Tổng cục Thống kê họp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

01/06/2023 - 02:31 PM

Sáng ngày 1/6/2023, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức cuộc họp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương chủ trì cuộc họp.

Tham dự cuộc họp có các Phó Tổng cục trưởng: Nguyễn Trung Tiến, Lê Trung Hiếu cùng thủ trưởng các đơn vị hành chính thuộc TCTK, Viện Khoa học Thống kê và chuyên viên tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại các đơn vị.
 Họp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương phát biểu chỉ đạo cuộc họp

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nêu rõ, hiện nay, việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có rất nhiều bước và yêu cầu bắt buộc trình tự thủ tục, quy định chặt chẽ. Trong gần một năm qua, có một số văn bản xây dựng còn chậm và rất khó đảm bảo tiến độ. Để tránh tình trạng này, tại cuộc họp, các đại biểu tham dự sẽ cùng chia sẻ kiến thức trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Vụ Phương pháp chế độ và quản lý chất lượng thống kê (Vụ PPCĐ) báo cáo toàn bộ quy trình bắt buộc trong quá trình xây dựng một số văn bản pháp luật để các thủ trưởng đơn vị nắm được và vận dụng trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật sau này của đơn vị. 

Quy trình xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật gồm các nội dung như: Những vấn đề chung; Quy trình xây dựng nghị định của Chính phủ; Quy trình xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Quy trình xây dựng thông tư của Bộ trưởng.

Về những vấn đề chung: Trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có một số văn bản quy phạm pháp luật Tổng cục Thống kê đã trình cấp có thẩm quyền ban hành gồm: Luật, Nghị định của Chính phủ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành.

Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật gồm: Bảo đảm tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện của văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính; Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về quy trình xây dựng một nghị định của Chính phủ gồm 2 phần: A.Quy trình lập đề nghị xây dựng nghị định và B. Quy trình xây dựng nghị định. Tuy nhiên quy trình này chỉ áp dụng khi xây dựng nghị định theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 Luật ban hành VBQPPL. Còn đối với việc xây dựng nghị định theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật ban hành VBQPPL chỉ thực hiện các nội dung ở phần B.

Về Quy trình xây dựng quyết định của Thủ tướng Chính phủ gồm 5 bước: Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ xây dựng quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Bước 2. Lấy ý kiến đối với dự thảo quyết định; Bước 3. Thẩm định dự thảo quyết định; Bước 4. Chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Bước 5. Kiểm tra, xử lý hồ sơ, trình ký ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Về Quy trình xây dựng thông tư của Bộ trưởng gồm 5 bước: Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ xây dựng thông tư; Bước 2. Lấy ý kiến đối với dự thảo thông tư; Bước 3.. Thẩm định dự thảo thông tư; Bước 4. Chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự thảo thông tư; Bước 5. Xem xét, ký ban hành thông tư.

 Họp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật 1

Toàn cảnh cuộc hợp

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến hướng tới tạo thuận lợi trong triển khai xây dựng và phối hợp giữa các vụ để đảm bảo tốt đúng tiến độ về thời gian và chất lượng trong thực hiện xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, có ý kiến cho rằng khi tiến hành xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cần xây dựng hướng dẫn cụ thể để các Vụ nắm rõ các bước cần phải làm.

Tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến chia sẻ những khó khăn các Vụ gặp phải trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Cho ý kiến vào việc cần xây dựng hướng dẫn cụ thể để các vụ nắm rõ các bước cần phải làm, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến cho rằng, tài liệu Vụ PPCĐ chuẩn bị cơ bản đã cho thấy rõ các bước cần phải làm trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, căn cứ vào tài liệu này, các Vụ có ý kiến để Vụ PPCĐ làm rõ giúp các Vụ hiểu hơn mà không cần phải có ban hành hướng dẫn cụ thể.

Phó Tổng cục trưởng Lê Trung Hiếu cho rằng, tài liệu về các quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Vụ PPCĐ chuẩn bị đã bám sát đầy đủ các luật, văn bản pháp luật. Hiện nay, một số văn bản quy phạm pháp luật đang có tiến độ xây dựng còn khá chậm. Do đó cần có đánh giá và biện pháp để đẩy nhanh quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đang bị chậm tiến độ.

Phát biểu kết thúc hội thảo, Tổng cục trường Nguyễn Thị Hương đánh giá cáo tinh thần chia sẻ, phối hợp và chủ động xây dựng tài liệu của Vụ PPCĐ, qua đó giúp các Vụ tiếp tục nâng cao nhận thức trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luậtTổng cục trường yêu cầu Vụ PPCĐ tập trung hoàn thiện phần quy trình, quy định thủ tục; còn các nội dung liên quan đến chuyên ngành thì các Vụ chuyên môn phải chịu trách nhiệm.

Trong thời gian tới, để đảm bảo tiến độ trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Tổng cục trường Nguyễn Thị Hương yêu cầu Văn phòng thông báo từ đầu năm và kiểm điểm thường xuyên hàng tháng đối với quá trình hoặc quy trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Vụ PPCĐ phối hợp với các Vụ xây dựng kế hoạch cụ thể về thời gian, công việc cần phải triển khai ở từng khâu và phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, để trên cơ sở đó, các Vụ chủ động thực hiện, đảm bảo đúng tiến độ./.

M.T

 

 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top