Hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động thống kê trong giai đoạn hiện nay

12/09/2022 - 02:37 PM
Ngày 01 tháng 12 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2014/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những giải pháp chủ yếu của Chiến lược là Hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tổ chức, phát triển nguồn nhân lực.

Theo đó, Sửa đổi Luật Thống kê và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan theo hướng bảo đảm sự độc lập của hệ thống thống kê tập trung; tăng cường vai trò chủ đạo của cơ quan thống kê trung ương về phương pháp luận, tiêu chuẩn, quy trình thống kê, điều phối hoạt động thống kê, hợp tác chia sẻ dữ liệu hành chính giữa các bộ, ngành, địa phương với cơ quan thống kê; sử dụng các nguồn dữ liệu lớn, dữ liệu mới cho hoạt động thống kê nhà nước. Xây dựng, hoàn thiện các hệ thống chỉ tiêu thống kê: quốc gia, bộ, ngành, tỉnh, huyện, xã và các bộ chỉ tiêu thống kê khác; kịp thời phản ánh tình hình kinh tế - xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước và đáp ứng quá trình hội nhập thống kê quốc tế...


 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê (sau đây viết gọn là Luật sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 12/11/2021, gồm 02 điều và 01 Phụ lục kèm theo và có hiệu thi hành từ ngày 01/01/2022. Luật Thống kê và Luật sửa đổi là cơ sở pháp lý cao nhất để thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp, biên soạn, công bố và bảo đảm số liệu thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp trong điều kiện mới của đất nước và hội nhập quốc tế.

Luật sửa đổi đã sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 17, điểm d khoản 2 Điều 48 và thay thế Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê bằng Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm 21 nhóm với 230 chỉ tiêu. Với việc ban hành kèm theo Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia mới để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật về thống kê, đòi hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần đẩy nhanh quá trình hoàn thiện môi trường pháp lý, trong đó cần tập trung, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản sau:
  1. Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP), chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP).
- Đối với việc xây dựng Nghị định quy trình nội dung chỉ tiêu thống kê:

Nội dung của mỗi chỉ tiêu cần quy định gồm: Khái niệm, nội dung, phương pháp tính, phân tổ chủ yếu, nguồn số liệu và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp. Chuẩn hóa nội dung chỉ tiêu thống kê quốc gia phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

Bảo đảm tính khoa học: Việc chuẩn hoá khái niệm, phương pháp tính, phân tổ chủ yếu, kỳ công bố, nguồn số liệu và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp từng chỉ tiêu phải bảo đảm tính khoa học, tức là dựa trên những căn cứ lý thuyết kinh tế chính trị, chủ nghĩa duy vật lịch sử, lý thuyết thống kê (lý thuyết về phân tổ, các số tuyệt đối, số tương đối, số bình quân, chỉ số thống kê, liên hệ tương quan,...) phải bảo đảm tính khoa học.

Phù hợp với thực tế Việt Nam: Phù hợp với quy định của Việt Nam; có tính khả thi trong thực tế; nội dung chỉ tiêu phải bảo đảm dễ hiểu, phù hợp với thói quen của người sử dụng tin.

Vừa có tính kế thừa, vừa cập nhật kiến thức mới và phù hợp với chuẩn mực và thông lệ thống kê quốc tế: Tiếp tục kế thừa những quy định về khái niệm, phương pháp tính, phân tổ chủ yếu, kỳ công bố, nguồn số liệu và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp hiện vẫn còn phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. Đồng thời, rà soát, cập nhật nội dung chỉ tiêu theo những quy định và kiến thức mới nhất về thống kê; phù hợp với các chuẩn mực thống kê quốc tế.


- Đối với xây dựng quy trình biên soạn chỉ tiêu GDP và GRDP:
 
GDP, GRDP là những chỉ tiêu quan trọng nhất phản ánh thực trạng kinh tế của một quốc gia và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên thực tiễn, quy trình này đã được kiểm nghiệm; khắc phục được tình trạng chênh lệch số liệu GDP và GRDP giữa Trung ương với địa phương; chất lượng số liệu được nâng cao; bảo đảm kỳ hạn biên soạn và công bố số liệu GDP và GRDP theo quy định; nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ, ngành và địa phương trong việc biên soạn và công bố số liệu GDP, GRDP; bảo đảm tính đồng bộ và hệ thống, tính kết nối ở các khâu của quy trình; bảo đảm tính phù hợp giữa số liệu GDP, GRDP và các chỉ tiêu khác có liên quan như: Giá trị sản xuất (GO), chi phí trung gian (IC), giá trị tăng thêm (VA), chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, thuế sản xuất và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác. Nghị định cần quy định nhằm bảo đảm tính chính xác, minh bạch trong quá trình biên soạn số liệu GDP, GRDP; làm rõ trách nhiệm của cơ quan thống kê Trung ương và cơ quan thống kê cấp tỉnh, cũng như trách nhiệm phối hợp của thống kê Bộ, ngành liên quan đến việc cung cấp và sử dụng các thông tin thống kê cho công tác biên soạn GDP, GRDP thường xuyên và định kỳ.

Quy trình biên soạn GDP, GRDP phải được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc: Bảo đảm thực hiện tập trung, thống nhất tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê), bảo đảm tính thống nhất và minh bạch trong biên soạn, công bố số liệu GDP, GRDP; đáp ứng việc tiếp cận, khai thác, sử dụng số liệu GDP, GRDP dễ dàng, thuận tiện và bình đẳng; bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống và kết nối ở tất cả các bước của quy trình biên soạn; bảo đảm tính logic, tương thích, phù hợp giữa số liệu GDP, GRDP và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác.
  1. Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định quy định chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia.
Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia được thực hiện để thu thập thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Nội dung chế độ báo cáo thống kê gồm mục đích, phạm vi thống kê, đối tượng áp dụng, đơn vị báo cáo, đơn vị nhận báo cáo, ký hiệu biểu, kỳ báo cáo, thời hạn nhận báo cáo, phương thức gửi báo cáo và các biểu mẫu kèm theo giải thích biểu mẫu báo cáo thống kê cụ thể.

Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia phải được xây dựng trên cơ sở:

Bảo đảm đáp ứng đầy đủ thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia: Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia phải đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành được phân công, bao gồm những chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia mà Bộ, ngành có trách nhiệm chính trong việc thu thập, tổng hợp.

Bảo đảm tính khả thi: Tính khả thi được thể hiện ở các mặt: Có thể thực hiện được trong thực tế; phù hợp với tổ chức và nguồn nhân lực của thống kê Bộ, ngành; bảo đảm khai thác tối đa thông tin thống kê từ hồ sơ hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực phụ trách. Tính khả thi còn được thể hiện ở mức độ chi tiết của phân tổ chính, kỳ cung cấp và phân công thu thập.

Bảo đảm tính thống nhất: Bảo đảm tính thống nhất về chỉ tiêu, biểu mẫu, phương pháp tính, bảng phân loại, đơn vị đo lường, niên độ thống kê; không trùng lặp, chồng chéo giữa 2 kênh thông tin Bộ, Ngành và thông tin thuộc Hệ thống tổ chức thống kê tập trung.

Bảo đảm tính so sánh: Bảo đảm so sánh về thời gian, không gian; bảo đảm so sánh số liệu thống kê qua các thời kỳ và bảo đảm so sánh với các nước trên thế giới.

Bảo đảm tính kịp thời: Bảo đảm tính kịp thời của số liệu thống kê: Biểu thị độ trễ về thời gian giữa thời kỳ hay thời điểm số liệu thống kê phản ánh với thời điểm công bố số liệu; bảo đảm ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truyền đưa, nhận báo cáo.
  1. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chương trình điều tra thống kê quốc gia.
  • Khoản 1 Điều 28 Luật số 89 quy định:“Chương trình điều tra thống kê quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định, được tiến hành định kỳ nhằm thu thập thông tin chủ yếu để tổng hợp các chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Chương trình điều tra thống kê quốc gia gồm tên cuộc điều tra, mục đích, đối tượng, đơn vị, loại điều tra, nội dung điều tra, thời kỳ, thời điểm điều tra và cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện”.
  • Việc xây dựng Chương trình điều tra thống kê quốc gia được xây dựng dựa trên các nguyên tắc sau:
Bảo đảm tính phù hợp: Chương trình điều tra thống kê quốc gia đáp ứng nhu cầu thông tin của hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia đã được quy định trong Luật số 01 và Nghị định quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP), chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP).

Bảo đảm tính khả thi: Các cuộc điều tra thống kê trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia phải bảo đảm thực hiện được trong thực tế, phù hợp với trình độ hạch toán, ghi chép, kê khai, cung cấp của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình (hộ dân cư), giảm gánh nặng cho người cung cấp thông tin, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả của hoạt động thống kê.

Bảo đảm tính không trùng lặp: Tránh sự trùng lặp, chồng chéo giữa các hình thức thu thập thông tin qua chế độ báo cáo thống kê và thu thập qua sử dụng dữ liệu hành chính. Đồng thời không trùng lặp giữa cuộc điều tra thống kê do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) thực hiện và các cuộc điều tra do Bộ, ngành thực hiện.

Bảo đảm tính kế thừa: Các cuộc điều tra thống kê thu thập thông tin để biên soạn, tổng hợp các chỉ tiêu 
thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật số 01 và Nghị định số 97/2016/NĐ-CP quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia sẽ được kế thừa và cải tiến để phù hợp với thực tiễn.
  1. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
  • Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được ban hành phải đáp ứng nhu cầu thông tin của Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và yêu cầu quản lý, điều hành kinh tế - xã hội của các cơ quan Đảng và chính quyền địa phương các cấp; bảo đảm tính thống nhất về tên chỉ tiêu, phương pháp tính, phân tổ chủ yếu, kỳ công bố, cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp giữa các hệ thống chỉ tiêu thống kê; bảo đảm tính so sánh giữa các địa phương trên phạm vi cả nước và bảo đảm tính khả thi về nguồn số liệu và nguồn lực thực hiện.
  • Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được xây dựng dựa trên các nguyên tắc sau:
Đáp ứng nhu cầu thông tin của Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và yêu cầu quản lý, điều hành kinh tế- xã hội của các cơ quan Đảng và chính quyền địa phương các cấp; Bảo đảm tính thống nhất về tên chỉ tiêu, phương pháp tính, phân tổ chủ yếu, kỳ công bố, cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp giữa các hệ thống chỉ tiêu thống kê; Bảo đảm tính so sánh giữa các địa phương trên phạm vi cả nước; Bảo đảm tính khả thi về nguồn số liệu và nguồn lực thực hiện; Bảo đảm tính phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các ngành, các cấp.

Bên cạnh đó, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần ban hành theo thẩm quyền: Thông tư quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư; Thông tư quy định chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư; Thông tư quy định chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngoài ra, Bộ, ngành cần cập nhật, sửa đổi, bổ sung và ban hành theo thẩm quyền hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành và chế độ báo cáo thống kê bộ, ngành phù hợp với hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia mới để thu thập thông tin thống kê phục vụ quản lý điều hành của Bộ, ngành và hình thành hệ thống thông tin thống kê bộ, ngành./.
 

Nguyễn Đình Khuyến

Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Phương pháp chế độ và Quản lý chất lượng thống kê - TCTK
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top