Hình tượng rồng trong dòng chảy văn hóa Việt Nam

12/02/2024 - 09:17 AM
Rồng là hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam, là linh vật đứng đầu trong tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng). Với truyền thuyết Con Rồng, cháu Tiên, Rồng là niềm tự hào về dòng giống, cội nguồn của người Việt.

Rồng qua các thời kỳ lịch sử

Hình tượng con rồng Việt xuất hiện rõ nét dưới thời Lý. Khi giành được độc lập, nhà Lý lên ngôi và đặt tên nước là Đại Việt. Hình ảnh "Rồng bay lên" - Thăng Long tượng trưng cho khí thế vươn lên của dân tộc, được đặt tên cho đất đế đô. Rồng thời Lý còn tượng trưng cho mơ ước của cư dân trồng lúa nước nên luôn được thể hiện trong khung cảnh trời mây, non nước.

Rồng thời Trần kế thừa những yếu tố cơ bản của thời Lý nhưng có những biến đổi về chi tiết. Dạng tự chữ "S" dần mất đi hoặc biến dạng thành hình con, đồng thời xuất hiện thêm hai chi tiết là cặp sừng và đôi tay. Đầu rồng uy nghi, đường bệ với chiếc mào lửa ngắn hơn. Từ nửa cuối thế kỷ XIV, con rồng đã vượt ra khỏi kiến trúc cung đình để có mặt trong các kiến trúc dân dã, không chỉ có trong điêu khắc đá và gốm mà còn xuất hiện trên điêu khắc gỗ ở các đình chùa.

 
Ảnh minh họa

Đến thời Hậu Lê, rồng thay đổi hẳn. Đầu rồng to, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn, thay vào đó là một chiếc mũi to. Thân rồng lượn hai khúc lớn. Chân có năm móng sắc nhọn quắp lại dữ tợn. Rồng thời Lê tượng trưng cho quyền uy phong kiến. Cũng chính bắt đầu từ thời đại này xuất hiện quan niệm Tứ linh (bốn con vật thiêng) tượng trưng cho uy quyền của vương triều. Rồng đứng đầu trong tứ linh. Ba vật thiêng kia là Lân (tượng trưng cho sự thái bình và minh chúa), Quy (con rùa - tượng trưng sự bền vững của xã tắc) và Phượng (tượng trưng cho sự thịnh vượng của triều đại).

Rồng thời Trịnh Nguyễn vẫn còn đứng đầu trong bộ tứ linh nhưng đã được nhân cách hóa, được đưa vào đời thường như hình rồng mẹ có bầy rồng con quây quần, rồng đuổi bắt mồi, rồng trong cảnh lứa đôi...

Rồng thời Nguyễn trở lại vẻ uy nghi tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng. Rồng được thể hiện ở nhiều tư thế, ẩn mình trong đám mây, hoặc ngậm chữ thọ, hai con rồng chầu mặt trăng (lưỡng long chầu nguyệt), chầu hoa cúc, chầu chữ thọ...

Trong đời sống tâm linh của người Việt, rồng được gắn với những điều huyền bí về long mạch, phong thủy ("mộ táng hàm rồng", "tả thanh long, hữu bạch hổ"...).

Trong suốt 4 nghìn năm văn hiến, kể từ thời các vua Hùng dựng nước đến nay, hình tượng con rồng luôn gắn bó, hiện diện trong đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc Việt; là biểu tượng của những phẩm chất cao đẹp, sức vươn lên mạnh mẽ và niềm tự hào dân tộc của người Việt qua các thời kỳ lịch sử.

Rồng trong đời sống văn hóa Việt Nam

Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, các thế hệ người Việt truyền tụng rằng tổ tiên của chúng ta là dòng giống Tiên Rồng, tượng trưng cho những phẩm chất cao đẹp, tính nhân văn, tinh thần cao thượng, sức mạnh và lòng quả cảm của dân tộc Việt Nam. Truyền thuyết Âu Cơ lấy Lạc Long Quân, sinh ra 100 trứng, nở ra 100 con nói rõ điều này. Vua Hùng và con cháu, đều là hậu duệ của Lạc Long Quân, Âu Cơ, là chủ nhân sớm nhất ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, đã cùng chung sức, chung lòng khai hoang, tìm giống, rồi trồng lúa làm nguồn sống chính, khai phá ra “nền văn minh lúa nước”.

Theo quan niệm của người xưa, Rồng phun ra nước, tức Rồng làm cho mưa, ra nước. Đối với nền văn minh lúa nước, biểu tượng con rồng trở nên rất linh thiêng vì rồng gắn liền với nước, nguồn sống của các nền văn minh, rồng phun nước là biểu tượng hoành tráng nhất. Vì thế, người xưa gửi gắm niềm tin, hy vọng, mong muốn, chờ mong ở Rồng. Con cháu của Rồng luôn thể hiện tâm niệm gắn bó với Rồng, với Tổ tiên, đồng thời cầu mong tổ tiên phù hộ, phù trợ cho đời sống của mình, cầu mong Rồng cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no.      

Chính vì sự gắn bó và hy vọng tốt đẹp đó mà người Việt có nhiều nét đậm tình đậm nghĩa, với hình ảnh đậm nét của Rồng trong đời sống. Thực tế đã chỉ rõ qua thần thoại, huyền thoại và sự tích như: Sự tích Thăng Long – Rồng bay lên (ở Đại La - Hà Nội), ở sự tích Vịnh Hạ Long – Rồng hạ cánh (ở Quảng Ninh), còn là vịnh Bái Tử Long (cung kính Rồng), đảo Bạch Long Vĩ (Rồng trắng), sông Cửu Long (chín Rồng), sông Hoàng Long (Rồng vàng)… Hiện nay, khắp cả ba miền đất nước đều có những công trình, địa danh gắn với rồng, như: Hoàng thành Thăng Long, vịnh Hạ Long, đảo Bạch Long Vĩ, cầu Long Biên, cầu Thăng Long, cầu Hàm Rồng, tỉnh Vĩnh Long, thành phố Long Xuyên, sông Cửu Long...

Rồng được coi là biểu tượng tâm hồn, tình cảm, sức mạnh, sự phồn vinh của dân tộc, cộng đồng, xã hội, con người nên ở nhiều di tích, công trình xây dựng, Rồng được hiện hình, có khi hàng đàn, có khi bên cạnh Rồng còn có hình người nông dân đang cày ruộng…  

Rồng không còn là xa lạ, linh thiêng, uy quyền mà đã hiển hiện cả trong đời sống, trong ngôn ngữ, cả trong chữ nghĩa. Hình tượng con Rồng không còn là nói về vua, chúa quyền thế sang trọng, giàu sang…, mà còn biểu hiện cả ở tầng lớp bình dân, ở đời thường, ngay cả ở cửa miệng mọi người, khi nói những câu bao hàm nhiều ý nghĩa về Rồng: “Rồng vàng tắm nước ao tù”, “Rồng đến nhà tôm”…   
   
Có thể nói, hình tượng rồng thật thân thiết, sâu đậm trong tâm thức người Việt. Các triều đại vua chúa ngày xưa đã đưa múa rồng trở thành loại hình múa nghệ thuật truyền thống không thể thiếu trong các buổi lễ trọng đại của cung đình. Trong đời sống dân gian, rồng được thể hiện rất phong phú: Múa rồng trên sân đình vào các dịp hội hè, lễ tết; trò chơi rồng rắn lên mây của trẻ con; rồng trong tranh dân gian Đông Hồ, rồng trên giấy Diệp...

Ngày nay, bước vào thời đại công nghiệp, kỹ thuật số, người Việt không quên kết nối giữa truyền thống và hiện đại, hình tượng con rồng Việt vẫn được ngưỡng mộ đưa vào các lĩnh vực của đời sống xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau.

Qua đó, có thể thấy, Rồng gắn bó, hoà hợp một cách thân thiết, gần gũi và là biểu tượng phong phú, đa dạng trong đời sống vật chất, tinh thần của người Việt từ xưa đến nay./.

 
Tiến Long

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top