Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội năm 2024

04/01/2025 - 09:39 PM
Chiều ngày 3/1/2025, tại Hà Nội, Cục Thống kê thành phố Hà Nội họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế -xã hội thành phố Hà Nội năm 2024. Bà Nguyễn Thúy Chinh, Phó Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Hà Nội chủ trì buổi họp báo.

Tham dự buổi họp có đại diện lãnh đạo và chuyên viên Cục Thống kê thành phố Hà Nội; lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan.
 
Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thúy Chinh, Phó Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Hà Nội điểm qua một số nét nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội năm 2024.
 
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố năm 2024 ước tính tăng 6,52% so với năm trước, quy mô gần 59 tỷ USD, lớn thứ 2 cả nước. GRDP của Thành phố có xu hướng cải thiện qua từng quý (quý I tăng 5,41%; quý II tăng 6,80%; quý III tăng 6,71%; quý IV tăng 7,01%), là kết quả khá tích cực và đáng ghi nhận.

 
Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội năm 2024
Bà Nguyễn Thúy Chinh, Phó Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Hà Nội điểm qua một số nét nổi bật
về tình hình kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội năm 2024
 
Khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, tiếp tục tăng trưởng khá 7,14% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 4,72 điểm % vào mức tăng GRDP năm 2024. Trong đó, một số ngành, lĩnh vực tăng cao, đóng góp nhiều vào tăng trưởng GRDP chung của Thành phố: Thông tin, truyền thông tăng 6,12%, đóng góp 0,91 điểm %; bán buôn, bán lẻ tăng 8,58%, đóng góp 0,85 điểm %; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 7,15%, đóng góp 0,76 điểm %; hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 16,24%, đóng góp 0,55 điểm %; vận tải, kho bãi tăng 6,2%, đóng góp 0,49 điểm %; hoạt động chuyên môn khoa học, công nghệ tăng 6,48%, đóng góp 0,41 điểm %.
 
Khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2024 ước tính tăng 6,21% so với năm trước (cao hơn mức tăng 5,05% của năm trước), đóng góp 1,34 điểm % vào mức tăng GRDP. Để đạt được mức tăng trưởng trên, các doanh nghiệp đã nỗ lực phục hồi sản xuất kinh doanh, tìm thị trường tiêu thụ… cùng sự vào cuộc kịp thời của chính quyền Thành phố trong việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Ước tính giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2024 tăng 6,20%, đóng góp 0,82 điểm % vào mức tăng chung (ngành chế biến, chế tạo tăng 5,82%; sản xuất phân phối điện tăng 9,48%; cung cấp nước và xử lý, nước thải tăng 10,32%).
 
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính tăng 2,52% so với năm 2023, đóng góp 0,05 điểm % vào mức tăng GRDP. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 4,0%, đóng góp 0,41 điểm % vào mức tăng GRDP.
 
Quy mô GRDP năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 1.426 nghìn tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 163,5 triệu đồng, tăng 8,8%. Cơ cấu GRDP năm 2024: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 1,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 22,79%; khu vực dịch vụ chiếm 65,6%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,65% (cơ cấu GRDP năm 2023 tương ứng là: 1,98%; 23,17%; 64,89% và 9,96%).
 
Năm 2024, ngành Nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, đặc biệt cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho lúa và cây trồng vụ Mùa. Tuy nhiên với tinh thần chủ động kịp thời, nỗ lực vượt khó, nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai ngành Nông nghiệp đã đạt được những kết quả nhất định. Chăn nuôi phát triển cả về năng suất và chất lượng; bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm và an sinh xã hội. Hoạt động nuôi trồng thủy sản tiếp tục được duy trì.
 
Hoạt động sản xuất công nghiệp có xu hướng phục hồi tích cực, quý sau cao hơn quý trước, 4/4 ngành công nghiệp cấp I tăng so với năm trước, nhiều đơn hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực tăng khá. Tính chung cả năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,9% so với năm 2023, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,4%; chỉ số tiêu thụ tăng 8,2%; chỉ số tồn kho cuối năm 2024 giảm 11,5% so với cuối năm 2023.
 
Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước tăng 10,5% so với năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tăng 38,7%; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2,2 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2023, đứng thứ 5 cả nước về thu hút vốn FDI.
 
Thương mại, dịch vụ tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung của Thành phố, đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng GRDP. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm 2024 ước đạt 853,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 539,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 63,2% tổng mức và tăng 11% so với năm trước. Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 117,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,7% tổng mức và tăng 11,7%. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 27,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,3% và tăng 34,3%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 168,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,8% và tăng 6,8%.
 
Xuất nhập khẩu phục hồi và tăng trưởng đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Thủ đô. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cả năm đạt 60,1 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2023, vượt kế hoạch đề ra, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 19,1 tỷ USD, tăng 14,8%; nhập khẩu đạt 41 tỷ USD, tăng 9,4%.
 
Thu ngân sách đạt kết quả tích cực, tổng thu ngân sách Nhà nước cả năm ước thực hiện 509,3 nghìn tỷ đồng, đạt 124,7% dự toán pháp lệnh năm và tăng 23,8% so với năm trước, trong đó: Thu nội địa 473,8 nghìn tỷ đồng, đạt 125,2% dự toán và tăng 24,3%; thu từ dầu thô 4,8 nghìn tỷ đồng, đạt 158,8% và tăng 5,2%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 30,4 nghìn tỷ đồng, đạt 112,7% và tăng 25,4%.
 
Các hoạt động du lịch, văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao diễn ra sôi động; thị trường lao động việc làm, an sinh xã hội được đảm bảo và cải thiện. Trong năm, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 225,9 nghìn lao động, đạt 136,9% kế hoạch năm, tăng 5,4% so với năm trước, quyết định trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp cho 76,8 nghìn người với số tiền 2.386 tỷ đồng.
 
Chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế năm 2024 tiếp tục được Thành phố tổ chức thực hiện hiệu quả. Theo Báo cáo của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, tính đến hết tháng 12/2024, tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế của Thành phố đạt 95,3% dân số với 8,17 triệu người tham gia, tăng 2,5% so với cuối năm 2023, vượt 0,8% kế hoạch năm; hơn 2,1 triệu người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng 4,5%, vượt 1% kế hoạch năm; hơn 107 nghìn người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 21,2% và 2.070 nghìn người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp, tăng 4,7%.

 
Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội năm 2024 1
Toàn cảnh buổi họp báo
 
Theo Phó cục trưởng Nguyễn Thúy Chinh, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), năm tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và chuẩn bị, củng cố các yếu tố tạo nền tảng, tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030. Vì vậy, để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội Thành phố giai đoạn 2021 - 2025, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
 
Một là, chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030; triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả Luật Thủ đô 2024 đã được Quốc hội thông qua và Quy hoạch Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
Hai là, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân tối đa nguồn vốn đầu tư công, huy động tốt nguồn vốn tư nhân cho đầu tư phát triển.
 
Ba là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến.
 
Bốn là, tăng cường các biện pháp quản lý thị trường, kiểm soát tốt giá cả hàng hóa; bảo đảm cân đối cung - cầu thị trường; tăng cường kiểm tra phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng.
 
Năm là, các doanh nghiệp tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu, mở rộng việc tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử; đảm bảo phân phối sản phẩm hàng hóa gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; thúc đẩy mạnh mẽ mô hình chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp và xuất khẩu...
 
Sáu là, kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nhằm đảm bảo cung cấp thực phẩm tiêu dùng; tiếp tục thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng diện tích trồng lúa chất lượng cao, cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị kinh tế.
 
Bảy là, thực hiện tốt công tác an sinh, phúc lợi xã hội, lao động, việc làm; quan tâm, chăm sóc chu đáo đối với người có công, đối tượng trợ giúp xã hội, hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng chính sách thường xuyên và đột xuất...
 
Cũng tại buổi họp báo, Phó Cục trưởng Nguyễn Thúy Chinh đã trao đổi với các phóng viên về một số nội dung trình bày trong báo cáo nhằm làm rõ thêm về bức tranh kinh tế -xã hội của Thành phố./.
 
Thu Hường
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top