ quan; Nâng cao Danh mục dữ liệu của Văn phòng thống kê quốc gia và Danh mục dữ liệu của Chính phủ, nhằm hỗ trợ việc ra quyết định dựa trên bằng chứng và tiếp cận công bằng; Thúc đẩy hệ thống Khung kỹ thuật số, thiết lập hệ thống thông tin địa lý được cập nhật cho các dự án tổng điều tra và điều tra.
Chất lượng công tác thống kê của Việt Nam cũng là một điểm sáng trong khu vực với việc: Tăng cường phối hợp với các Bộ ngành trong việc sử dụng dữ liệu hành chính để xây dựng hệ sinh thái dữ liệu có tính kết nối cao. Cải thiện nghiên cứu phương pháp thống kê, tiến hành phân tích kinh tế - xã hội chuyên sâu để hỗ trợ các kế hoạch phát triển quốc gia, chiến lược và hoạch định chính sách về kinh tế số, thương mại điện tử và tăng trưởng xanh... Cung cấp dữ liệu và thông tin để đáp ứng nhu cầu của các lĩnh vực chính của thống kê ASEAN.
Với những kết quả cơ quan thống kê các quốc gia đạt được, ACSS cam kết thúc đẩy hội nhập khu vực và chia sẻ dữ liệu xuyên biên giới giữa các nước thành viên ASEAN, tập trung vào việc tăng cường năng lực thống kê, cải thiện quản trị dữ liệu và phù hợp với kế hoạch chi tiết hiện tại và các kế hoạch chiến lược sau năm 2025 của ASEAN. Tất cả những nỗ lực trên nhằm hướng tới mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng bền vững, tăng cường ra quyết định và đóng góp vào việc giám sát cả kế hoạch năm 2025 và tầm nhìn và các kế hoạch chiến lược sau năm 2025 của ASEAN, đồng thời thúc đẩy tương lai kết nối hơn, dựa trên dữ liệu cho khu vực.
Trong thời gian quan, ACSS đã nâng cao đáng kể năng lực về tăng cường khuôn khổ thể chế và phối hợp, cải thiện tính khả dụng và khả năng so sánh của các số liệu thống kê quan trọng để giám sát hội nhập khu vực ASEAN và thu hẹp khoảng cách về năng lực thống kê giữa các nước thành viên ASEAN. Từ đó, giúp ACSS phản ứng nhanh hơn, cung cấp số liệu thống kê chất lượng cao để hỗ trợ hội nhập ASEAN. Kết quả này có được là nhờ sự hỗ trợ quan trọng của các Đối tác Phát triển và các Tổ chức Quốc tế là: Cơ quan Thống kê Na Uy (SSB), Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS), Công cụ Đối thoại Khu vực EU-ASEAN Nâng cao (E-READI); Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Công cụ Đối thoại Khu vực EU-ASEAN Nâng cao (E-READI), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Quỹ Hội nhập Nhật Bản-ASEAN (JAIF); Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc khu vực Châu Á và Thái Bình Dương (UNESCAP) và Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women).
Với sự chủ trì xuất sắc và sự chuẩn bị chu đáo của Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Cơ quan Thống kê quốc gia Lào, Kỳ họp ACSS14 đã thành công tốt đẹp. Kỳ họp lần thứ 15 Ủy ban Hệ thống thống kê cộng đồng ASEAN (ACSS15) sẽ được tổ chức tại Malaysia do Cơ quan Thống kê quốc gia Malaysia đảm nhiệm chức Chủ tịch ACSS năm 2025./.
P.V
Nguồn thông tin: Vụ Thống kê nước ngoài và Hợp tác quốc tế (TCTK), ASEANstats.
Ảnh: Cơ quan Thống kê quốc gia Lào