Với quy mô dân số đạt hơn 100 triệu dân, thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn, được đánh giá cao vào bậc nhất khu vực do cơ cấu dân số trẻ và sức mua ngày càng được cải thiện nhờ tầng lớp trung lưu gia tăng mạnh mẽ. Để ngành bán lẻ tiếp tục phát triển, trở thành một trong những điểm trụ của nền kinh tế, Việt Nam cần đẩy mạnh nhiều giải pháp kết hợp giữa khung phổ pháp lý và thúc đẩy thị trường, nhất là trong bối cảnh các xu hướng phát triển mới đang định hình.
Thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển sôi động
Hệ thống pháp luật chung và riêng điều chỉnh đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ của Việt Nam đã tạo ra một khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ, an toàn và phù hợp để nhà bán lẻ có thể gia nhập thị trường; đồng thời tạo điều kiện cho hoạt động bán lẻ có thể vận hành bình thường, đảm bảo sự kiểm soát ở mức độ thích hợp của nhà nước, lợi ích của nhà bán lẻ cũng như các lợi ích công cộng liên quan.
Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê
Nhờ đó, cùng với các yếu tố thuận lợi, thị trường bán lẻ của Việt Nam đã, đang khơi dậy tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, bất chấp khó khăn của thời kỳ dịch bệnh. Trong đó phải kể đến động lực từ quy mô nền kinh tế và GDP bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng qua các năm, thậm chí đạt tốc độ tăng nhanh nhất trong khu vực ASEAN. Năm 2023, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước đạt 5,05%, thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Quy mô GDP theo giá hiện hành ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD; GDP bình quân đầu người ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284,5 USD, tăng 160 USD so với năm 2022.
Năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Những chính sách kích cầu đã và đang tạo động lực, tăng sức mua cho thị trường, trong đó phải kể đến chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%, không chỉ góp phần làm sôi động thị trường bán lẻ Việt Nam, mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, thực hiện hiệu quả hơn phong trào người Việt dùng hàng Việt. Nhờ đó, thị trường các mặt hàng thiết yếu trong năm vừa qua không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm. Ngoài ra, giá một số mặt hàng giảm theo giá thế giới cũng đã góp phần giúp giảm áp lực lạm phát như giá xăng dầu bình quân năm 2023 giảm 11,02% so với năm 2022, giá gas giảm 6,94% đã góp phần bình ổn thị trường, tạo động lực cho thương mại bán lẻ tăng trưởng.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng những tháng cuối năm 2023 diễn ra sôi động góp phần hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước (năm 2022 tăng 20%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,1% (năm 2022 tăng 15,8%). Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2023 ước đạt 4.858,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức và tăng 8,6% so với năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,9%). Trong đó, nhóm hàng vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 14,4%; lương thực, thực phẩm tăng 11,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 7,5%; may mặc tăng 7,1%; riêng phương tiện đi lại (trừ ô tô) giảm 1,4%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2023 so với năm trước của một số địa phương như sau: Quảng Ninh tăng 12,2%; Bình Dương tăng 11,4%; Hải Phòng tăng 10,4%; Đồng Nai tăng 9,1%; Cần Thơ tăng 8,4%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,8%; Hà Nội tăng 7,1%; Đà Nẵng tăng 5,9%.
Ngành bán lẻ trong nước tiếp tục giữ được mức tăng trưởng khi doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.594,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,3% tổng mức và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 4,4%). Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 11%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 14,9%; may mặc tăng 10,3%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 0,1%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 17,8%.
Bên cạnh đó, thị trường bán lẻ Việt Nam còn có thêm thuận lợi nhờ hệ thống hạ tầng thương mại liên tục được cải thiện theo hướng tăng các kênh bán lẻ hiện đại. Đáng chú ý là sự phát triển của thương mại điện tử đến từ việc thay đổi thói quen của người tiêu dùng trong và sau đại dịch Covid-19, góp phần giúp doanh thu bán lẻ tiếp tục tăng trong giai đoạn khó khăn và dịch bệnh, đồng thời tạo động lực tăng trưởng ngày càng lớn cho thị trường bán lẻ. Báo cáo Thương mại điện tử năm 2023 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) công bố cho thấy, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tăng trưởng 25% và nằm trong top đầu của thế giới. Có đến 74% dân số Việt Nam đang sử dụng internet thường xuyên tham gia mua sắm online. Sự dịch chuyển từ mua hàng trực tiếp chuyển sang trực tuyến xuất hiện xuyên suốt thời kỳ dịch bệnh và trở thành xu hướng ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh các nền tảng thương mại điện tử bán lẻ đã xuất hiện những nền tảng công nghệ dữ liệu B2B (Business to Business), giúp kết nối các nhà bán lẻ truyền thống quy mô nhỏ với các nhà sản xuất hoặc bán buôn trên nền tảng tập trung. Theo số liệu của Nền tảng phân tích số liệu thị trường (Metric), mô hình kinh doanh B2C (Business to Customer) giao dịch thương mại giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng năm 2023 trên các sàn thương mại điện tử đăng ký tại Việt Nam đạt 498,9 ngàn tỷ đồng, trong đó 5 sàn TMĐT (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop) đạt 232,2 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 47%.
Cần chính sách, quy hoạch cụ thể phát triển ngành bán lẻ
Để tăng cường quản lý hoạt động chủ chốt của thương mại bán lẻ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử. Khung pháp lý cho hoạt động thương mại điện tử ngày càng được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ thời gian qua, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong hệ thống thương mại bán lẻ nội địa, góp phần tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng, cũng như đảm bảo vai trò quản lý của nhà nước.
Là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến, dự báo doanh thu và sản lượng bán trên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm tới, có thể đạt 650 ngàn tỷ đồng vào năm 2024. Đây sẽ là động lực quan trọng cho sự phát triển của toàn ngành thương mại bán lẻ trước mắt và cả trong tương lai sau này.
Với những kết quả đạt được, thương mại bán lẻ trở thành ngành có tốc độ tăng trưởng cao, mức độ hấp dẫn đầu tư lớn, qua đó đã thực sự trở thành trụ đỡ quan trọng đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, sự phát triển của ngành thương mại bán lẻ được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng, còn thiếu tính bền vững, chuỗi liên kết chưa chắc chắn và chậm phát triển. Ngoài ra, thương mại bán lẻ trong nước còn một số tồn tại, hạn chế do hạ tầng thương mại bán lẻ ở một số địa phương phát triển chưa đồng đều và thiếu tính bền vững; hạn chế từ khâu quản lý thị trường, cạnh tranh không lành mạnh về giá và những rủi ro tiềm ẩn từ hình thức thương mại mới có thể gây ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng. Doanh nghiệp thương mại bán lẻ nội địa gặp phải sự cạnh tranh gay gắt và có phần áp đảo từ phía các nhà bán lẻ nước ngoài, nhất là ở phân khúc đại siêu thị, trung tâm thương mại. Xu hướng cạnh tranh tập trung chủ yếu ở giá cả, chất lượng hàng hóa, uy tín của thương hiệu và niềm tin của người tiêu dùng, cạnh tranh về năng lực công nghệ bán hàng đa kênh, cạnh tranh về tốc độ, thời gian giao hàng…
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi chính sách phát triển kinh tế - xã hội có liên quan chặt chẽ đến chính sách phát triển thị trường bán lẻ, thị trường bán lẻ của Việt Nam đang đứng trước những yêu cầu phát triển mới với những cơ hội và thách thức mới, đòi hỏi tạo ra những bước đột phá lớn. Bên cạnh chính sách giảm thuế, để đảm bảo kích cầu thị trường, cần có thêm các chính sách khác hỗ trợ doanh nghiệp nhằm bình ổn, giảm giá thành kích thích người tiêu dùng mua sắm như: Điều chỉnh chính sách hạ tầng để tạo sự sôi động cho thị trường, thiết kế gói vốn vay phù hợp với ngành bán lẻ. Ngoài ra, chuyên gia nhận định, các chính sách cần có sự hoạch định cụ thể, triển khai sớm và mang tính lâu dài để doanh nghiệp có cơ hội ổn định. Cần quy hoạch tổng thể lại cung cầu nguồn nguyên liệu trên bình diện quốc gia để các nguồn cung trong nước không cạnh tranh lẫn nhau mà phát huy giá trị cốt lõi, đặc biệt chú ý ưu tiên sự phát triển lâu dài và bền vững của doanh nghiệp nội địa.
Hiện, dự thảo “Chiến lược phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đang được lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các đơn vị, tổ chức, cá nhân. Việc xây dựng và thực hiện Chiến lược này được cho là thực sự quan trọng và mang tính cấp thiết, góp phần xác định những định hướng lớn đối với thị trường bán lẻ của Việt Nam, đồng thời đề xuất các giải pháp mang tính dài hạn, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Kỳ vọng sự xuất hiện của Chiến lược sẽ đem lại bước đột phá mới cho quá trình phát triển thị trường bán lẻ của Việt Nam./.
ThS. Nguyễn Thị Phương Liên - ThS. Mai Thị Châu Lan
Đại học Công nghiệp Hà Nội