Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế sử dụng dữ liệu hành chính phục vụ công tác thống kê dân số

30/11/2022 - 10:54 AM
Ngày 30/11/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế sử dụng dữ liệu hành chính phục vụ công tác thống kê dân số theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) Nguyễn Thị Hương và bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có các Phó Tổng cục trưởng TCTK: Nguyễn Trung Tiến, Lê Trung Hiếu; trên 150 đại biểu đến từ Văn phòng Chính phủ, các bộ, ban ngành, đại sứ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các chuyên gia quốc tế tham gia chia sẻ kinh nghiệm của Cơ quan Thống kê một số quốc gia; lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị thuộc TCTK, các Cục Thống kê địa phương và đông đảo cơ quan thông tấn báo chí.
 
Hội thảo này nằm trong khuôn khổ dự án VNM10P04: “Hỗ trợ các cơ quan Việt Nam trong việc sản xuất, cung cấp và sử dụng dữ liệu, bằng chứng có chất lượng về dân số phục vụ công tác đánh giá, xây dựng và thực hiện các chính sách, chiến lược; chương trình phát triển kinh tế - xã hội và giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam, giai đoạn 2022-2026” do TCTK thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của UNFPA tại Việt Nam.
 
Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế sử dụng dữ liệu hành chính phục vụ công tác thống kê dân số
Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương cho biết, dân số Việt Nam sẽ cán mốc 100 triệu người trong thời gian tới, đây là một dấu mốc quan trọng của đất nước. Với dân số 100 triệu người, Việt Nam sẽ có một nguồn lực lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đồng thời cũng đặt ra yêu cầu và thách thức rất lớn cho công tác quản lý và sử dụng nguồn lực. Trong thời gian qua, Việt Nam luôn quan tâm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư từ nguồn thông tin hành chính. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về dân cư do Bộ Công an chủ trì. Cơ sở dữ liệu này đang được tiếp tục cập nhật, hoàn thiện trong sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các địa phương. Đây là nguồn thông tin quan trọng trong công tác thống kê dân số, đặc biệt là trong việc biên soạn các chỉ tiêu về dân số, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Trong bối cảnh thống kê Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong khai thác, sử dụng nguồn dữ liệu này, hội thảo hôm nay cho phép TCTK tiếp cận những kinh nghiệm, kiến thức quý giá từ các chuyên gia, các nhà khoa học trong việc tổng kết thực tiễn triển khai của các quốc gia, khu vực trên thế giới. Bà hy vọng các cơ quan, bộ, ngành, đồng nghiệp tại Việt Nam học hỏi được nhiều kiến thức, cách thức phối hợp để cùng nhau xây dựng hệ thống dữ liệu hành chính liên thông thống nhất, với mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý của Nhà nước, công tác quản lý điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương. Tổng cục trưởng đồng thời bày tỏ cảm ơn sự hỗ trợ, đồng hành của UNFPA và cá nhân bà Naomi Kitahara trong thời gian qua, cảm ơn sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các bộ, ngành, tổ chức và cá nhân trong nước và quốc tế đã cùng chia sẻ kinh nghiệm và có những ý kiến đóng góp quan trọng tại Hội thảo.
 
Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế sử dụng dữ liệu hành chính phục vụ công tác thống kê dân số 1
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh, tổng điều tra dân số và nhà ở (TĐT) đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thống kê quốc gia, cung cấp thông tin cơ bản để xây dựng, triển khai và đánh giá các chính sách, chiến lược và chương trình của quốc gia, cũng như cho phép so sánh quốc tế. Trong những thập kỷ gần đây, để hiện đại hóa TĐT, một số quốc gia đã sử dụng dữ liệu hành chính để phục vụ cho công tác điều tra dân số, từ nhiều hệ thống đăng ký khác nhau (hệ thống đăng ký dân số, hệ thống quản lý nhà ở/đăng ký địa chỉ, hệ thống an sinh xã hội...) được đối sánh thông qua việc áp dụng mã số định danh cá nhân. Tại Việt Nam, cuộc TĐT gần đây nhất được tiến hành vào năm 2019, đánh dấu với lần đầu tiên công nghệ thông tin tiên tiến được sử dụng trong tất cả các giai đoạn Tổng điều tra, đặc biệt là trong công tác thực địa. Điều này đã giúp cải thiện đáng kể chất lượng và tính minh bạch của dữ liệu được thu thập, rút ngắn thời gian xử lý, giảm sai sót của con người và phổ biến kết quả điều tra trong thời gian ngắn kỷ lục (7 tháng). Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam, việc ứng dụng rộng rãi công nghệ số cũng như sử dụng các nguồn dữ liệu khác nhau như dữ liệu hành chính hay dữ liệu lớn cho các TĐT và điều tra khác đã trở thành ưu tiên chiến lược mới cho ngành Thống kê. Điều này càng trở nên ý nghĩa hơn khi TCTK đang chuẩn bị cho Điều tra Dân số và Nhà ở giữa kỳ 2024 và các cuộc điều tra khác tới đây. Với mức độ đa dạng của các nguồn dữ liệu hành chính, cũng như quy mô dân số và đặc điểm tăng trưởng kinh tế-xã hội đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam, điểm then chốt là TCTK cần nắm được những kinh nghiệm và các bài học từ các quốc gia khác, giúp Việt Nam chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi từ TĐT theo phương pháp truyền thống sang áp dụng phương pháp kết hợp hoặc dựa trên dữ liệu hành chính với các chủ đề dựa trên sự sẵn có của số liệu, cho đến khả năng công nghệ. UNFPA sẵn sàng hỗ trợ cho tiến trình này vì mục tiêu chung là “Dữ liệu tốt hơn, Cuộc sống tươi đẹp hơn”.

Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe đại diện Vụ Thống kê Dân số và Lao động (TCTK) và đại diện Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về Dân cư (Bộ Công an) trình bày về các vấn đề: (1) Sử dụng dữ liệu hành chính phục vụ công tác thống kê trong lĩnh vực dân số: Cơ hội, thách thức và giải pháp; (2) Thực trạng và bài học kinh nghiệm trong việc kết nối Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư với các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
 
Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế sử dụng dữ liệu hành chính phục vụ công tác thống kê dân số 2
Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương và Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara  
đồng chủ trì phần trao đổi, thảo luận của các đại biểu
 
Các đại biểu đồng thời được nghe các chuyên gia quốc tế đến từ Cơ quan Thống kê một số quốc gia chia sẻ kinh nghiệm sử dụng dữ liệu hành chính với các chủ đề: Chuẩn bị cho Tổng điều tra Dân số và Nhà ở sử dụng Dữ liệu hành chính: Cơ hội và Thách thức - Bài học từ Thái Lan; Sử dụng dữ liệu hành chính hỗ trợ Tổng điều tra Dân số tiến hành theo phương pháp truyền thống tại Australia; So sánh TĐT theo phương pháp truyền thống với TĐT sử dụng dữ liệu hành chính: Ưu điểm, hạn chế và bài học kinh nghiệm từ điều tra dựa trên dữ liệu hành chính tại Thổ Nhĩ Kỳ; Sử dụng dữ liệu hành chính trong thống kê và tổng điều tra dân số tại Nauy; Tính toán các chỉ tiêu dân số từ TĐT dựa trên dữ liệu hành chính của Đan Mạch; Tổng điều tra Dân số Mông Cổ 2020: Thu thập và xử lý số liệu; Tổng điều Dân số và Nhà ở dựa trên dữ liệu hành chính của Hàn Quốc.
 
Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế sử dụng dữ liệu hành chính phục vụ công tác thống kê dân số 3
Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo cũng dành thời gian để các đại biểu trao đổi, thảo luận về nhiều nội dung liên quan đến việc ứng dụng cơ sở dữ liệu hành chính như: Vấn đề quản lý hộ khẩu; dữ liệu hộ tịch; xử lý, điều chỉnh khi có sự sai khác thông tin; bảo mật thông tin của người dân…/.
B.N

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top