Hoạt động doanh nghiệp qua kết quả TĐT Kinh tế 2017

20/05/2019 - 02:42 PM
Kết quả cuộc TĐTKT năm 2017 cho thấy, khu vực doanh nghiệp giai đoạn 2012-2016 đã không chỉ tăng về số lượng, còn tham gia sản xuất kinh doanh ngành nghề mới, đẩy mạnh tái cơ cấu, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Theo đó, tính đến thời điểm 01/01/2017, cả nước có số doanh nghiệp 517,9 nghìn doanh nghiệp (DN), trong đó tổng số DN thực tế đang hoạt động điu tra được505,1 nghìn DN và 12,86 nghìn DN đã đăngnhưng đang đầu tư, chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong tổng số doanh nghiệp, 10,1 nghìn DN lớn, tăng 29,6% (tăng gần 2,3 nghìn DN) so với thời điểm 01/01/2012 chiếm tỷ lệ khiêm tốn với 1,9%; số doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ (DNVVN) là 507,86 nghìn DN (Căn cứ vào tiêu chí về số lao động theo Nghị định số 56/2009/NĐ- CP ngày 30 tháng 6 năm 2009), tăng 52,1% (tương đương 174 nghìn DN) so với thời điểm 01/01/2012, chiếm 98,1%; trong đó DN vừa có gần 8,5 nghìn DN, tăng 23,6% (tương đương gần 1,6 nghìn DN), chiếm 1,6%; DN nhỏ 114,1 nghìn DN, chiếm 22,0%, tăng 21,2% (tương đương gần 20 nghìn DN) và DN siêu nhỏ là 385,3 DN, chiếm cao nhất với 74,4%, tăng 65,5% (tương đương 152 nghìn DN).
 
Trong đó, DN tập trung nhiều nhất ở vùng Đông Nam Bộ với gần 216,2 nghìn DN, chiếm tới 41,7% tổng số DN của cả nước. Vùng Đồng bằng sông Hồng đứng thứ 2 với 161 nghìn DN, chiếm 31,1%, lao động đạt gần 4,6 triệu người, chiếm 32,5%. Vùng Tây Nguyên có ít DN nhất với 13,3 nghìn DN, chiếm 2,6%.
 
Cũng theo kết quả TĐT, số lượng DNVVN tăng nhanh trong giai đoạn 2012-2017 nhưng số lao động của khối DN này lại tăng thấp hơn so với khối DN lớn. Bình quân năm giai đoạn 2012-2017, số DNVVN tăng 8,8% cao hơn mức tăng bình quân của DN lớn là 5,3%. Tuy nhiên, lao động trong các DN lớn tăng nhanh hơn so với các DNVVN. Số liệu thống kê cho thấy, số lao động hiện đang làm việc trong các DN lớn tăng 33,8%, trong khi con số này của DNVVN chỉ tăng 22,1% so với thời điểm 01/01/2012; bình quân năm giai đoạn 2012-2017 lao động trong DN lớn tăng 6% và DNVVN chỉ tăng 4,1%.
 
Xét theo loại hình DN, số lượng DN nhà nước (DNNN) giảm 18,4% và lao động cũng giảm tới 23,1% so với thời điểm 01/01/2012. Bình quân giai đoạn 2012-2017 mỗi năm giảm 4,0% về số lượng DN và 5,1% về số lượng lao động. Điều này cho thấy chủ trương cổ phần hóa, sắp xếp lại các DNNN đã có tiến triển nhưng quá trình thực hiện còn khá chậm. Ngược lại, số lượng doanh nghiệp FDI tăng tới 54,0% và lao động tăng tới 62,8% so với thời điểm 01/01/2012; bình quân năm giai đoạn 2012-2017, số lượng doanh nghiệp FDI tăng 9,0% và lao động tăng 10,2%, cao hơn 2 lần so với DNNN. DN ngoài nhà nước cũng có tốc độ tăng khá, tại thời điểm 01/01/2017, số lượng tăng 52,3% và lao động tăng 27,9%; bình quân năm giai đoạn 2012-2017, số lượng tăng 8,8% và lao động tăng 5%.

 
Biểu đồ 1. Tăng trưởng về số lượng DN và lao động năm 2017 so với năm 2012

Hoạt động doanh nghiệp qua kết quả TĐT Kinh tế 2017


Xét theo khu vực kinh tế, tại thời điểm 01/01/2017, số lượng DN hoạt động trong khu vực dịch vụ tăng cao nhất với 57,1% (tương đương gần 132 nghìn DN) và lao động tăng 31,5% (khoảng 1,1 triệu lao động) so với thời điểm 01/01/2012. Trong đó, số lượng DN hoạt động trong ngành bán buôn, bán lẻ và sửa chữa tăng nhiều nhất với gần 69,2 nghìn DN (chiếm 51,6%), và 375 nghìn lao động (chiếm 24,5%); tương ứng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn khoa học và công nghệ tăng 17,3 nghìn DN (59,8%) và lao động tăng 85 nghìn người (24,6%). Bên cạnh đó DN hoạt động trong ngành khai khoáng giảm 57 DN (tương đương 1,9%) và lao động cũng giảm 25,8 nghìn người (tương ứng 13%), số lượng lao động trong các DN hoạt động trong ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm mạnh với 66,6 nghìn người (33,3%), trong khi đó số lượng DN lại tăng 287 DN (25,3%). Số lượng lao động làm việc trong các DN hoạt động trong ngành nông nghiệp cũng giảm khoảng 1,1 nghìn người (0,4%), trong khi số DN vẫn tăng hơn 1 nghìn DN (27,5%).

 
Biểu đồ 2. Cơ cấu số lượng DN và lao động theo khu vực kinh tế

Hoạt động doanh nghiệp qua kết quả TĐT Kinh tế 2017 1
 
Kết quả TĐT cũng cho thấy, mặc dù số lượng DNNN chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn trong tổng số DN, chỉ với 0,5% nhưng nguồn vốn của khu vực DN này chiếm tới 28,4% tổng nguồn vốn của toàn bộ khu vực DN, cao hơn cả nguồn vốn của khu vực DN FDI (chiếm 18,1%), các DN ngoài nhà nước chiếm 53,5% tổng nguồn vốn nhưng số lượng các DN thuộc loại hình này chiếm tới 96,7% tổng số DN. Có điểm đáng chú ý là, mặc dù nguồn vốn của khu vực DNNN chiếm tỷ trọng lớn, song xét về cơ cấu lại chủ yếu là vốn vay. Vốn chủ sở hữu của khu vực DN này so với tổng nguồn vốn chỉ chiếm 23,2%, trong khi tỷ lệ này của khu vực DN ngoài nhà nước là 30,7% và của khu vực DN FDI là 39,6%.
 
Nguồn vốn bình quân trên một DN năm 2016 đạt 51,6 tỷ đồng/DN, tăng 5,8 tỷ đồng/DN so với năm 2011. Trong đó, nguồn vốn bình quân trên 1 DN của loại hình DNNN ở mức cao nhất với 3 nghìn tỷ đồng/DN, nhiều hơn 97,5 lần so với loại hình DN ngoài nhà nước và 8,3 lần so với DN FDI. Nguồn vốn bình quân của 1 DNNN tăng cao nhất với khoảng 2 lần so với 2011, trong khi đó của DN ngoài nhà nước là 1,2 lần và của DN FDI là 1,3 lần.
 
Theo khu vực kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng có quy mô nguồn vốn bình quân trên 1 DN ở mức cao nhất, năm 2016 là 63,7 tỷ đồng/DN, cao hơn nhiều so với mức 49 tỷ đồng/DN của năm 2011. Nguồn vốn bình quân trên 1 DN của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ở vị trí thứ 2 với 55,3 tỷ đồng/DN (năm 2011 là 41,8 tỷ đồng/DN), thấp nhất là khu vực dịch vụ với nguồn vốn bình quân 1 DN năm 2016 là 46,5 tỷ đồng, tăng không nhiều so với năm 2011 (44,3 tỷ đồng/DN).
 
Doanh thu thuần của khu vực doanh nghiệp năm 2016 đạt 17.858 nghìn tỷ đồng, tăng 71,6% (7.450 tỷ đồng) so với năm 2011, doanh thu thuần bình quân năm giai đoạn 2011-2016 tăng 11,4% (tương đương 1.400 nghìn tỷ đồng). Khu vực DN ngoài nhà nước có doanh thu thuần tăng 78,8% (tương đương 4.402 nghìn tỷ đồng) so với năm 2011 và chiếm tỷ trọng nhiều nhất, với 55,9% tổng doanh thu thuần của toàn bộ khu vực DN; doanh thu thuần bình quân năm giai đoạn 2011-2016 khu vực này đạt cao nhất, với 880,5 nghìn tỷ đồng (tăng 12,3%). Khu vực DN FDI có doanh thu thuần tăng mạnh nhất với 134,5%, chiếm 27,4% tổng doanh thu thuần, doanh thu thuần bình quân năm đạt 560,7 nghìn tỷ đồng (tăng 18,6%). Tỷ trọng doanh thu thuần thấp nhất là khu vực DNNN chỉ chiếm 16,7%, doanh thu thuần của khu vực DN này tăng thấp nhất với 244 nghìn tỷ đồng (tăng 8,9%), doanh thu thuần bình quân năm tăng 1,7% (tương đương 48,8 nghìn tỷ đồng).
 
Trong năm 2016, mặc dù số lượng DNNN ít nhưng thuế và các khoản đã nộp ngân sách bình quân trên một DN của khu vực DNNN đạt cao nhất với 104 tỷ đồng/DN, cao hơn rất nhiều so với DN FDI là 18 tỷ đồng/ DN và DN ngoài nhà nước là 1 tỷ đồng/DN. Mức thuế và các khoản đã nộp ngân sách của các DN lớn chiếm tới 67,5%, các DN nhỏ chiếm 19,4%, còn lại là các DN vừa và DN siêu nhỏ. Xét theo quy mô DN thì mức thuế và các khoản đã nộp ngân sách bình quân trên một DN ở các DN lớn đạt 57,8 tỷ đồng/DN, DN vừa là 8 tỷ đồng/DN và DN siêu nhỏ đóng góp ít nhất với 122 triệu đồng/DN.
 
Có thể thấy, ở mỗi loại hình doanh nghiệp với mô hình hoạt động và hiệu quả kinh doanh khác nhau, song nhìn chung với những đóng góp to lớn vào quy mô phát triển nền kinh tế và sự thay đổi tích cực về chất của khu vực doanh nghiệp thời gian qua, hoàn toàn có cơ sở để khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam đang và sẽ trở thành đội quân chủ lực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước./.
Thu Hòa
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top