Thông tin về công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài những tháng đầu năm 2024, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước tiếp tục được đẩy mạnh.
Công tác tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quản lý chặt chẽ hơn. Cùng với đó, công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi là việc ở nước ngoài cũng được chú trọng.
Kiểm tra công tác tổ chức kỳ thi tiếng Hàn cho người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.
Ảnh: MOLISA
Thời gian qua, Bộ cũng tiếp tục trao đổi với các thị trường để thúc đẩy hợp tác quan hệ lao động. Với thị trường Nhật Bản, Bộ đề xuất phía bạn mở thêm nhóm nghề kỹ năng đặc định tiếp nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực nhà hàng và sản xuất chế biến thực phẩm. Đây là hai lĩnh vực lợi thế của Việt Nam và Bộ cũng đã có những khảo sát đánh giá nhu cầu trong 2 lĩnh vực này là rất lớn.
Với thị trường Hungary, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại nước này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị phía bạn làm rõ hơn các vấn đề về hành lang pháp lý, tạo điều kiện để hỗ trợ người lao động Việt Nam đi làm việc.
Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ lao động Việt Nam trong việc cấp VISA lao động; hỗ trợ các đơn vị tuyển chọn lao động Việt Nam trong việc đào tạo ngoại ngữ để giúp lao động dễ hòa nhập hơn trong môi trường mới…
Với thị trường Ả-rập Xê-út, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định tiềm năng phát triển quan hệ lao động giữa hai nước là rất lớn, tuy nhiên hiện chưa khai thác được những kết quả tương xứng, đặc biệt trong vấn đề hợp tác nhân lực về đào tạo nghề.
Theo thống kê, hiện nay có khoảng 5.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Ả-rập Xê-út, chủ yếu là lao động giúp việc gia đình, xây dựng, dịch vụ nhà hàng. Đây là con số chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác phát triển của hai nước, một phần nguyên nhân liên quan đến thể chế pháp luật và khoảng cách địa lý giữa hai nước.
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong tháng 4/2024, số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 12.430 người (2.710 lao động nữ).
Trong đó, thị trường Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu với 6.301 lao động (2.592 lao động nữ), Đài Loan 5.127 lao động nam, Hàn Quốc 108 lao động nam, Trung Quốc 137 lao động nam, Nga 40 lao động nam, Romania 101 lao động (20 lao động nữ).
Hungary 56 lao động (8 lao động nữ), Singapore 123 lao động nam, Ma cao 43 lao động (4 lao động nữ), Ả-rập Xê-út 67 lao động (52 lao động nữ), Algeria 40 lao động nam, Thái Lan 105 lao động nam và các thị trường khác.
Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đưa 48.363 người đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài, đạt 38,7% kế hoạch năm 2024. Theo kế hoạch, năm 2024 sẽ đưa khoảng 125.000 người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Trong thời gian tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục đẩy mạnh, và nâng cao chất lượng công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp; tăng cường hỗ trợ người lao động về nước đúng hạn hòa nhập thị trường lao động trong nước./.
Phúc Minh
https://vneconomy.vn/hon-48-000-nguoi-viet-di-xuat-khau-lao-dong-trong-4-thang-dau-nam.htm