Hà Nam: Các tổ chức tín dụng tích cực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh

03/04/2023 - 09:07 PM

Được ví như là “mạch máu” của nền kinh tế, những năm qua, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh để triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay, cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau đại dịch. Bên cạnh đó, các TCTD trên địa bàn cũng chú trọng đầu tư tầng, ứng dụng công nghệ CNTT vào các hoạt động và đa dạng hóa các dịch vụ, đẩy nhanh quá trình xây dựng kinh tế số.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú trao Cờ Thi đua của Chính phủ năm 2022 cho NHNN chi nhánh Hà Nam


Đảm bảo an toàn và không ngừng phát triển

Theo ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Nam cho biết: Hai năm trở lại đây, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức, song hoạt động của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Hà Nam vẫn có nhiều khởi sắc và đạt được những kết quả đáng trân trọng. Trong đó, công tác đảm bảo an toàn hoạt động được xem là điểm sáng trong hoạt động của các ngân hàng và các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh. Theo đó, để có được sự ổn định và an toàn trong toàn hệ thống, NHNN Chi nhánh Hà Nam đã triển khai các Kế hoạch thanh tra định kỳ, đột xuất đối với các TCTD trên địa bàn, tập trung vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tiêu cực và được dư luận xã hội quan tâm như: Thanh tra hoạt động cấp tín dụng, cơ cấu lại, xử lý nợ xấu.... qua đó kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đồng thời tăng cường theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

Không chỉ đảm bảo an toàn, các TCTD cũng tăng cường đầu tư vào phát triển mạng lưới, hạ tầng công nghệ để triển khai các dịch vụ ngân hàng đặc biệt là dịch vụ thanh toán, đồng thời đẩy mạnh cung ứng vốn tín dụng góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Đến thời điểm cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 34 đơn vị đầu mối các TCTD, trong đó, có 22 chi nhánh ngân hàng, (bao gồm cả 02 chi nhánh ngân hàng nước ngoài là Wooribank và Shinhanbank) và 12 quỹ tín dụng nhân dân. Bên cạnh đó, các TCTD cũng quan tâm mở rộng mạng lưới, đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, cung cấp sản phẩm dịch vụ hiện đại đến người dân như: eKYC, livebank, đặt chỗ giao dịch trực tuyến, thanh toán quét mã QR Code, chuyển đổi thẻ từ sang thẻ gắn chíp, thẻ không tiếp xúc...

Đẩy mạnh triển khai thanh toán bằng mã QR tại các trung tâm
dịch vụ cộng, các đơn vị sự nghiệp y tế, giáo dục trên địa bàn tỉnh

 

Đối với hoạt động tín dụng, tính đến 31/12/2022, doanh số cho vay lũy kế của các TCTD trên địa bàn đạt 100.543 tỷ đồng; doanh số thu nợ lũy kế đạt 93.119 tỷ đồng; dư nợ đạt hơn 65.000 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 12,89%; chất lượng tín dụng của các TCTD được kiểm soát tốt; nợ xấu nội bảng chiếm 1,04% tổng dư nợ (định hướng dưới 3%). Nhìn chung, hoạt động của hệ thống TCTD trên địa bàn góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn.

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh

Không chỉ hoàn thành các kết quả kinh doanh, các TCTD trên địa bàn còn tham gia tích cực để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cùng vượt qua giai đoạn khó khăn trong phát triển kinh tế, thiên tai, dịch bệnh. Trong giai đoạn 2020 -2021, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và giá cả thị trường tăng cao, công tác chỉ đạo các TCTD luôn được NHNN Chi nhánh Hà Nam hết sức quan tâm chú trọng, vừa đảm bảo triển khai thực hiện các chính sách một cách kịp thời, hiệu quả, đồng thời giúp các TCTD trên địa bàn tăng trưởng được dư nợ, đảm bảo an toàn vốn. Hàng năm, NHNN Chi nhánh Hà Nam còn chủ động phối hợp với Hội sở chính các Ngân hàng thương mại để chỉ đạo các chi nhánh trực thuộc trên địa bàn Hà Nam triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng trên địa bàn.

Các ngân hàng trên địa bàn Hà Nam tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp
nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh. Ảnh: Lê Tiến

 

Tuân thủ sự điều hành về lãi suất của NHNN, các TCTD trên địa bàn tỉnh cũng kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận, tiết giảm chi phí, thậm chí giảm lương, thưởng để tập trung giảm lãi suất cho vay với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới. Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất cho vay trên địa bàn liên tục giảm trong các năm 2020, 2021 (tương ứng từ 0,8%, 1,5%). Đến cuối năm 2022, mặt bằng lãi suất có cao hơn theo sự điều hành của NHNN Việt Nam nhưng dư nợ cho vay theo các mức lãi suất từ 7 -11% vẫn chiếm trên 75%, dư nợ cho vay với lãi suất trên 13%/năm chỉ chiếm tỷ trọng 4,36%. Trong năm 2022. NHNN Chi nhánh Hà Nam đã tham mưu UBND tỉnh Hà Nam ban hành văn bản chỉ đạo triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Nghị định 36/2022/NĐ-CP để đảm bảo sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cùng với ngành Ngân hàng tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ưu tiên nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn

Luôn đồng hành với sự phát triển của địa phương, các TCTD trên địa bàn tỉnh cũng dành nguồn vốn ưu đãi cho vay theo các chương trình, dự án để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong nhiệm kỳ này như: Phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo; tái cơ cấu nông nghiệp; đặc biệt chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Theo đó, để định hướng cho các TCTD, NHNN Chi nhánh Hà Nam đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030.

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chính sách
tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn
giữa Agribank chi nhánh Hà Nam II và Hội Nông dân tỉnh Hà Nam

 

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, NHNN tỉnh đã chỉ đạo các TCTD chủ động tiếp cận, xem xét cung ứng kịp thời nhu cầu vốn, hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP; tranh thủ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp chính quyền địa phương để triển khai đồng bộ các giải pháp, phấn đấu tăng trưởng tín dụng tốt tại địa bàn các xã trong tỉnh. Gần đây, trong năm 2023, NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Nam cũng đã chủ động phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; phối hợp trao đổi thông tin với các hợp tác xã đang hoạt động trên địa bàn tỉnh để nắm bắt những khó khăn vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của các hợp tác xã trong quan hệ với các TCTD. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai công tác đầu tư tín dụng, cung ứng các tiện ích, dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn.

Thời gian tới, tình hình kinh tế nói chung, hoạt động ngân hàng nói riêng được dự báo vẫn còn khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, ngành Ngân hàng Hà Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, UBND các huyện thành phố để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Hà Nam./.

Agribank Chi nhánh Hà Nam II: Vì sứ mệnh phục vụ “Tam nông”

Agribank Chi nhánh Hà Nam II (gọi tắt là Chi nhánh) được thành lập từ năm 2019, theo chủ trương điều chỉnh sắp xếp lại mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Từ đó tới nay, Agribank Chi nhánh Hà Nam II giữ vững truyền thống và thế mạnh là ngân hàng tiên phong triển khai nghiêm túc các chương trình tín dụng ưu đãi của của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước và của Agribank nhằm hỗ trợ tối đa cho sự phát triển nông nghiệp của tỉnh Hà Nam như chương trình cho vay theo Nghị định 55 của Chính phủ; Đề án cho vay liên kết bốn nhà Chính quyền - Nhà nông - Doanh nghiệp - Ngân hàng trong việc chăn nuôi bò sữa, chăn nuôi lợn, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi;…

Trong nhiều năm liền, cho vay nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm trên 70% trong tổng dư nợ của Chi nhánh (cao hơn so với tỷ lệ bình quân chung của cả tỉnh). Các chính sách tín dụng ưu đãi này đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa tại các địa phương, hỗ trợ việc đổi mới công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, khuyến khích thu hút doanh nghiệp liên kết người dân để sản xuất theo công nghệ cao và chuỗi giá trị. Nhờ tiếp cận được nguồn tín dụng ưu đãi của Agribank, cùng với sự hỗ trợ hướng dẫn của ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương, người nông dân ở huyện Bình Lục, Thanh Liêm… được trang bị kỹ năng tổ chức, quản lý sản xuất, học tập và chuyển giao kỹ thuật khoa học giúp họ sử dụng vốn vay có hiệu quả, góp phần để khu vực nông thôn đổi thay từng ngày. 

Để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, trong năm vừa qua, Ban Giám đốc Chi nhánh đã bám sát chỉ đạo từ ngân hàng cấp trên triển khai nghiêm túc và có hiệu quả các giải pháp trọng tâm nhằm tăng trưởng dư nợ, nâng cao năng lực tài chính, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Nhờ vậy, chi nhánh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kinh doanh năm 2022, vượt 6/6 chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó, nguồn vốn huy động tiếp tục tăng trưởng ổn định, đạt 8.531 tỷ, chiếm khoảng 13,5% thị phần trên địa bàn tỉnh, cơ cấu nguồn vốn được chuyển dịch theo hướng bền vững, tăng tập trung ở dải kỳ hạn từ 06 đến 12 tháng. Dư nợ tăng trưởng ổn định (sớm ngay từ đầu năm), nguồn vốn cho vay tập trung vào sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên và có mức độ rủi ro thấp. Tính đến cuối năm, tổng dư nợ của Chi nhánh đạt 6.862 tỷ đồng, tăng trưởng 19,1% so với năm trước và chiếm 10,55% thị phần toàn tỉnh. Chất lượng tín dụng được kiểm soát (chiếm 1,31% tổng dư nợ năm 2022), việc thu hồi nợ đạt được kết quả khả quan. Các dịch vụ (ngoài tín dụng) như: E-banking, dịch vụ thẻ, dịch vụ bảo lãnh, thu hộ hóa đơn điện, nước, viễn thông đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu dịch vụ năm 2022 đạt 26,5 tỷ đồng./.

Trịnh Long


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top