Ngày 05 tháng 01 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 02/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số. Theo đó, Tổng cục Thống kê phối hợp với Ủy ban dân tộc đã thực hiện 2 cuộc Điều tra vào năm 2015 và năm 2019. Năm 2024, Tổng cục Thống kê tiếp tục thực hiện cuộc Điều tra lần thứ Ba.
Ngày 14 tháng 7 năm 2023, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) ký Quyết định số 628/QĐ-TCTK về Ban hành Phương án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024.
Tổng cục Thống kê xin giới thiệu tới bạn đọc một số nội dung cơ bản của phương án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024.
1. Hỏi: Mục đích của Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 là gì?
Trả lời: Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 được thực hiện nhằm các mục đích sau:
- Thứ nhất, thu thập thông tin về dân số, điều kiện nhà ở của hộ dân tộc thiểu số và các điều kiện kinh tế - xã hội nhằm phản ánh thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số để biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và Hệ thống chỉ tiêu thống kê về công tác dân tộc phục vụ xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2026 - 2030.
- Thứ hai, làm cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về dân tộc thiểu số tại Việt Nam.
2. Hỏi: Cơ quan nào chịu trách nhiệm thực hiện cuộc Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024?
Trả lời: Theo Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 05/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số, Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các bộ ngành, cơ quan liên quan tổ chức điều tra thu thập thông tin.
Ủy ban Dân tộc theo dõi, giám sát, tiếp nhận và sử dụng thông tin, số liệu của cuộc Điều tra từ Tổng cục Thống kê.
3. Hỏi: Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 được thực hiện trong phạm vi nào?
Trả lời: Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 được thực hiện tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 51 tỉnh có xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và 03 tỉnh, thành phố có các xã/phường/thị trấn có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Long An và Hà Tĩnh.
4. Hỏi: Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 thu thập những thông tin gì?
Trả lời: Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 thu thập những thông tin sau:
- Đối với hộ dân tộc thiểu số, sẽ thu thập các các thông tin: Nhân khẩu học của dân số; giáo dục; di cư; hôn nhân; sử dụng bảo hiểm y tế; việc làm; lịch sử sinh và tình hình sử dụng biện pháp tránh thai của nữ từ 10-49 tuổi; thông tin người chết của hộ trong 12 tháng qua; nhà ở và điều kiện sinh hoạt của hộ; đất ở, đất sản xuất của hộ; một số loại gia súc chủ yếu của hộ; tình hình tiếp cận dịch vụ công cộng của hộ.
- Đối với UBND xã, sẽ thu thập các thông tin: Đặc điểm của xã; sử dụng điện, đường, giao thông; trường học và trình độ giáo viên; nhà văn hóa; y tế và vệ sinh môi trường; chợ; trình độ của cán bộ, công chức cấp xã; tôn giáo, tín ngưỡng; mức độ phủ sóng điện thoại và internet.
5. Hỏi: Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 gồm những đối tượng điều tra nào?
Trả lời: Đối tượng Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 bao gồm:
- Một là, hộ dân cư người dân tộc thiểu số. Hộ bao gồm một người ăn riêng, ở riêng hoặc một nhóm người ăn chung và ở chung. Đối với hộ có từ 2 người trở lên, các thành viên trong hộ có thể có hay không có quỹ thu chi chung; có hoặc không có mối quan hệ ruột thịt, hôn nhân hay nuôi dưỡng; hoặc kết hợp cả hai.
- Hai là, nhân khẩu thực tế thường trú tại các hộ dân tộc thiểu số tính đến thời điểm điều tra (bao gồm cả những người thuộc lực lượng vũ trang hiện đang ăn, ngủ tại hộ), không bao gồm những người đang sống trong khu vực quản lý riêng của quân đội và công an;
- Ba là, tình hình kinh tế, an sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục của xã thuộc khu vực III, khu vực II và khu vực I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg và các xã không thuộc các khu vực trên nhưng có địa bàn vùng dân tộc thiểu số tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Long An và tỉnh Hà Tĩnh.
6. Hỏi: Hộ dân tộc thiểu số trong Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 được quy định như thế nào?
Trả lời: Hộ dân tộc thiểu số được quy định trong cuộc Điều tra này là các hộ đáp ứng ít nhất một trong ba điều kiện sau đây: Chủ hộ là người dân tộc thiểu số; vợ hoặc chồng của chủ hộ là người dân tộc thiểu số; hộ có tỷ lệ thành viên là người dân tộc thiểu số chiếm từ 50% trở lên.
7. Hỏi: Trong Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024, tất cả các hộ dân tộc thiểu số có được điều tra không?
Trả lời: Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 là điều tra toàn bộ kết hợp điều tra chọn mẫu.
Điều tra toàn bộ được thực hiện tại tất cả các xã thuộc khu vực III, khu vực II và khu vực I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg và các xã không thuộc các khu vực trên nhưng có địa bàn dân tộc thiểu số được chọn điều tra để thu thập các chỉ tiêu về dân số theo dân tộc thiểu số.
Điều tra chọn mẫu được thực hiện trên phạm vi tương tự như điều tra toàn bộ: Quy mô mẫu được phân bổ bảo đảm mức độ đại diện đến cấp huyện về một số chỉ tiêu nhân khẩu học của các dân tộc nói chung và từng DTTS chủ yếu trong huyện nói riêng.
Riêng đối với dân tộc thiểu số có quy mô dân số dưới 10.000 người trên toàn quốc theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, sẽ tiến hành điều tra toàn bộ những hộ thuộc nhóm dân tộc thiểu số này tại địa bàn vùng dân tộc thiểu số.
8. Hỏi: Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 bắt đầu thực hiện khi nào và sử dụng phương pháp thu thập thông tin gì?
Trả lời: Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 thực hiện bắt đầu từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 đến ngày 15 tháng 8 năm 2024.
Điều tra sử dụng phương pháp thu thập thông tin trực tiếp.
- Đối với Phiếu hộ: Điều tra viên đến từng hộ để hỏi người cung cấp thông tin và ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điều tra điện tử được thiết kế trên thiết bị di động thông minh.
- Đối với Phiếu xã: Điều tra viên đến gặp những người có trách nhiệm cung cấp thông tin của UBND xã để thu thập thông tin và điền vào phiếu điện tử trên Trang thông tin điện tử của cuộc Điều tra.
9. Hỏi: Đối với những người tạm vắng trong suốt thời gian điều tra thì thu thập thông tin như thế nào?
Trả lời: Đối với những người tạm vắng trong suốt thời gian điều tra, điều tra viên có thể hỏi những người khác trong hộ, hoặc dựa vào những tài liệu do người thân hoặc chính quyền cung cấp để ghi phiếu điều tra.
10. Hỏi: Người cung cấp thông tin phiếu hộ và phiếu xã là ai?
Trả lời:
- Đối với Phiếu hộ: Chủ hộ (hoặc người am hiểu về các thành viên trong hộ khi chủ hộ đi vắng) là người cung cấp thông tin về nhân khẩu thực tế thường trú, các trường hợp chết, thông tin về nhà ở và điều kiện sống của hộ.
Đối với những thông tin về thành viên hộ mà chủ hộ không nắm chắc, điều tra viên phỏng vấn trực tiếp thành viên hộ để hỏi các thông tin điều tra.
- Đối với Phiếu xã: Người cung cấp thông tin là Chủ tịch xã, Phó Chủ tịch xã, công chức thống kê - văn phòng xã hoặc người am hiểu về các đặc điểm chung của xã.
11. Hỏi: Khi thu thập thông tin về lao động việc làm, lịch sử sinh, sức khỏe sinh sản, điều tra viên cần phải lưu ý những gì?
Trả lời: Đối với thông tin về lao động việc làm, điều tra viên phải phỏng vấn trực tiếp đối tượng điều tra là người từ 15 tuổi trở lên.
Đối với các thông tin về lịch sử sinh, sức khoẻ sinh sản, điều tra viên phải phỏng vấn trực tiếp đối tượng điều tra là nữ từ 10 - 49 tuổi.
12. Hỏi: Những thông tin cá nhân mà người dân cung cấp cho điều tra viên thống kê có được giữ kín không, có dùng cho các mục đích khác không?
Trả lời: Điều 57 Luật Thống kê quy định về bảo mật thông tin như sau:
1. Các loại thông tin thống kê Nhà nước phải được giữ bí mật gồm: Thông tin gắn với tên, địa chỉ cụ thể của từng tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân đó đồng ý hoặc luật có quy định khác; thông tin thống kê chưa được người có thẩm quyền công bố; thông tin thống kê thuộc danh mục bí mật Nhà nước.
2. Việc bảo mật thông tin thống kê Nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật. Do vậy, thông tin cá nhân mà người dân cung cấp trong Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2024 chỉ được dùng để tổng hợp cho mục đích thống kê chứ không dùng cho bất kỳ mục đích nào khác.
13. Hỏi: Pháp luật hiện hành của nước ta quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê như thế nào?
Trả lời: Theo Điều 33 Luật Thống kê quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được điều tra Thống kê như sau:
1. Tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê có các quyền sau đây: Được thông báo về quyết định, mục đích, yêu cầu, phạm vi, nội dung chủ yếu và thời hạn của cuộc Điều tra; được bảo đảm bí mật thông tin đã cung cấp cho điều tra viên thống kê theo quy định tại Điều 57 của Luật này; khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về điều tra thống kê.
2. Tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê có các nghĩa vụ sau đây: Cung cấp thông tin trung thực, chính xác, đầy đủ và đúng thời hạn theo yêu cầu của điều tra viên thống kê hoặc cơ quan tiến hành điều tra thống kê; không được từ chối hoặc cản trở việc cung cấp thông tin điều tra thống kê; chịu sự kiểm tra của cơ quan tiến hành điều tra thống kê và thanh tra chuyên ngành thống kê về thông tin đã cung cấp.
TỔNG CỤC THỐNG KÊ