Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022

29/12/2022 - 11:13 AM

Sáng ngày 29/12/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương chủ trì buổi Họp báo.

Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 

Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương chủ trì họp báo

Tham dự buổi họp báo tại điểm cầu trực tiếp có các Phó Tổng cục trưởng TCTK: Nguyễn Trung Tiến, Lê Trung Hiếu; lãnh đạo, chuyên viên các đơn vị thuộc TCTK; đại diện các cơ quan thông tấn báo chí và các bộ, ngành. Tại các điểm cầu trực tuyến có lãnh đạo, công chức thuộc 63 Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội XIII đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát sao tình hình, sự thay đổi chính sách của các nước để kịp thời ban hành các chính sách tiền tệ, tài khóa và các giải pháp vĩ mô phù hợp. Đồng thời triển khai tích cực, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, nền kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện góp phần tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Một số ngành đã có mức tăng trưởng cao hơn năm trước khi có dịch Covid-19.

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương trong năm 2022 tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2022 ước tính tăng 5,92% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,7% và 5,17% của cùng kỳ năm 2020 và 2021 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011-2019. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,85%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,22%; khu vực dịch vụ tăng 8,12%. Về sử dụng GDP quý IV/2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,12% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 82,6% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 5,61%, đóng góp 43,78%.

Ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022 do nền kinh tế khôi phục trở lại. Trong mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%, đóng góp 38,24%; khu vực dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp 56,65%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, trong đó sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, xuất khẩu nông sản đạt kết quả ấn tượng do nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Ngành nông nghiệp tăng 2,88%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 6,13%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,43%, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, các doanh nghiệp đã chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,10%, đóng góp 2,09 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Khu vực dịch vụ được khôi phục và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng năm 2022 đạt 9,99%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Ngành bán buôn, bán lẻ tăng 10,15% so với năm trước, đóng góp 0,97 điểm phần trăm; ngành vận tải kho bãi tăng 11,93%, đóng góp 0,69 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 40,61%, đóng góp 0,79 điểm phần trăm…

Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 1

 

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương và các lãnh đạo đơn vị TCTK
 trả lời câu hỏi của các phóng viên

 

 

 

Hoạt động của doanh nghiệp trong năm 2022 cho thấy tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 208,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2022 cho thấy: Có 66,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn và ổn định so với quý III/2022, 33,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

Trong năm 2022, cả nước có 148,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.590,9 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 981,3 nghìn lao động, tăng 27,1% về số doanh nghiệp, giảm 1,3% về vốn đăng ký và tăng 14,9% về số lao động so với năm trước.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2022 cho thấy: Có 32,6% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý III/2022; 33,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 33,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý I/2023, có 31,5% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý IV/2022; 37,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 31,2% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.

Về khoa học công nghệ tính đến tháng 11/2022, tiếp nhận 71.071 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021; xử lý 68.157 đơn, tăng 5%; cấp 43.444 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp, tăng 22,1%.

Về chuyển đổi số, trên cổng dịch vụ công quốc gia tính đến ngày 22/12/2022, số thủ tục hành chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến là 4.298 thủ tục; 2.439 dịch vụ công cho công dân, 2.253 dịch vụ công cho doanh nghiệp; số hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý lên cổng Dịch vụ công quốc gia là 155,5 triệu hồ sơ; số hồ sơ trực tuyến thực hiện qua cổng Dịch vụ công quốc gia là 6,7 triệu hồ sơ.

Về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu, theo công bố tại Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) năm 2022 Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua (tăng 20 bậc), xếp vị trí 48/132 quốc gia, giảm 4 bậc so với năm 2021

Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 2 

Toàn cảnh buổi họp báo

Hoạt động thương mại, dịch vụ tiêu dùng, vận tải, du lịch năm 2022 khôi phục mạnh mẽ khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Tính chung cả năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,6% (năm 2021 giảm 6,7%).

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước, mức tăng này phản ánh đà phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước, đạt mức cao nhất từ năm 2018 đến nay.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2022 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt gần 27,72 tỷ USD, giảm 11% so với năm trước.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài năm 2022 có 109 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 426,6 triệu USD, tăng 4,3% so với năm trước; có 26 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 107,4 triệu USD (năm 2021 điều chỉnh giảm 776 triệu USD).

Về xuất nhập khẩu, năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD.

Để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, TCTK đưa ra một số nội dung trong tâm cần thực hiện, đó là: Theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới, diễn biến chính sách tài khóa tiền tệ các nước, các khu vực có quy mô nền kinh tế lớn là đối tác thương mại đầu tư chủ yếu của Việt Nam. Chủ động có phưong án ứng phó kịp thời đối với những tình huống phát sinh… nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng kinh tế trong năm tới; Chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ; Bộ, ngành địa phương có các giải pháp quyết liệt thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; Đẩy mạnh sản xuất trong nước nhất là các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu đầu vào; tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, chủ động phương án phòng chống thiên tai cảnh báo mưa lũ, sạt lở và tác động của hạn hán xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới hoạt động sản xuất và đời sống của người dân; Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội lao động việc làm, công tác trợ cấp xã hội, trợ giúp đột xuất đảm bảo người dân không gặp rủi ro thiên tai, được hỗ trợ kịp thời và khắc phục khó khăn ổn định cuộc sống; Nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của các ngành, các cấp. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực.

Tại buổi họp báo, TCTK đã dành nhiều thời gian giải đáp thỏa đáng câu hỏi của các nhà báo về các vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội Quý IV và năm 2022 và gửi tới các đại biểu thông cáo báo chí về tình hình kinh tế xã hội quý IV và năm 2022; thông cáo báo chí về tình hình giá tháng 12, quý IV và năm 2022; Thông cáo báo chí về báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành xây dựng quý IV năm 2022 và dự báo quý I năm 2023; Tổng quan dự báo tình hình kinh tế thế giới quý IV năm 2022 và năm 2023./.

M.T


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top