Hoàn thiện thể chế tạo tiền đề cho công cuộc đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới của dân tộc

12/03/2025 - 04:30 PM
Năm 2024 là năm Việt Nam có sự bứt phá mạnh mẽ về thể chế với việc Quốc hội thông qua 31 luật, 42 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật và xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Hoàn thiện thể chế tiếp tục là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá của năm 2025 để giải quyết những điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực và cải cách hành chính mạnh mẽ, kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển và tạo lập những yếu tố nền tảng để đất nước có thể “cất cánh”.
 
Từ khóa: Thể chế, hoàn thiện, đột phá, phát triển
 
In 2024, Vietnam made significant breakthroughs in institutional reforms with the National Assembly passing 31 laws and 42 resolutions; providing initial opinions on 11 draft laws and reviewing and deciding on many important national issues. Completing the institutional framework continues to be one of the key, breakthrough tasks and solutions for 2025 to address bottlenecks, unlock all resources, and implement strong administrative reforms, creating a favorable environment for development and establishing foundational elements for the country to “take off.”
 
Keywords: Institution, improvement, breakthrough, development
 

Năm bứt phá mạnh mẽ về thể chế

Nghị quyết số 27 Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng khóa 13 xác định một trong các mục tiêu và giải pháp quan trọng là xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, mở không gian cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững. Đồng thời, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định nguyên tắc trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là phải bảo đảm khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện; bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính.
 
Nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, Nghị quyết của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước; giải quyết những vấn đề có tính tất yếu khách quan đặt ra từ thực tiễn, Chính phủ và Quốc hội đã tập trung tháo gỡ, khơi thông điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, vốn được coi là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn” với tinh thần cải cách, quyết tâm mạnh mẽ, đổi mới về tư duy xây dựng pháp luật và quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Qua đó, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, ổn định, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề, chuẩn bị về mọi mặt để đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
 
Năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành kịp thời rà soát hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua 31 luật (nhiều hơn tổng số 30 luật được ban hành trong 3 năm trước đó - 3 năm đầu của nhiệm kỳ), 42 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật, chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, cho phép các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 để thúc đẩy nền kinh tế; ban hành và chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, đặc biệt là các luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
 
Riêng tại Kỳ họp họp thứ 8 Quốc hội khóa 15 diễn ra cuối năm 2024, Quốc hội đã khẩn trương, quyết liệt đẩy mạnh đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới, cải tiến để quyết tâm nâng cao chất lượng xây dựng và hoàn thiện pháp luật và đã biểu quyết thông qua 18 luật, xem xét, thông qua 21 nghị quyết, trong đó có 4 nghị quyết quy phạm pháp luật. Quốc hội cũng cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác.
 
Trong số các văn bản luật được thông qua, có một số luật mà số lượng điều luật, nội dung vừa nhiều (đơn cử như Luật Địa chất và Khoáng sản với hơn 83 nội dung), vừa khó (như Luật Dữ liệu), vừa đòi hỏi cao về tiến độ (như Luật sửa đổi một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam - có hiệu lực từ 01/12/2024; Luật sửa 9 luật - có hiệu lực từ 01/01/2025; Luật sửa 4 luật - có hiệu lực từ ngày 15/01/2025…), vừa quy định nhiều chính sách mới, đặc thù, các nhiệm vụ, quyền hạn mới theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các cơ quan (Luật Đầu tư công, Luật Điện lực).
 
Điều đáng nói là việc xây dựng luật theo hướng chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực với tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh tạo cơ chế “xin-cho”; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể…
 
Đơn cử như Luật Đầu tư công (sửa đổi) được thông qua năm 2024 vừa qua, có hiệu lực từ tháng 01/01/2025, đã cụ thể hóa 05 nhóm chính sách lớn là: (i) Thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù; (ii) Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; (iii) Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; (iv) Thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn nước ngoài; (v) Đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Luật Đầu tư công (sửa đổi) được đánh giá là chính sách đột phá, nhằm kịp thời tháo gỡ ngay những khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, qua đó giải phóng nguồn lực đầu tư công, đáp ứng yêu cầu phát triển, thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là đột phá về kết cấu hạ tầng trong thời gian tới. Đồng thời, với tầm nhìn dài hạn, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới như quản lý và sử dụng dữ liệu, phát triển công nghiệp công nghệ số, phát triển điện hạt nhân và điện gió ngoài khơi... Luật sẽ tạo khuôn khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội.
 
Bên cạnh đó ban hành lượng lớn văn bản Luật, Nghị định, năm 2024, nhiều vấn đề quan trọng cũng được xem xét, quyết định, nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy tối đa nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới.
 
Ví dụ như, Quốc hội đã điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương;... Đặc biệt, Chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được phê duyệt là minh chứng rõ ràng cho tư duy đổi mới trong phát triển hạ tầng quốc gia, không tiếp cận đơn lẻ, cục bộ mà được hoạch định trên góc nhìn tổng thể, kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Đây không chỉ là một công trình giao thông mà còn là biểu tượng của khát vọng, tinh thần đổi mới và hành động quyết liệt, sẵn sàng vượt qua thách thức để mở ra cơ hội lớn cho đất nước.
 
Hoàn thiện thể chế tạo tiền đề cho công cuộc đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới của dân tộc
Năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành kịp thời rà soát hoàn thiện,
trình Quốc hội thông qua 31 luật ,nhiều hơn tổng số 30 luật được ban hành trong 3 năm trước đó
- 3 năm đầu của nhiệm kỳ

 
Cùng với đó, nhiều cơ chế, chính sách để giải quyết kịp thời các vấn đề quốc kế dân sinh, tháo gỡ nhanh nhất các khó khăn, điểm nghẽn liên quan đến cơ chế, chính sách, các dự án, đất đai, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, giải phóng các nguồn lực, hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn như: Luật Bảo hiểm Y tế (sửa đổi) quy định từng bước liên thông, thông tuyến trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; giảm thuế giá trị gia tăng, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030…
 
Ngoài ra, Quốc hội đã cho phép sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và có sự đồng thuận cao về chủ trương xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho vấn đề mới, vấn đề mang tính chất thời đại như phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia (chủ trương khởi động lại việc đầu tư dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận), trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh... tạo đột phá cho phát triển đất nước những năm tiếp theo.

Tạo lập nền tảng để cất cánh
 
Có thể nói, khát vọng về một Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hiện đại, sớm gia nhập nhóm nước phát triển có thu nhập cao đang cháy bỏng hơn bao giờ hết. Hoàn thiện thể chế tiếp tục là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá của năm 2025 để giải quyết những điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực và cải cách hành chính mạnh mẽ, kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển và tạo lập những yếu tố nền tảng để đất nước có thể “cất cánh”.
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ xác định trong năm nay sẽ tập trung thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và sẽ trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua 38 dự án luật; trong đó sửa đổi, bổ sung một số luật quan trọng như Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và tích cực tham gia hoàn thiện Luật Tổ chức Quốc hội… Bên cạnh đó, xây dựng thể chế, tạo khung khổ pháp lý phát triển nhanh, lành mạnh các loại thị trường: Tài chính, chứng khoán, khoa học công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, lao động, bất động sản...
 
Tháng 12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”. Nghị quyết 57 được xem như “Khoán 10” của thế kỷ 21, khi đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, mang tính đột phá và chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu Ban cán sự đảng Chính phủ cần phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện đúng tiến độ xây dựng 27 luật và 19 nghị định trong năm 2025, đảm bảo thể chế hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và ban hành sớm văn bản hướng dẫn để các quy định mới sớm đi vào thực tiễn. Hoàn thiện thể chế phải đi đôi với tổ chức thực hiện hiệu quả, có cơ chế giám sát và đánh giá chặt chẽ, nhất là với đội ngũ cán bộ thực thi. Loại bỏ ngay tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh” và loại bỏ tư duy nhiệm kỳ, đố kỵ, hay bình quân chủ nghĩa…
 
Nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST và CĐS), Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động đề ra 41 nhóm chỉ tiêu và 7 nhóm nhiệm vụ với 140 nhiệm vụ cụ thể, trong đó nhóm nhiệm vụ thứ hai - nhóm nhiệm vụ đặc biệt quan trọng - được nhắc đến là khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS với 28 nhiệm vụ cụ thể.
 
Theo đó, năm 2025, Chính phủ sẽ tập trung xây dựng dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Luật Công nghiệp công nghệ số trình Quốc hội thông qua và xây dựng các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật. Đồng thời, Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các Luật liên quan để góp phần thúc đẩy KHCN, ĐMST và CĐS. Xây dựng cơ chế thử nghiệm, đặc thù trong lĩnh vực KHCN, ĐMST và CĐS, trình Quốc hội thông qua; trong đó có cơ chế đặc thù về đầu tư, đầu tư công, mua sắm công cho sản phẩm, dịch vụ số theo trình tự thủ tục rút gọn; cơ chế thí điểm thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước (sandbox); triển khai thực hiện theo phương thức “vừa thiết kế, vừa thi công”… Cùng với đó, ban hành quy định Quỹ đầu tư mạo hiểm và các cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo để tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
 
Với tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân, phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt, tất cả vì sự phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội của đất nước và phát triển nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, chắc chắn hệ thống thể chế Việt Nam sẽ ngày càng hoàn thiện, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, tạo tiền đề cho công cuộc đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới của dân tộc./.
 

Tài liệu tham khảo:

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chuyên đề “Tháo gỡ những điểm nghẽ, nút thắt về thể chế” tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.
 
Bích Ngọc
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top